Trường Bauhaus - Nền tảng của nghệ thuật hiện đại

23/9/2013

Tồn tại chỉ 14 năm, nhưng trường thiết kế Bauhaus đã để lại cho thế giới những công trình kiến trúc tầm cỡ di sản, những thiết kế nghệ thuật đầy tính nhân bản, và những ảnh hưởng tuyệt vời của nó đến nền nghệ thuật hiện đại.
Năm 1919, chính quyền thành phố Weimar, thuộc bang Thüringen, miền trung nước Đức, cấp giấy phép cho Gropius lập học viện thiết kế Bauhaus quốc gia, trên cơ sở sát nhập hai trường nghệ thuật thủ công và mỹ thuật.
Năm 1925, trường Bauhaus chuyển đến thị trấn lịch sử Dessau ít người biết đến của Đông Đức, lần này trở thành một đại học quy mô.
Trường Bauhaus bị Đức quốc xã buộc phải đóng cửa vào năm 1933.
Nhưng cuối cùng cái tên Bauhaus không chỉ đơn thuần là một cái tên của một trường học mà nó đã trở thành một cái tên của một phong cách, một thời kỳ nghệ thuật gắn liền với sự phát triển của lịch sử nghệ thuật, kiến trúc hiện đại trên thế giới.


Tóm tắt những nguyên tắc căn bản của trường Bauhaus (soạn bởi Alfred Barr năm 1938, dựa theo tuyên ngôn Bauhaus của Walter Gropius):
- Hầu hết sinh viên nên đối mặt với một sự thật, rằng tương lai của họ sẽ chủ yếu gắn với mô hình công nghiệp và sản xuất hàng loạt, chứ không phải sản xuất thủ công đơn lẻ.
- Những giảng viên thiết kế phải là những người tiên phong trong chuyên môn của mình, chứ không phải là những hậu vệ đứng trong vùng an toàn của học thuật. 
- Những trường đào tạo thiết kế phải hướng đến tổ hợp hiện đại của nhiều loại hình nghệ thuật: hội hoạ, kiến trúc, sân khấu, nhiếp ảnh, dệt may, sắp chữ…, để xoá đi sự ngăn cách sẵn có giữa nghệ thuật hàn lâm và ứng dụng. 
- Thiết kế một chiếc ghế hạng nhất khó hơn và hữu dụng hơn việc vẽ một bức tranh hạng hai. 
- Một trường đào tạo thiết kế phải có một nghệ sĩ vô tư thuần sáng tạo trong đội ngũ giảng viên, chẳng hạn một hoạ sĩ, làm đối trọng với những kỹ thuật viên đầu óc thực tế, để họ có thể làm việc và giảng dạy song song cùng nhau vì lợi ích tốt nhất của sinh viên. 
- Những trải nghiệm với vật liệu thực tế là tối cần thiết đối với sinh viên thiết kế, bắt đầu từ những thí nghiệm tự do, sau đó được nâng lên thành những buổi thực hành có tính ứng dụng cao. 
-Nghiên cứu về thiết kế một cách lý trí, trên phương diện kĩ thuật và vật liệu, chỉ là bước đầu tiên trong quá trình phát triển của một cảm quan mới và hiện đại về cái đẹp. 
- Bởi chúng ta đang ở thế kỉ 20, những sinh viên thiết kế và kiến trúc không nên trốn tránh trong cái bóng của quá khứ mà nên được trang bị đầy đủ cho thế giới hiện đại trên tất cả mọi phương diện: từ nghệ thuật, kĩ thuật, cho đến xã hội, kinh tế, tinh thần,... để chức năng của họ trong xã hội không chỉ là trang trí, mà là những người xây dựng tích cực.

8 sản phẩm tiêu biểu của Bauhaus. 
Nhiều sản phẩm trong số này cho đến nay vẫn được ứng dụng rộng rãi, hoặc trở thành nguồn cảm hứng cho vô số mẫu thiết kế ngày nay:

