Họa sĩ Tường Vân
(1942 - 1987)
- Tên thật là Nguyễn Mạnh Tường Vân
- Sinh ngày 14/2/1942 tại Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội. Mất ngày 25/6/1987 tại Hải Phòng
- Tốt nghiệp hệ trung cấp 3 năm tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam năm 1963
- Tốt nghiệp xuất sắc lớp thiết kế trang trí sân khấu tại trường Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội năm 1983
- Họa sĩ trang trí sân khấu cho Đoàn kịch nói Hải Phòng (1963 - 1987)
Chân dung Tú Quyên - Ký họa (1965)
(Sưu tập của đạo diễn Nguyên Hải)
Chữ trong tranh: " Còn và Mất . Sự Nẩy mầm và điều Hủy diệt . Chân trời và những khổ đau không tránh được ! Tháng năm - Sự Mất mát và Tương lai Khát vọng "
(Sưu tập của đạo diễn Nguyên Hải)
Chữ trong tranh: " Còn và Mất . Sự Nẩy mầm và điều Hủy diệt . Chân trời và những khổ đau không tránh được ! Tháng năm - Sự Mất mát và Tương lai Khát vọng "
Chân dung Tú Quyên - Sơn dầu
Phác thảo áp phích minh họa cho một vở kịch nói
(Sưu tập của đạo diễn Nguyên Hải)
Ký họa (1987)
(Sưu tập của ông Cao Văn Tuấn)
(Sưu tập của đạo diễn Nguyên Hải)
Ký họa (1987)
(Sưu tập của ông Cao Văn Tuấn)
---------------------
Thợ vẽ Tường Vân
Sinh thời, anh vẫn tự gọi mình là thợ vẽ. Họa sỹ Tường Vân
ra đi rất sớm...khi mới ngoài 40 tuổi, tháng 6 năm 1987.
Tháng 10 năm 1964, sau khi tốt nghiệp khóa I Trường Nghệ
thuật Sân khấu Việt Nam, 7 anh chị em chúng tôi được Bộ Văn hóa cử về tăng
cường cho Sân khấu Hải Phòng, lúc đó đang hoạt động như một đội sân khấu nằm
trong Đoàn Văn công Tổng hợp thành phố...
Đặt chân vào trụ sở Đoàn (11 phố Kỳ Đồng), tôi gặp ở sân một
người đàn ông, không rõ trẻ hay già(!), ăn mặc xuềnh xoàng, có phần luộm thuộm
nữa. Anh nhoẻn cười, kéo nhếch hai khóe miệng, một nụ cười thân thiện mang hình
mặt trăng khuyết:
- Chào các bạn trẻ, những đồng hương Thủ đô...
Anh hồn nhiên, bỗ bã giới thiệu : Tớ là người Hà Nội
đây...phố Hàng Bột...
Trên khuôn mặt anh, những chấm li ti bột mầu xanh xanh đỏ
đỏ, nom anh rất giống một nghệ sỹ hài hóm hỉnh.
... A! tôi nhớ ra rồi, họa sỹ Tường Vân, một trong hai
nhân vật đặc biệt của Đoàn Văn công Tổng hợp mà chúng tôi đã được nghe nói đến
trước khi về nhận công tác ở Hải Phòng (một nhân vật nữa, anh Ngũ Ước Hàn,
người Hoa, nổi tiếng khắp các đoàn sân khấu miền Bắc lúc đó, về biệt tài lắp
loa khuếch đại âm thanh cho diễn viên biểu diễn trên sân khấu, thời kỳ chưa
phát triển hệ thống micro không dây).
Tường Vân là một nghệ sỹ có cá tính. Những người biết anh
đều nhớ rất rõ những thói quen khác người, có thể nói là lập dị trong sinh hoạt
và trong tác nghiệp của anh, một “made in TUONG VAN”, và hầu như những người
yêu mến tài năng của anh đều cười xòa về cách khu xử trước nhiều vấn đề, rất
“TUONG VAN” của người họa sỹ này.
