Đặng Tiến - Người buông câu

Giáng Ngọc
Họa sĩ Đặng Tiến sinh năm 1963, tuổi Quý Mão. Hiện là chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, anh được anh em trong nghề gọi là người giữ lửa của hội họa thành phố Cảng.

Họa sĩ Đặng Tiến - "Người giữ lửa của mỹ thuật thành phố Cảng"

Lối riêng vào nghề

Tuổi mười ba, Đặng Tiến mồ côi cha. Cha anh quê gốc Quảng Nam là cán bộ tập kết. Ông được biên chế vào ngành đường sắt, làm phòng Khách vận của ga Hải Phòng. Tuổi thơ của chàng trai xứ Quảng kín tiếng có lẽ ít được biết kể cả qua ký ức của vợ con. Như Đặng Tiến đọc trong lý lịch mới biết cha mình từng được học lớp sơ cấp mỹ thuật khi bước chân ra Bắc tập kết. Trước đó, từ thuở nhỏ người cha theo ông nội cùng đội thợ nhận việc trang trí đắp tượng cho các đền chùa khắp trong vùng.
Khi ra Bắc, ngoài công việc của một cán bộ ngành đường sắt, ông tham gia kẻ vẽ khẩu hiệu, trang trí biển bảng cho cơ quan. Hình ảnh sâu đậm về cha trong ký ức của Đặng Tiến là dáng ông cặm cụi vẽ bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch khổ lớn, sau được treo tại tầng ba ga Hải Phòng.
Cha ông, con người nghệ sĩ đó đã quen và thành thân với một người phụ nữ Hải Phòng tháo vát và nhân hậu. Người phụ nữ buôn chuyến theo chuyến tàu Hải Phòng - Phú Thái (Hải Dương), rồi lấy với người cán bộ tập kết. Bà vẫn tiếp đường chợ mua con cá mớ rau chợ Phú Thái rồi đổ buôn chợ Hải Phòng. Ông bà có với nhau năm người con trai mà Đặng Tiến là con thứ ba.
Thấy chồng hết giờ làm lại lọ mọ kẻ vẽ, bà bảo: Thế cơ quan trả cho ông bao nhiêu? Ông nói lại: Làm cách mạng mà đòi trả công à!
Nhưng cơ quan có thưởng ông thật. Vẽ xong bức tranh chân dung Hồ Chủ tịch, ông được thưởng 20 đồng và một hộp màu nước Trung Quốc. Ông chỉ nhận 10 đồng cho vợ con và giữ riêng cho mình hộp màu. Sau ngày 30-4-1975 ông về Nam tìm lại gia đình, họ hàng. Toại nguyện khi trở lại miền Bắc, ông ốm rồi mất trong vòng tay người vợ và năm người con trai còn đang đi học.
Đặng Tiến là con thứ ba và anh được hưởng những nét tài hoa từ cha. Anh mê vẽ, hộp màu của cha và ký ức bóng cha vẽ cặm cụi trên nền nhà là gia tài anh mang theo.
Mất cha ở tuổi thiếu niên, chàng trai Đặng Tiến không tưởng được những đổ vỡ trong mình. Mẹ anh vẫn tần tảo sớm hôm. Ấy là người phụ nữ trong truyền thống “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng”, bà gần gũi với bà Tú của Tú Xương. Đất Hải Phòng xưa có lẽ cũng không khác quá nhiều Nam Định nhất là trong tâm tình người phụ nữ. Trong lời kể của Đặng Tiến, vì chăm chỉ cần cù mà bà dù góa chồng nhưng không để năm anh em ông thiếu thốn. Thời bao cấp, nhưng bà vẫn chu toàn cho con mọi đường ăn lẽ chơi. Có chăng là bởi bà bận bịu do cái tính hay lam hay làm. Đặng Tiến mười tám tuổi, bắt đầu việc lựa chọn đường đời, đầu tiên anh chọn trường An ninh, do cái tâm tính ưa phiêu lưu lại được màn ảnh lúc đó với bộ phim tình báo Mười bảy khoảnh khắc của mùa xuân làm cho ham mê. Anh tham gia đợt khám sức khỏe tuyển sinh của ngành, đến vòng cuối, cán bộ tuyển sinh gọi riêng anh bảo: Em đủ các tiêu chuẩn, nhưng quê bố em xa quá, điều kiện hiện nay không kịp để bọn anh vào thẩm tra, em nên thi ngành khác.
