Tam Bạc bất tử trong tranh

Vi Thùy Linh

Lịch sử phát triển của các đô thị trên thế giới hầu hết đều gắn với các dòng sông. ở Việt Nam, sông kề biển, mang sức sống và lịch sử của thành phố anh hùng cửa biển, hội tụ dân cư, thương nhân đa dạng là Tam Bạc của đất Cảng Hải Phòng.

Tam Bạc dài 11 km, rộng trung bình 80m, sâu trung bình hơn 3m, nhánh của sông Lạch Tray. Bắt đầu từ thôn Tam Bạc, huyện An Dương, đổ ra sông Cấm tại cửa Ninh Hải. Tên sông gọi theo tên làng ở đầu nguồn. “Trạm Bạc” nghĩa là vụng sông sâu, thuyền bè neo đậu. Từ cuối thế kỉ 19 về trước, đây là đường giao thông quan trọng. Giới hạn và độ dài Tam Bạc phần thuộc địa phận nội thành dài 2.500m, gồm hai đoạn: từ sông đào Lạch Tray đến sông đào Hạ Lý dài 700m; từ sông Hạ Lý đến sông Cấm, dài 1.800m. Đoạn sông Tam Bạc từ cầu Rế đến sông Cấm, dài 11.000m. Sông Tam Bạc có vị trí đầu tiên thuận lợi giao thương với nước ngoài: người Hoa, Pháp, Tây Ban Nha, Anh... Cầu Lạc Long bắc đôi bờ Tam Bạc nối nội thành với quốc lộ 5. Cầu xe lửa cũ (cầu Quay - dân quen gọi thế vì cầu này có thể quay dọc theo chiều sông cho thuyền bè đi lại) bắc qua sông Tam Bạc, nằm trên tuyến đường sắt Hải Phòng đi Hà Nội, Lào Cai và Vân Nam, do Công ty hoả xa Đông Dương và Vân Nam của Pháp xây dựng. Hình ảnh dãy phố Tam Bạc soi mình xuống dòng sông đã làm trái tim nghệ sĩ nhiều thế hệ xao xuyến, nhất là các hoạ sĩ. Những bức vẽ sông và phố Tam Bạc đã tạo cho Hải Phòng góc nhìn riêng và rất đặc trưng. Tam Bạc không chỉ là thế - qua những đoạn giới thiệu về du lịch Hải Phòng.


Đặng Xuân Hòa (1959 - Hà Nội)
Kí ức, phố và bạn tôi - Sơn dầu (100cm x 200cm)

Tam Bạc nằm trong lòng thành phố, lằn ranh đón người đi kẻ ở, tiễn người đi, đón người về. Ngồi trên tàu hỏa vào Hải Phòng, qua cầu Quay, đi trên sông. Nếu đi đường bộ thì sẽ qua cầu Thượng Lý (cầu Xi Măng), rồi Hạ Lý (cầu Lạc Long). Tôi đã dạo bên dòng Tam Bạc đoạn gần thành phố, không còn dấu vết huy hoàng thuở tàu thuỷ Việt, Hoa, Pháp buôn bán tấp nập trên bến dưới thuyền, chỉ còn thấy những tàu sắt nhỏ, xà lan han gỉ. Bến đò nhỏ, sông thường xuyên cạn nước, nước màu đỏ, dập dềnh bèo trôi. “May” Hải Phòng nội đô phát triển chậm nên còn giữ được nhiều ngôi nhà kiến trúc Pháp, song nhà cổ bên bờ sông hiếm lắm. Nhìn những khối nhà hộp bê tông lại mong đồng hiện Hải Phòng hồi chống Mỹ, chống Pháp, lùi thời gian, không gian để hiện lên nếp phố hồn người.
Tam Bạc đẹp trong ý nghĩa là dòng chảy tâm hồn Hải Phòng như NSND Đào Trọng Khánh, đạo diễn phim tài liệu đã có một tuỳ bút tuyệt hay :

