GIẢ LÈ RA, CÒN CHÀY CỐI

Hà Nhì

Có người hỏi Picasso: “Thế nào là một kỳ tích của hội họa?” Picasso đã trả lời: “Khi sống, Rubens vẽ 2000 bức tranh. Và sau khi ông chết đi, con số đó là 4000”.
Sinh thời, Lưu Công Nhân cũng đã từng nói: “Tôi phải vẽ thật, thật nhiều tranh”. Rồi ông giải thích: “Để làm luôn phần của bọn sẽ làm giả tranh tôi”.
Vậy mà, sau khi Lưu Công Nhân chết chưa đầy 10 năm, đã thấy nhan nhản tranh giả “Lưu Công Nhân” xuất hiện.
… Nguyễn Tư Nghiêm là họa sĩ Việt Nam bị làm giả tranh ngay từ lúc ông còn sống. Chắc chắn, bởi vì Nguyễn Tư Nghiêm sống quá lâu, ông thọ tới 99 tuổi, mà bọn làm giả “háu ăn” thì không bao giờ biết đợi. Một lần, Nguyễn Tư Nghiêm tình cờ ghé vào xem một gallery, và thấy có rất nhiều tranh “Nguyễn Tư Nghiêm” bày ở đó. Ông liền bảo với ông chủ tranh, bằng giọng xứ Nghệ: “Đây không phải là tranh Nguyễn Tư Nghiêm”. Ông chủ trợn mắt, hỏi: “Ông là ai?” Nguyễn Tư Nghiêm trả lời: “Tôi là Nguyễn Tư Nghiêm”… Thế là ông chủ tranh lảng đi, lặng thinh, không nói thêm gì nữa…
Có lần, Nguyễn Tư Nghiêm nói: “Để bán được tranh, người nghệ sĩ cần có một cái tên. Và bọn làm giả tranh cũng lợi dụng vào điều đó.”

* * *

Về tranh giả, trên thế giới, người ta chia thành hai loại: 1. Tranh giả (faux) và 2. Tranh nửa giả (demi-faux). Tranh nửa giả là tranh giả (theo nhiều cách), nhưng chữ ký là thật. Chẳng hạn một số tranh của Corot và của Salvador Dalí. Sinh thời, Corot (còn được gọi là “cha Corot” nhân từ) đã từng giúp một số họa sĩ nghèo bán được tranh bằng cách tự tay ký tên của ông lên tác phẩm của họ. Hiện ở Mỹ có khá nhiều bức “Corot” nửa giả, và lạ thay, chúng rất được trân trọng. Dalí thì thậm chí đã kiếm tiền bằng cách “ký khống” lên hàng ngàn tờ giấy trắng để bọn làm giả sau đó thực hiện tiếp những bức tranh nửa giả mang tên ông…
Điều cần phải nhấn mạnh ở đây là cần phân biệt giữa tranh giả và tranh chép (copie). Tranh chép là một thể loại “hợp pháp” nếu nó có cùng kỹ thuật, chất liệu và không trùng kích thước với tác phẩm gốc, nhằm mục đích nghiên cứu, học tập, giảng dạy; hoặc để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu; hoặc phải được sự đồng ý của tác giả và phải có chú thích là bản sao.

* * *

Tranh giả thông thường xuất hiện ở ba dạng:
1. “Chép tự do”, tức là vẽ phỏng theo, có thêm bớt, một bức tranh thật để tạo ra một phiên bản (version) phái sinh.
2. “Bố cục trích đoạn”, tức là lấy một phần hoặc mượn một vài mô-típ nào đó của bức tranh thật để tạo ra một biến tấu (variation).
3. “Sáng tác”, “xào xáo” dựa trên phong cách học, tức là nghiên cứu phong cách, bút pháp, hệ thống đề tài và kỹ thuật thể hiện của một tác giả để tạo ra những bức tranh hoàn toàn mới.

