Những người đàn bà chơi cùng màu sắc

Những họa sĩ nữ chơi với màu sắc, bản thân họ là những người nhạy cảm với sự biến đổi của đời sống. Họ là những người có khả năng bước qua tẻ nhạt, tạo ra sự bí ẩn, hấp dẫn...

Bước qua tẻ nhạt
Hồng Hoa

Thỉnh thoảng trong cuộc sống, chúng ta thường nghe ai đó phàn nàn rằng đời sống tẻ nhạt quá, ít sắc màu quá. Cảm giác đó là thật, khi người ta phải lặp đi lặp lại công việc mỗi ngày, hay khi thiếu vắng niềm vui, sự tươi mới, sự tri âm tri kỷ.
Có muôn vàn lý do khác nhau để tẻ nhạt, và cũng có từng ấy lý do để mỗi người kỳ vọng vào một cuộc sống nhiều cung bậc, nhiều màu sắc. Thế giới của người phụ nữ thường bị gò bó hơn thế giới của người đàn ông, vì họ phải gắn với nhiều thiên chức khác nhau. Nhưng những người phụ nữ ta gặp ở đây có lẽ không phải vậy. Họ là những người chơi cùng màu sắc. Công việc của họ là mang màu sắc cuộc đời lên khung vải, lên giá vẽ, lên tranh.

“Em và Sen” - Tác phẩm của họa sĩ Phương Bình.

Để làm được như vậy, bản thân họ phải là những người đàn bà phong phú. Họ hiểu các cung bậc, các sắc độ của đời sống. Họ phủ màu lên tâm trạng, cảm xúc. Dưới bàn tay biến ảo của họ, đời sống là chính nó và có thể được nâng cao lên, để mỗi người có thể chạm tay vào giấc mơ, khát khao của mình. Họ là các nữ họa sĩ.
Vẽ được xem là công việc tự do nhất trong các công việc của nghệ thuật. Người họa sĩ sử dụng ngôn ngữ màu sắc để trình bày thế giới quan của họ. Những gì họ cảm nhận và chia sẻ xung quanh cuộc đời phức tạp và đáng yêu này. Cái đẹp hiển hiện trong màu sắc là cái đẹp ít cần phải giải thích nhất. Nó nằm trong cảm nhận của người xem, rất khó định lượng.
Những họa sĩ nữ chơi với màu sắc, bản thân họ là những người nhạy cảm với sự biến đổi của đời sống. Họ là những người có khả năng bước qua tẻ nhạt, tạo ra sự bí ẩn, hấp dẫn. Họ kể chuyện mình, giới thiệu mình qua màu sắc. Họ là những người tôn vinh cái đẹp, mang cái đẹp đến cho cuộc sống trong sự đa chiều, đa nghĩa, đa sắc thái.
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, hãy lắng nghe câu chuyện của những người đàn bà tài năng chơi cùng màu sắc, để khám phá thêm những góc khác về chính họ, cũng như về giới nữ. Để thêm hiểu và trân trọng một nửa thế giới, những người không chỉ xây tổ ấm, mà còn góp phần tạo nên các giá trị nghệ thuật, tạo ra nhan sắc của cuộc đời.


Họa sĩ Bùi Mai Hiên: Nghệ thuật khiến tôi sống cuộc đời không uổng phí!
Hà Anh (thực hiện)

- Nữ họa sĩ là những người rất nhạy cảm nhưng cũng đồng thời là những người rất mạnh mẽ, quyết đoán. Bản thân chị thấy mình là người như thế nào?


- Có lẽ người khác sẽ nhìn thấy tôi chuẩn hơn là tôi nghĩ về mình nhưng bạn đã hỏi thì tôi cũng xin nói một chút về mình. Khi còn trẻ tôi là người âm thầm, lặng lẽ, ít giao du, ít kết bạn và làm việc đơn độc lắm. Khi đó tôi nhìn cuộc sống, nhìn mọi người không sôi động như bây giờ.

