Sự nổi loạn của "Ấn tượng chủ nghĩa"

5/8/2013

Nguyễn Hưng


Bằng cái nhìn bảo thủ với "truyền thống", vào thời điểm năm 1874, người Pháp đã xúm vào phỉ nhổ lên những tác phẩm này. Và, mấy mươi năm sau, họ đã phải hối hận, đã phải tìm mua lại từng tác phẩm tản mác khắp thế giới với cái giá "khủng khiếp"...!

Tranh của Renoir (1841–1919)

Trên thị trường mỹ thuật thế giới ngày nay, những bức tranh “Ấn tượng chủ nghĩa” chiếm vị trí nhất, nhì trên thang giá-mỗi bức tranh trung bình hàng chục triệu USD-và thực sự được công chúng rộng rãi yêu thích. Nhưng đương thời, vào những năm 60, 70, 80 của thế kỷ 19, người ta đã đón nhận chúng như những “quái thai”. Năm 1863, lần đầu tiên xuất hiện trong Triển lãm Quốc gia Pháp, tất cả các tranh “Ấn tượng” của các họa sĩ như C. Monet, E. Degas, C. Pissarro, A. Renoir… đều bị loại bỏ. Hơn 10 năm sau, năm 1874, khi đã thực sự “chín chắn”, lần đầu tiên ra mắt như một trào lưu, một trường phái nghệ thuật, các họa sĩ Ấn tượng vẫn tiếp tục bị tẩy chay. Phản ứng chung cho rằng đó là những bức tranh “lơ mơ”, “tầm thường”, “thiếu nghiêm túc”. Ngay cái tên “Ấn tượng chủ nghĩa” (Impressionism) cũng được gọi với hàm nghĩa chế giễu-do nhà báo Louis Leroy đặt từ tác phẩm “Ấn tượng mặt trời mọc” của C. Monet. Đa số các họa sĩ Ấn tượng đều sống chật vật, khốn khổ…

Tranh của Degas (1834-1917)

Tại sao?
Giản dị, bởi đó là một sự “phản bội”, một sự “xé rào” đối với các khuôn mẫu hội họa truyền thống do các nhà “Hàn lâm chủ nghĩa” nắm quyền cân đo; là một sự “xa lạ”, “lập dị” đối với tập quán cảm thụ nghệ thuật của tầng lớp trung lưu là công chúng nghệ thuật chủ yếu trong xã hội. Nghệ thuật tạo hình châu Âu từ thời đại Phục hưng cho đến lúc ấy, căn bản vẫn là nghệ thuật theo tinh thần Aristote đặt nặng cách nhìn đối chiếu với thiên nhiên, “bắt chước thiên nhiên" và chú trọng ý nghĩa thanh lọc của nghệ thuật. Với tinh thần này, vẽ là phải vẽ cái gì đáng vẽ-cảm thức về cái cao cả mang tính chất duy lý chi phối đề tài. Cả thời gian kéo dài mấy trăm năm, các họa sị chỉ loay hoay với các đề tài rút ra từ thần thoại, từ Kinh Thánh (Thiên Chúa giáo), từ lịch sử, sinh hoạt và chân dung của tầng lớp quý tộc v.v… Nói chung là toàn chuyện nghiêm trang, sang trọng. Vẽ những người lao động chân tay bình thường như G. Courbet (1819-1877)-người dẫn vào chủ nghĩa Hiện thực-đã bị cho là “dung tục”. Thêm nữa, vẽ là phải vẽ cho đúng-đúng với phép giải phẩu tạo hình, với luật phối cảnh, với màu sắc tự nhiên như mắt thường nhìn thấy; còn đẹp, là đẹp theo các tiêu chuẩn toán học của sự cân đối, hài hòa. Như J. D. Ingres (1780-1867) vẽ “Nàng cung phi” mới kéo dài lưng người mẫu ra chút xíu đã được chắc nhở: “Ê! Lưng thừa mất một đốt xương sống rồi!”, còn E. Delacroix (1718-1863) vẽ bức “Cuộc tàn sát ở Scio” với gam màu xanh lá đã bị các nhà phê bình la toáng, đại khái: “Màu gì kỳ cục, ma quái quá!” v.v…

Tranh của Manet (1832 – 1883)

