Nhà sưu tập nghệ thuật thời nay - Họ là ai?

23/5/2013

Phạm Long 

Ngày trước, việc sưu tầm nghệ thuật hẳn là công việc chỉ dành cho những nhà giàu có, cự phú, hay xưa hơn, của cung vua phủ hoặc chí ít là các vương công quý tộc có địa vị trong xã hội. May thay, bây giờ công việc sưu tầm nghệ thuật được “dân chủ hóa”.
Bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhà sưu tập, miễn là có dư chút tiền và niềm đam mê nghệ thuật. Tuy thế, có một điều bất di bất dịch: sưu tập nghệ thuật là phải dựa trên niềm khát khao và say mê dài lâu chứ không phải căn cứ theo nhu cầu nhất thời. Tất cả những người sưu tầm thực thụ, dù trẻ hay già, giàu hay không giàu, đều luôn có niềm đam mê với nghệ thuật.

Nhà sưu tập nghệ thuật Đức Minh và họa sĩ Lê Thị Lựu


Trong xã hội đương đại, nói chung có ba hạng người chuyên mua sắm và lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật:

1. Hạng thứ nhất: những người mắc căn bệnh trầm kha là “bệnh” sưu tầm nghệ thuật: họ mua sắm liên hồi, mua sắm mãi, cứ dư giả một chút là họ lại lồng lên tìm mua các tác phẩm nghệ thuật, cho đến khi tất cả không gian nhà mình phủ kín tranh tượng, hoặc kho lưu trữ gia đình đầy ắp, hoặc tới lúc cạn ví mới tạm ngừng lại. Những người này nhiều khi cũng không hiểu họ mua sắm tác phẩm làm gì: thỏa mãn thói háo danh chăng (vợ chồng mình là ngôi sao, là người người nổi tiếng, thì trong nhà phải treo nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng chứ nhỉ ?); cay cú với những đại gia khác chăng (“thứ hạng người giàu của nó kém mình mà sao nhà lại nhiều tranh tượng oách thế ?) hay đơn giản chỉ vì không biết tiêu hết số tiền cha ông để lại cho nên tìm thú vui trong việc ngao du với nghệ sĩ và mua tác phẩm của họ (“mình quý anh em nghệ sĩ thì cũng phải làm từ thiện cho các nghệ sĩ nghèo chứ?”)

2. Hạng thứ hai: những người say sưa trong những trải nghiệm sưu tầm, và giống như các nghệ sĩ, họ như cảm thấy luôn có sự thôi thúc bởi một động lực bên trong, ngày một mạnh mẽ hơn, để rồi luôn sẵn sàng lao vào mối quan hệ đầy đam mê này, bất chấp khía cạnh chức năng, chất liệu, hay tính năng của các tác phẩm nghệ thuật mà họ sưu tầm.
Những người này luôn sưu tầm nghệ thuật với một sự định hướng cao và / hoặc với một mục đích cao cả nào đó: lưu giữu tác phẩm của dòng họ; lưu giữ tài sản văn hóa cho quê hương; xây dựng những bộ sưu tập có giá trị lịch sử và văn hóa để truyền lại cho hậu thế,…


Nhà sưu tập Đức Minh và các họa sĩ: Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Bá Đạm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên


3. Hạng thứ ba: những con buôn giả danh sưu tập gia nghệ thuật, những người lấy mối hời trong việc mua đi bán lại nghệ phẩm làm trọng. Những người này vì đặt lợi ích kiếm lời lên trên mục đích cao quý là “chơi” và lưu giữ lâu dài các tác phẩm nghệ thuật nên họ rất dễ tiếp tay, vô tình hay cố ý, cho những kẻ lừa đảo chuyên tổ chức các phi vụ làm tranh giả, đồ nghệ thuật giả, hoặc thậm chí tuồn tranh thật đồ thật từ các viện bảo tàng hay các bộ sưu tập danh tiếng ra ngoài thị trường, đánh tráo vào đó những thứ phế thải hay của rởm.

