Mỹ thuật từ các câu chuyện nhỏ

28/2/2013

Đặng Tiến

Là một hoạ sĩ không qua trường lớp mỹ thuật, ngoài việc tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức, học hỏi các hoạ sĩ giỏi về nghề, tôi cũng được đọc, nghe kể nhiều chuyện về các tài năng lớn trong nước và thế giới. Có những chuyện dài bằng cả cuốn sách dầy, có chuyện qua một bài báo và có cả những chuyện chỉ nho nhỏ, được chứng kiến hoặc nghe kể lại. Qua những câu chuyện dài ngắn ấy, tôi thường rút ra cho mình nhưng bài học về nghề. Có chuyện dài cũng chỉ để hiểu thêm, biết thêm tí chút; ngược lại, có những câu chuyện nhỏ trở thành những bài học lớn với tôi, như những câu chuyện nhỏ dưới đây chẳng hạn. Tôi mong rằng, những câu chuyện nhỏ này giúp bạn đọc hiểu thêm về một số tài năng lớn của mỹ thuật nước nhà, đồng thời để chia sẻ với các đồng nghiệp, nhất là các hoạ sĩ trẻ- những người đang rất cần tích luỹ những kinh nghiệm, kiến thức cho công việc của mình. 

NGHIÊM TÚC VÀ HẾT MÌNH

Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hoạ phẩm vẫn là điều “hiếm có khó tìm”, khiến nhiều hoạ sĩ nhát tay khi sáng tác. Trong nhà các hoạ sĩ, thường chỉ có một vài tấm toan (để vẽ sơn dầu) hoặc vóc (để vẽ sơn mài) khổ nhỏ. Hoạ sĩ phải làm phác thảo, suy nghĩ thật kỹ rồi mới dám vẽ, sợ hỏng mà tiếc hoạ phẩm. Về điều này, tôi từng được nghe hoạ sĩ Nguyễn Hà kể về thái độ làm việc của hoạ sĩ Nguyễn Sáng. Ấy là ông từng hỏi Nguyễn Sáng khi ngồi trước tấm vóc lớn, có… run tay không? Nguyễn Sáng trả lời: Khi ngồi trước tấm vóc lớn, tao (ông thường xưng hô thân mật với Nguyễn Hà như vậy) coi nó như tờ giấy. Nhưng ngược lại, ngồi trước tờ giấy, tao coi nó như tấm vóc lớn. 
Đúng là cách làm việc của những tài năng lớn - hết mình và nghiêm túc! 
Giống như nhiều hoạ sĩ thời bấy giờ trở về trước, tôi từng nhiều lần run tay bởi sự khan hiếm, đắt đỏ của hoạ phẩm, và cũng từng coi thường tờ giấy khi vẽ chì hoặc bột màu (vì giấy cũng không đến nỗi hiếm và giá trị không lớn) nên nghe được chuyện này thấy… sướng quá! Để bớt… run tay, tôi dành tiền đầu tư hoạ phẩm. Mỗi khi lên Hà Nội, sau khi trừ một khoản trả tiền vé ôtô hoặc tàu hoả, còn bao nhiêu tôi dồn hết mua hoạ phẩm. Lúc thì vài mét toan (khi ấy cũng chỉ có toan gai của Nga loại chưa phủ lót- cũng là quý hiếm lắm), khi thì vài ống sơn dầu Nga (sau đó có sơn Đài Loan), khi thì vài ba mét lụa thô hoặc vài chục tờ giấy dó… Mỗi khi căng và lót toan, tôi thường làm một lúc 15-20 tấm. Khi vẽ, nhìn đống toan, hoạ phẩm có phần… dư dả của mình, tôi thấy tự tin hẳn, mất luôn cái sự… nhát tay trước đó. Đồng thời, tôi cũng nghiêm túc hơn khi vẽ chì hoặc bột màu trên những tờ giấy- kể cả chỉ là bức ký hoạ trên tờ giấy nhỏ như lòng bàn tay. 

LUÔN NGHĨ VỀ VẼ

Lần khác, tôi được hoạ sĩ Nguyễn Hà kể: Có lần ngồi với hoạ sĩ Nguyễn Sáng, ông hỏi: Anh Sáng này, lâu rồi tôi không thấy anh vẽ gì nhỉ? Rít một hơi thuốc, Nguyễn Sáng gật đầu: Đúng, lâu rồi tao không vẽ gì, nhưng tao luôn nghĩ về vẽ. 
Điều này giải thích vì sao Nguyễn Sáng vẽ rất nhanh, trong đó có những bức sơn mài khổ lớn. Những bố cục, đường nét, cách giải quyết đã được ông suy nghĩ kỹ và “định” trong đầu, khi bắt tay vào vẽ, hình, màu, đường nét cứ thế tuôn ra trên mặt vóc, cộng với sự ngẫu hứng trong lúc vẽ, mài, nhiều tuyệt tác ra đời. Với tài năng, sự nghiêm túc trong làm nghệ thuật, không lúc nào không “nghĩ về vẽ”, Nguyễn Sáng được mệnh danh là hoạ sĩ không có tranh xấu! 

