23/8/2013
Bức tranh trang phục của người Việt xưa bị che mờ do sự khuất lấp, thiếu thốn của sử liệu và hiện vật. Tập sách Ngàn năm áo mũ (tác giả Trần Quang Đức, sinh năm 1985 tại Hải Phòng) mang tham vọng phần nào vén lên màn sương lịch sử dày đặc ấy.
Bức tranh trang phục của người Việt xưa bị che mờ do sự khuất lấp, thiếu thốn của sử liệu và hiện vật. Tập sách Ngàn năm áo mũ (tác giả Trần Quang Đức, sinh năm 1985 tại Hải Phòng) mang tham vọng phần nào vén lên màn sương lịch sử dày đặc ấy.
Ngàn năm áo mũ phát hành vào tháng 5/2013, là công trình của một nhà nghiên cứu mới 28 tuổi nhưng đã được nghệ nhân Trịnh Bách - người nhiều năm theo đuổi việc phục hồi trang phục cổ, hết lời khen ngợi: “Việc ra đời của quyển sách Ngàn năm áo mũ là một sự cứu rỗi may mắn. Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hóa, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế, cho đến nay. Tác giả với vốn liếng ngoại ngữ và cổ văn rất cao đã bỏ ra nhiều năm lăn lộn, tìm tòi ở Việt Nam và các nước, nhất là Trung Quốc, để có được những tài liệu quý giá và chính xác đúc kết nên tác phẩm này”.
Năm 2004: giải nhất cuộc thi Cầu Hán Ngữ lần thứ 3 - dành cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới.
Năm 2009: tốt nghiệp tại Đại học Bắc Kinh Trung Quốc.
Từ năm 2010 đến 2012: tập trung nghiên cứu văn hóa trang phục Việt Nam và viết cuốn sách Ngàn năm áo mũ.
Hiện nay Trần Quang Đức là nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Văn học Việt Nam.
Trần Quang Đức đồng thời là dịch giả của các tác phẩm Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011) và Trường An loạn (2012).
Ngàn năm áo mũ làm rõ kiểu dáng và quy chế các loại áo mũ được sử dụng trong cung đình và dân gian Việt Nam trong giai đoạn từ 1009 - 1945, trải dài từ thời Lý tới thời Trần, Lê sơ, Lê trung hưng, Tây Sơn và cuối cùng là thời Nguyễn.Trần Quang Đức đồng thời là dịch giả của các tác phẩm Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011) và Trường An loạn (2012).
Trong suốt gần một ngàn năm lịch sử, trang phục cung đình hầu hết đổi thay qua từng triều đại, bởi “xuất phát từ tâm lý muốn khẳng định sự tiến bộ và khác biệt về văn vật trong sự đối sánh giữa các vương triều nội bộ nước Việt và trong sự đối sánh giữa vương triều Việt Nam với vương triều Trung Quốc”. Ngoài ra, trang phục còn gián tiếp thể hiện sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng, mỹ thuật của một thời đại. Chẳng hạn, khảo cứu cho thấy nhà Lý là triều đại thịnh trị, bởi vậy trang phục cung đình trong thời kỳ này cũng hết sức cầu kỳ, sang trọng: “Riêng với trang phục của bá quan, Văn hiến thông khảo cho biết mũ Phốc Đầu, ủng, hốt, hài đỏ, đai vàng, đai sừng tê của đoàn sứ thần nhà Lý, thứ nào cũng được dát vàng; phục sức Ngư Đại đều được sử dụng ở các nước đồng văn cùng thời, nhưng Ngư Đại vàng của Đại Việt được miêu tả là rất dài và lớn”. Còn như trang phục nhà Nguyễn, khảo cứu nhận định: “Đặt trong nhãn quan phong kiến đương thời, triều đình nhà Nguyễn bất luận thế nào cũng đã sở hữu một nền văn hiến áo mão có bề dày truyền thống và những cách tân đặc sắc, tự tin sánh ngang với các quốc gia Nho giáo như Trung Quốc, Triều Tiên, khiến Khâm sứ nhà Thanh là Lao Sùng Quang công nhận: Gần gũi Trung Hạ, tôn sùng Nho giáo, yêu chuộng thi thư, cùng được coi là đất thanh danh văn vật, ắt phải nói đến hai nước Triều Tiên và Việt Nam”.