Họa sĩ Bùi Mai Hiên

Cũng như bao nhiêu người khác, cuộc sống có thể có những vui buồn nhưng không hiểu sao với tôi cái gì vui tôi nhớ rất lâu, còn cái gì buồn, sóng gió trong cuộc sống, thậm chí là cả nỗi đau khổ tôi lại quên được rất mau. Quên cứ như nó chưa từng xảy ra. Hiện tôi đang rất vui với những gì mình đang có và đắm say vào việc mình đang làm.
- Sao có nhiều người nói rằng, người nghệ sĩ làm công việc sáng tạo phải chạm đến ngưỡng nhất định của sự cô đơn mới có thể cho ra đời những tác phẩm đặc sắc?

- Nếu bạn chìm sâu vào trong sự cô đơn bạn sẽ đánh chết mình. Tôi nhớ có một thiền sư đã có 4 câu đúc kết mà chắc chắn những người nghệ sĩ mạnh mẽ sẽ hiểu điều đó: "Không đau khổ lấy chi làm chất liệu/ Không buồn thương sao biết chuyện con người/ Không nghèo đói làm sao thi vị hóa/ Không lang thang sao biết gió mưa nhiều".
Khi đọc xong, tôi thấm thía rằng, đời người nghệ sĩ cũng phải có đủ những yếu tố như thế. Để có những phút giây vui vẻ, chúng ta đều phải từng trải qua những giây phút cô đơn thì mới yêu những phút giây vui vẻ ấy. Ta đã từng hát những nốt quá trầm để ta yêu những nốt cao và khi hát cao mãi khản giọng thì ta lại quay về với những nốt trầm. Cuộc sống là những nốt nhạc đẹp và nó đến với mình nốt nào mình sẽ đón nhận nốt ấy mà thôi.

- Tôi cho rằng, với phụ nữ nói chung và phụ nữ làm nghệ thuật nói riêng, rất khó khăn để có một người gánh đều hai vai như cách người ta vẫn thường nói là "vừa giỏi việc nước lại đảm việc nhà". Bản thân chị có phải đối mặt với việc phải lựa chọn một trong hai việc hay không?

- Theo tôi, đó không phải là lựa chọn mà là người phụ nữ phải đủ mạnh, đủ thông minh hoặc phải có kế hoạch để làm tất cả những việc ấy. Tôi ví dụ, tôi là người tự nuôi 2 đứa con của mình, dạy dỗ các con, cho các con học hành thành đạt. Không những thế, tôi còn chăm sóc bố mẹ mình khi bố mẹ về già. Để vẫn vẽ được mà nhà cửa sạch sẽ, ấm áp, lúc nào cũng có hoa tươi, thì tôi cũng phải thu xếp, phải dần đơn giản cuộc sống của tôi. Những người bạn, người em của tôi như họa sĩ Thanh Thục, Lan Hương... các bạn ấy cũng phải làm đủ mọi việc của một người phụ nữ phải làm chứ có ai làm hộ, làm thay đâu.

- Như tôi, hiện nay, nhiều phụ nữ Việt Nam vẫn được dạy dỗ theo tư tưởng Phương Đông, đó là phải tận tụy hi sinh hết lòng vì chồng, vì con, lấy chồng con làm niềm vui của mình. Chị nghĩ sao về điều này?


- Tôi cho rằng, thiên chức của người phụ nữ rất quan trọng trong cuộc sống. Người phụ nữ dịu dàng, tinh tế, xinh đẹp, truyền cảm là những điều người phụ nữ cần giữ và tôi yêu những người phụ nữ như thế. Nhưng có một điều từ cuộc sống của chính mình tôi nhận ra và muốn dạy cho con gái mình rằng: cuộc đời này chỉ có một thôi và người phụ nữ phải làm những điều thật có ý nghĩ với bản thân để sau này cảm thấy mình đã sống một cuộc đời không uổng phí. Chính vì thế mà tôi chọn nghệ thuật, thấy mình phải sống trọn vẹn cuộc sống của mình, sống không uổng phí. Mình cứ sống tốt cuộc đời mình sẽ chính là tấm gương cho thế hệ sau rồi còn nếu có hương thơm tự nó sẽ lan tỏa.