Đặng Tiến ỉu hẳn. Cô giáo dạy văn của anh thấy vậy, khích lệ: Cô thấy Tiến vẽ đẹp, em hợp với ngành Mỹ thuật đấy!
Được lời cô, Đặng Tiến lại hăm hở với ý định mới. Anh đâm đơn thi tuyển mỹ thuật, khăn gói lên Hà Nội thi, hành trang mang theo hộp màu của cha, giấy bút mẹ sắm… Nhưng anh và nhiều thí sinh ngoại tỉnh về thi dịp đó phải thẫn thờ vì đã không nắm được thông tin. Để được thi, thí sinh phải nộp bài cho vòng sơ khảo. Lũ học trò lớ ngớ được chuyển qua thi vào trường Nghiệp vụ Văn hóa (trường Đại học Văn hóa ngày nay). Đặng Tiến lại về Hải Phòng. Làm bạn với cuốn sách Bước đầu học vẽ (Nguyễn Văn Tỵ) của cha để lại.
Có người mách Tiến: Nếu muốn thi đỗ thì phải lên Hà Nội luyện thi khoảng ba tháng.
Ba tháng luyện thi trên Hà Nội, tiền ăn, tiền ở, tiền học… biết là bao nhiêu. Trong khi hoàn cảnh gia đình mẹ góa, anh cả đi bộ đội, anh hai lấy vợ ở riêng, cả nhà chỉ còn Tiến là con lớn. Mẹ già, hàng sáng Tiến phải giúp mẹ đưa hàng đến từng quán trong phố, hàng đưa, tiền thu, mọi việc mẹ nhờ ở anh. Giờ lên Hà Nội ba tháng ôn thi mà chả rõ có nên công cán gì không?
Không nói với mẹ, không chia sẻ với ai, Đặng Tiến tự chọn cho mình con đường, ở nhà đỡ mẹ nuôi em, rảnh rỗi thì vẽ, thích thì cứ vẽ.
Ngoài thời gian giúp mẹ làm hàng, Tiến thường tham gia các công việc kẻ vẽ khẩu hiệu, áp phích giúp phường. Vừa là chỗ để được vẽ, vừa giao lưu cộng đồng, mà còn vì xin được bột màu vẽ (thời bao cấp rất hiếm). Mẹ anh cũng ngạc nhiên thấy con chỉ quanh quẩn ở nhà vẽ vời, giống như bà đã thấy ở chồng. Những công việc hao tâm mà công cán chả ai bù đắp được.
Những năm tuổi trẻ, Đặng Tiến sống và vẽ trong khắc khoải, vô định như thế.
Anh mang trong mình nhiều nỗi buồn và cả tự ti. Những bức tranh vẽ ra rồi lại giấu đi. Đến một ngày, anh thổ lộ với cô bạn thân, cô bạn ấy bảo: Sao Tiến nghĩ thế, có phải cứ học mới vẽ đẹp đâu.
Anh như người thủy thủ được một chiếc phao trên biển lênh đênh, thấy có ánh đèn hải đăng dẫn lối. Đặng Tiến mở lòng hơn. Năm 1987, anh nhận vẽ cho phường bộ phim đèn chiếu. Phim kể về một anh hùng lục lâm thảo khấu giang hồ Hải Phòng quay về nẻo chính. Đó là những tranh được vẽ theo kịch bản, rồi qua kính phóng chiếu cho mọi người xem. Phim tạo được dư luận tốt ở Hải Phòng rồi được mang đi dự thi tại Liên hoan phim đèn chiếu toàn quốc và nhận giải vàng. Công an Hải Phòng về xin tuyển. Đúng là ước mơ thuở nhỏ, nhưng lúc này Đặng Tiến chỉ còn đau đáu, nếu làm nghề đó thì còn được vẽ không?
Báo Hải Phòng cũng xin người, công việc vẽ minh họa, trình bày báo rất cụ thể, phù hợp với Đặng Tiến hơn. Anh trở thành họa sĩ báo Hải Phòng. Rồi gắn bó với báo chí gần ba mươi năm.
Vài năm sau anh theo học tại chức báo chí rồi càng lúc tính kiên trì của nghề vẽ tạo bản lĩnh nghề báo đã khiến anh có uy tín với đồng nghiệp và lãnh đạo mà ngồi vị trí thư ký toàn soạn báo Hải Phòng rồi tạp chí Cửa Biển và Hội mỹ thuật Hải Phòng hiện nay.