Hiện vật "áo cổn triều Nguyễn"
Khảo cứu cho biết, hai tư tưởng chính ảnh hưởng đến việc lựa chọn, đặt định quy chế trang phục cung đình của triều đình Việt Nam là tư tưởng đế vương và quan niệm Hoa Di. Chính bởi quan niệm coi văn minh Trung Hoa là thước đo tiến bộ, trang phục cung đình Việt Nam các đời vẫn được đặt định theo chuẩn mực của các quy chế Trung Hoa cổ điển, ngoại trừ hai triều đại Nguyên, Thanh.
Người Đàng ngoài thế kỷ 16
Tuy nhiên, “bất kể quan niệm của người phương Bắc cho rằng, trời chỉ có một thiên tử, thiên hạ chỉ có một hoàng đế, song không ít thủ lĩnh nước Việt mỗi khi giành được độc lập, giành quyền làm chủ cõi đất phương Nam đều xưng đế”; vì thế, tư tưởng đế vương, ngang hàng với thiên tử Trung Hoa của vua quan người Việt lại được thể hiện rất rõ qua lễ phục của triều đình. Lấy ví dụ, ngay từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần trong các dịp đại lễ, nhà vua đều mặc áo Cổn, đội mũ Miện, tương tự hoàng đế Trung Quốc. Theo quy chế đó, “Long Cổn còn gọi là Cổn phục, hoặc gọi tắt là Cổn, là lễ phục của đế vương và vương công đại thần. Như Phạm Đình Hổ ghi nhận, một bộ Cổn Miện dành cho đế vương mũ Miện phải có 12 lưu, lưu có 12 ngọc, Cổn phục thêu 12 chương. Trong đó, chương là các dạng hoa văn thêu trên lễ phục, tượng trưng cho trời đất, vạn vật”. Các vị vua nước Việt luôn sử dụng mũ Miện 12 lưu, áo Cổn 12 chương, khác với vua Triều Tiên chỉ dùng mũ 9 lưu, áo 9 chương theo quy chế dành cho vương công, đại thần. Dạng lễ phục trang trọng bậc nhất này bị phế bỏ vào thời Thanh tại Trung Quốc, và vào thời Lê trung hưng tại Việt Nam. Vào thời vua Minh Mạng triều Nguyễn, Cổn Miện được khôi phục.
Phụ nữ quý tộc thời Lê Trung Hưng
Trang phục cung đình luôn được quy định nghiêm ngặt và có nhiều đổi thay qua các triều đại. Ngàn năm áo mũ lý giải nguyên do và phân tích mức độ mô phỏng trang phục Trung Hoa trong quy chế trang phục của các triều đại Việt Nam. Coi thể chế và văn hiến Trung Hoa là nguồn tham khảo chính thống, chế độ trang phục cung đình Việt Nam đã chủ động mô phỏng chế độ của Trung Quốc để có được sự uy nghiêm, chuẩn mực tương tự.
Tuy nhiên, theo quy luật sáng tạo văn hóa, trang phục cung đình Việt Nam ở nhiều thời kỳ đã có những nét cách tân độc đáo so với trang phục cung đình Trung Quốc, làm tôn thêm vẻ uy nghi, sang trọng của vua quan nước Việt. Để làm rõ điều này, Ngàn năm mũ áo đã mô tả chi tiết, tỉ mỉ, sống động nhiều dạng trang phục như bộ Lễ phục Cổn Miện uy nghi của các vị hoàng đế, các bộ Triều phục, Thường phục Lương Quan, Củng Thần, Ô Sa, Bổ phục trang trọng của bá quan, hay Lễ phục Vĩ Địch, Phượng quan lộng lẫy của hoàng hậu v.v..
