Nơi gặp gỡ tình yêu


VILI

Biết bao nơi trên đất nước ta, trên thế giới này được yêu, khởi phát, dung dưỡng những tình yêu phong phú, của những đời người. Hải Phòng, thành phố Cảng ở Đông Bắc Việt Nam, là một miền như thế, khiến nhiều người luôn nhớ, muốn trở về.

Mong ngày nắng - Tranh của Đặng Tiến

Về Hải Phòng, đâu chỉ là cuộc chuyển dịch của những ai sinh trưởng, gắn bó ở đây, đi công tác, học hành, lập nghiệp hay định cư chốn khác. Hải Phòng hào sảng, gần gũi khách bốn phương, mang tính quốc tế của một cảng biển lớn, cương giới lãnh hải quốc gia xuyên thiên niên kỷ, từ thuở “Hải tần phòng thủ”, đến hôm nay, vẫn kiên dũng Bạch Long Vĩ, Cát Hải - Cát Bà.
Sinh ra tôi đã có Hải Phòng, Văn Cao có câu thơ bất hủ về thành phố ông sinh ra. Nhạc sĩ chào đời mùa đông 1923 trên đường Lạch Tray, cùng quận Ngô Quyền nơi dành con đường mang tên tác giả quốc ca. Vô số tài danh sinh ra, phát tiết, bùng rộ năng lực ở đất này. Bộ tiểu thuyết Cửa biển của Nguyên Hồng, tập thơ Mẹ cửa biển của Nguyễn Thụy Kha..., cửa biển Hải Phòng được tôn là Người mẹ vĩ đại, tên tạp chí của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố từ năm 1964.
Đô thị thuộc Trung ương, Hải Phòng như nước Việt Nam thu nhỏ: có đồng bằng, núi, biển, đảo. Cửa biển đón thủy thủ, du khách, cũng đón triệu người con Việt khắp thế giới. Quốc lộ 5 đường sắt, sân bay Cát Bi, hơn trăm năm, các loại đường giao thông Hải Phòng vẫn dẫn ta về chốn này theo đường của Nhớ. Nhớ đến mức, những năm gần đây, Hải Phòng không còn nhiều cây phượng, ít trổ hoa dẫu chính vụ hè, thì ai cũng lưu danh hiệu “Thành phố Hoa phượng đỏ”. Lễ hội “Hoa phượng đỏ” nhằm tôn vinh, khai thác văn hóa du lịch của thành phố duyên hải, tam giác kinh tế miền bắc được tổ chức mùa hè hằng năm (từ 2012), đồng thời trồng lại hoa phượng bên bờ sông Lấp, vườn hoa trung tâm.
Hải Phòng một thời là cái nôi văn nghệ không thua Hà Nội, nay vẫn là chốn dung tụ nhan sắc, anh tài. Tháng 6-2013, tại dải vườn hoa trung tâm Hải Phòng, triển lãm “Hồng Bàng” ngoài trời với 57 họa sĩ của Hải Phòng, Hà Nội góp hơn 100 tranh, làm nên một dấu ấn hiếm có.
Đó là tiền đề để tháng tư này, xuất hiện một cuộc bùng nổ chưa từng có. Ngay với Thủ đô, trung tâm văn hóa, nghệ thuật, hiếm gặp một triển lãm tập hợp đông họa sĩ (HS) nổi tiếng thế. Quy mô, chỉ có triển lãm toàn quốc do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức mới có, năm năm một lần. Họa sĩ Đặng Tiến, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, đề xướng và bươn chải từ việc xin tài trợ, mời đồng nghiệp tìm địa điểm, biên tập, gom tranh, làm khung, cùng các HS trẻ treo tranh. Từ ý tưởng của một cá nhân ít nói nhưng quyết liệt liên tài, Đặng Tiến đã dám làm một sự kiện quy mô hiếm có, với sự ủng hộ của đông đảo HS, nhà điêu khắc. Bảo tàng - công trình kiến trúc Pháp thuộc hàng đẹp nhất, lần đầu dành toàn bộ các gian chính để trưng bày sáng tác mới, ưng ý của 39 tác giả mỹ thuật. Hiện vật trưng bày dời đi hai tháng, dành chỗ cho nghệ thuật đương đại. Đạo diễn Đào Trọng Khánh viết năm 1972: “Thành phố ăn nằm với biển / Đẻ ra một lũ cần lao”. Đô thị công nghiệp với công nhân, thợ thuyền, dân lao động tứ chiếng là vùng nức danh yêu văn nghệ cuồng nhiệt. Sông Tam Bạc, sông Cấm, Bến Bính, vườn hoa, Nhà hát Lớn... đã vào nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, hội họa. Giờ thì Tam Bạc nước đỏ và cạn, lưu lượng hẹp, mỗi lần ngang qua, chỉ thấy xót xa mà hiện ra chuỗi tranh tuyệt đẹp của Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Nguyễn Trịnh Thái... ngày nào.
Là người Hải Phòng, HS Đinh Quân nhiệt thành với quê hương, là cầu nối cho các họa sĩ về Hải Phòng lấy cảm hứng sáng tạo và đóng góp cho đời sống mỹ thuật thành phố. Những cái tên: Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Phạm An Hải là hạt nhân của mỗi lần tụ hội về Hải Phòng, cuộc trưng bày nhỏ, vừa, lấy đà và làm hạt nhân cho Gặp gỡ hôm nay.