Nhìn sâu vào chính mình

Đặng Tiến trở thành họa sĩ với hai mảng nghệ thuật tách biệt: họa sĩ minh họa và họa sĩ sáng tác tranh. Tranh minh họa của Đặng Tiến có một tiếng nói riêng, vững chãi, góp phần tạo nên nét chuyên nghiệp và nét riêng cho các ấn phẩm báo Hải Phòng và tạp chí văn nghệ Hải Phòng cũng như báo chí trong nước.

Họa sĩ Đặng Tiến
Minh hoạ truyện ngắn "Biên giới, hoa đào năm ấy..." của nhà văn Nguyễn Đình Tú (Báo Hải Phòng Tết)

Công việc của một họa sĩ và nhà báo trong suốt hơn ba mươi năm đã rèn giũa con người nghệ thuật Đặng Tiến bản lĩnh trong cái riêng và cởi mở với cái chung.
Đặng Tiến vào nghề bằng tranh minh họa mà ở đó hiển lộ một thế giới dằng dặc những số phận văn chương được chưng cất từ cuộc đời. Con người văn chương trong suốt những năm mở cửa đầy lo toan, trăn trở, nên hình dáng nhân vật qua minh họa của anh chồng chất nỗi buồn, toan lo nghèo khó. Sau này khi tiếp tục phát triển ý tưởng này trong sáng tác tranh, Đặng Tiến gọi đó là bố cục người. Những nhân vật đã tự kể câu chuyện của mình qua ngôn ngữ cơ thể. Đó có thể là khối buồn, khối lo toan, khối ký ức, khối yêu thương…

Họa sĩ Đặng Tiến
Minh họa sách Tết

Nhưng công chúng nhớ nhất ở Đặng Tiến là phần thơ mộng gắn chặt với tuổi thơ của anh - tranh phong cảnh.
Tâm hồn Đặng Tiến có nét của một tình yêu người ngụ cư với mảnh đất được sinh ra, yêu thương nồng nhiệt và ngợi ca. Công việc tại báo Hải Phòng dẫn anh có duyên gặp gỡ và gắn bó với lão họa sĩ Thọ Vân. Họa sĩ Thọ Vân thường bảo anh tham gia các buổi đi vẽ trực họa, cách đối diện với thiên nhiên để cảm xúc của nghệ sĩ được vẻ đẹp thiên nhiên đánh thức.
Hải Phòng là mảnh đất giàu có để họa sĩ trực họa được phát huy sở trường của mình. Đó là biển, là bãi cát, là cửa biển, là dòng sông, là cánh đồng, là rặng phi lao ven biển… Những buổi vẽ trực họa với họa sĩ Thọ Vân cho Đặng Tiến nhãn quan nhìn cái đẹp, cái đẹp là cái ta nhìn thấy hay cái ta cảm thấy. Nghệ thuật không phải là tả thực cái nhìn thấy mà phải biểu cảm được cái cảm thấy, đánh thức và lan tỏa cái đẹp trong người sáng tác và người xem tranh.