Trong 3 hạng người chuyên săn lùng mua bán các tác phẩm nghệ thuật kể trên, có lẽ chỉ có hai hạng người đầu tiên là đáng được xem như những sưu tập gia thực thụ. Hai hạng người này, mà có lẽ rất nhiều trong số họ vẫn chưa nhận ra, họ có một đặc điểm chung về tính cách rất quan trọng. Đó là cơn khát truy lùng tiếp các tác phẩm sau những lần mua bán và khuân xong nghệ phẩm về nhà ; họ chưa bao giờ thỏa mãn cơn ghiền sắm tranh tượng, kể cả khi quá trình sưu tầm say mê của họ tạm thời đạt được một vài tiêu chí: mua được tác phẩm đã lùng kiếm bấy lâu, sưu tầm được tác phẩm của tác giả quý hiếm hay mình yêu quý. 
Những cuộc triển lãm mỹ thuật là nơi gặp gỡ rất hữu ích đối với các sưu tập gia, vừa là dịp để họ nâng cao kiến thức thẩm mỹ, vừa để duy trì hoặc phát triển mối quan hệ với các nghệ sĩ và giới nghệ thuật.
Nhưng đã là một nhà sưu tầm nghệ thuật, nhất là đang thu thập các tác phẩm của những nghệ sĩ có “chất lượng bảo tàng”, lại đã sở hữu niềm đam mê với nghệ thuật rồi, thì để thành một người sưu tầm có trách nhiệm mà chỉ có tình yêu nghệ thuật liệu thôi (và cũng không quá nghèo khó, tất nhiên) đã đủ chưa?
Chắc chắn không. Sưu tập gia cần có những phẩm chất và kỹ năng khác nữa. Trừ hạng người chỉ “có trách nhiệm” với công tác thu mua nghệ phẩm mang tính thời vụ, kiểu như một kẻ môi giới mua đi bán lại để kiếm tí lời trong các hội chợ nghệ thuật, hoặc cũng chỉ coi đó là một thú “từ trên trời rơi xuống” (như một chủ quán cà phê kiêm sưu tập gia bất đắc dĩ ở Hà Nội thế kỷ trước chẳng hạn), hoặc lấy đó là kế sinh nhai “gia truyền” của gia đình (như một số nhà buôn nghệ thuật kiêm sưu tầm đồ cổ Hà Nội hiện nay), hoặc một kiểu đầu tư vốn vào mảng thị trường đặc thù mà sưu tập gia kiêm chủ gallerry lại là người có ưu thế (học mỹ thuật ra, học kinh doanh ở nước ngoài về sẵn có mối quan hệ làm ăn với họa sĩ và các gallery hay khách hàng trong ngoài nước), vân vân và vân vân… thì các nhà sưu tầm có trách nhiệm với nghệ thuật, và hơn nữa, với lịch sử, không thể không có 4 kỹ năng cơ bản dưới đây trong công tác sưu tầm nghệ phẩm:

1. Xây dựng tài liệu cho tác phẩm:

Điều quan trọng mà một sưu tập gia muốn thành công là họ phải đạt tới tính chuyên nghiệp. Như vậy, việc hoàn thành những tập tư liệu cho từng tác phẩm nghệ thuật một trong bộ sưu tập phải được tiến hành nghiêm cẩn, thường xuyên và có ý thức trách nhiệm cao. Các hồ sơ tư liệu về tác phẩm phải được xem là nguồn tài nguyên vô giá khi có người có nhu cầu phát sinh trong việc phục hồi tác phẩm (về sau này), hoặc trong trường hợp tác phẩm bị hư hỏng hay thất lạc. Hình thức tốt nhất và kinh tế nhất của tài liệu là các phim slide 35mm. Các slide nên được dán nhãn rõ ràng bao gồm tên nghệ sĩ, tiêu đề tác phẩm, ngày hoàn thành, chất liệu, và kích thước. Ngoài ra, cũng nên có ký hiệu để chỉ mặt phía trên và phía trước của tác phẩm. Hãy nhớ rằng, slide 35mm xét về mặt lưu trữ sẽ không bền, do đó, trong nhiều trường hợp, cần có cả những bản ghi chép kỹ với những chỉ số màu chi tiết.