Các họa sĩ Ấn tượng đã “sai quấy” từ cách lựa chọn đề tài, cho đến cách vẽ. Người thì vẽ ao, vẽ hồ, vẽ nhà thờ, vẽ hoa súng (C. Monet); người thì chỉ vẽ vũ nữ trên sân khấu, sau sân khấu, thợ giặt, với các cô gái trước khi tắm, sau khi tắm (E. Degas); người thì chỉ vẽ các cô gái xinh đẹp với sinh hoạt của giới thợ thuyền (A. Renoir) v.v…-toàn những chuyện tầm thường, chẳng có tư tưởng, có triết lý cao siêu! Đã vậy, cách vẽ lại không “rõ ràng”, tranh nào tranh nấy cũng chỉ toàn những vệt màu ngắn, lấm tấm xen sít nhau; mọi đường viền bao quanh xác định đối tượng về mặt hình họa bị bỏ hẳn khiến cho sự vật với không khí như cứ hòa tan vào nhau; còn bong tối thì thay vì có màu xám hay đen thì lại dùng màu bổ tức của màu đối tượng khiến cho tranh cứ sáng lên “một cách giả tạo”. Thêm nữa, bố cục quá “tự nhiên chủ nghĩa”, gián đoạn, thiếu một trọng tâm chặt chẽ v.v…

Tranh của Manet (1832 – 1883)

Sự "sai quấy” đó, ngày nay, được xem là có ý nghĩa “cách mạng”. Đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng, chủ nghĩa Hiện đại trong nghệ thuật tạo hình phương Tây đã được bắt đầu từ các họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng. Nội dung của cuộc cách mạng này là đã nâng vị thế ‘con mắt” của nghệ sĩ lên cao hơn đề tài. Hội họa trở thành một quá trình chinh phục các ấn tượng thẩm mỹ về thế giới không chịu sự câu thúc của lối tư duy ý niệm với các khuôn mẫu duy lý. Đó là loại hội họa mà sau này, Picasso đã khái quát rất hay trong cách nói giản dị: “Ai cũng muốn hiểu hội họa. Tại sao người ta không cố hiểu tiếng chim hót? Tại sao người ta yêu đêm tối, đóa hoa, tất cả cái gì quanh con người mà không tìm hiểu chúng?”. Ngoài ra, bằng tác phẩm của mình, các họa sĩ Ấn tượng đã có một đóng góp quan trọng là đã khám phá tác dụng của ánh sáng trên thế giới đối tượng và những khả năng biểu cảm vô tận của màu sắc. Những bức tranh diễn tả sự lung linh của nắng trên mặt hồ gợn sóng của C. Monet, sự nhảy nhót của những đốm nắng xuyên qua vòm lá trên váy áo hay gương mặt thiếu nữ của A. Renoir, ánh đèn sân khấu hắt lên dáng hình uyển chuyển của các vũ nữ ba lê của E. Degas v.v… là những kiệt tác chứng minh cho đóng góp của họ.

Tranh của Degas (1834-1917)

Tất nhiên cần phải ghi chú, sự “phản bội” hay “xé rào” của các họa sĩ Ấn tượng nói trên chẳng phải đột nhiên. Đó là sự tiếp nối con đường của một vài họa sĩ "nổi loạn” trước đó, mà gần nhất là E. Manet (1832-1883). Tiếp nữa, là sự ra đời và phát triển nhanh chóng của nhiếp ảnh, cũng như sự tiếp xúc với nghệ thuật nhật Bản (Nhiếp ảnh "đặt vấn đề” có còn cần thiết “vẽ đúng” nữa hay không; còn tranh khắc gỗ Nhật Bản mở ra các cảm nhận khác về khả năng và ý nghĩa của hội họa). Cuối cùng là bối cảnh tâm lý: Chủ nghĩa Thực chứng trong triết học (khởi đầu bởi Auguste Comte: 1798-1857) đề nghị cái nhìn phân tích khách quan, tôn vinh khoa học dẫn đến chủ nghĩa Tự nhiên trong văn học nghệ thuật được nhà văn E. Zola ra sức quảng bá có tác động mạnh tới giới văn nghệ sĩ. Và, sự phát triển tư bản chủ nghĩa lúc ấy đã đủ độ chin cho sự khẳng định của con người cá nhân trong nghệ thuật. Với con người này, các trật tự duy lý cổ điển vững chắc đề cao bổn phận đã trở thành chán ngấy-tính chất "vô chính phủ” sau này được xem là đặc điểm cơ bản của nghệ thuật hiện đại.
-------------
Theo Nguyễn Hưng (Nghệ thuật hiện đại-bài 1: sự nổi loạn Ấn tượng chủ nghĩa)

3 nhận xét:

  1. Nghệ thuật luôn biến đổi, nếu cứ giữ nguyên như cũ thì sẽ lạc hậu

    Trả lờiXóa
  2. Các tác phẩm nghệ thuật đều đẹp trong con mắt của người sáng tác; nhưng chưa chắc đã đẹp trong con mắt của người cảm nhận; bởi không phải ai cũng cảm nhận được vẻ đẹp của nó

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!