Riêng ở nước ta, còn có thêm một dạng làm giả nữa - là - “chuyển chất liệu”, tức là chuyển một bức tranh gốc từ chất liệu này sang chất liệu khác để tạo ra một phiên bản mới. Hoặc chuyển một phác thảo gốc chưa sử dụng, một hình họa, một ký họa gốc thành tranh, và ngược lại.
Một bức tranh có chữ ký xác thực của tác giả này nếu bị thay thế bởi chữ ký giả của tác giả khác, hoặc một bức tranh không có chữ ký và không xác định được tác giả nếu bị “áp đặt” bởi một chữ ký giả nào đó - cũng có thể được xem là tranh giả. Việc áp đặt tác quyền cho một tác giả nào đó đối với một tác phẩm chưa xác định chính xác được tác giả (như trường hợp bức tranh "Bình văn" của "Lê Văn Miến" hiện treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) - cũng hàm chứa nguy cơ công nhận một tác phẩm giả đứng tên tác giả đó.
Tranh giả, về căn bản, bắt đầu xuất hiện ở nước ta vào những năm 1990, khi thị trường tranh bắt đầu trở nên sôi động. Kể từ đó đến nay, Bùi Xuân Phái vẫn là họa sĩ bị làm giả nhiều nhất, thậm chí đã có cả tranh giả Bùi Xuân Phái bằng sơn mài, là chất liệu Bùi Xuân Phái không bao giờ sử dụng.
Nếu trước đây, bọn đầu nậu làm tranh giả thường thuê các họa sĩ “rất có chuyên môn” (thậm chí rất nổi tiếng) để làm giả tranh - thì nay - những người được chúng thuê thường rất yếu tay nghề, thậm chí bọn đầu nậu còn “tự” làm lấy, với kết quả... rất “kinh dị”!!!
Và, điển hình cho những bức tranh giả theo đủ các thể loại nói trên - chính - là - một vài bức tranh đã được trưng bày công khai mới đây tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

* * *

Nghe nói, tại triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” có 17 bức tranh. Và cũng nghe nói, dư luận đã cho rằng, trong số đó có 15 bức là giả và có 2 bức thật/giả 50/50?!
Các nhà báo, các công dân mạng vào cuộc dữ dội. Theo thông lệ, họ truy tìm nguồn gốc, lai lịch của các bức tranh. Và các ông chủ tranh, như đã được chuẩn bị sẵn, thì ra sức cãi chày cãi cối. Trong khi, sự thật về các bức tranh, thường xuyên và bao giờ, cũng chủ yếu nằm trên bề mặt của chính các bức tranh.
Vì còn thiếu thông tin, và nhất là không được xem trực tiếp, ở bài viết này, người viết chỉ tạm thời đưa ra mấy nhận định ban đầu như sau:

1. Bức tranh sơn mài “Nguyễn Du đi câu” trưng bày ở đây là một bản chép, và không hề chắc chắn là một “bản chép” của tác giả Nguyễn Tiến Chung. Nếu quy nó thành một tác phẩm của Nguyễn Tiến Chung thì hiển nhiên nó phải bị nghi vấn là một tranh giả.
Trên thực tế, tác phẩm này chỉ có ba bản chắc chắn: một bản hiện treo ở Khu lưu niệm Nguyễn Du (xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, thành lập từ 1965), đã bị hư hỏng nặng; một bản treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và một bản vốn thuộc sưu tập của bà Bội Trân ở Huế.
Cả ba bản “Nguyễn Du đi câu” này đều do họa sĩ Đặng Thị Hồng Hải (cháu gọi Nguyễn Tiến Chung là bác ruột) thể hiện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tác giả Nguyễn Tiến Chung.
Sẽ không có vấn đề gì, nếu bức tranh sơn mài “Nguyễn Du đi câu” hồi hương từ châu Âu được ghi rõ là một bản chép từ một tác phẩm gốc cùng tên của tác giả Nguyễn Tiến Chung. (Và nếu xác định được nó chính là bản đã được chuyển giao từ bà Bội Trân ở Huế, với điều kiện nó vẫn còn là bản do họa sĩ Hồng Hải thực hiện - thì nó có thể được xem là tranh thật).