- Đã đi qua sóng gió, vượt qua những nỗi đau khổ dằn vặt sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị có lời khuyên nào dành cho những người phụ nữ không may mắn có được cuộc hôn nhân tốt đẹp.


- Nếu để truyền cảm hứng cho những người phụ nữ không may mắn như tôi đã từng, tôi chỉ khuyên họ rằng, tất cả rồi sẽ qua hết thôi. Cuộc đời có những niềm vui và có những nỗi buồn nhưng mình đừng chìm đắm mãi trong nỗi buồn mà phải tìm cách thoát ra. Nếu dừng lại tức là tự làm mình chết dần đi, tự giết cuộc đời mình đấy.
Đau khổ nó gặm nhấm thì kinh khủng lắm. Nhưng phải thoát tích cực, thoát mạnh mẽ và đừng có để lại tí sẹo nào trong người mình nữa. Hãy mở lòng, đón chờ những điều mới mẻ tốt đẹp khác, những niềm vui khác. Ở đời này không phải chỉ có chồng - con mới là vui mà còn có nhiều niềm vui, rất nhiều vẻ đẹp khác nữa. Nếu được sống lại để phải chịu thử thách, để nếm trải một nỗi đau nào đấy, tôi cũng vẫn nhất định sẽ bước qua!

- Xin cảm ơn họa sĩ Mai Hiên!



Họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ: Nhiều nữ họa sĩ khiến tôi quý nể!


- Thưa họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ, anh có thể đưa ra một vài nhận diện chung về lực lượng cũng như những đóng góp của các họa sĩ nữ trong nền mỹ thuật đương đại?


- Tôi cho rằng, trong nền mỹ thuật đương đại không có giới tính. Bởi vì rất nhiều họa sĩ nam vẽ ẻo lả ẽo uột như một phụ nữ, ngược lại rất nhiều họa sĩ nữ lại vẽ một cách mạnh mẽ và có cá tính độc đáo. Qua đó có thể thấy, thực ra trong nghệ thuật chỉ là câu chuyện có tài hay không có tài thôi.
Và dưới mắt tôi những họa sĩ nữ ở mỹ thuật đương đại có nhiều gương mặt rất tài năng mà tôi còn phục hơn cả cánh đàn đông. Tôi thấy rằng, có nhiều người đàn ông trên cuộc đời còn phải sống nương tựa vào phụ nữ, nhưng những họa sĩ nữ trong giới mà tôi biết, họ là người tự lập.

Nhà điêu khắc Lập Phương

Với những phụ nữ đã có gia đình, họ còn là hậu phương cho một gia đình nên thời gian còn lại của họ dành cho hội họa không nhiều. Họ vẫn phải làm những công việc của phụ nữ, lo cho chồng, cho con, lo cho tổ ấm được vững bền nhưng trong họ hội họa vẫn là nỗi niềm thôi thúc, canh cánh, ám ảnh. Dù vậy, đóng góp của các họa sĩ nữ với hội họa đương đại rất đặc sắc và quý giá vô cùng.

- Để "điểm mặt" một vài cá tính sáng tạo trong giới họa sĩ nữ khiến anh có những ấn tượng đặc biệt anh sẽ chọn ai?

- Tôi cũng xin nói trước tôi là người không theo lối "chủ nghĩa quan hệ", không phe nhóm, băng đảng gì. Người nào có tài thì tôi sẽ nói về họ bằng ngôn ngữ của những tài năng dưới góc nhìn của tôi thôi. Ví dụ trong hội họa của Đinh Ý Nhi có những giằng xé đã ám ảnh tôi. Trong hội họa của Đinh Thắm Poong đã khai thác sự đồng hiện siêu thực trong sự giao hòa bí ẩn giữa con người với thiên nhiên đã đưa lại trên bề mặt tranh một sự hấp dẫn và quyến rũ vô cùng.

Họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang lại đầy chất ma mị với tranh khắc gỗ và sơn dầu, đưa lại những tiếng nói, tiếng kêu, tiếng vọng về con người, thấm đẫm tính bản năng nhưng lại đầy những suy tư, ẩn ức bên trong. Trong điêu khắc có một gương mặt rất trẻ là Lập Phương. Lập Phương tuổi dưới 30, người mảnh mai bé nhỏ nhưng đầy cá tính và sức làm việc khủng khiếp.

Tác phẩm điêu khắc của Lập Phương tại không gian nghệ thuật Flamingo Đại Lải

Với những khối sắt lớn, Lập Phương tự làm từ đầu. Bằng lối tạo hình độc đáo, làm chủ không gian, giải quyết tương quan giữa những mảng khối đặc rỗng đầy tinh tế, tối giản. Hay như trong nghệ thuật sắp đặt và biểu diễn của Ly Hoàng Ly với chất trữ tình mãnh liệt, đầy chất thơ phả vào nhưng lại mang những ý tưởng lớn. Điều khiến tôi cảm phục, quý nể ở những họa sĩ nữ đó chính là kích thước, chiều sâu tư tưởng của các tác phẩm lớn hơn rất nhiều dáng hình mảnh mai, nhỏ bé của họ.

- Theo quan sát của anh, phẩm chất nghệ sĩ ở trong con người các họa sĩ nữ có tố chất gì đặc biệt hơn những người đồng giới của họ trong các lĩnh vực sáng tạo khác?

- Tôi thấy rằng, các nữ họa sĩ là những người đặc biệt hơn, nếu không muốn nói là những người đặc biệt nhất nếu đặt trong tương quan với những người cùng là nữ giới ở các công việc sáng tạo khác. Bởi vì họ là những nghệ sĩ tự do trong sáng tạo, làm việc độc lập, lại thường là những người có cá tính mạnh nên trong nghệ thuật cũng như trong đời sống họ không phải "rào đón", che chắn, họ không cần phải có nhưng công đoạn đối thoại, lấy lòng người mà họ tập trung hết tinh nhuệ của mình cho tác phẩm. Họ chú ý đến cái tôi bản thể của mình và khoét càng sâu cái tôi bản thể ấy. Bởi vì họ là cá thể độc lập, không có cơ quan đoàn thể nào can thiệp vào tác phẩm của họ được. Họ làm cho chính họ, cho nhu cầu cấp bách cần được giả tỏa trong họ, vì thế chất nghệ sĩ đích thực ở trong họ rất đậm đặc và điều này thường để lại dấu ấn trong các tác phẩm.

- Xin cảm ơn họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ!


Họa sĩ Phương Bình: Mỗi người đàn bà là cả thế giới
Quỳnh Vũ (thực hiện)


- Chào họa sĩ Phương Bình, nghe nói chị đang chuẩn bị cho một cuộc triển lãm cá nhân mang tên “Đàn bà”. Bao giờ thì triển lãm đó diễn ra vậy?


- Tôi dự định sẽ làm triển lãm “Đàn bà” vào sinh nhật mình, khoảng tháng 5 sắp tới. Công chúng xem tranh của tôi ở nhiều triển lãm chung rồi. Tôi vẽ sơn dầu, vẽ trên giấy dó, vẽ sơn mài là chủ yếu. Nhưng ở triển lãm lần này, tôi sẽ trình làng những tác phẩm của mình được thể hiện trên gốm. Và có cả các tác phẩm điêu khắc nữa.

Họa sĩ Phương Bình

- Người xem biết đến Phương Bình phần lớn là những tranh vẽ nude trên chất liệu giấy dó. Vậy trên gốm và trong điêu khắc chuẩn bị cho triển lãm sắp tới, chị vẫn vẽ đàn bà chứ?

