Phạm Thu Hương
Mỹ thuật Việt Nam thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng “lạ” với
công nghệ lăng xê rất điệu nghệ. Vì biết đánh vào tính tò mò của người
xem mà các cuộc triển lãm này thu hút người đến xem “đông như trẩy
hội”.
Đi xem vì tò mò
Triển lãm mỹ thuật được bài trí như siêu thị mùa giảm giá
Những cuộc triển lãm diễn ra thời gian gần đây như “Sale off” hay “Đại gia Việt Nam” được đánh giá cao về hình thức tổ chức rất “mới”. Cứ thử nhìn vào triển lãm “Sale off” thì thấy, những ai chỉ đi ngang qua Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền dù không thực sự yêu mến mỹ thuật cũng không thể làm ngơ bởi cách bài trí của triển lãm giống như mặt ngoài của siêu thị đang vào mùa giảm giá. Các họa sỹ đã chọn màu hồng làm tông chủ đạo cho những tấm phướn treo bên ngoài rất phù hợp với tên gọi của cuộc triển lãm “Sale off”. Khi bước chân vào triển lãm, người xem có cảm giác đang vào siêu thị. Nhưng khác ở chỗ, mặt hàng ở đây là những bức tranh được để ngay ngắn trên kệ với mức giảm giá khác nhau, thậm chí có bức tranh được giảm đến 90%. Với cách làm này, triển lãm đã đưa các tác phẩm nghệ thuật trở thành một thứ hàng hóa thông dụng và dành cơ hội cho những người ít tiền mua tranh. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong các cuộc triển lãm đã diễn ra trước đây của mỹ thuật Việt Nam.
Hay như cuộc triển lãm “Đại gia Việt Nam”, chiêu thức lăng xê cũng được sử dụng rất triệt để. Người tổ chức chương trình đã khôn khéo khi đặt tên gọi cho triển lãm với cụm từ “Đại gia” - một đề tài nóng trên mọi diễn đàn, kể cả “trà đá vỉa hè”. Việc bài trí triển lãm rất công phu, chuyên nghiệp. Ngay từ cửa, thảm đỏ được trải thêm cả màn múa lân, múa rồng náo nhiệt. Nhờ đánh trúng tâm lý tò mò của công chúng, các cuộc triển lãm như “Sale off” hay “Đại gia Việt Nam” đón số lượng khách tới dự rất đông. Người ngắm tranh thì ít, ngắm nhau thì nhiều. Có người lần đầu đến không chen được vào đành phải quay lại triển lãm lần thứ hai. Có thể thấy rằng, những cuộc triển lãm này đã thành công bước đầu khi kéo được khán giả - những người lâu nay vốn lười xem triển lãm.
Những cái chau mày
“Nếu tôi là đại gia, tôi sẽ không bỏ tiền ra mua những tác phẩm vẽ
về tôi như thế này” - Một nhà phê bình mỹ thuật nói.
Những cái “chau mày” của khán giả đứng trước các triển lãm này đã cho thấy sự chưa hài lòng về chất lượng tác phẩm. Hầu hết, các bức tranh được trưng bày đều ở cấp độ thấp. Thành thật mà nói, với một người có nhu cầu mua tranh có chất lượng tốt, họ sẽ không tìm đến triển lãm “Sale off” và càng không tìm đến triển lãm “Đại gia Việt Nam”, bởi tranh được vẽ ở nhiều phong cách nhưng hình họa còn yếu và chưa thể hiện được hết ý đồ nghệ thuật qua cách diễn đạt. Đặc biệt, triển lãm “Đại gia Việt Nam” là một điển hình của chất lượng tác phẩm quá yếu, không ra biếm họa cũng không ra chân dung đặc tả thần thái của nhân vật. Sức nặng của “đại gia” chưa được thể hiện rõ ràng. Chân dung các “đại gia” nhợt nhạt, thiếu cảm xúc như được chép từ ảnh chụp đăng trên báo. Vì thế mới có chuyện, một nhà phê bình mỹ thuật khi đi xem “Đại gia Việt Nam” về đã nói: “Nếu tôi là đại gia, tôi sẽ không bỏ tiền ra mua những tác phẩm vẽ về tôi như thế”.
Hơn thế, việc sử dụng tới phương thức lăng xê, quảng cáo rầm rộ của các cuộc triển lãm mỹ thuật thường rơi vào các họa sỹ trẻ, những người rất cần khẳng định chỗ đứng trong lòng công chúng. Còn những tên tuổi như: họa sỹ Lê Quảng Hà, Thành Chương… lại khá lặng lẽ trong khâu tổ chức nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của công chúng. Sự khác biệt này một lần nữa đặt chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm lên hàng đầu. Ngoài việc đánh giá cao hình thức tổ chức sáng tạo và mới mẻ thì các cuộc triển lãm gần đây mới chỉ dừng lại ở việc gây tò mò đối với công chúng. Vì thế, thái độ làm việc nghiêm túc của các họa sỹ trẻ rất cần được khuyến khích. Các chiêu trò đánh bóng rồi cũng qua nhanh, mà chỉ có những tác phẩm đỉnh cao góp phần làm nên những tên tuổi của các họa sỹ mới bền vững theo thời gian.
-------------
Nguồn: "An ninh Thủ đô"