Mùa Xuân ở bên ngoài - Tranh của Đặng Xuân Hòa

Gặp gỡ, khai mạc chiều 12-4, bữa tiệc nghệ thuật chưa từng có trong nếp khai mạc xưa nay ở nhiều khía cạnh: chưa triển lãm nào hội tụ nhiều lượng tác phẩm mới của các danh họa đương đại như thế. Công chúng, nghệ sĩ, nhà báo từ Hà Nội về. Giới trí thức, công chúng đất Cảng đến rất đông và dự trọn vẹn, một tiệc nhạc- họa kéo dài Hải Phòng chứng tỏ phong độ sức hút của một từ trường mãnh lực. Ca khúc Thành phố Hoa phượng đỏ (thơ: Hải Như, nhạc: Lương Vĩnh) ra đời năm 1969 đã thành nhạc hiệu của đất Cảng, sống trong lòng người nghe, được hát lên bởi nhiều giọng nam, lần đầu được thể hiện bởi nghệ sĩ opéra Lê Vành Khuyên. Giọng nữ cao nhiều lần vang lộng ba tầng Nhà hát Lớn Hà Nội, lại cất lên trong không gian thế kỷ của bảo tàng cổ, không mic, khiến hàng trăm người nghe kinh ngạc và nắc nỏm. Dàn nhạc dây với hai violon của Hà Dũng, Nguyễn Hà, hai cello của hai phụ nữ Hải Phòng: NSƯT Doãn Hương Khanh, Hoàng Thúy Nhi. Thúy Nhi cùng chồng - saxophone Nguyễn Ngọc Tuấn có thời ấu thơ và tuổi trẻ sống, cùng tốt nghiệp Nhạc viện tại TP Hồ Chí Minh, về lại quê hương định cư từ 1998. Những năm qua vợ chồng Ngọc Tuấn - Thúy Nhi hiếu khách đón các họa sĩ, nghệ sĩ tên tuổi từ Hà Nội mỗi lần về Hải Phòng có quyền ở khách sạn Maxim miễn phí. Làm công việc kinh doanh, hằng ngày họ vẫn tập kèn, tập đàn, và tham gia biểu diễn khi có dịp. Tiếng đàn thiết tha, tiếng kèn phiêu lãng đủ chứng tỏ tình yêu âm nhạc trong tình yêu cuộc đời của họ. Ngọc Tuấn đệm saxophone cho Đào Anh Khánh hai màn trình diễn ngoạn mục. Trong bộ quần áo tím dây xích thắt lưng, Đào Anh Khánh cật lực “lên đồng” bất chấp tuổi tác, vẫn phong độ của một nghệ sĩ performance tầm quốc tế.
39 tác giả trong đó 17 người từ Hà Nội, 22 người của Hải Phòng, đủ làm hiện ra một bức tranh đại diện về mỹ thuật của hai thành phố văn nghệ lớn nhất miền bắc. 33 tranh đa phong cách, chất liệu, hội họa có: sơn dầu, sơn mài, acrylic và phấn mầu, bột mầu; sáu tác phẩm điêu khắc: đồng, sắt, gỗ, nhựa, gốm. Mỗi thế hệ, đều có những cái tên mà sự nổi tiếng của họ đã đạt tầm quốc gia, quốc tế.
Triển lãm hướng tới kỷ niệm 59 năm giải phóng Hải Phòng, mà đỉnh điểm lễ hội Hoa Phượng đỏ lần 3 ngày 13-5-2014, cuối tháng năm là Đại hội 8 Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng.
“Tôi yêu Hải Phòng như Việt Nam nhỏ lại / Tôi yêu Việt Nam như tôi biết yêu tôi”, tôi, anh và những người bạn của chúng ta sẽ còn mượn lời Văn Cao để tỏ tình với Hải Phòng. Đang có một Gặp gỡ, sẽ có nhiều hội ngộ, hòa cảm tại thành phố gây cảm hứng sống và sáng tạo này.

--------------------
(Nguồn: Báo Nhân dân cuối tuần)

Cùng tác giả:

2 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!