- Tôi vẫn vẽ đàn bà thôi. Tất nhiên có một vài đề tài khác nữa, nhưng đàn bà luôn là một đề tài xuyên suốt trong tác phẩm của tôi. Tôi yêu họ, và muốn vẽ mãi về họ.

- Thường thì trong hội họa, những người vẽ về đàn bà đẹp nhất, nổi tiếng nhất lại là các nam họa sĩ. Tôi nghe một vài họa sĩ lâu năm trong nghề nói, họa sĩ nữ mà vẽ đàn bà điêu luyện như Phương Bình là rất hiếm. Chị có giải thích được điều này chăng?

- Thông thường thì phụ nữ chúng tôi đôi khi không “thuộc” mình bằng cánh mày râu. Chúng tôi hiểu mình thì đương nhiên, nhưng cái hiểu đó có lẽ phù hợp với thi ca, còn sự “thuộc” mình lại là câu chuyện của đường nét, bố cục. Ngay cả khi đứng trước một mẫu nữ, chắc chắn những rung cảm của người họa sĩ nam sẽ khác với người họa sĩ nữ.
Những người đàn ông yêu phụ nữ theo cách của họ. Tôi là một người nữ, tôi vẽ đàn bà ít nhiều là vẽ về chính mình, thì cách bộc lộ và chia sẻ của tôi có lẽ cũng theo một kiểu khác. Nhưng tôi cũng không chắc chắn lắm về điều này đâu, vì bạn biết đấy, khi thực sự ở trong việc vẽ, tôi không đủ tỉnh táo hay lý trí để nhận ra mình là ai. Tôi có thể là chính mình hoặc phân thân. Và khi vẽ, tôi cảm thấy như có ai đó cầm tay mình chỉ dẫn. Đôi khi ngắm một vài bức tranh của mình, tôi có cảm giác không phải mình vẽ là vậy.

- Nghe một vài người bạn của chị chia sẻ, chị thường vẽ về đêm. Những bức tranh đàn bà ma mị nhất là những bức chị vẽ trong đêm, có đúng không vậy?

- Thực tế tôi có thể vẽ bất cứ lúc nào. Tôi chỉ có một việc chính là vẽ mà. Ngoài ra không có việc gì đáng kể. Có một dạo tôi thường vẽ trong đêm. Hai, ba giờ sáng bạn bè vẫn nhìn thấy tôi sáng đèn trên facebook, là bởi khi vẽ xong một bức tranh tôi hay chia sẻ trên đó. Vẽ trong đêm cũng có những cảm xúc lạ lắm. Bóng tối và sự yên ắng của không gian khiến cho tôi có cảm giác mình chiếm hữu toàn bộ cuộc sống, chiếm hữu nghệ thuật. Hơn nữa, đàn bà với bóng đêm luôn có một sự liên hệ, một sự gắn kết nào đó khiến cho tâm trí tôi bị quyến rũ.

- Những người đàn bà trong tranh của chị thường rất đặc biệt. Họ có gì đó hơi trầm cảm, hơi sầu bi, và như đang trong vũ điệu của riêng họ. Khuôn mặt của họ đôi khi cho người xem cảm giác, họ không đến từ cuộc sống này...

- Đàn bà vốn là “loài” phức tạp mà. Mỗi người đàn bà có thể chứa cả thế giới trong mình. Họ là một khối mâu thuẫn. Để hiểu được họ không dễ chút nào. Khi vẽ những người đàn bà, tôi không dụng ý cụ thể gì về họ. Tôi vẽ cái tinh thần, những gì đó có thể biểu cảm về tính nữ, về nỗi vui buồn, về thân phận của họ. Vì sao trong tranh của tôi đàn bà hay nhảy múa? Vì tôi đang cố hiểu khát vọng tự do của họ. Trong mỗi người đàn bà có một khát vọng tự do rất lớn. Họ muốn được là mình, muốn được thoát khỏi những cái thông thường của đời sống.

- Theo chị, những người đàn bà làm nghệ thuật và những người đàn bà bình thường có điều gì khác nhau?