Bộ bàn lồng nhau, thiết kế bởi Josef Albers, 1926

Bộ cờ vua Bauhaus, thiết kế bởi Josef Hartwig, 1922

Ghế Barcenlona, thiết kế bởi Ludwig Mies van der Rohe và Lily Reich, 1929

Ghế Wassily (còn gọi là ghế Model B3), thiết kế bởi Marcel Breuer, 1925-1926

Giá để tạp chí, thiết kế bởi Peter Keler, 1922

Tay nắm cửa Bauhaus, thiết kế bởi Walter Gropius, 1923

Đèn bàn Bauhaus, thiết kế bởi William Wagenfeld, 1924

Ấm lọc trà, thiết kế bởi Marianne Brandt, 1924

Một số poster Bauhaus tiêu biểu. 
Nhìn những poster này, có thể có người thích, có người không thích. Có thể có người tìm thấy nhịp điệu trong những hình khối, có người thấy những ô màu vô hồn đầy tính công nghiệp. Cũng có thể có người nhìn thấy sự chuyển động và có người thấy khô cứng và nặng nề...
Vấn đề thật ra không chỉ nằm ở chỗ "đẹp hay không" của cái mắt nhìn. Bởi vì có hàng trăm, hàng ngàn cách để chơi với hình khối, nhịp điệu, typo...Vậy điều gì khiến cho Bauhaus trở thành "tượng đài" trong chủ nghĩa hiện đại? 
Thật ra, có những lý thuyết được khởi xướng ra từ ngôi trường Bauhaus mà đến giờ trong thiết kế, kiến trúc và cả cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn áp dụng, thậm chí mặc nhiên xem như tự nhiên, mà hiếm khi để ý nguồn gốc.




 

Piet Mondrian (1872-1944)
Hoạ sĩ người Hà Lan, theo trường phái De Stijl, có ảnh hưởng lớn đến các hoạ sĩ và kiến trúc sư Bauhaus:






Ludwig Mies van der Rohe (1886-1969)
Kiến trúc người Đức, đứng đầu trường Bauhaus từ 1930-1933. Ông là người tiên phong trong kiến trúc tối giản. Các thiết kế của ông đặt trọng tâm vào việc tạo không gian mở và sự ứng dụng các vật liệu hiện đại như thép, kính, để taọ vách ngăn giữa các không gian, đặt nền móng cho "ngôn ngữ" riêng của kiến trúc hiện đại. Đến nay, hai câu nói nổi tiếng của ông, vẫn còn được giới thiết kế và kiến trúc trên khắp thế giới lấy làm châm ngôn: "Less is more", "God is in the details".







Paul Klee (1879-1940)
Hoạ sĩ người Đức gốc Thuỵ Sĩ, được biết đến với những "người que" đơn giản, những con cá lơ lửng, những mặt trăng, mũi tên, những mảng màu đan xen... mà ông "hoà điệu" thành các tác phẩm vừa trẻ thơ, vừa đậm chất thiền. Tranh ông chịu ảnh hưởng của Pablo Picasso và Georges Braque (Lập thể), cùng lối đi màu của Robert Delaunay.
Klee cũng nổi tiếng với cách dùng màu xa rời lối tả thực. Chính ấn tượng về màu sắc và ánh sáng trong trẻo vùng Bắc Phi, nơi ông đến thăm vào năm 1914, đã khơi gợi hứng thú về cách dùng màu mới mẻ ở ông, khiến Paul Klee nghiêng hẳn về lối vẽ trừu tượng. 
Paul Klee dạy ở trường Bauhaus từ năm 1920, theo lời mời của Gropius.












Vassily Kandinsky (1866-1944)
Người Nga, là một trong những hoạ sĩ hàng đầu của nghệ thuật Hiện Đại. Ông giảng dạy tại trường Bauhaus từ năm 1922 cho đến khi trường bị đóng cửa năm 1933. Kandinsky là người tiên phong trong việc tạo ra những tác phẩm 'thuần trừu tượng'. Ông cũng nổi tiếng với khả năng "kết hợp các giác quan": ông "thấy" và "nghe" được nhịp điệu từ cả màu sắc và nốt nhạc như nhau.










Naum Gabo(1890-1977)
Người Nga, giảng dạy tại trường Bauhaus từ năm 1928, là một điêu khắc gia nổi bật theo trường phái Kiến Tạo. Ông cũng là một trong những người tiên phong của 'Kinetic Art' - 'Nghệ thuật động', với những tác phẩm điêu khắc chú trọng đến nhịp điệu của sự chuyển động. Ông là người đã làm thay đổi hoàn toàn khái niệm "tượng đài" ở Tây phương lúc bấy giờ.









Joost Schmidt (1893-1948)
Một trong những bậc thầy của nghệ thuật tạo hình chữ ở trường Bauhaus. Ông nổi tiếng với poster cho cuộc triển lãm Bauhaus ở Weimar năm 1923.