Là một nghệ sỹ sáng tác, nhưng ở một đoàn nghệ thuật địa
phương, Tường Vân đảm nhiệm cả việc thực hiện maket sân khấu cho các vở diễn,
dù đấy là công trình của anh hay của người khác. Anh có thể lăn lê bò toài bôi
bôi quét quét đến mệt lử và lăn ra ngủ ngay trên đống phông màn đầy phẩm mầu
xanh đỏ.
Khi còn độc thân hay cả khi đã kết hôn với Tú Quyên, cô bạn
học cùng trường Mỹ thuật, Tường Vân vẫn cứ sống như thế, đơn giản và say mê...
Thời bao cấp, tủ lạnh là một món đồ lạ lẫm. Khi được “ăn
theo” lượng thực phẩm nhà nước cung cấp cho diễn viên mỗi tháng, thường là
0,5kg thịt, Tường Vân kiếm ba thanh gỗ dài khoảng 1m, loại 4x4, buộc bắt chéo
nhau thành một cái chạc ba, trên cùng đặt bát thịt kho, dành ăn dần ...
Khi thấy tôi ngó vào căn phòng lộn xộn , vừa là chỗ ăn ngủ,
vừa là chỗ căng khung vẽ của anh, ngổn ngang những chăn màn quần áo nhầu nhĩ, những
bức tranh đã hoàn thành hoặc đang còn là những mảng mầu dang dở...anh cười rất
cởi mở, vẫn nụ cười hình trăng khuyết, hãnh diện khoe với tôi chiếc “garde
manger”(1) độc đáo của mình, phấn khởi khẳng định: Thế này, chuột chỉ có khóc!!!
Tường Vân có nhiều bạn: Bạn thơ, bạn vẽ và bạn rượu...ở cơ
quan, anh đặc biệt thân với một bác kế toán già Trường Huynh... Sau những giờ
cầm cọ bôi bôi trát trát những mảng mầu trên cảnh trí, buông bút vẽ, Tường Vân
leo lên lầu 3, nách cắp cút rượu trắng, giơ lên rủ rê:
- “Ông bạn già ơi! Tớ có “nước”, ông lo phần “cái” nhá! ”.
Dứt câu, họa sỹ nở một nụ cười đặc trưng hình trăng khuyết của mình.
Còn nhớ, ngày mùa hè, mấy cậu thanh niên hò nhau đẩy Tường
Vân vào nhà tắm và dội nước... Chẳng cáu giận, bước khỏi cửa nhà tắm của khu
tập thể, anh hớn hở, vắt chiếc khăn mặt còn vết phẩm mầu loang lổ xanh xanh đỏ
đỏ lên vai, nở nụ cười hiền lành quen thuộc, nói như chữa ngượng: “ Em
cũng trắng ra phết đấy, các bác nhể !!!”
Có một điều lạ lùng, con người tưởng như sống rất đơn
giản ấy lại là một nhà thơ. Nhiều câu thơ của anh đã ám ảnh tôi trong nhiều
năm, thích thú mỗi khi nhớ lại, bởi ý tứ và cách đặt câu chữ độc đáo. Qua những
câu thơ, mọi người dễ dàng nhận ra có một Tường Vân khác nữa, một Tường Vân thi
sĩ, một Tường Vân với những vần thơ thổn thức, thấm đẫm tình yêu và đầy triết
lý...
Một buổi tối cách nay đã mấy chục năm, tôi ngồi trong nhà
hát Tháng Tám xem nữ nghệ sỹ múa Lê Vân trình diễn màn đơn vũ “con tò vò”. Hình
mạng nhện giăng mắc mờ ảo khắp cả hậu cảnh. Trong im lặng, chợt vang lên một
khúc thức với những câu thơ ma mị : Một ngày một tháng một năm/ Một đời
viên đất sủi tăm mặt hồ.../ Nắng soi cái tổ tò vò/ Dọc ngang cũng một con đò ấy
thôi.
Một người bạn ngồi cạnh, ghé vào tai tôi nói nhỏ “Thơ Tường
Vân”! Tôi ngạc nhiên khi biết được điều này...