“Tam Bạc là con sông chảy từ lòng phố, với tôi, nó là màn ảnh khổng lồ chuyên chở những cảnh vật, con người của Hải Phòng đời này qua đời khác như một cuốn phim vô tận. Có nhiều khi, vào lúc đất trời im lặng, dòng sông như một cuốn phim quay chậm, trôi ngược hình ảnh về thời xa xưa, nơi tên sông bắt nguồn từ tên làng nhỏ ở đầu nguồn, làng Trạm Bạc, có vịnh nước sâu, nhấp nhô những ngọn cột buồm.
Sông trôi qua cột đá cũ có hàng chữ mờ hiện “Tam Bạc 1874”. Trong mắt tôi, giữa ánh sáng lấp lánh của những dải sóng dưới ánh mặt trời là cánh đồng mênh mông với những hố sâu ngập nước. Năm ấy, đã có nhiều người châu Âu tới đây, họ cho đào những hố sâu, rộng để lấy đất làm nền, xây dựng nhà cửa, công sở. Rải rác đó đây, trên cánh đồng ngập nước, là những khoảnh ruộng và chòm xóm, lưa thưa những khóm tre xanh. Xa xa, giữa mịt mù sóng nước và rặng sú vẹt dọc theo sông như bức tường thành là rẻo đất nơi cửa sông Tam Bạc đổ vào sông Cấm, chơ vơ đơn độc một đồn binh nhỏ đắp bằng đất, với đám lính canh ngơ ngác vài ngọn cờ vàng vọt, phất phơ trong bóng chiều”
(Nhập hồn Tam Bạc)

Đào Trọng Khánh đã ngồi với Nguyên Hồng bên con sông này, nghe nhà văn nói về những nhân vật “dưới đáy”. Sống cuộc đời bên bến tàu Tam Bạc. Ông đã đi cùng Lưu Quang Vũ những năm chống Mỹ, bên bờ sông bom đạn không thể làm mất chất thơ:

“Trăng đã lên đêm đã lả về sau
Anh đi bên dòng Tam Bạc
Thủy triều lên thao thức
Con sóng giống như cuộc đời anh
Có ai nói cho lòng ta hiểu nổi
Về cuộc đời ghê gớm ta yêu”
(Viết cho em từ Cửa Biển). 

Vô vàn khoảnh khắc Tam Bạc lưu ảnh qua ống kính người Pháp thế kỷ XIX và vào tranh thế kỷ XX của những tài danh: Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân... Và của các họa sĩ nặng lòng, là người con đất này: Nguyễn Hà, Thọ Vân, Quang Huân, Đặng Tiến...

Nguyễn Trọng Khải (1951 - Hải Phòng)
Tam Bạc ngày con nước - Sơn dầu (80cm x 100cm)