- Tôi nghĩ họ cũng chẳng khác nhau nhiều lắm. Một người đàn bà làm nghệ thuật thì cũng vẫn phải đi chợ, nấu cơm, nuôi con, làm đủ mọi thiên chức của mình. Đôi khi họ cằn nhằn, cáu kỉnh, tham lam. Đôi khi họ là gai nhọn, đôi khi họ mềm như nước chảy. Nghĩa là họ cũng bình thường như đàn bà bình thường thôi. Cái khác của người đàn bà làm nghệ thuật có chăng là tự thân họ làm khổ mình. Họ thường không bằng lòng với mình. Họ vừa chấp nhận đời sống hiện tại lại vừa muốn vượt thoát nó. Họ không yên ổn bằng những người đàn bà bình thường.

- Vì sao chị chọn cuộc sống một mình lâu quá vậy. Một mình nuôi con suốt hơn 20 năm qua. Phải chăng không có một bờ vai nào đủ mạnh mẽ cho chị tựa vào?

- Một bờ vai đủ mạnh mẽ để tựa thì tôi nghĩ đàn bà ai cũng ước mong. Nhưng với tôi, hình như tất cả không chỉ là như vậy. Tôi là người làm nghệ thuật, tôi cần tự do, cần được là chính mình nữa. Nếu bờ vai đủ mạnh đó đến, nhưng bắt tôi phải khác mình, phải hy sinh con người nghệ thuật của tôi, thì tôi xin thôi...

-Nhưng đàn bà nuôi con một mình thì quá cực. Lại phải lo toan chuyện cơm áo gạo tiền thì nghệ thuật cũng có khi rời bỏ mình...

- Tôi đã ở thời điểm mà những lo âu ấy ở đằng sau rồi. Nếu nghệ thuật định rời bỏ tôi thì nó đã đi từ lâu, vào lúc mà mẹ con tôi phải dắt díu nhau đi thuê nhà, phải đối mặt với cuộc sống khó khăn chật vật vô cùng. Một người đàn bà từ tỉnh lẻ đến thủ đô, gia tài chỉ có đứa con nhỏ và lòng đam mê hội họa, tôi có thể đánh đổi vài điều, nếu nghệ thuật không phải là tiếng gọi đủ lớn. Nhưng giờ này tôi vẫn vẽ, vẫn hoàn toàn thuộc về hội họa. Con trai tôi thì cũng đã lớn, có thể tự đi làm nuôi sống mình. Tôi đâu còn phải lo lắng về điều bạn hỏi nữa.

- Chị có phải là người mẹ nấu ăn giỏi không, và có thường xuyên vào bếp nấu nướng không?

- Tôi không giỏi bếp núc lắm, nhưng nếu con trai tôi thèm ăn món gì tôi đều có thể vào bếp phục vụ con vô điều kiện. Đối với cậu ấy thì món gì mẹ nấu cũng là ngon nhất quả đất cả.

- Trên trang cá nhân, chị khoe con trai chị đã có người yêu. Chị có tiêu chuẩn đề ra với con khi con chọn bạn gái, chọn vợ không?

- Tôi nói với con trai là, đã yêu ai thì phải yêu hết lòng đừng nửa vời. Người đàn ông khi đã yêu thì cư xử làm sao cho đáng mặt, đừng bao giờ làm tổn thương người đàn bà của mình. Và nếu một ngày có hết yêu, cũng vẫn cứ phải cư xử làm sao cho đáng mặt.

-Ngày mùng 8-3 hàng năm con trai chị tặng quà gì cho chị?

- Thường thì cậu ấy mua hoa tặng mẹ. Đôi khi có quà nữa. Tôi may mắn có cậu ấy bên cạnh, một người đàn ông rất lịch thiệp, ga-lăng. Đối với tôi, có bờ vai của cậu ấy cũng là yên tâm rồi.

- Xin cám ơn họa sĩ Phương Bình!
-----------------------
Nguồn Văn nghệ Công an

1 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!