Lệ Tân Sitek - người phát hiện và giới thiệu họa sĩ Việt

12/9/2013
Ngọc Bi

Nhà văn, kiến trúc sư Lệ Tân Sitek (tác giả hai tự truyện Một mình trên đường và Ngã ba đường) là người đã dành trọn đời sưu tập tranh Việt và giới thiệu ra nước ngoài.
 
"Lệ Tân Sitek tên thật là Bùi Lý Lệ Tân, sinh năm 1939 tại Hồ Nam (Trung Quốc), con gái đầu của hai nhà lão thành cách mạng từng hoạt động nhiều năm ở Trung Quốc (ông Bùi Hải Thiệu và bà Hoàng Lệ Minh). Năm 1944, Lệ Tân Sitek cùng mẹ và hai em gái về Việt Nam sống.
Mùa thu 1955, bà đi du học tại Ba Lan và tốt nghiệp ngành kiến trúc năm 1964. Năm 1962, bà lập gia đình với ông Ryszard Sitek, sinh sống tại Ba Lan tới năm 1967. Từ năm 1967 đến nay, bà cùng chồng và hai con định cư tại Oslo, Na Uy."
Mỗi lần trở về Việt Nam, Lệ Tân Sitek lại tranh thủ đi ngắm các gallery, để rồi không cầm lòng được lại mua một ít, mang về Na Uy và khao khát giới thiệu những cái hay, cái đẹp của hội họa Việt với bạn bè quốc tế. Năm 1980, bà đã đem 38 bức tranh lụa mà bà mua lần đầu tiên từ một triển lãm ở Hà Nội trên đường Tràng Tiền vào năm 1979, đi triển lãm tại 6 tỉnh ở Na Uy. Đây cũng là các cuộc triển lãm tranh Việt đầu tiên tại các tỉnh này.

Vợ chồng bà Lệ Tân Sitek cùng họa sĩ Bùi Nguyên Trường (áo trắng) tại lễ khai mạc triển lãm tranh của Bùi Nguyên Trường tại Hà Nội vào năm 1997 - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau thành công ban đầu đó, bà mạnh dạn tham gia nhiều hoạt động giao lưu nghệ thuật giữa Việt Nam - Na Uy, như cố vấn, cho Riks-Ustilling - tổ chức triển lãm trung ương của Na Uy, tổ chức triển lãm Hội họa Việt Nam đương đại (Vietnam Express) năm 1997 với sự tham gia của nhiều họa sĩ Việt Nam như Nguyễn Quân, Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Đỗ Hoàng Tường, Đinh Ý Nhi, Trần Văn Thảo, Nguyễn Quốc Hội, Trương Tân, Đinh Quân, Nguyễn Minh Thành… ở nhiều nơi tại Na Uy.

Phát hiện và giới thiệu họa sĩ Việt

Mùa thu năm 1993, chồng bà, ông Ryszard (tức nhân vật Robert trong cuốn Ngã ba đường) đã phát hiện ra nét đẹp đặc biệt trong tác phẩm Đánh dậm của họa sĩ tự học Bùi Nguyên Trường ở Hải Phòng. Lệ Tân Sitek đã gửi bài phê bình mỹ thuật đầu tiên về người họa sĩ này về nước và được đăng trên báo Văn nghệ và Mỹ thuật thời nay năm 1995. Hai vợ chồng bà đã đích thân về nước để tổ chức triển lãm cho Bùi Nguyên Trường tại 29 Hàng Bài, Hà Nội vào năm 1997 trong vòng một tuần. Đây cũng là triển lãm đầu tiên tại Hà Nội cho một họa sĩ không học qua bất kỳ trường nghệ thuật nào, cũng không phải là hội viên của bất kỳ hội nào, và do một Việt kiều về nước tổ chức.
Sau đó, Lệ Tân Sitek tiếp tục đem tranh của Bùi Nguyên Trường về triển lãm tại Na Uy, và tổ chức kỷ niệm 10 năm sưu tầm tranh của Bùi Nguyên Trường vào năm 2003 tại gallery Nam Sơn, Hà Nội. Nhân dịp này, bà cho ra tập truyện "Sưu và Tầm".

Trọn đời sưu tầm tranh Việt

Gần như hai phần ba cuộc đời mình, Lệ Tân Sitek dành nhiều thời gian và tiêu tốn khá nhiều tiền bạc để sưu tầm tranh của nhiều họa sĩ Việt Nam như Nguyễn Quân, Bùi Nguyên Trường, Cao Quý, đồ họa của Lê Huy Tiếp, Nguyễn Văn Cường… Lệ Tân Sitek cho biết bà thực sự mê thích các tác phẩm truyền thống tranh lụa Việt Nam và tranh lụa của các họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Phan Chánh, Lê Thị Kim Bạch, Lương Xuân Nhị, tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân… và luôn bổ sung tác phẩm của họ vào bộ sưu tập của mình.
Trong nhiều năm ròng, Lệ Tân Sitek còn dành nhiều thời gian tham mưu, góp ý kiến cho những cơ quan tổ chức triển lãm tranh của nhiều họa sĩ hoặc cá nhân từ Na Uy tới Việt Nam hoặc ngược lại. Chính bà đã vận động Đại sứ Na Uy tại Hà Nội tài trợ phần nào cho họa sĩ Đặng Văn Tý, một nạn nhân chiến tranh hiện sống tại Na Uy, tổ chức triển lãm ở Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2003. Năm 2004, Lệ Tân Sitek là người đã tổ chức triển lãm tranh tại hai gallery tư nhân ở Hà Nội và TP.HCM để hoàng hậu Na Uy tới thăm trong chuyến đến Việt Nam của bà với phái đoàn của Vương quốc Na Uy.
-------------

4 nhận xét:

  1. Cảm ơn bà Lệ Tân đã góp phần xây dựng và phát triển hội họa Việt Nam bằng cách mang nền hội họa Việt Nam ra thế giới

    Trả lờiXóa
  2. Cần có nhiều người như bà Lệ Tân để giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam đến toàn thế giới

    Trả lờiXóa
  3. Nặc danh5/1/23

    Cảm ơn Bà với hoạt động nghệ thuật không ngừng

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!