Tranh hoạ sĩ Đặng Tiến vẽ thường mang nhiều màu buồn. Nhưng, cái vẻ trầm mặc ấy lại ẩn chứa tình cảm yêu thương. Hoạ sĩ vẽ tả thật, mà nhìn sâu vào bức tranh, lại thấy được năng lượng của linh hồn cảnh, vật. Sinh ra, lớn lên và giờ vẫn gắn bó với đất Hải Phòng, hoạ sĩ lại nhẹ nhàng hiền hoà nền nã… Thế nên, khi đến chơi, hoạ sĩ Lưu Công Nhân đã nói với hoạ sĩ Đặng Tiến: “cố gắng giữ tình cảm trong tranh!” …
“Suy cho cùng, tôi nghĩ, những bức tranh hoạ sĩ vẽ có tình, sẽ được người xem thích lâu”. Hoạ sĩ Đặng Tiến chia sẻ. Tình yêu và năng khiếu mỹ thuật của hoạ sĩ Đặng Tiến, bắt đầu từ người cha của ông. Theo lời bố ông kể lại, ngày nhỏ ở quê Quảng Nam, bố theo ông nội chuyên đi đắp vẽ đình chùa. Khi tập kết ra Bắc, bố của ông cũng được học lớp sơ cấp mỹ thuật. Không sáng tác, ngoài giờ làm, thi thoảng bố ông tranh thủ kẻ vẽ giúp cơ quan ở Ga xe lửa Hải Phòng. Vào năm 1968 - 1969, hoạ sĩ Đặng Tiến được nhìn bố vẽ bức chân dung Bác Hồ rất lớn bằng sơn dầu tại nhà. Bức chân dung ấy sau được treo nhiều năm trên tầng ba, mặt chính Ga Hải Phòng.
Tuổi thơ hoạ sĩ Đặng Tiến gắn với hai cuộc sơ tán về nông thôn tránh máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc:
“Những ấn tượng về nông thôn đến giờ vẫn rõ mồn một, từ cọng rơm, bụi tre, con trâu, cái cày đến những người nông dân với sinh hoạt hằng ngày… Tôi mê vẽ ngay từ nhỏ, vớ được viên phấn hay mẩu gạch, tôi hay vẽ lên tường hoặc nền xi măng nào đó. Mua sách, báo, việc đầu tiên là giở ra xem các tranh minh họa, đến nỗi nhìn minh họa của ai là tôi nhận ra ngay”.
Thật không may, bố ông mất sớm, năm 1976, khi ấy hoạ sĩ Đặng Tiến chỉ mới 12, 13 tuổi, đang học lớp 6 hệ 10 năm. Mẹ ông, gốc Hải Phòng, quanh năm chợ búa nuôi năm anh em trai ông khôn lớn trưởng thành: “Thời bao cấp khó khăn, nhưng bà không để anh em tôi thiếu gì, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cuộc sống và học tập. So với mọi người, anh em tôi thuộc diện “sướng” ở thời kỳ đó”.
Còn nhỏ, hoạ sĩ Đặng Tiến là biết rõ mình thích vẽ. Xem tranh minh họa hoặc cuốn truyện tranh, Đặng Tiến để ý họa sĩ vẽ hình như thế nào, mắt mũi người ra sao để bắt chước. Khi bố của ông mất, trong nhà còn ít bột màu và hộp màu nước của bố để lại, Đặng Tiến tự pha màu vẽ dù không được ai hướng dẫn. Lúc ấy, nhà có cuốn “Bước đầu học vẽ” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, Đặng Tiến xem và tự tìm hiểu ở những bức tranh mà cậu bé có dịp thấy. Những năm đi học, Đặng Tiến chuyên vẽ báo tường cho lớp, việc giống bố từng làm xưa. Nhờ thế, khi học lớp 10, cô giáo dạy văn khuyên Đặng Tiến thi mỹ thuật. Nhưng do không tiếp xúc, thiếu thông tin, không nộp bài sơ tuyển nên cậu không được thi:
“Cũng hồi đó, anh Nguyễn Hùng (sau này là Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật), khuyên tôi năm sau lên Hà Nội để anh ấy nhờ bạn dạy kèm ba tháng trước kỳ thi”, hoạ sĩ Đặng Tiến nhớ lại. “Nhưng do điều kiện gia đình, tôi không đi được. Đã có lúc tôi thấy chán, chẳng muốn đi làm ở đâu vì luôn nghĩ, nếu làm ở đó sẽ không có thời gian, điều kiện để vẽ. Nhìn bạn bè học xong đại học, yên ổn đi làm, trong khi mình vẫn chưa tìm được hướng đi cho tương lai nên càng thấy nản.”
