Sơn Trúc – Người phụ nữ sáng tạo

Hà Thái Hà
Họa sĩ Sơn Trúc
(Ảnh: Nguyễn Viết Thắng)

Trong thế hệ của mình, có thể nói, Sơn Trúc là một trong những họa sĩ sớm có tên tuổi và sớm tìm ra được một tiếng nói riêng, một con đường đi riêng, là mình nhưng không hề lạc lõng, lập dị giữa thời cuộc.
Một số họa sĩ như Phạm Tăng, Lê Bá Đảng, Quang Phòng, Mai Văn Hiến, lúc sinh thời, rất thích tranh Sơn Trúc. Có lần có người chê tranh Sơn Trúc, ông Quang Phòng bảo ngay: “Chê thì cứ chê. Dẫu sao cũng vẫn là Sơn Trúc. Cứ bằng được Sơn Trúc đi đã”…

Sơn Trúc - Chân dung cụ Nguyễn Sơn Hà - Sơn dầu (30cm x 42cm) - 1972

Về Sơn Trúc, nhà văn Tào Mạt đã có hai câu thơ hay:
Trúc ngọc non sâu tự biết reo
Gió đời muốn hát cũng không theo

Năm 1993, Sơn Trúc đã có triển lãm cá nhân tại Paris, một trong những triển lãm thuộc thời kỳ đầu tiên của các họa sĩ Việt Nam trên đất Pháp sau chiến tranh. Ngày ấy mọi chuyện khó hơn bây giờ nhiều.

Sơn Trúc - Cô gái và hoa sen - Sơn mài (120cm x 60cm) 1984

Sơn Trúc - Tuổi trẻ - Sơn mài (160cm x 80cm) - 2006

Sơn Trúc vẽ hình rất mới mà sinh động, lại có thêm vẻ tươi tắn, dí dỏm, nhất là khi chị vẽ trẻ thơ. Với chị, đơn giản không bao giờ đồng nghĩa với duy lý, khái niệm hóa. Đường nét – phương tiện biểu hiện chủ đạo của Sơn Trúc – nhìn tưởng “trơn tru”, nhưng kỳ thực luôn luôn có sự nồng hậu và độ vi tế của cảm xúc khởi nguồn từ quan sát.

Tranh Sơn Trúc làm gợi nhớ đến Matisse, các tác phẩm sơn mài của chị như được tạo ra bởi một hình thái đã tiến gần đến “hội họa kiến trúc” (peinture architecturale), hướng tới một thứ cân bằng về đường nét, hình diện bằng cảm xúc bay bổng.

Sơn Trúc - Sự tồn tại của Vũ trụ - Sơn mài (120cm x 90cm) - 1989

Từ những hình tượng phổ cập, quen thuộc (thiếu nữ, thiếu nữ áo dài, thiếu nữ khỏa thân, trẻ em chơi), Sơn Trúc mở ra những không gian hồi tưởng, ẩn hiện các mô-típ đặc trưng giai thoại (vịnh Hạ Long, cây cổ thụ, kiến trúc cổ, các mẫu biểu tượng Á Đông), thêu dệt nên những cảnh tượng huyền diệu, thể hiện niềm tự hào về quá khứ và hiện tại của dân tộc, lòng tin vào tương lai – một điệu trầm của niềm vui sống.

Tranh cắt giấy của họa sĩ Sơn Trúc

Ngoài sơn mài, sơn dầu, lụa, Sơn Trúc còn kiên trì thực nghiệm trong nhiều năm kỹ thuật cắt giấy màu (bộ tranh “Sự tồn tại”). Đây cũng là một mảng tranh rất đáng chú ý của Sơn Trúc nhằm kết hợp tinh thần hiện đại với những suy tư khúc chiết và sâu thẳm về truyền thống. Mới-Cũ ở đây dường như không còn làm người xem bận tâm, chỉ bị cuốn vào thế giới nội tâm đầy sức hút của Sơn Trúc.

Cảm nhận toàn bộ trước nghệ thuật của Sơn Trúc là cảm nhận trước một cái đẹp độc đáo. Có những cái đẹp thiếu tính độc đáo, vì nó còn thiếu tính sáng tạo.
____________________

1 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!