Cuộc trở lại khó khăn của tranh Việt

13/7/2013

Nhìn vào danh mục tác phẩm tại phiên đấu giá có tên Modern & Contemporary Art diễn ra ngày 14/7 ở Singapore của nhà Larasati, có thể nói tranh Việt đã trở lại sau một thời gian vắng bóng. Phiên đấu này diễn ra trong bối cảnh thị trường nghệ thuật thế giới đang có một biến chuyển mạnh, mà theo Artprice.com, hiện Trung Quốc đang thống lĩnh toàn cầu, áp đảo cả Mỹ, Anh, Pháp, Đức…

Tác phẩm Chân dung tự họa của Đỗ Quang Em

1. Để tiếp cận sâu vào thị trường Đông Nam Á, mấy năm gần đây nhà Larasati luôn tổ chức những phiên đấu có giá khởi điểm khá thấp, như phiên này, dao động từ 1.000 đến 4.000 USD. Xếp từ lô số 20 đến 34, tranh của các họa sĩ Việt Nam như Đặng Xuân Hòa, Trịnh Thanh Tùng, Phạm Luận, Đỗ Duy Tuấn, Hồng Việt Dũng, Lim Khim Katy, Đào Thanh Duy, Vũ Công Điền, Hoàng Đức Dũng, Doãn Hoàng Lâm, Hoàng Hải Anh, Trần Thị Thu Hà, Phạm Tú Uyên… thuộc phân khúc trung bình này.

Tất nhiên phiên đấu nào cũng có các tên tuổi vượt trội, hoặc tiêu điểm, như Isaac Lazarus Israels, I Nyoman Masriadi, Sunaryo, Sudjana Kerton, Donald Friend, Teng Nee Cheong, But Muchtar, Gregorius Sidharta Soegijo, Nasirun, Chen Wen His, Popo Iskandar, Adrien-Jean Le Mayeur de Merpres, Đỗ Quang Em, Djokopekik… Dù xếp vào nhóm tác giả có giá cao, nhưng khởi điểm của Đỗ Quang Em còn khá thấp (từ 6.240 đến 9.360 USD) nếu so với các tên tuổi đương đại như I Nyoman Masriadi (từ 132.600 đến 195.000), Sunaryo (từ 93.600 đến 117.000).

Nếu “đường đi” của tác phẩm chính xác, thì Chân dung tự họa (sơn dầu trên bố, 66 x 77 cm, 2007) của Đỗ Quang Em do phòng tranh Apricot (Việt Nam) sưu tập, với giá mua đầu (năm 2008) vào khoảng 5.000 USD. Sau 5 năm, hiện không biết ai đang sở hữu tác phẩm này, nhưng việc chấp nhận với giá khởi điểm này đã chứng tỏ chủ nhân muốn tên tuổi Đỗ Quang Em được trở nên quen thuộc hơn ở các phiên giao dịch. Việc một nhà sưu tập chấp nhận ra giá thấp hơn giá đã sưu tập là quyết định rất bình thường, bởi họ muốn chen chân vào các phiên đấu, vốn rất khó khăn.

2. Trong cuốn Thị trường nghệ thuật 2012 do Artprice và AMMA phát hành, các chuyên gia uy tín đã cho thấy rằng trong 3 năm qua, Trung Quốc đã dẫn đầu thị trường toàn cầu, năm nay họ chiếm 41% doanh thu trên toàn thế giới. Trong khi đó, Mỹ chiếm 27%, Anh 18%, Pháp 4%, Đức 2%, Thụy Sĩ 1%, và 7% chia đều cho các thị trường khác. Các nhà phân tích dự đoán rằng, nếu các nền nghệ thuật bản xứ không có “chiến lược phòng thủ” hữu hiệu thì trong khoảng 5-10 năm nữa, sự xâm thực và chiếm chỗ thị trường của nghệ thuật Trung Quốc là rất rõ rệt. Lúc ấy, giới mua bán sẽ lơ là tác phẩm trong nước để chạy theo xu hướng chung: mua tác phẩm của Trung Quốc. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, việc “chen lấn” để có tên và quen tên trong các phiên đấu giá là điều gần như bắt buộc phải làm. Rất tiếc Việt Nam chưa có nhà đấu giá nội địa và nhiều phòng tranh vẫn chưa mặn mà với các phiên đấu quốc tế.

Cũng theo Artprice.com, hiện nay trên thế giới có khoảng 4.500 nhà đấu giá quốc tế, nơi liên kết hơn nửa triệu tác giả và khoảng 108 triệu tác phẩm từ năm 1700 đến nay. Chính vì vậy, để tồn tại và cạnh tranh được, một nhà đấu giá đang lên như Larasati phải đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm giữ khách hiện tại và tương lai. Tại phiên đấu ngày 14/7 này, rất nhiều tác phẩm đẹp có giá khởi điểm từ 500 đến 1.500 USD, đồng hành với chính sách hàng không linh hoạt, giá rẻ của Singapore, Larasati hi vọng sẽ thu hút được nhiều người mua trong khu vực. Thuộc phân khúc giá trung bình của phiên đấu, 21 tác phẩm từ Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh về giá.
-------------
Theo: Xaluan.com

2 nhận xét:

  1. Tranh Việt Nam đã qua bao thăng trầm và giờ đã trở lại đầy ấn tượng

    Trả lờiXóa
  2. Mọi khó khăn đều sẽ vượt qua, tranh Việt Nam đã trở lại một cách rất hoành tráng

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!