Một hôm, có cô bạn học đến nhà chơi, thấy Đặng Tiến như vậy đã động viên: - Thích thí cứ vẽ, tôi thấy nhiều người không qua trường lớp vẫn vẽ đẹp mà! Và Đặng Tiến như bừng tỉnh. Thời gian ấy, Đặng Tiến thường giúp địa phương kẻ vẽ khẩu hiệu, tranh cổ động, để xin được bột màu vẽ. Năm 1985, Đặng Tiến vẽ cho phường bộ phim đèn chiếu “Một chuyện ở phường” - câu chuyện có thật về một nhân vật giang hồ ở địa phương “rửa tay gác kiếm”. Bộ phim được huy chương Vàng Liên hoan Phim đèn chiếu toàn quốc 1985 (cũng là Liên hoan cuối cùng của thể loại này). Báo Hải Phòng lúc ấy cũng thiếu họa sĩ, về phường xin, Đặng Tiến về báo làm việc, cho đến tháng 11- 2012, sau 28 năm, ông chuyển về Tạp chí Cửa Biển - tạp chí văn nghệ của Hội Liên hiệp VNHT Hải Phòng.
Có thể nói, việc về công tác tại Báo Hải Phòng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời nghệ thuật của hoạ sĩ Đặng Tiến. Tại đây, ông chơi với họa sĩ Trần Quang Huân - con trai họa sĩ Thọ Vân, làm việc cùng. “Chúng tôi cùng nhau say mê vẽ và trao đổi, bên cạnh sự khích lệ, chỉ bảo của họa sĩ Thọ Vân”, hoạ sĩ Đặng Tiến kể lại. “Như ruộng hạn gặp mưa, trong môi trường mới, được tiếp xúc, học hỏi người am hiểu và tâm huyết với hội họa, tôi vỡ ra nhiều điều. Năm 1987, tôi có bức bột màu tĩnh vật hoa tham gia triển lãm mỹ thuật của thành phố. Rồi 1990, tôi cùng hai họa sĩ Quang Ngọc, Trần Quang Huân có triển lãm nhóm tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Tiệp”. Khai mạc triển lãm có họa sĩ Dương Viên, khi đó là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Văn Đa, Trần Lưu Hậu từ Hà Nội về dự. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm ấy, Đặng Tiến và Trần Quang Huân nộp mỗi người ba bức tranh, tất cả cả ba bức đều được bày, trong đó hai bức của Đặng Tiến và Trần Quang Huân được chọn in trong vựng tập Triển lãm. “Khỏi phải nói, khi ấy, là họa sĩ trẻ lại không qua trường lớp, chúng tôi vui và tự hào đến nhường nào!”, hoạ sĩ Đặng Tiến nói.
Cũng vào những năm này, hoạ sĩ Đặng Tiến được biết và tiếp xúc với họa sĩ Nguyễn Hà, cũng là người tâm huyết với hội họa ở Hải Phòng. Ông quý Đặng Tiến như con và chỉ bảo, động viên. Những bức tranh của Đặng Tiến thường được họa sĩ Thọ Vân, Nguyễn Hà xem trước tiên và nhận xét: “Có thể nói, thật may mắn khi ở những bước chập chững vào nghề, tôi được tiếp xúc, được các ông truyền cho ngọn lửa đam mê cùng quan niệm, cách nhìn về nghệ thuật. Cứ thế, tôi say mê sáng tác bất kể lúc nào rảnh rỗi. Nhiều khi đi làm, để xe máy ở nhà để đi bộ, vừa đi vừa suy nghĩ về bố cục, hòa sắc cho bức tranh mới đang hiện trong đầu”. Ngoài sáng tác hội họa, hoạ sĩ Đặng Tiến cũng thường xuyên vẽ minh họa cho báo, tạp chí. Chính việc minh họa giúp ông nhiều về cách xử lý bố cục, hình trong sáng tác. Từ 1990 đến1996, hoạ sĩ Đặng Tiến tham gia nhiều triển lãm nhóm, triển lãm chung tại Hải Phòng và Hà Nội.
Năm 1996, Hội Mỹ thuật Việt Nam lần đầu tổ chức Triển lãm mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất do Hải Phòng đăng cai. Bức tranh sơn dầu “Ra biển” của hoạ sĩ Đặng Tiến đoạt giải B (không có giải A). Bức tranh ấy sau này cũng được Bộ Văn hóa đưa vào Tuyển tập Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20. Cũng năm ấy, ông được họa sĩ Vũ Giáng Hương, họa sĩ Huy Oánh khen và động viên ông bày triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Hai năm sau, năm 1998, triển lãm cá nhân của hoạ sĩ Đặng Tiến ra mắt tại Nhà triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, số 16 - Ngô Quyền. Triển lãm nhận được đánh giá tích cực từ người yêu mỹ thuật và giới chuyên môn. Có thể gọi đây là cột mốc cho giai đoạn hơn 10 năm sáng tác của ông.
“Nói về phong cách, thực ra lúc đầu tôi không chú ý việc này. Cứ thích gì vẽ nấy, vẽ nhiều cách, nhiều kiểu. Có lúc ào ạt về cảm xúc, có lúc lại thiên về lý chí. Tôi cũng thích và bị ảnh hưởng một số họa sĩ trong nước và nước ngoài. Nhưng khi làm việc nhiều, nhất là kỹ năng cũng đã tốt, với tình cảm, cảm xúc của mình, phong cách của tôi cũng tự nhiên hình thành”.