2. Lập thông tin tiểu sử tác giả:

Một điều khác cũng quan trọng là bản thân sưu tập gia phải có các thông tin về các hoạt động của các nghệ sĩ, và có hồ sơ lưu trữ các tài liệu liên quan đến hoạt động nghề nghiệp, xã hội hay các hoạt động khác (nghệ sĩ thường là người có cuộc sống cực kỳ khác thường, phong phú, đa dạng) của họ. Những bài viết và phê bình cũng như các thông báo triển lãm nên được lưu giữ trong những tập hồ sơ dành cho mỗi nghệ sĩ mà nhà sưu tập đã có tranh hoặc đang quan tâm. Điều này sẽ làm tăng giá trị của các tác phẩm được xem như có liên quan tới sự nghiệp của một nghệ sĩ. Tối thiểu, nhà sưu tập nên giữ một cuốn tiểu sử cập nhật nhất hoặc sơ yếu lý lịch của nghệ sĩ. Một số nhà sưu tập cũng yêu cầu các nghệ sĩ viết cho họ một tuyên ngôn (statement) ngắn gọn về công việc/tác phẩm cụ thể của mình. Điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được, nhưng nếu sưu tập gia có cơ hội tiếp xúc được với nghệ sĩ, thì statement của nghệ sĩ sẽ là một nguồn tư liệu bổ sung quý giá mà chỉ có thể thu thập được từ các nghệ sĩ còn sống (và điều này cũng còn phụ thuộc vào mối quan hệ của nhà sưu tập với các nghệ sĩ).

3. Nắm vững thông tin xuất xứ:

Trong hầu hết trường hợp, sưu tập gia mua được một tác phẩm trực tiếp từ một gallery hoặc từ nghệ sĩ nhưng rất có khả năng tác phẩm nghệ thuật đó chưa có một “chứng tích” lịch sử nào được ghi lại, ví dụ như trong các cuộc triển lãm nào đó trước đây hoặc đã từng thuộc bộ sưu tập nào. Tuy nhiên, đôi khi một tác phẩm cụ thể mà sưu tập gia sở hữu đã được trưng bày trước đó hoặc do một gallery hay người nào đó sở hữu, điều này cần phải được ghi lại chính xác, và được gọi là "xuất xứ".
Giữ hồ sơ chính xác về tác phẩm và bộ sưu tập sẽ cho phép sưu tập gia dễ dàng lấy được thông tin ngay lập tức cho những triển lãm trong tương lai và/hoặc để làm vựng tập/catalog. Cũng cần phải sao lưu dự phòng bộ hồ sơ này để phục vụ các công tác bảo hiểm và thuế. Khi bộ sưu tập phát triển, cả bề rộng và chiều sâu, cũng rất tốt nếu chủ nhân của bộ sưu tập có thể có được những đánh giá định kỳ của giới chuyên nghiệp.

4. Trao đổi thông tin chuyển nhượng, trưng bày:

Cuối cùng, như là một ưu đãi cho các nghệ sĩ và cũng nhằm giúp duy trì mối quan hệ tốt với họ, các sưu tập gia nên cho các nghệ sĩ/tác giả biết các thông tin về việc chuyển nhượng, trao đổi, trưng bày hay bán các tác phẩm nghệ thuật của họ. Các nghệ sĩ cần phải và có quyền nắm được thông tin về các tác phẩm của mình [Theo Luật pháp của tiểu bang California, Hoa Kỳ, người bán phải trả tiền bản quyền là 5% cho các nghệ sĩ căn cứ vào mỗi lần bán hàng có doanh số lớn hơn 1000 đôla], nhất là khi họ có kế hoạch tổ chức các cuộc triển lãm tổng kết từng giai đoạn hay triển lãm hồi cố trong sự nghiệp của mình.
Nếu tất cả những điều nói trên nghe qua có vẻ hơi quá đáng, khiến bạn ngạc nhiên, thì cũng đừng nghĩ rằng biết thế cũng để cho vui [Bài viết này tạm thời chưa bàn tới các tố chất khác của một nhà sưu tầm chuyên nghiệp (bên cạnh yếu tố quan trọng là ưu thế tài chính) như: khiếu thẩm mỹ, trình độ am tường văn hóa nghệ thuật, khả năng kết giao với nghệ sĩ, v.v.]. Hãy nhớ rằng, mỗi sưu tập gia, cũng như người nghệ sĩ, đang trở thành một phần của lịch sử khi họ sẵn sàng thực hiện sứ mệnh trở thành một người sưu tầm nghệ thuật có trách nhiệm.
-------------
Nguồn: Tạp chí Mỹ thuật

Bài liên quan:

2 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!