Trong khi đó, trang phục dân gian Việt Nam thời phong kiến tự chủ nhìn chung khá ổn định về kiểu dáng và hình thức. Trang phục của tầng lớp thường dân phổ biến là kiểu áo giao lĩnh, tứ thân, hay lối ăn mặc cởi trần đóng khố của đàn ông và yếm, váy giản tiện của đàn bà. Mãi đến năm 1744 mới có một cuộc cải cách lớn trong trang phục dân gian, khi chúa Nguyễn Phúc Khoát thực thi các sắc lệnh thay đổi toàn bộ triều nghi phẩm phục trong cung đình cũng như ngoài dân gian ở Đàng Trong, cấm tất cả các kiểu áo quần, yếm váy, khăn mũ thời trước, bắt buộc mặc quần chân áo chít (tức áo năm thân, áo dài). Đến thời vua Minh Mạng thì lối ăn mặc này được áp dụng cho toàn cõi nước Việt, để rồi chiếc áo dài đi vào đời sống dân gian và bây giờ trở thành trang phục quan trọng bậc nhất của người Việt.
Trang phục người Việt thế kỷ 17
Để dựng nên bức tranh phục trang to lớn này một cách khách quan và chân thực, tác giả Trần Quang Đức đã tìm kiếm và xử lý một lượng tư liệu lớn, cố gắng truy nguyên về nguồn, tìm ra tư liệu gốc chuẩn làm cơ sở, diễn dịch những tư liệu đó một cách chuẩn xác. Tác giả cũng cung cấp nhiều tư liệu tranh tượng, tiến hành khảo sát thận trọng dựa trên tính đồng đại của hiện vật, kết hợp hiện vật với những mô tả trong thư tịch tương quan.
Trang phục đại lễ của vua Thành Thái (trị vì từ năm 1889 đến năm 1907), đang ngự trên ngai vàng trong điện Thái Hòa, hai bên có hai viên Thái giám và hai vị Hiệp lĩnh thị vệ đứng chầu.
(Tranh của Biên tu Hàn lâm viện triều Nguyễn là Nguyễn Văn Nhân vẽ tại Huế vào năm 1902 về lễ phục của triều đình Huế)
Trước tiên, mọi nhận định đều cần có dẫn chứng thuyết phục, có cơ sở khoa học, tuyệt đối không sử dụng tư liệu mơ hồ. Tính đến nay, chúng ta mới có vài cuốn sách đề cập đến trang phục cung đình và dân gian của người Việt, nhưng trong đó không ít kết luận nặng tính tư biện và ước đoán bởi thiếu chứng lý khoa học. Tôi thấy các tác giả thường viện dẫn một cách hàm hồ, kiểu “Sử cũ ghi lại”, “Sử xưa chép lại”, “Tương truyền rằng” v.v… mà không chú rõ xuất xứ của thông tin. Họ cũng mới chỉ dừng lại ở việc công bố một số tư liệu liên quan, thiếu thao tác phê bình, đối chiếu sử liệu xem nó đúng hay sai. Một hạn chế khác, các tác giả ít khai thác nguồn tư liệu Hán Nôm, chủ yếu khảo cứu dựa trên các bản dịch tiếng Việt sẵn có của Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí… Các sử liệu đã được chuyển ngữ thì khiêm tốn về số lượng và nhiều khi không chuẩn xác. Dịch giả không am hiểu lĩnh vực cổ trang rất dễ dịch nhầm khiến các nhà nghiên cứu thế hệ sau nếu không tra cứu tư liệu gốc sẽ bị sai theo. Có thể điểm qua một số trường hợp như áo Xưởng hạc bị “định danh” nhầm là áo lông hạc, mũ Thất Lương Quan là mũ bảy cầu, phương tâm khúc lĩnh là tim vuông tràng áo cong, mũ Đường Cân là khăn tàu v.v. Trong khi, đó đều là tên riêng của các loại áo, mũ, phục sức… hầu hết có quy chế sử dụng rõ ràng.