ĐỪNG ĐỂ TRANH MẤT “HỒN VÍA”

Vào một ngày hè năm 1996, khi vừa dắt xe ra cổng định đi có việc, tôi thật mừng khi thấy hoạ sĩ Thọ Vân và hoạ sĩ Lưu Công Nhân cùng đi bộ đến chơi. Tôi vội dắt xe quay lại và mời hai ông vào nhà. Khi ấy hoạ sĩ Lưu Công Nhân không còn khoẻ như lần tôi gặp ông mấy năm trước. Ông đi chậm, tay đã hơi run. 
Những năm ấy, tôi còn trẻ (ngoài 30 tuổi), đang vẽ hăng, tranh treo kín tường. Sau khi cùng hoạ sĩ Thọ Vân xem tranh, ngồi uống trà, hoạ sĩ Lưu Công Nhân nói với tôi: 
- Cậu vẽ được, mình thấy thích vì rất có tình. 
Nhấp ngụm trà, ông nói tiếp: 
- Ở Hà Nội, có một số anh em trẻ, cỡ trên dưới tuổi cậu, lúc đầu vẽ rất được, rất tình cảm. Nhưng sau khi tranh bán được thì các cậu ấy vẽ rất ẩu, tranh chẳng có “hồn vía” gì. Trông thật chán! 
Rồi ông kể: 
-Trước đây mình quen một cô văn công, đẹp lắm! Và duyên dáng. Cô ấy đến đâu là nhiều chàng cứ vây quanh, mê tít. Nhưng rồi cô ấy mất đột ngột, thật tiếc! Mình đến viếng, nhìn cô ấy lần cuối qua tấm kính của quan tài. Lạ không, vẫn cô ấy, vẫn khuôn mặt xinh đẹp ấy và cũng được người nhà trang điểm son phấn như bình thường, mà sao trông như người bằng sáp, sợ thế(?). Và mình chợt hiểu, ấy là vì giờ đây cô ấy chỉ là cái xác, không có hồn! Tranh cũng vậy, nếu anh vẽ thiếu cái tình, tranh sẽ chỉ như cái xác mà thôi! Cậu phải chú ý giữ cái tình, đừng để mất. 
Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in câu chuyện của hoạ sĩ Lưu Công Nhân, coi đó như một nguyên tắc bất di bất dịch đối với mình, nhất là những lúc ngồi trước giá vẽ.

PHẢI CÓ TRI THỨC VÀ VĂN HOÁ 

Một buổi tối mùa hè năm 1996, hoạ sĩ Nguyễn Hà rủ tôi: 
-Bố với mày đến nhà thằng Y, nó mới vẽ xong bức tranh sơn dầu, mời đến xem. 
Hai thầy trò chở nhau bằng xe máy hăm hở lên đường. Đến nhà hoạ sĩ Y (từng học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội), anh vui vẻ mời tôi và Nguyễn Hà vào phòng vẽ và khoe bức tranh vừa hoàn thành. 
Bức tranh được vẽ lối tả thực, chau chuốt, muốn chuyển tải ý tưởng về cuộc sống. Có điều, bố cục, màu sắc cũng như ý đồ tác giả còn gượng. Ý tưởng bức tranh vì thế bộc lộ một cách gò gẫm, thô thiển. Nhìn bức tranh thấy rõ sự non tay cả về cách thể hiện lẫn ý tưởng. Trong khi uống trà, hoạ sĩ Nguyễn Hà toàn hỏi thăm chuyện gia đình hoạ sĩ Y mà không nói gì về bức tranh vừ xem. Trên đường về, sau đoạn đường dài im lặng, Nguyễn Hà chợt nói với tôi: 
-Con thấy không, cái gọi là năng khiếu chưa đủ. Người nghệ sĩ phải cần có tri thức và văn hoá! 
Trong quá trình làm việc, có nhiều dịp xem, tiếp xúc với nhiều hoạ sĩ, tôi càng thấm thía điều này. 

PHẢI BIẾT HY SINH 

Mới nghe có vẻ “lên gân lên cốt”, nhưng cho đến tận bây giờ, sau nhiều năm tháng cầm bút, khi đi vẽ trực hoạ ngoài trời hay vẽ tranh bố cục trong xưởng, tôi vẫn thấy điều ấy hoàn toàn đúng. Tôi nhớ mãi, vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi theo hoạ sĩ Thọ Vân đi vẽ trực hoạ ngoài trời với chất liệu bột màu. Tới khu Lán Bè, chúng tôi đi đò qua bờ bên kia sông Tam Bạc và ngồi vẽ. Nhìn dãy phố lô nhô bên bờ sông, tôi thấy đẹp quá, nhưng cũng thấy ngợp, không biết vẽ chỗ nào và bố cục ra sao cho cả dãy phố dài vào tờ giấy khổ A3 (lúc này tôi thấy nhỏ xíu). Còn đang lúng túng nhìn, ngắm, phác chì rồi tẩy xoá, quay sang thấy bức tranh của hoạ sĩ Thọ Vân đã gần xong, màu sắc trong trẻo với các nhát bút tung tẩy đầy cảm xúc. Ngó sang tôi, ông nói: 
-Con cứ bình tĩnh chọn chỗ nào thấy đẹp, trong khi vẽ nếu thấy cái gì cần lược bỏ cứ mạnh dạn bỏ đi. Mình vẽ tức là sáng tạo, chứ không phải đi sao chép thiên nhiên. Người ta nói vẽ phải biết hy sinh là như vậy! 
Nhìn ông vẽ và nghe ông nói, tôi chợt thấy vỡ ra thật nhiều. Và thấy tự tin hơn với nguồn cảm hứng trào dâng mà trước đó không biết nó biến đi đâu tự bao giờ.

4 nhận xét:

  1. Bạn đọc16/1/14

    Những câu chuyện về nghề bao giờ cũng bắt đầu từ cuộc sống. Cảm ơn anh Đặng Tiến về bài viết này. Tình cảm và sâu sắc.

    Trả lờiXóa
  2. Mỹ thuật đòi hỏi thật tỷ mỉ và chỉn chu, nếu cứ đơn giản hóa sẽ không còn là mỹ thuật

    Trả lờiXóa
  3. Cuộc sống này thật phong phú, nó đã tạo ra cảm xúc mạnh mẽ cho các tác phẩm kiệt tác ra đời

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!