Hải Phòng “bước gần ta chút nữa thêm gần” qua thơ và minh họa thơ

Ngày 5/1/2017 tại Laca Café, 24 - 26 Lý Quốc Sư, Hà Nội, sách “Trường thơ Hải Phòng” do nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Lê Thiết Cương biên soạn, NXB Hội Nhà văn ấn hành (348 trang), sẽ chính thức ra mắt độc giả. 
Ngày 8/1/2017, cuốn sách trở về Hải Phòng ra mắt độc giả Đất Cảng tại nhà hàng Nam Phương Queen, 201 đường 5 mới, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng (Công ty Cá sấu Việt Nam).

Cuốn sách là tuyển chọn thơ của 23 tác giả viết về Hải Phòng (dù có thể sống hoặc không sống ở Hải Phòng) với 40 minh họa đi kèm của 16 tác giả (họa sĩ và nhà thơ).

Sự dày dặn của cuốn sách, không chỉ nằm ở con số 348 trang, không chỉ nằm ở sự trải dài của Hải Phòng trong “trường thơ”. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, Hải Phòng - thành phố Cửa biển, lại trở thành một ngọn nguồn văn nghệ mới với những cái tên như những người khởi sự. Đó là những Thế Lữ với Thơ Mới, Trần Tiên và Khái Hưng với tiểu thuyết, Vi Huyền Đắc với kịch nói, Lê Thương với Tân nhạc. Bên cạnh họ là những Lan Sơn, Lê Đại Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng… Đối với Tân nhạc đã sinh ra nhóm “Đồng Vọng” mà huynh trưởng là Hoàng Quý cùng các tác giả khác như Canh Thân, Phạm Ngữ, Văn Cao, Hoàng Phú (Tô Vũ). Có lẽ cái chất thợ thuyền của thành phố Cảng này đã ngấm vào những sáng tạo của họ một giọng điệu thật riêng biệt so với những sáng tạo ở Hà Nội, Nam Định, Huế, Quy Nhơn, Sài Gòn… Một giọng điệu có gì thô ráp, không phẳng phiu, mực thước. Một giọng điệu tiềm ẩn sự phá phách. Đặc biệt trong thơ. Sự tiềm ẩn ấy đã gặp được thời thế để bùng nổ. Thời thế ấy chính là sự kiện Hải Phòng kháng chiến ngày 19.11.1946, cách đây đúng 70 năm. Cái sự kiện bi tráng này xảy ra đúng một tháng trước Toàn quốc kháng chiến ngày 19.12.1946, và nó đã được thét lên bằng bài thơ “Hải Phòng 19.11.1946” của Trần Huyền Trân.

Minh họa thơ Nguyên Hồng của họa sĩ Quốc Thái.
Văn bản thứ nhất, là văn bản thơ - đậm đà “chất thợ thuyền của thành phố Cảng”: “Phóng khoáng, ào ạt, hào sảng, mặn mà…”. Một “Hải Phòng sừng sững đứng lên/ Hải Phòng ghê gớm” (Hải Phòng, 19.11.946, Trần Huyền Trân); nơi “Những viên đạn của Hải Phòng/ đã bắn/ Để giữ lấy trời trong” (“Kính chào những viên đạn của Hải Phòng cửa biển quê hương”, Nguyên Hồng); nơi “Bước gần ta chút nữa thêm gần/ Khoảng giữa tuổi thanh xuân nghe loạn trùng hút tủy” (“Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”, Văn Cao). Nối tiếp một Hải Phòng: “Từ thẳm sâu một âm thanh rất căng/ Vọt lên, thắt ngang bầu nắng” (“Nghe tiếng đàn bầu trong xe xích”, Hoàng Hưng), nơi “Không còn bóng người lớn/ Không còn vết bánh xe bụi bặm bước chân chen chúc/ Chỉ các em với trận mưa to/ Hứng thẳng nước tự trời cao mà gội những mái đầu hoang dại/ Tiếng các em la hét và tiếng mưa như trống như chuông” (“Mưa rào và trẻ nhỏ”, Hoàng Hưng). Nối tiếp một Hải Phòng “Và mùa hạ gió xổng chuồng giãi bưỡi/ Và mùa thu hoa cúc nở tơi bời...” (“Dấu vết”, Thi Hoàng), nơi mà “Cỏ không chê những thi sĩ tâm thần/ Chỉ sợ những thi sĩ ba xu đòi mua tất cả…/ Thành phố tin người từng trao chìa khóa cho thằng ăn cắp/ Ôi thành phố của tôi thật là cực nhọc” (“Gọi nhau qua vách núi”, Thi Hoàng). Ở đó “Có cái gì đằng sau cơn dông/ Đằng sau lửa, đá/ Sau ánh mắt buồn mệt lả/ Đang nhìn vào tim anh” (“Mưa đền cây”, Trịnh Hoài Giang)…

Minh họa của Ngô Bình Nhi
Văn bản thứ hai, là những hình khối và đường nét, thường được gọi là minh họa nhưng phải hiểu rộng hơn danh - động từ “minh họa” thông thường. Bởi đó là một phương thức cụ thể hóa cách đọc thơ, cách cảm thơ. Nói cách khác, nhìn vào văn bản thứ hai, mà người ta có thể biết anh đọc thơ như thế nào, anh cảm thơ như thế nào. Và thậm chí có thể hiểu con người anh thế nào qua cách đọc ấy, qua lối cảm ấy.

