Anh Nguyễn Viết Lãm và tôi

19/3/2013

Khắc Nghi
(Bài đăng trên tạp chí Cửa biển số 132, tháng 3/2013)

Chân dung nhà thơ Nguyễn Viết Lãm
Tượng đồng của Khắc Nghi

Tôi về Hải Phòng cuối tháng 12 năm 1968. Một hôm họa sĩ Thọ Vân đưa tôi tới Hội Văn học nghệ thuật gặp anh Lãm. Anh nhìn tôi bằng cái nhìn thẳng băng như dính vào tôi, rồi cái nhìn ấy chùng xuống với đôi mắt êm ái lung linh:
- Ồ trẻ quá, Nghi năm nay bao tuổi rồi? Vào với tụi mình đi, chúng mình sẽ là đại gia đình nghệ sĩ Hải Phòng!
Nói rồi anh ôm tôi, bắt tay thân mật như đã quen từ lâu. Một thời gian sau, tôi nhận được tấm thẻ Hội viên, chính thức gia nhập vào “đại gia đình nghệ sĩ” như anh nói. Anh Lãm nhiều lần trò chuyện với tôi, anh giới thiệu về tổ chức Hội, Chủ tịch Nguyên Hồng, các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ. Chúng tôi đi vào nhiều cuộc sinh hoạt nghiệp vụ, học tập chính trị và sáng tác chuyên môn. Anh Lãm luôn thân thiện như người cha, người anh, người bạn đồng nghiệp. Và mặc dầu tiếng khu Năm của anh khó nghe về âm nhưng dễ cảm về điệu, nên đôi khi tôi nghe mà cảm nhận về tâm tình hơn ngữ nghĩa. Rồi cứ thế, cuộc sống trôi đi theo năm tháng của những người làm văn nghệ thuận hòa trên đất Cảng, cái đất mà trước đây tiếng là nơi hoạt động của tứ chiếng giang hồ...
Đầu năm 1986, anh Lãm đưa tôi một tập bản thảo thơ, anh nói:
- Mình sắp ra tiếp một tập thơ, Nghi vẽ bìa cho mình nhé. Mình muốn đặt tên nó là “Cửa xuân”, Nghi xem đi.
Tôi nhận lời nhưng thầm do dự vì lúc ấy chưa hào hứng với việc này mặc dù trước đây cũng đã từng vẽ bìa “Cửa Biển” và một số cuốn sách.
Thế rồi, đọc xong bản thảo thấy anh viết chân thực với nhiều đề tài, anh lạc quan nhìn sự phát triển của đất nước, anh yêu con người, yêu quê hương, đặc biệt anh yêu Hải Phòng đến tha thiết và thường đan xen với cảm xúc của tình riêng, lãng mạn và hào sảng làm cho tập thơ ánh lên sắc xuân. Tôi chọn bài “Mùa xuân ra cửa ô thứ năm thành phố” lấy ý cho hình tượng bìa sách, ở đây anh phơi phới nhìn con đường xuyên đảo Đình Vũ mới được khai mở, con đường hình thành cửa ô thứ năm thành phố, hướng thẳng phía Đông giao tiếp và hội nhập với quốc tế. Tôi hình dung thành phố sẽ lớn dần lung linh với năm cánh sao cửa ô trên nền xanh nhạt, tôi nhấn mạnh con đường cửa ô thứ năm hướng về phía Đông cùng chữ “Cửa xuân”. Vẽ xong tôi đưa anh xem, anh ngẩn người:
- Trúng ý mình rồi đấy, sao ý Nghi và ý mình lại trùng nhau vậy! Thế mới biết thi ca và mỹ thuật cũng dễ phải lòng nhau. ít ngày sau, Nhà xuất bản Hải Phòng đã cho ra đời tập thơ.
Chị Phan Thị Đoan Trang, vợ anh cũng là một nhà thơ. Phải nói rằng ít có vợ chồng nhà thơ như anh chị, sống với nhau hòa hợp, đằm thắm bởi anh chị vừa là vợ chồng, vừa là bạn, vừa là đồng chí. ở vào tuổi cao niên, chị quyết định lưu lại hình ảnh anh mãi mãi bằng một bức tượng chân dung. Tôi hiểu chị muốn giữ mãi hình ảnh thực của anh, cái thực của thị cảm thông thường ai cũng nhận ra. Tôi nặn bức tượng theo lối tả thực, giữ nguyên tỉ lệ hình hài và chi tiết đặc điểm. Anh đến ngồi mẫu cho tôi nặn mấy buổi, mỗi buổi chừng 30, 40 phút, tôi không yêu cầu anh ngồi im mà vẫn trò chuyện để thể hiện sự sống động trên tượng. Có lúc tôi lại nhà đón anh sang, có lúc cả anh chị sang tôi. Đoạn đường từ nhà anh chị đi qua một đoạn phố Lê Thánh Tông rộng rãi, qua cây cầu trên dòng kênh đổ ra Cửa Cấm, qua đoạn xóm gần nhà tôi, có con đường sắt chạy qua và đây đó còn những khóm tre, cây xoan, rào dâm bụt, mái tranh, vườn rau...tất cả lưu lại hình ảnh một góc nông thôn thật thi vị. Có lẽ những lần anh chị sóng đôi đi qua, hẳn không gian ấy đã làm cho anh chị ngập tràn những ý thơ, những nét trữ tình cùng niềm hoài cảm.
Bức tượng chân dung bằng đất sét được nặn xong, tôi mời anh xem lần cuối. Anh nhìn tượng với vẻ mãn nguyện:
- Đúng mình rồi đấy, Lãm rồi đấy. Cám ơn Nghi!
Bức chân dung được đổ ra thạch cao rồi chuyển đi Nam Định đúc đồng. Chị Đoan Trang quyết định chắt chiu kinh phí cho việc đúc đồng, chị khắc lên ngực trái bức tượng, nơi trong đó có con tim “Anh dành riêng cho Đảng cho phần nhiều, phần cho thơ và phần để em yêu”, chị dùng bút tích mình rung động khắc dòng chữ thiêng liêng “Phu nhân Phan Thị Đoan Trang lưu niệm 2003”. Tôi cũng đúc thêm bức tượng thứ 2 cho mình để lưu niệm một tác phẩm về anh.
Chị trân trọng đặt bức tượng giữa tiền sảnh ngôi nhà, nơi anh chị tiếp khách và anh chị cũng thường xuyên ngồi viết ngay trên chiếc bàn tiếp khách. Như vậy, những lúc ngồi viết, chị Đoan Trang có thể ngước lên là thấy tượng anh.
Anh Lãm nói vui:
- Từ nay đã có 2 Nguyễn Viết Lãm, nếu mình đi vắng thì còn có Lãm nữa ở nhà với Đoan Trang.
...Và lúc này anh Lãm đã “đi vắng”, nhìn bức tượng, chị sẽ vơi đi nỗi buồn nhớ người yêu dấu.
-------------
Xem thêm: Nhà điêu khắc Nguyễn Khắc Nghi

3 nhận xét:

  1. Đây là bức tượng rất đẹp và ý nghĩa; đó là tác phẩm của Nhà điêu khắc Nguyễn Khắc Nghi

    Trả lờiXóa
  2. Bức tượng này rất đẹp và chân thật, cảm ơn tác giả

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!