Nếu là một hoạ sỹ tôi sẽ vẽ Trần Vinh bằng một gam màu lạnh!

Họa sĩ Trần Vinh tự họa

Tranh của anh về cơ bản được vẽ bởi những gam màu lạnh. Có những bức tranh, thậm chí không ít bức tranh được anh vẽ bằng những gam màu nóng nhưng trong cảm nhận của tôi, ngay cả khi anh dùng màu nóng thì cũng chính là để tả cái lạnh trong anh. Thật vậy.

Trần Vinh - Nhà chật - Sơn dầu

Trần Vinh - Chiều buông - Sơn dầu (80cm x 100cm) 2017

Phong cảnh trong tranh của anh dù là phố, dù là con sông, bến nước, dù mở ra một không gian mênh mang, rộng lớn nhưng chạm vào cảm xúc của người xem sau cùng vẫn là một cái tôi đượm buồn, cô đơn trước thực tại. Anh vẽ Tam bạc quê anh nhưng đấy là phố trong tâm cảm của anh, phố của riêng anh và bởi vậy nó cũng nhuộm một sắc màu đầy ám ảnh. Hoạ sỹ Lê Đại Chúc có lần đã nói với tôi, nôm na là: đừng cố lý giải hoạ sỹ vẽ gì và “ trần trụi” nó, bởi đối tượng miêu tả đôi khi chỉ là cái cớ để hoạ sỹ khoe tài. Đúng là thế, nhưng với Trần Vinh, anh vẽ trước hết là nhu cầu bộc lộ cái tôi cá nhân, và đó cũng là tiếng nói khát khao giao cảm với cuộc đời của người nghệ sỹ trong anh. Tôi thích ngôn ngữ giàu tính biểu tượng trong tranh Trần Vinh, từ những ngày đầu mơ mộng, lãng mạn cho đến sau này kiệm lời hơn, ẩn ý hơn, đằm thắm và sâu lắng hơn sau khi đã đi qua nhiều trải nghiệm, anh kể câu chuyện của mình, câu chuyện về tình yêu, câu chuyện về cuộc đời bằng “ giọng” của riêng anh - một chất giọng trầm, buồn mang màu của thời gian và những năm tháng.

Trần Vinh - Ôi quê tôi - Sơn dầu (80cm x 100cm)

Trần Vinh - Chiều Cát Bà - Sơn dầu - 120cm x 100cm - 2014

Trần Vinh - Xuất khẩu - Sơn dầu

Nói tranh Trần Vinh cô đơn cũng đúng mà nói nó tràn đầy nỗi khát khao giao cảm với đời, khát khao về hạnh phúc cũng đúng. Có phải càng cô đơn người ta càng thấm thía khát khao về hạnh phúc? Có thể dễ dàng nhận thấy tình yêu là một đề tài lớn, xuyên suốt trong các sáng tác của Trần Vinh qua các thời kỳ. Không mới khi anh khai thác nó ở khía cạnh nhục cảm- sự thăng hoa tột đỉnh của cả thể xác và tinh thần - điều này khiến tôi liên tưởng đến những trang văn của Haruki Murakami, ở đó tình dục không chỉ là tình dục, nó là ham muốn mãnh liệt về sự hoà hợp giữa những cái tôi cô đơn, khắc khoải; chỉ khác là anh “ kể” bằng “ giọng” của anh, tâm hồn và trải nghiệm của riêng anh, bảng màu của riêng anh. Làm sao họ có thể vẽ được những “ cái bên trong” bằng những “biểu tượng” bề ngoài nếu không phải đó là tài năng? Làm sao họ có thể thấu hiểu giá trị của hạnh phúc nếu không đi đến tận cùng của nỗi cô đơn trần thế?

Trần Vinh - Biển - Sơn dầu (100cm x 100cm) 2018

Nếu là một hoạ sỹ tôi sẽ vẽ Trần Vinh bằng một gam màu lạnh, tất nhiên là thế, dù tôi vẫn biết trong cái lạnh đó luôn có những ấm nóng của riêng anh, như những ngún lửa âm ỉ tận sâu bên trong, đủ để cân bằng bản ngã - làm nên một Trần Vinh khác biệt.
Tiếc rằng tôi không phải là một hoạ sỹ!
___________________
Bài viết của Khuất Thị Ngọc Anh (Đăng trên facebook Lý Mạc Sầu)
Xem thêm: 

1 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!