Hải Phòng trong con mắt các họa sĩ đương đại ra sao? Hàng thế kỷ Hải Phòng vẫn là chốn đi về gần gũi của văn nghệ sĩ Hà Nội, một cái nôi nghệ thuật, bối cảnh, đề tài, nguồn cảm hứng lớn của giới nghệ thuật. Đặng Tiến, người sinh trưởng và gắn bó suốt đời với Hải Phòng, sinh ra trên phố Cầu Đất. Phố bấy giờ có chiếc cầu thô sơ, mặt cầu bằng đất nện bắc qua ngòi Liêm Khê chảy ra sông Cấm. Cầu Đất (nền bằng đất nện, bắc qua đoạn sông sau này gọi là sông Lấp), phố có gia đình nhà thơ Lê Đại Thanh, một “từ điển Hải Phòng”. Từ nhỏ, Đặng Tiến đã say sưa cùng bạn Quang Huân (con họa sĩ Thọ Vân) ký họa, trực họa bên sông Tam Bạc. Năm 2008, anh định bày triển lãm riêng về Tam Bạc, rồi mời thêm họa sĩ Nguyễn Hà (1933), một họa sĩ tài năng là lão thành nhất của Hải Phòng hiện vẫn còn sáng tác làm triển lãm chung. Mỹ thuật Hải Phòng đương đại phát triển mạnh nhờ tâm huyết lớn của Đặng Tiến. Có phố, sông, bến xe, hồ mang tên Tam Bạc nhưng đây là Tam Bạc của sông và phố từ thuở xưa. Để chuẩn bị cho triển lãm quy mô lớn này, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng đã tổ chức Trại sáng tác mỹ thuật “Tam Bạc” từ 11-30/9/2015, với sự tham gia của 13 họa sĩ. Trong đó có 4 họa sĩ Hà Nội: Đinh ý Nhi, Lê Thiết Cương, Trần Quang Thái, Phạm Ngọc Minh; 2 họa sĩ đến từ Quảng Ninh: Vũ Quý, Lê Minh Đức và 7 họa sĩ Hải Phòng: Sơn Trúc, Bùi Duy Khánh, Quốc Thái, Phạm Hoàng Hà, Phạm Xuân Diệu, Nguyễn Viết Thắng, Nguyễn Trọng Khải. Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng đầu tư kính phí để các họa sĩ đi thực tế trong 3 ngày, 11-14/9, tại phố Tam Bạc, Ban Tổ chức Trại đưa ô tô chở các họa ra Tam Bạc rồi thả bộ, chụp ảnh, ngắm và ký họa rồi về sáng tác độc lập, bế mạc trại mỗi người nộp 2 tác phẩm theo quy định. Tất cả trại viên đều hoàn thành chỉ tiêu, có họa sĩ còn vẽ 3 bức như: Bùi Duy Khánh, Vũ Quý, Lê Minh Đức. Toàn bộ tác phẩm triển lãm tập trung về Hải Phòng ngày 13/10. Năm 2014, triển lãm Gặp gỡ của các họa sĩ Hà Nội - Hải Phòng diễn ra tại Bảo tàng Hải Phòng 66 Điện Biên Phủ, quận Hồng Bàng đã là triển lãm quy mô chưa từng thấy; thì lần này Triển lãm Tam Bạc - Phố và sông tại Trung tâm triển lãm và Mỹ thuật thành phố (số 1 Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân) hội tụ 93 tác phẩm của 72 họa sĩ, với các chất liệu sơn mài, sơn dầu, acrylic, bột màu, giấy dó, khắc gỗ, khắc đồng. Đây là cuộc “quần anh hội” ấn tượng với những họa sĩ nổi tiếng hàng đầu của mỹ thuật Hà Nội và Hải Phòng hiện nay. Thú vị nhất là Hà Nội tham gia rất đông: 31 họa sĩ, Hải Phòng 37 họa sĩ, Quảng Ninh và Hải Dương mỗi tỉnh 2 họa sĩ. Từ Hà Nội, hầu hết các họa sĩ “đình đám” đều góp tranh, ngoài những người đã dự trại còn có: Thành Chương, Đặng Xuân Hoà, Hoàng Phượng Vỹ, Phạm An Hải, Đinh Quân, Lê Thông, Đỗ Minh Tâm, Hà Trí Hiếu, Trần Nguyên Đán (khắc gỗ), Trần Nguyên Hiếu (khắc đồng)... Các họa sĩ tiếng tăm Hải Phòng: Nguyễn Hà, Đặng Tiến, Trần Vinh, Quang Huân, Nguyễn Ngọc Dân, Phạm Minh Đức, Vũ Thanh Nghị, Bùi Trọng Dư, Đặng Hướng, Phạm Văn Thuận. 6 họa sĩ nữ: Nguyễn Hồng Phương, Vũ Bạch Liên, Ngô Bình Nhi, Phương Bình, Sơn Trúc và Đinh Ý Nhi.

Đặng Tiến (1963 - Hải Phòng)
Một góc Tam Bạc - Sơn dầu (80cm x 100cm)

Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ và họa sĩ Đặng Tiến cùng nhóm biên tập chọn ra 60 tác phẩm để in vựng tập cùng tên triển lãm, 500 cuốn, khổ 25x25cm, trình bày sách là họa sĩ Nguyễn Viết Thắng, phát hành đúng ngày triển lãm khai mạc, 31/10/2015. Đây là hoạt động đầy ý nghĩa để giới thiệu sâu sắc, quy mô vào tâm thức những người con, những người yêu, đã từng và sẽ đến Hải Phòng. Sau triển lãm, các họa sĩ dự Trại đã tặng lại BTC 1 tác phẩm để trưng bày tại nhà triển lãm của Hội LH VH-NT Hải Phòng (19 Trần Hưng Đạo, quận Hồng Bàng).