2. Bức tranh sơn mài “Ba cô gái” có chữ ký “Dương Bích Liên” chắc chắn là tranh giả.

Dương Bích Liên - Mùa thu thiếu nữ (130x180cm) 1980

Đây hẳn nhiên là một bức tranh đã bị những kẻ làm giả “chuyển chất liệu” từ bức tranh sơn dầu “Mùa thu thiếu nữ” của Dương Bích Liên, daté 1980, khuôn khổ 130x180cm.
Năm 1993, bức tranh sơn dầu này lần đầu tiên được in trong cuốn “Các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương”, và khi đó nó vẫn còn nằm trong sưu tập của ông Nguyễn Hào Hải ở xóm Hà Hồi, Hà Nội.
Cách đây mấy năm, ông Hào Hải cho biết: bức “Mùa thu thiếu nữ” đã bị hỏng nặng, khó có khả năng cứu chữa.
(Trên báo Thể thao & Văn hóa, số ra ngày 11-7-2016, ông Hào Hải gọi bức tranh này là “Mùa xuân và thiếu nữ” là không đúng với tinh thần của bức tranh. Riêng thông tin của ông Hải về sự tồn tại của một bản “Mùa thu thiếu nữ” nào đó của chính tác giả Dương Bích Liên và cũng là bản duy nhất bằng chất liệu sơn mài, hiện nằm trong Bảo tàng Đức Minh - là một thông tin vô cùng “mới” và “lạ”, đặc biệt đối với những người thông thạo về sự nghiệp của Dương Bích Liên).
Về lý thuyết, việc chuyển một bức tranh sơn dầu sang một bức tranh sơn mài, với hiệu quả “tương đương”, luôn luôn khả khi. Đúng như Nguyễn Tư Nghiêm từng nói: “Cái gì sơn dầu làm được thì sơn mài cũng làm được”.
Tuy nhiên, những kẻ làm giả, trong trường hợp này, đã táo tợn thực hiện việc làm giả bằng thủ pháp “chép tự do”, mà không hề nghiên cứu phong cách hội họa của Dương Bích Liên nói chung và phong cách vẽ sơn mài của Dương Bích Liên nói riêng.

Tranh sơn mài Ba cô gái trưng bày tại triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu"

Không cần đối chiếu với tác phẩm gốc - thì - người xem vẫn có thể thấy đây là một bức tranh rất tồi. Nó ở vào thế “loạn thần”, pha trộn giữa lối vẽ theo độ (valeurs), có vờn nhẹ, và lối vẽ phẳng (aplats), gây cảm giác vằn vện, với những đường nét vụng về, ngây ngô, tùy tiện.
Cô gái ngồi bên trái tranh như bị cụt một tay, chân thì bị chôn chặt xuống mặt đất, mặt thì rơi ra (xem minh họa).
Hay là “Ba cô gái” này đã được Dương Bích Liên “vẽ trong một cơn ác mộng”?!

3. Về bức tranh sơn mài “Vườn chuối”.

"Vườn chuối" - Sơn mài của Nguyễn Sáng thuộc sở hữu của Công ty Tàu biển Hải Phòng.

Bức tranh sơn mài “Vườn chuối” được Nguyễn Sáng vẽ năm 1981, khổ 120 x 180cm, theo đề nghị của Công ty Tàu biển Hải Phòng. Tháng 7 năm 1984, tại “Triển lãm tác phẩm hội họa của họa sĩ Nguyễn Sáng”, tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bức tranh này đã được ban tổ chức mượn về để trưng bày. Và kể từ đó đến nay (2016), nó vẫn thuộc sở hữu của Công ty Tàu biển Hải Phòng.
Bức “Vườn chuối” là một “bố cục diễn tả tâm tình” (composition intime), lấy hình tượng hai thiếu nữ đang đọc sách cho nhau nghe làm “tâm điểm”, những hình tượng khác chỉ làm nền cho bức tranh. Quyển sách, ở đây, nói theo Salvador Dalí - chính là cái “tâm của vũ trụ”, và sự “đối lập” giữa hai cô gái sẽ hướng con mắt người xem nhìn xuyên qua cái tâm ấy.