Nói đến thái độ nghiên cứu, tôi thấy mình cần phải giữ được sự sáng suốt và công tâm để bước qua các luồng tư tưởng cực đoan, mang nặng ảnh hưởng của tinh thần dân tộc và chủ nghĩa quốc gia. Tôi xác định cho mình, cuốn sách được viết phải bằng sự tôn trọng sự thật của ngàn năm áo mũ người Việt, không đánh giá đúng sai, hay dở bởi thẩm mỹ mỗi thời đều có giá trị riêng.Khi nghiên cứu về trang phục của vua Lý Thái Tổ, tôi thấy các nhà nghiên cứu trang phục hiện nay đều dựa trên pho tượng được tạc vào thế kỷ 18 – 19, bằng trí tưởng tượng của người đời sau. Hiện vật này chắc chắn không thể nào tái hiện chính xác trang phục của một thời đại cách đó tới 800 năm. Cách làm của tôi không như vậy. Mỗi một nhận định đều là kết quả của quá trình nghiên cứu các hiện vật tranh, tượng, áo, mũ đồng đại, và các hiện vật đồng đại lại phải khớp với mô tả trong các thư tịch liên quan. Nếu không khớp với sử liệu, hiện vật cũng chỉ mang tính tham khảo mà thôi. Tôi lấy ví dụ, để khảo cứu trang phục của vua Trần trong đại lễ, cụ thể là phục sức phương tâm khúc lĩnh (làm bằng lụa, cổ tròn gắn với tâm vuông đeo trước ngực), tôi dựa vào những ghi chép trong An Nam chí lược và bức phù điêu tại chùa Dầu (Hà Nam), có niên đại thuộc thời Trần. Tôi nhận thấy dạng lễ phục được khắc hoạ trên bức phù điêu này về cơ bản khớp với mô tả của sử liệu. (Trần Quang Đức)
Văn hoá trang phục truyền thống Việt Nam bị mất dấu tích sâu đậm nhất khi nền văn hoá Tây phương do người Pháp đưa vào được áp đặt triệt để lên xã hội Việt Nam. Tiếp theo đó là sự đổi thay của lịch sử và ý thức hệ. Những biến động xã hội ấy khiến cho ngày nay không ai còn biết ông bà ta ngày xưa ăn mặc, sinh sống như thế nào. Và khi cần tái hiện lối ăn mặc của người Việt trong quá khứ, người ta “sáng tác” một cách tuỳ tiện.Phim ảnh là phương tiện truyền bá văn hoá cho giới trẻ hữu hiệu và trực tiếp, nhưng hiện nay nhiều bộ phim hay vở kịch tái hiện lịch sử lại có phục trang truyền thống khác nhau. Rồi gần đây khi sự giao lưu văn hoá trở nên dễ dàng, thì trang phục truyền thống Việt Nam trong phim ảnh và trên sân khấu lại mang đậm dấu ấn của phim ảnh Trung Quốc. Đây là đợt huỷ diệt nguy hiểm hơn hết cho kiến thức về lịch sử văn hoá áo mũ truyền thống của giới trẻ Việt Nam.Vì thế, việc ra đời của quyển sách Ngàn năm áo mũ là một sự cứu rỗi may mắn. Có lẽ đây là một trong những tập tài liệu văn hoá, lịch sử trang phục được nghiên cứu sâu và được biên soạn kỹ nhất ở Việt Nam, nếu không nói là quốc tế, cho đến nay. Tác giả với vốn liếng ngoại ngữ và cổ văn rất cao đã bỏ ra nhiều năm lăn lộn, tìm tòi ở các thư viện cũng như dân gian ở Việt Nam và các nước, nhất là Trung Quốc, để có được những tài liệu quý giá và chính xác đúc kết nên tác phẩm này. (TRỊNH BÁCH)
-------------
MTHP tổng hợp trên Internet
Tập sách Ngàn năm áo mũ là tập sách rất kỳ công và tâm huyết của Trần Quang Đức; tập sách này đã vén bức màn bí mật về trang phục của các thời kỳ
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng, tôi cũng nghĩ như vậy
XóaLàm gì cũng phải có tâm huyết
Trả lờiXóa