Hằng ngày, mải lo công việc, lo tập tành biểu diễn, nên tuy
cùng cơ quan, tôi ít quan tâm đến anh. Mấy câu thơ ấy, lần đầu tiên đã khiến
tôi thay đổi suy nghĩ về họa sỹ Tường Vân, không chỉ là “người thợ vẽ”.
Nhiều bài thơ khác nữa của anh đã âm thầm len lỏi vào sâu
thẳm tâm trạng của người đang yêu. Tôi dùng chữ “âm thầm” vì mãi sau này, thậm
chí cả khi anh đã qua đời một cách tức tưởi trong Bệnh viện Đông Khê (Hải
Phòng), một số người (buồn thay, trong số đó có cả người viết bài này) mới biết
anh là tác giả của những câu thơ thấm đẫm tình yêu mà mình thi thoảng vẫn
ngâm ngợi: Em như mặt trời đang lặn ở phía Tây/ Anh cố đuổi theo để giành
chút ánh ngày/ Lúc tưởng em hiền hòa gần gũi nhất/ Chính là lúc em cách xa anh/
nửa vòng quay trái đất...
Tôi không có ý định nói về tập thơ của họa sỹ Tường Vân như
một người nghiên cứu thơ anh - Chỉ là ấn tượng về những con chữ anh đã dùng để
nặn vẽ ra những bài thơ tình của mình: Có một con sông/ không chỉ chảy qua
núi đồi/ chảy qua thành phố/ mà chảy qua anh bỡ ngỡ/ chảy qua em, tươi nở sắc
môi cười/ Con sông tình yêu, em ơi!
Tường Vân còn gây ngạc nhiên cho chúng tôi khi một buổi tối,
ngồi trước màn hình tivi xem bộ phim “12A 4H” của Truyền hình Việt Nam, chợt
nghe vang lên một ca khúc mà ca từ là thơ anh: Em đi học em đi đường
bên phải/ Em học về đường bên phải em đi/ Đường bên trái là con đường ngược
lại...
Và tôi hiểu rằng với suy nghĩ ấy, Tường Vân không chỉ là một
họa sỹ, một nhà thơ, Anh còn là một công dân...
Hai mươi năm sau ngày anh qua đời, tháng 12/2007, vợ con anh
- họa sỹ Tú Quyên và cháu Diệu Linh (Sinh thời, anh vẫn hóm hỉnh “chiết tự” tên
con gái là Rượu và một món Ninh) đã được một nhóm bạn bè giúp đỡ, sưu tầm tập
hợp lựa chọn những bài thơ nghĩa tình mang dấu ấn rất riêng của anh: úp mặt vào
thời gian, trong đó có bài thơ cùng tên với những câu chữ đầy khắc khoải: úp
mặt vào thời gian ngơ ngác/ Em hiện về như một áng mây/ Nơi ửng hồng đôi má/
Nơi bàng bạc mầu tà áo bay/ Bừng tỉnh rồi đầu bạc/ Tay chửa cầm tay...
--------------------
Tam Đảo 4/2015
(Nguồn: Tạp chí Cửa Biển)
Bài viết rất hay
Trả lờiXóaTường Vân là một họa sĩ và nhà thơ người Việt Nam, nổi tiếng với những đóng góp cho sân khấu kịch nói Hải Phòng. Dưới đây là một số thông tin về ông:
Trả lờiXóaThông tin cơ bản:
Tên đầy đủ: Tường Vân
Nghề nghiệp: Họa sĩ, nhà thơ
Lĩnh vực hoạt động: Thiết kế sân khấu, hội họa, thơ ca
Nơi hoạt động: Đoàn kịch nói Hải Phòng
Ngày mất: 25 tháng 6 năm 1987 tại Hải Phòng
Sự nghiệp:
Tốt nghiệp hệ trung cấp 3 năm tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam năm 1963.
Tốt nghiệp xuất sắc lớp thiết kế trang trí sân khấu tại trường Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội năm 1983.
Họa sĩ trang trí sân khấu cho Đoàn kịch nói Hải Phòng (1963 - 1987).1