Việt Hòa
Đưa nghệ thuật điêu khắc vào “sống” trong các không gian sinh hoạt thường ngày là một cách nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tác phẩm điêu khắc "Đàn cá" của Hoàng Mai Thiệp
Khoảng trống trong ngôi nhà Việt
Trong những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân Việt
Nam
đã được cải thiện nhiều so với trước. Người ta đã có thể bỏ nhiều tiền để xây
dựng nhà cửa, đã bắt đầu quan tâm đến yếu tố đẹp thể hiện trong việc trang trí
cho những ngôi nhà ấy. Nhưng dường như “cái đẹp” trong mắt nhìn của nhiều người
còn thiếu tính thẩm mỹ và văn hóa cao.
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải, giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Hà
Nội kể rằng ông đã rất ngạc nhiên khi bước chân vào những ngôi nhà hoành tráng
của một số người có vị trí xã hội, vì đồ đạc và vật trưng bày trang trí chắc
hẳn đều rất đắt tiền nhưng thiếu hẳn yếu tố đẹp và tính văn hóa. Những đồ đạc
ấy chỉ mang tính chất phô trương tiềm lực kinh tế của chủ nhân là chủ yếu.
Trong khi đó, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đương đại
lại chưa được ứng dụng nhiều trong đời sống thường ngày. Thị trường dành cho
các tác phẩm điêu khắc độc bản rất hạn hẹp dù hiện nay nghệ thuật điêu khắc của
Việt Nam, nhất là điêu khắc của các tác giả trẻ, có những bước phát triển mới,
tiến tới tiệm cận với nghệ thuật khu vực và thế giới.
Ở nước ta hiện nay, điêu khắc chủ yếu hiện diện trong các
tượng đài hoành tráng, các tác phẩm trưng bày ở những nơi công cộng như
vườn hoa, bảo tàng. Trong ngôi nhà người Việt thiếu vắng điêu khắc Việt Nam trong khi
có thể lại thừa những thứ đắt tiền mà kệch cỡm. Sự thiếu vắng ấy là một khoảng
trống rất buồn và lãng phí.
Tác phẩm điêu khắc bằng gốm của Bùi Viết Đoàn
Nỗ lực đưa điêu khắc vào đời sống
Để nghệ thuật điêu khắc hiện diện và có thể “sống” được
trong những không gian sinh hoạt thường ngày của con người Việt Nam là ước mong
của của những người tổ chức và tham gia triển lãm điêu khắc “New Form -
Hình thể mới”.
Triển lãm trưng bày hơn 30 tác phẩm điêu khắc nhỏ và vừa, có
thể bày biện, đặt để thích hợp trong bất cứ không gian kiến trúc dân dụng hay
công sở nào. Theo anh Hải, chủ nhân Gallery Mai thì việc lựa chọn các tác phẩm
có kích thước dưới 50cm, tạo hình gần gũi với đời sống là chủ ý nhằm đưa các
tác phẩm này dễ dàng đến với công chúng hơn. Người xem dễ “cảm”, dễ hiểu tác
phẩm và tác phẩm dễ tìm được không gian trưng bày phù hợp.
9 nghệ sĩ tham gia trong triển lãm này thuộc thế hệ sinh ra
từ đầu thập kỷ 70 đến đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Họ đã qua cái ngưỡng “tam
thập nhi lập” và đều đang ở độ tuổi đời và tuổi nghề sung sức nhất. Có những
người đã có những thành quả nhất định, có những người đang là các giảng viên
của các trường Đại học Mỹ thuật và Đại học Kiến trúc. Đồng thời họ cũng là
những người sáng tác đều đặn và tiên phong trong lứa nghệ sĩ điêu khắc trẻ của
khu vực phía Bắc.
Tác giả Nguyễn Thái Bình cho biết dù cố gắng đưa nghệ thuật
điêu khắc đến gần với đời sống của người dân Việt Nam hơn nhưng công việc của anh vẫn
là sáng tạo nghệ thuật chứ không phải chiều theo thị hiếu tiêu dùng. Tác phẩm
điêu khắc là những công trình nghệ thuật chứ không phải đồ thủ công mỹ nghệ sản
xuất hàng loạt. Theo tác giả Trần Trọng Tri thì chính việc người nghệ sỹ sáng tạo
theo ý thích cá nhân đã tạo ra những khó khăn cho họ, nhưng đồng thời cũng mang
lại thuận lợi là họ được tự do trong sáng tạo và cho ra đời những “đứa con đẻ”
hoàn toàn của mình.
Làm sao để nghệ sỹ tự do sáng tác những tác phẩm có tính
nghệ thuật cao, mang dấu ấn cá tính, sự sáng tạo cá nhân mà vẫn tìm được thị
trường trong đời sống hàng ngày là câu hỏi khó mà các tác giả và những người tổ
chức triển lãm “New Form” đang tìm cách giải. Triển lãm sẽ không dừng ở đây mà
các nhà điêu khắc sẽ tập hợp thành nhóm đông có chung mục đích sáng tác để tổ
chức triển lãm 6 tháng một lần và tìm đường đi tới ứng dụng đời sống cho điêu
khắc Việt Nam .
Song để ước mong này thành công thì ngoài nỗ lực của người
sáng tác, nhà tổ chức thì còn cần sự nâng cao hiểu biết, thẩm mỹ của công
chúng. Mà điều này không thể một sớm một chiều thành hiện thực./.
-------------
Theo: VOV