Họa sĩ Quang Huân - "Thênh thang một con đường"

Đặng Tiến

Trung thu đã đến gần. Buổi chiều, trong căn phòng nhỏ ở xóm Nam Pháp, bên ấm trà, tôi cùng Quang Huân xem loạt gần 30 tác phẩm anh sáng tác gần đây để chuẩn bị cho triển lãm cá nhân trong tháng 10 tới tại Hà Nội. Đã khá lâu, chúng tôi mới có dịp hàn huyên như vậy.
Khác với trước đây, bên tôi không phải là một Quang Huân luôn chải chuốt, bóng bẩy ngày nào mà là Quang Huân với bộ quần áo nâu bạc màu may theo kiểu thầy chùa. Khuôn mặt đen nhẻm vì đày nắng khi làm điêu khắc. Không có đồ trang sức quý giá nào trên người, điện thoại cũng thuộc thế hệ cũ rích quăng bên bàn nước, trong khi so với trước đây, kinh tế gia đình anh khá giả hơn rất nhiều từ tiền bán tác phẩm.

Sân khấu - Sơn dầu của Quang Huân

Chúng tôi lặng lẽ uống trà, hút thuốc trong không khí hanh hao của tiết thu, ôn lại những kỷ niệm thời còn  “hăng tiết vịt”, cậm cạch đèo nhau bằng chiếc xe đạp cà tàng đi vẽ ở phố sông Tam Bạc hay ngoại thành …
Gần 30 năm “lăn lộn” với nghề, trước ngưỡng cái tuổi “ tri thiên mệnh”, Quang Huân cũng trầm hơn. Không tếu táo những câu “ coi trời bằng vung” thủa nào mà thay vào đó là những lời nhỏ nhẹ về quan niệm nghệ thuật, sự chiêm nghiệm trong cuộc sống … Và tất cả điều đó thể hiện rất rõ trong các tác phẩm của anh những năm gần đây.
Nói về Quang Huân trước đây, người ta không quên nhắc đến những tác phẩm vẽ bằng thuốc nước, màu bột, hay sơn dầu từng gây ấn tượng trong các triển lãm. Ở mỗi chất liệu, mỗi thểloại, tranh Quang Huân đều lôi cuốn người xem và thường là một trong số ít những “cái chốt” trong các triển lãm chung tại Hải Phòng. Xem tranh Quang Huân, người ta thấy một tác giả với nội lực tiềm tàng.
Không ào ạt như trước đây, cũng không phá phách của một thời, chẳng nông nổi tìm kiếm sự “hoành tráng” của các đề tài … tranh Quang Huân giờ nhẹ nhàng, giản dị như những câu chuyện nhỏ, việc nhỏ chung quanh diễn ra hằng ngày. Điều đặc biệt là những câu chuyện nhỏ giản dị ấy có sức nặng về nghệ thuật, về sự khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống mang hơi thở phương Đông. Và hơn nữa, nó là con đường nghệ thuật riêng của Quang Huân.
Những tên tranh: “Đêm rằm”, “Trung thu”, “Ác mộng”, “Cơn giông”, “Chị em”, “Vợ chồng”, “Trên đường”, “ Lò gạch”, “Sân khấu”… đã phần nào nói lên quan niệm của Quang Huân về hướng đi nghệ thuật của mình. Cộng với kỹ thuật sơn dầu hết sức chủ động, với hòa sắc, sắc độ tạo nên nhịp điệu ở từng bức tranh, kể cả ở những bức có bố cục đơn giản. Đôi khi có cảm giác kỹ quá, hoàn chỉnh quá ở một số bức, song điều đó không làm giảm đi chất hội họa trong tranh Quang Huân. Và ở đằng sau mỗi đường nét, nhân vật, người ta còn được thấy nhiều điều từ tư tưởng nghệ thuật của tác giả.
Và thật ngạc nhiên khi xem những tác phẩm điêu khắc của Quang Huân cũng được sáng tác trong thời gian gần đây. Ngoài những hòn cuội được Quang Huân khai thác một cách tinh tế từ vẻ đẹp tự nhiên, loạt tác phẩm làm từ nhựa tổng hợp hay sắt như “Tăng”, “Xỉn”, “Bóng”, “ Thiếu nữ”, “ Vô thường”… với kích cỡ khiêm tốn, kết cấu đơn giản nhưng gây ấn tượng mạnh. Với quan niệm nghệ thuật đồng nhất, những nhân vật từ tranh của Quang Huân bước ra, hóa thân trong không gian đa chiều làm mê hoặc người xem.
Từ chủ yếu một miếng chất liệu bẹt, Quang Huân - như một nghệ nhân nặn tò he dân gian – đã nặn, uốn, bẻ… để tạo ra những “con tò he” hết sức duyên dáng, hiện đại, đẹp mà rất gợi. Rõ ràng, trong điêu khắc, Quang Huân lại khẳng định được con đường riêng của mình!
-Tôi bây giờ làm việc không câu nệ bất cứ điều gì, thích gì làm nấy. Nhìn thấy gì đó trên đường, hoặc nghe một câu chuyện hay, hoặc những kỷ niệm, với người khác chẳng là gì, nhưng tôi có thể đưa vào tác phẩm. Với tôi thế là đủ.
Trong không gian yên tĩnh, ấm cúng của căn phòng với những sợi khói mỏng manh, hương trà thơm ngát, chung quanh là những nhân vật cũng đầy tâm trạng, tiếng Quang Huân nhỏ nhẹ như không muốn phá vỡ sự yên lặng ấy. Chỉ có từ rất xa, vẳng tiếng trống hội rộn ràng của lũ trẻ xóm ngoài, hay của chính các nhân vật phường múa lân sư trong tác phẩm “Đêm rằm”, “Trung thu” của Quang Huân dựng ở góc nhà? Thật lạ. Cả không gian thực tại và không gian trong các tác phẩm tĩnh lặng là vậy mà thấy rạo rực ghê gớm. Bất giác, tôi hình dung, trên con đường nghệ thuật mang sắc thái mùa thu, một mình Quang Huân thênh thang rảo bước. Đằng xa, các nhân vật đang hồ hởi đón chờ.
-------------