Hãy yêu Huế như Tây “nó” yêu

Long Xuyên

Lần nào đưa khách đi Huế, tour căn bản của tôi cũng là: đến Đại Nội vào giờ tắt nắng (để thấy được một triều đại đã hết), ngồi xích lô qua cầu Tràng Tiền trong ánh đèn đổi từ tím sang xanh sang hồng sang vàng (đại loại thế, để thấy được sự mâu thuẫn trong cái gu của Huế), lên đàn Nam Giao vào sáng sớm tinh mơ (để có cảm giác đi chầu buổi sớm trước trời đất), hoặc cũng sáng sớm nhưng lên đồi Vọng Cảnh. Thế những giờ khác trong ngày, khi nắng vẫn còn thì sao? Thì tôi đưa khách đi thăm lăng, mà thích nhất là đi dọc con đường nối từ đàn Nam Giao đến lăng Tự Đức. Con đường dốc dốc, cây xanh nhiều, vắng vẻ với thỉnh thoảng vài chiếc xe du lịch lừ lừ đi ngược lại. Festival Huế lần này tôi không đến Huế, nhưng tin chắc con đường ấy đã được chỉnh trang cho đẹp hơn và sẽ rất nhộn nhịp.

mythuathaiphong.blogspot.com
Tranh treo trước cổng ra vào chùa (Dân Trí)

Rồi đọc báo, đọc mạng mới biết, dọc con đường ấy, các nghệ sĩ ở Huế đã thực hiện dự án Phố Tranh. Trải suốt 4km đường là 2012 bức tranh treo: trước chùa, bên cổng nhà, bên bãi đất…, được coi là một dự án vì cộng đồng (nhất là khi số tiền nếu bán được tranh sẽ dành cho việc giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn).

Cộng đồng, công cộng, môi trường, sinh thái… là những chữ dạo này có vẻ được nghệ thuật quan tâm hơi kỹ. Một mảnh đất màu mỡ để nghệ sĩ nhảy vào khai thác và dễ xin tài trợ. Tôi cho là tốt thôi, hơn là chỉ suốt ngày vẽ chân dung cái mặt tôi hay cái đùi anh, nhưng với chữ cộng đồng, một khi áp dụng không đúng thì cũng có hại (chứ không phải chỉ có hoặc “lợi” hoặc “vô hại” như nhiều người vẫn tưởng). Mà khi nghệ thuật đã có hại thì cũng như mìn: mìn nhỏ sát thương ít, mìn to sát thương nhiều.

mythuathaiphong.blogspot.com
 Tranh phơi trong nắng chiếu trực tiếp - Ảnh VTC

Phố Tranh theo như báo đăng theo tôi là một thứ mìn to, sát thương nhiều. Như thế 4km đường đẹp của Huế thời gian Festival qua đã bị làm hỏng vì treo đầy những bức tranh này sao, tôi tự hỏi? Con đường dẫn đến nơi yên nghỉ của các vị vua đã không còn vẻ mênh mang và u tịch như nó phải có nữa à? Treo chừng đó tranh suốt đường thì có khác gì căng đầy biểu ngữ, quảng cáo xấu? Tôi nhớ cảm giác của tôi mỗi khi đi trên con đường này là nghĩ về sự lựa chọn nơi chôn cất của các vị vua, về đời người đến như lửa bùng rồi tắt… Chắc chắn chỉ có thiên nhiên mới khiến người ta nghĩ về những thứ thuộc về sống, chết. Khi đem 2012 bức tranh lổn nhổn to nhỏ, màu sắc rối loạn, nét vẽ nguệch ngoạc ra treo một cách cẩu thả trên con đường này, nhóm họa sĩ tự nhận là yêu Huế có nghĩ rằng mình yêu Huế thật không? Và nếu thật thì yêu như vậy có đúng cách không?
mythuathaiphong.blogspot.com
 Tranh dầm trong mưa - Ảnh của Đại Dương (Dân Trí)

Đi với khách du lịch nhiều, tôi để ý thấy các cô gái Việt Nam khi có người yêu hay chồng là người Việt hoặc châu Á thường sẽ rất quan tâm đến vẻ bên ngoài. Họ trang điểm nhiều hơn những cô gái có người yêu hay chồng là người phương Tây – những người này thường để mặt mộc, không tô son, bôi phấn, và người mình hay lấy làm lạ “sao Tây nó thích?”. Nhưng ở những phụ nữ này toát lên một sự tự tin và sống động của những người được yêu “vì tôi là tôi là tôi là tôi”… Yêu Huế, tôi nghĩ, cũng nên như Tây yêu ấy. Để Huế được tự nhiên, để sông của Huế được yên, đồi của Huế được yên đi, để nhịp sống của Huế được thảnh thơi là đã đủ đậm đà và không quên được. Đừng khoác cho Huế quá nhiều sen thả, tượng to nhỏ kín bờ sông, tranh sặc sỡ chen lá cây ngọn cỏ… Người Huế có thể không nhận ra, và nghĩ là làm thế thì Huế đẹp hơn, nhưng người ở xa như tôi đây thì thấy trang điểm như thế chỉ làm Huế tầm thường đi hẳn, thiếu cái tự tin cần có của bậc vua chúa. Mà điều đó, tưởng họa sĩ Huế thì phải nhận ra rõ hơn người thường chứ?
-------------

Bày tranh – dù là tranh sơn dầu hay tranh acrylic – ra ngoài trời là một việc tối kỵ, ít nhất vì những lý do sau đây:

1. Ánh sáng ngoài trời mạnh hơn ánh sáng studio từ 20 tới 50 lần khi không có nắng, và khoảng từ 70 tới 200 lần khi có nắng chiếu trực diện. Tia cực tím (UV) trong ánh sáng mặt trời làm các hạt màu, bất kể trong sơn dầu hay acrylic, bạc màu. Bạc màu nhanh hay chậm tùy thuộc độ mạnh của ánh sáng, thời gian tranh bị phơi sáng, và chất lượng của màu được dùng.

2. Bố thường được làm bằng sợi lanh hoặc sợi bông. Cả hai loại sợi đều hút ẩm và co giãn theo thời tiết, nhiệt độ (sợi bông hút ẩm, co giãn và quăn nhiều hơn sợi lanh). Nếu bị ngấm nước – đặc biệt là từ mặt sau tranh – mặt không có sơn và lót che phủ – sợi sẽ nở ra, khiến sơn ở mặt trước dần dần sẽ nứt, bong từng mảng. Ngấm nước lâu ngày bố sẽ mục, mốc, v.v.

3. Bố vẽ thường được lót bằng keo động vật trộn với bột trắng thạch cao, titan, dầu lanh. Nếu ví bức tranh như một tòa nhà thì lớp lót là cái móng nhà. Khi bị ngấm nước, keo sẽ trương lên, rữa ra, làm cái móng nhà bị hỏng. Chuyện gì xảy ra với ngôi nhà nếu cái móng nhà bị gãy vỡ?

4. Tranh sơn dầu khô rất lâu, kể cả vài tháng sau khi được hoàn thành, tranh vẫn tiếp tục khô. Trong thời gian đó, nếu tranh bị bày ra đường, bụi sẽ bám lên bề mặt tranh, dính chặt và chui vào lớp sơn đang khô, mắc trong đó, không có cách nào lấy ra được trừ khi tẩy cả lớp sơn đi.

5. Cột tranh vào hàng rào khiến khung căng bố vênh khi bị gió thổi, làm biến dạng bề mặt tranh, gây nứt vỡ của lớp sơn vẽ tranh.
 -------------
 Theo "Soi"