Tranh sơn mài Vườn chuối trưng bày tại triển lãm "Những bức tranh trở về từ châu Âu". 
Đường vạch trắng dùng để đánh dấu lỗi sơ đẳng về bố cục của những kẻ làm giả tranh.

Tương tự như trên, không cần đối chiếu với tác phẩm gốc - thì - người xem vẫn có thể thấy bức “Vườn chuối” hồi hương là một bố cục hỏng. Cô gái nằm đọc sách như đang bơi trên một mặt nền vô định, một cô gái khác cũng đang ngồi đọc sách chơ vơ ở phía sau, gây cảm giác như ở một “chợ sách”.
Tính chất tâm tình của một thể loại sâu kín (“trong vườn”) đã hoàn toàn bị phá vỡ.
Một đường thẳng đứng (xem minh họa) đã bổ bố cục làm hai phần hoàn toàn cách biệt nhau (hay nói khác đi, liên kết ngang của bố cục đã hoàn toàn bị cắt đứt bởi đường thẳng vô hình đó) - là điều tối kỵ mà một người vẽ sơ đẳng nhất cũng không bao giờ phạm phải.
Đây có thể là một ví dụ điển hình cho lối làm tranh giả “bố cục trích đoạn”.
Vân vân và vân vân.

* * *

Tác phẩm nghệ thuật hình thành một cách bí ẩn. Đó cũng là một quá trình bí ẩn để ý tưởng của người nghệ sĩ biến thành tư tưởng.
Giống như một nhà soạn nhạc, để vẽ một bức tranh, người họa sĩ luôn luôn bắt đầu từ những “nét giai điệu” (dessin mélodique), và trên cơ sở đó, họ phải tìm ra các “thể thức”, các phương tiện phù hợp để phát triển và hoàn thiện thành tác phẩm. Đó cũng là một quá trình đồng bộ hóa mọi yếu tố (cảm xúc, hình, sắc, kỹ thuật), mà chỉ có tự người nghệ sĩ mới có thể thực hiện được.
Mô phỏng lại quá trình đó (quá trình đồng bộ hóa) - là bất khả thi. Và, chỉ có những tay làm giả cự phách mới chạm được tới ngưỡng “gần đúng”. Và, cũng chỉ có những chuyên gia cự phách mới có được khả năng phát hiện ra những sai lệch siêu nhỏ về “đồng bộ” - để lật tẩy chúng.
Bày tranh giả một cách công khai, diễn trò “cua-cá”, cho dù có thêu dệt nên những truyền thuyết ly kỳ đến đâu xung quanh những “bức tranh”, và cho dù có sự bảo đảm đến đâu của những ông Tây “lịch lãm”- thì những “bức tranh” ấy, trước sau, vẫn sẽ không thoát khỏi tấm gương chiếu yêu của nghệ thuật. Thật-giả ở đây đã rõ ràng, cãi chày cãi cối làm gì nữa cho thêm mệt!
... Người ta tin rằng: quỷ Sa-tăng có thể làm được mọi thứ hệt như Chúa đã làm, chỉ trừ sự sống. Có điều, “quỷ Sa-tăng”, ở đây - tại cuộc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” này - lại quá vụng về, quá thô thiển, chỉ làm “cái xác” mà cũng không nên.
--------------------
(Theo Tạp chí Mỹ thuật)

2 nhận xét:

  1. Hiện nay tranh giả xuất hiện rất nhiều, nhất là tranh quý.

    Trả lờiXóa
  2. Các trường hợp xâm phạm quyền tác giả phải bị xử lý nghiêm khắc.

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!