Gần chục năm trở lại đây, hoạ sĩ Đặng Tiến chủ yếu vẽ phong cảnh. Thi thoảng, để thay đổi không khí, ông vẽ tĩnh vật và chân dung bạn bè.
“Nói chung, những gì tạo cảm xúc, tôi đều tranh thủ vẽ, không câu nệ đề tài. Khi đi đến một nơi nào đó, nhìn hàng cây, cánh đồng, bãi sông…, thấy xúc động là tôi nghĩ bố cục rồi đưa lên mặt toan. Có khi bắt gặp mấy bông hoa dại bên đường, thấy đẹp tôi cũng vẽ…Nhiều người nói, xem tranh của tôi dễ nhận ra mà không cần xem chữ ký. Văn là người, vẽ cũng là người. Tôi nghĩ, nếu mình làm thật, đam mê sáng tạo thật, phong cách sẽ tự xuất hiện”.
___________________Bài đăng trên báo "Tinh hoa Việt" số 160 ngày 25/11/2021
HỌA SĨ ĐẶNG TIẾN
Sinh ngày 25/4/1963 tại Hải Phòng
Giải C, Giải thưởng Hoa phượng đỏ năm 1990
Giải B, Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm năm 1996
Giải B, Triển lãm mỹ thuật khu vực Đồng bằng Sông Hồng 1996
Tặng thưởng, Triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng 1997
Tặng thưởng, Triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng 2008
Giải B, Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng 2016
Giải C, Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng (Mở rộng) 2017
Giải C, Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng Sông Hồng 2018
Giải C, Cuộc thi sáng tác VHNT “Hải Phòng khát vọng vươn lên” 2019
TRIỂN LÃM
Triển lãm cá nhân:
Triển lãm Tranh Đặng Tiến tại Nhà Triển lãm 16- Ngô Quyền- Hà Nội năm 1998
Triển lãm cá nhân "Tôi và thời gian" tại Eight Gallery, 8A Phùng Khắc Khoan, Q.1 - TP. HCM 2017
Cùng nhiều triển lãm nhóm trong nước và quốc tế.
_____________________
- Ký họa chân dung của họa sỹ Đặng Tiến
- Hoạ sĩ Đặng Tiến: Lẽ ra tôi phải bứt ra sớm hơn để dành thời gian cho đam mê của mình (Đỗ Bích Thủy)
- Đánh thức (Tuyết Lan Trần)
- Thiền tranh (Như Bình)
- Tranh Đặng Tiến (Quang Việt)
- Vẻ đẹp của sự lụi tàn đôi khi ám ảnh ghê gớm (Tô Chiêm)
- Lặng thầm Hải Phòng (Phan Thiết)
- Họa sỹ Đặng Tiến - Những trầm tích thời gian (Việt Hà)
- Họa sỹ Đặng Tiến - Những gánh nợ nhân gian (Việt Hà)
- Tôi và thời gian (Ngô Hương Sen)
- Tình Đặng Tiến (Ngô Hương Sen)
Phải có đam mê thì mới thành tài được
Trả lờiXóaHọa sĩ Đặng Tiến là một tên tuổi nổi bật trong làng hội họa Việt Nam, đặc biệt là với những tác phẩm tranh phong cảnh và tĩnh vật đầy cảm xúc. Phong cách nghệ thuật của ông được hình thành từ niềm đam mê hội họa cháy bỏng, sự nỗ lực tự học và những trải nghiệm sâu sắc với cuộc sống.
Trả lờiXóaDưới đây là một số thông tin về họa sĩ Đặng Tiến và phong cách nghệ thuật của ông:
Đam mê hội họa từ nhỏ:
Họa sĩ Đặng Tiến có niềm đam mê hội họa từ khi còn nhỏ. Năng khiếu và đam mê này được truyền lại từ người cha, một người yêu thích và có khả năng về mỹ thuật.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình và công việc, ông không có điều kiện theo học mỹ thuật bài bản.
Con đường tự học:
Họa sĩ Đặng Tiến đã tự học hội họa bằng cách tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu và thực hành liên tục.
Cuốn sách "Bước đầu học vẽ" của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ là một trong những tài liệu quý giá giúp ông bước đầu làm quen với hội họa.
Phong cách nghệ thuật:
Họa sĩ Đặng Tiến thành công với thể loại tranh tĩnh vật hoa và tranh phong cảnh.
Phong cách của ông mang đậm tính trữ tình, lãng mạn, thể hiện sự rung động sâu sắc trước vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống.
Những tác phẩm của ông thường có một nỗi u hoài, và màu sắc được sử dụng một cách tinh tế.
Cảm hứng từ Hải Phòng:
Sinh ra và lớn lên tại Hải Phòng, họa sĩ Đặng Tiến có nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ cảnh sắc thiên nhiên của vùng đất này, đặc biệt là những bến cá, bến thuyền và những vùng ngập mặn.
Phong cách nghệ thuật của họa sĩ Đặng Tiến là sự kết hợp giữa niềm đam mê, sự nỗ lực tự học và những trải nghiệm cá nhân sâu sắc. Ông đã tạo ra những tác phẩm độc đáo, mang đậm dấu ấn riêng, góp phần làm phong phú thêm nền hội họa Việt Nam.