Minh họa của Đức Phạm
16 tác giả vẽ minh họa cho “Trường thơ Hải Phòng”, không phải đều dừng ở mô tả lại một chi tiết nào hay nảy tinh thần của một chữ, một câu, một ý trong bài thơ; mà họ ghi lại cảm hứng của chính mình về văn bản thứ nhất (là thơ) ấy. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, ở cấp độ thứ ba, cấp độ cao nhất, người ta đã tạo ra “một văn bản khác bằng hội họa”.

Minh họa của Lê Thiết Cương
 Chọn lối vẽ chủ yếu là nét, đơn giản, dễ hiểu, dứt khoát, họa sĩ Quốc Thái đã ghi lại cảm xúc của mình khi đọc thơ Nguyên Hồng, Lan Sơn, Trần Huyền Trân; đã sống lại một thời Hải Phòng những ngày kháng chiến chống Pháp hào hùng nhưng khốc liệt. Minh họa cho thơ của hai nhà thơ Văn Cao (bài “Những người trên cửa biển”), Lê Đại Thanh (bài “Tôi yêu chuyện cổ tích nước tôi”), họa sĩ Đặng Tiến lại sử dụng tương phản mạnh với mảng lớn đen - trắng (trong đó màu đen chủ đạo) để lột tả số phận cần lao của vùng đất Cảng và khao khát hòa bình sâu thẳm trong con người nơi đây. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tạo nên văn bản thứ hai cho thơ Văn Cao (bài “Anh có nghe không”) khác với họa sĩ Đặng Tiến.

Minh họa bài thơ “Những người trên cửa biển” (Văn Cao) của họa sĩ Đặng Tiến.
Ở đó không còn những tương phản rõ ràng, hư thực mất ranh giới, phức tạp, hòa vào nhau tạo nên văn bản đa nghĩa. Tương tự, ở văn bản thứ hai đối với bài thơ “Người đi tìm mặt” của nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ 6 khuôn mặt người giống như 6 chiếc mặt nạ chia đôi bức tranh khổ dọc, mà nửa trước khuôn mặt là khoang lái - tử huyệt, nửa sau là khoang chứa - boong tàu, tất cả u ám, lộ thiên, phi thực…. Cho nên cũng có thể gọi những văn bản này là của riêng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - trong vai trò một độc giả dùng hình khối để biểu cảm mình.

Minh họa của Trần Vinh
Với các nét đơn giản, văn bản hội họa của họa sĩ Lê Thiết Cương giống như những khoảng lặng, những ngừng nghỉ, những suy tư trầm lắng, là mặt sau của “vạm vỡ, ào ạt, nồng nàn” đất Cảng. Còn với họa sĩ Ngô Thị Bình Nhi, người từng có thời gian sống và làm việc ở Hải Phòng, thì Hải Phòng trong thơ của Tường Vân, Nguyễn Thị Hoài Thanh trở nên thân thương một cách đặc biệt. ¾ minh họa chị đều vẽ cây bởi ấn tượng với những hàng phượng đi qua ký ức. Đặc biệt nhất, trong minh họa bài “Đêm về” - Tường Vân, Bình Nhi vẽ cái cây chạy sát gan bàn chân như một mạch máu, “hình ảnh con người dưới bàn chân là cảm giác về một khoảng không ôm đầy kỷ niệm, như một cái cây linh hồn, chới với nhưng không vô vọng” để giúp người ta được nương theo trở về. Theo Bình Nhi, chị “muốn chuyển tải ý thơ bằng ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình chứ không phải bằng sự dò dẫm theo cấu trúc hình ảnh trong bài thơ đó” cho nên tranh của chị rung cảm, nồng ấm, thiết tha.

Minh họa của Phương Bình
Thơ hay có một quyền năng, là không cần minh họa cũng có thể tồn tại với thời gian. Cũng như, tranh hay, không cần nhiều lời hoa mỹ ca ngợi. Thêm một văn bản cho thơ, bằng đường nét và hình khối cũng không tăng, không giảm sự hay vốn có của thơ. Nhưng ta cũng phải thừa nhận rằng, “những văn bản hội họa làm cho tác giả văn học và bạn đọc nhận ra những văn bản khác được chứa đựng bên trong văn bản thứ nhất, mà chính tác giả đầu tiên của nó cũng không dễ dàng nhận ra” - Nguyễn Quang Thiều nhận xét. Và, với một họa sĩ, nếu chỉ bằng lòng với chủ quan thị giác của mình, người ta sẽ bỏ qua nhiều “âm thanh” thú vị khác trong sáng tạo nghệ thuật, bởi có những thứ “nhìn mà thấy”, nhưng cũng có những thứ “đọc mà thấy”, “cảm mà thấy”.

Theo Hải An (Báo Lao Động cuối tuần 1/1/2017)

1 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!