Laszlo Moholy-Nagy
là một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn của trường phái Bauhaus. Ông cũng chính là người đã thành lập trường New Bauhaus tại Chicago (Mỹ) sau sự sụp đổ của trường Bauhaus tại Đức. Tại trường Bauhaus, Moholy-Nagy giảng dạy nhiếp ảnh, typo, hội hoạ, điêu khắc, thiết kế công nghiệp lúc bấy giờ. Một trong những đam mê lớn nhất của ông là ở nhiếp ảnh. Moholy-Nagy đã thí nghiệm rất nhiều với 'Photograms' - phương pháp "chụp hình" không cần máy, mà sử dụng ánh sáng chiếu trực tiếp lên các bề mặt giấy nhạy sáng để bắt hình ảnh. 
Các tác phẩm của ông khá đa dạng, bao gồm nhiếp ảnh, tranh, collage, và cả những mô hình điêu khắc.











Marianne Brandt (1893 - 1983)
Người Đức, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia và nhà thiết kế từng theo học tại trường Bauhaus. Ông được coi là người tiên phong cho kiểu dáng công nghiệp hiện đại





Johannes Itten (1888 -1967)
một trong những bậc thầy của trường phái Bauhaus, người đặc biệt có công trong việc hoàn thiện lý thuyết về màu sắc...




Herbert Bayer (1900-1985)
một trong những nghệ sĩ tạo lập nền tảng của trường phái Bauhaus. Cùng với Walter Gropius, Laszlo Moholy-Nagy, và Wassily Kandinsky, Bayer đã giúp hình thành một triết lý thiết kế chức năng, kéo dài trên lĩnh vực khác nhau, từ kiến trúc đến thiết kế đồ họa.









Josef Albers (1888-1976)
là một nghệ sĩ người Mỹ sinh ra ở Đức và nhà giáo dục làm việc cả ở châu Âu và Hoa Kỳ, hình thành cơ sở của một số các chương trình giáo dục nghệ thuật có ảnh hưởng và sâu rộng của thế kỷ 20








Walter Gropius(1883-1969)
Người sáng lập và điều hành trường thiết kế Bauhaus
Ngay sau khi thành lập trường Bauhaus, Gropius công bố Tuyên ngôn Bauhaus với lời kêu gọi cải tổ quá trình đào tạo nghệ thuật, đúng hơn là một phong cách mới. Ông tuyên bố rằng nghệ thuật nên quay lại với cội nguồn của nó và điều kiện đầu tiên là người thợ thủ công, nơi mà người ta có khả năng học tập cách làm việc với các loại vật liệu.




Gropius cuối cùng định cư tại Mỹ và mở một trường kiến trúc ở Chicago, được gọi nôm na là Bauhaus mới. Cùng với ông, các giảng viên và sinh viên của trường Bauhaus năm xưa tiếp tục truyền bá xu hướng thiết kế kết hợp giữa thẩm mỹ, công năng và công nghệ nhằm phục vụ cuộc sống, phục vụ cộng đồng. Không còn là tên của một ngôi trường, Bauhaus trở thành một trường phái thiết kế được hưởng ứng rộng rãi trên toàn thế giới. Nhiều sinh viên của trường Bauhaus là người Do Thái sau này định cư tại Isreal đã xây dựng quần thể kiến trúc Bauhaus với hơn 4.000 công trình tại Tel aviv. Kiến trúc Bauhaus “di tản” sang Hungary cũng hình thành một quần thể nhà ở độc đáo tại Budapest từ năm 1933. Những ngôi nhà Bauhaus sau năm 1933 xuất hiện cả ở Anh, Nga, Canada, và đặc biệt là ở Mỹ. Ngày nay những cơ sở của trường Bauhaus ở Weimar và Dessau được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Năm 2004, quần thể kiến trúc Bauhaus ở Tel aviv cũng đã được trao danh hiệu này.

Ngày nay, sức mạnh của Bauhaus vẫn được duy trì, đó là sức mạnh của một trường phái thiết kế đầy tính nhân bản, vì cộng động hơn là vì cái tôi của người nghệ sĩ. Ngôi trường Bauhaus thực sự đã sáng tạo ra hình dáng của thế hệ hiện đại. Đối với Bauhaus đó là sứ mệnh cao quý của người nghệ sĩ muốn từ bỏ những thói quen lỗi thời. "Việc làm đầu tiên của Bauhaus là đã gạt bỏ tất cả những quan niệm đã từng được thừa nhận ... Làm người ta đột nhiên nhận ra rằng, cuộc sống có thể được quan sát từ một hướng nhìn hoàn toàn khác" (Lisbeth Oestreicher).
-------------
(MTHP Tổng hợp trên Internet.)

3 nhận xét:

  1. Đây là trường rất hiện đại và uy tín của Đức

    Trả lờiXóa
  2. Những tác phẩm nghệ thuật ở đây là những tác phẩm để đời, cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!