Trần Quang Huân (1965 - Hải Phòng)
Thu- Sơn dầu (40cm x 70cm)

Có thể nói Hải Phòng hiện nay là một trung tâm hội họa lớn của miền Bắc và cả nước, vị thế ấy ngày càng được thể hiện khi hằng năm có hàng chục triển lãm lớn nhỏ. ấn tượng nhất là độ độc đáo chưa từng có ở đâu trên toàn quốc chính là triển lãm Tam Bạc - Phố và sông. Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh đều có sông, hồ lâu đời nhưng các thành phố rất phát triển về hội họa của Việt Nam cũng chưa hề có triển lãm chủ đề về con sông, ngay như Thủ đô nơi có hồ Hoàn Kiếm, có lực lượng họa sĩ mạnh nhất nước vẫn chưa tổ chức được một triển lãm mỹ thuật về hồ Gươm. Họa sĩ Thành Chương đã khẳng định điều đó tại hôm khai mạc triển lãm và cho rằng: Hải Phòng với đà này sẽ là nơi hội tụ, cũng là nơi các họa sĩ hướng về. Ông cùng họa sĩ Đặng Xuân Hoà, Phạm An Hải, Đinh Quân, Lê Thiết Cương, nhà điêu khắc Đào Châu Hải là những tên tuổi nổi tiếng của nền hội họa đương đại, những năm gần đây rất hào hứng với các dự án mà họa sĩ Đặng Tiến chủ trương. Quả đúng như Thành Chương nói, Tam Bạc với Hải Phòng cũng giống như hồ Gươm với Hà Nội. Dòng địa lý còn là dòng lịch sử, văn hoá. Cái nhìn của các họa sĩ khác biệt về lứa tuổi, đời sống, quê quán và độ gắn bó với Hải Phòng là khúc xạ của những vẻ đẹp, chiều sâu của dòng sông, nó không lệ thuộc vào hiện thực, có khi xộc xệch của bến thuyền nước cạn đỏ thưa khách, chợ rau lam lũ, chợ Sắt vắng đi không còn sức hút tập trung như danh một thuở chốn thương trường đất Cảng.

Nguyễn Viết Thắng (1973 - Hải Phòng)
Tam Bạc - Gốm (36cm x 76cm x 16cm)

Tôi đã cùng Đặng Tiến đi dạo bên bờ Tam Bạc, tìm những ngôi nhà cổ và dáng phố trong tranh những danh họa một thuở giữa những ngôi nhà hộp đua chen và dòng sông cạn đỏ. Triển lãm này là tâm tình của anh muốn tri ân dòng sông và quê mẹ. Tôi lại cùng anh đi dạo suốt chiều dài và chiều rộng, chiều sâu của Tam Bạc qua 93 tác phẩm hơn cả 3D không gian Trung tâm Triển lãm và mỹ thuật được mở ra vô hạn. Đúng như NSND Đào Trọng Khánh cảm nhận: Sông Tam Bạc thiêng liêng vì nó nhập bao hồn người và bây giờ lại được vẽ nên biết bao Tam Bạc từ những tâm hồn đa cảm nhìn qua vô số góc độ, ánh sáng, cảnh vật khác nhau. Sóng Tam Bạc vỗ miên man hình - màu trở nên huyền nhiệm chưa từng có. “Ngày nước kém” màu sông hắt phố như sắc hoen thời gian của Đặng Tiến hay “Ngày con nước” của Nguyễn Trọng Khải, nước sông dâng lên đẹp như những cô gái của thành phố nhiều người đẹp qua “Nước của sông Tam Bạc” của Đinh ý Nhi. Sông thì sẽ có bến, có thuyền, thuyền trên Tam Bạc như là trăng, thơ dù là thuyền của dân lao động. Tam Bạc lụa là qua tranh lụa của Phạm Xuân Diệu, chất liệu không nhiều người theo đuổi. Tam Bạc màu lục, hút chiều sâu từ mắt nhìn Phạm Ngọc Minh. Nhà, thuyền Tam Bạc tựa hòn đảo trong mây trong tranh Hà Trí Hiếu. Vũ Bạch Liên (1976) đã đẩy Tam Bạc trong một ấn tượng riêng có: trăng tròn hình thớ gỗ, vân trăng rọi mưa xuống thuyền - tranh khắc gỗ. Cậu bé và quả bóng là một nỗi nhớ về sông này của Đào Quốc Huy. Sương trùm “Ký ức Tam Bạc” nhòa như mưa, như thời gian, như nước mắt và nỗi buồn là ký ức của Đinh Quân, người con Hải Phòng nhớ về dòng sông thân thuộc, gắn với anh thuở hàn vi hơn 20 năm trước. Nữ họa sĩ Sơn Trúc (1944) sống ở Hải Phòng, vẽ “Quán bên sông” màu xanh cuốn lấy thuyền - cây - mây - nước. Tam Bạc của Phạm Anh Tuấn màu ghi lam thì Võ Tá Hùng dùng chủ yếu tông trắng vẽ lên Tam Bạc lạ lẫm. Nhiều tranh có tên “Ký ức” mà chẳng cần qua tên thì cũng thấy chỉ có những xúc cảm hoài niệm mới có hồn đẹp thế. Đó không phải ký ức đối lập hiện thực mà đấy là ký ức với kỷ niệm không thể nào trở lại. Dòng nhớ và xúc cảm có lẽ quyết định tông màu và hình về Tam Bạc. Dãy quán chợ nhấp nhô lúp xúp, bến nước, cầu tàu, nếp nhà loang lổ những cột điện ngõ phố tường vôi trong ánh mặt trời, mặt trăng, qua nắng hoặc mưa, qua sương hay khói của của hàng vịt quay, rỉ sắt, nắng gắt. Phố Tam Bạc thành điêu khắc gốm: khói hình gốm trắng, là tác phẩm của Bùi Viết Đoàn, là những ngôi nhà trắng đen qua gốm của Nguyễn Viết Thắng; thành lưu ảnh - tranh không bao giờ thay đổi dù hiện thực lấy mất đi vẻ đẹp đáng giá nhất của phố sông này. Vì vậy, có thể nói Tam Bạc đã được bất tử nhờ nghệ thuật bởi sự tôn vinh, đắm mê và vô vàn nhung nhớ. Hải Phòng đã được nhớ và cần được gọi tên thành phố gắn với Tam Bạc như một định danh biểu tượng sâu sắc và bền bỉ hơn là cái tên “Hoa phượng đỏ”, loài hoa chỉ xuất hiện vào mùa Hè và đã không còn rợp trời đất Cảng từ hàng thập niên nay.