Họa sĩ Đặng Tiến
Biển vắng, sơn dầu (100x150cm) 2022

Ngoài vẽ, Đặng Tiến mê nhất là câu cá. Thú chơi đó anh được cha trao lại trong thời thơ bé. Anh kể những năm sơ tán, gia đình anh đã hai lần về vùng Phú Thái tránh bom đạn. Lúc đó cha anh vẫn ở Hải Phòng, cứ cuối tuần ông đạp xe về thăm vợ con. Cuối tuần người cha dạy các con cách đặt mồi, buông câu, cách kiên nhẫn chờ những vang động dưới tầng nước sâu lan lên dây cước rồi cần câu, cách nhìn vòng sóng trên mặt nước… và quan trọng là cách cảm nhận vẻ đẹp của việc câu. Đặng Tiến đam mê câu không chỉ vì đó là cái thú của cha truyền lại, anh cảm nhận cái tuyệt đỉnh của nghề câu khi mình là người Hải Phòng. Anh kể chuyện không chán về cách câu cá nước ngọt, cá nước lợ và cá nước mặn mà chỉ Hải Phòng mới cho người câu cá cái thú chơi phong lưu tột bậc ấy.
Đặng Tiến kể hễ rảnh rỗi là anh nghĩ ngay đến việc đi câu. Anh quan sát mặt nước, ngắm khung cảnh in bóng, tranh của anh là tranh của người ngồi lâu, nhìn kỹ. Đó là những vẻ đẹp của hoa xoan, của rặng phi lao của những thứ cỏ hoa bé tí ti mà phải nhìn thật lâu mới cảm nhận được vẻ đẹp của từng cánh nhỏ, từng bông…
Có lẽ việc câu cá đã rèn luyện anh độ tập trung, tính nhẫn nại và trạng thái rỗng không tuyệt đối như anh đã thể hiện qua các tác phẩm, một sự phẳng lặng yên tĩnh tuyệt đối, nơi con người được nhìn sâu vào chính mình.

Họa sĩ Đặng Tiến
Người đi câu, tranh sơn dầu 1996

Ám ảnh Đặng Tiến là thời gian, cái đẹp của Đặng Tiến là cái đẹp của ký ức. Anh giống như người đi câu trên bến thời gian đã bị chính lưỡi câu của mình níu lại.
Cái nhìn giăng mắc lâu đến sâu hoắm của Đặng Tiến vào cảnh vật đã cho chúng ta những bức tranh về hoa xoan từ miền biển đến vùng cao. Hoa xoan là thứ hoa báo mùa, hoa của khoảnh khắc chợt đến và chợt đi rất nhanh. Rất dễ sa chân vào lối “Bờ Hồ” khi tả từng bông hoa, chùm hoa. Có lẽ chỉ có ở Đặng Tiến những chùm hoa xoan như đám mây ký ức dẫn lối về tuổi ấu thơ.
Những bức tranh đầu tiên vẽ phong cảnh hay tĩnh vật của Đặng Tiến đều thể hiện một cái nhìn xa vắng đầy tiếc nuối và khao khát. Đấy là vẻ đẹp mất mát của người ở lại mà không mong ngóng chờ đợi. Nghệ thuật của Đặng Tiến là u uẩn không cất thành lời.

Vĩ thanh

Buổi tôi gặp Đặng Tiến, anh kể chuyện vừa mới tiếp một họa sĩ ngoại thành đến chơi, anh có cho anh ấy toan vẽ. Họa sĩ ở vùng quê chả giao lưu được với ai, cứ lủi thủi vẽ một mình. Anh động viên bảo vẽ đi rồi mang đến đây triển lãm. Anh đã trải qua giai đoạn cứ vẽ xong rồi cất, không biết đẹp hay xấu thế nào, không cho ai xem, nên bây giờ anh tổ chức cho các anh em giao lưu thật nhiều, cùng nhau triển lãm rồi mới có động lực vẽ tiếp?
Đấy có lẽ là nét chính đã làm nên một chủ tịch Hội mỹ thuật Đặng Tiến được anh em bạn bè yêu quý. Không chỉ đối với mỹ thuật Hải Phòng và không hạn chế trong ranh giới Hải Phòng, Đặng Tiến đã nối vòng tay mỹ thuật để Hải Phòng trở thành điểm đến của bạn bè họa sĩ trong nước và nhiều vùng địa lý khác.
_____________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!