Phạm Xuân Diệu (1980 - Hải Phòng)
Tam Bạc sương - Lụa (50cm x 70cm)

Nghệ sĩ Tuấn saxophone Maxim dìu dặt thổi Triệu bông hồng, nói về anh họa sĩ Nga si tình sẵn sàng bán cả máu để mua triệu đóa hồng tỏ tình với nàng ca sĩ khiến buổi khai mạc triển lãm thêm lãng mạn. Qua triển lãm tầm cỡ đầy dư chấn về Tam Bạc, tôi thấy dòng sông như một người tình nghệ thuật mà nhiều họa sĩ không chỉ vẽ về nó bằng hồng cầu tình yêu với Hải Phòng mà đây đã trở thành miền đất vẽ trong lành bằng sự cởi mở nồng nàn, mãnh liệt, hội tụ được nhiều “chàng họa sĩ” cả nước của nhiều nơi, làm mô hình tiêu điểm để nhiều họa sĩ hướng về tin yêu hò hẹn.

Bỗng nghe tiếng kèn sacxophone của Nguyễn Ngọc Tuấn song tấu cùng em trai - ca sĩ Duy Mạnh thổi dọc phố - không mùa phía đầu sông Tam Bạc gió tràn hướng ra cửa biển. Sông chảy vào tranh sông chảy qua tranh, sông tranh thủy mỹ mùa mùa tình tự...

Mẹ đã sinh ra Nguyễn Bính và sau Nguyễn Bính lại sinh ra một Xuân Đam và các nhà thơ thế hệ ông như Trần Nhuận Minh, Đồng Đức Bốn, Kim Chuông... Họ đã chung lòng giữ hồn thơ lục bát xanh đến muôn đời!

Đường về đất Cảng vi vút gió đồng và bảng lảng sương chiều, trong xe lại vang lên giọng thơ truyền cảm đổ quán xiêu đình của nhà thơ Kim Chuông đọc Xuân Đam: “Khách ơi! Dừng đã! Chiều xanh thế/ Biển rượu. Hồn mê. Ôi, gió nằm/ Trời dành khoảng trống cho thơ nghỉ/ Để ngày lại quả cho năm”./.

Trung thu Ất Mùi - 2015
--------------------

3 nhận xét:

  1. Những tác phẩm mỹ thuật này rất nổi tiếng của Hải Phòng

    Trả lờiXóa
  2. Một sự kiện đặc biệt về một nơi chốn rất Hải phòng-Tam bạc!Một bài viết rất hay cám ơn những người tổ chức sự kiện, cám ơn các Nghệ sỹ đã để lại dấu ấn đặc biệt cho Hải phòng, thành phố quê hương!

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!