Các di tích thời Mạc ở Kiến Thuỵ - Dương Kinh

Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, vào thế kỷ 16, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng ngày nay được sử sách nước ta nhắc đến như một chốn địa linh vì đây là nơi phát tích của vương triều Mạc mà người đầu tiên dựng lên đế nghiệp là Mạc Đăng Dung. Đồng thời, nơi đây còn được nhắc đến với tư cách là trung tâm của Dương Kinh . Những dấu tích một thời phản ánh sự hiện diện của vương triều Mạc trên vùng đất này hiện nay vẫn còn rất rõ nét. Dạo quanh các di tích trên quê hương nhà Mạc, chúng ta sẽ bắt gặp những di sản văn hóa mang dấu ấn đương thời, là cơ sở để góp phần khẳng định về một nền nghệ thuật tạo hình dân tộc phát triển rực rỡ, phong phú, đa dạng hồi thế kỷ 16. Đó là nghệ thuật thời Mạc.

Tượng đá thời Mạc ở chùa Nhân Trai, Kiến Thụy

Sự xuất hiện của vương triều Mạc trên chính trường Đại Việt thời trung đại, như nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định: Đầy mâu thuẫn nhưng có nhiều thành tựu về văn hóa xã hội. Về nội bộ trong nước, đó là nội chiến Lê Mạc. Về hệ tư tưởng, Nho học đã lạc hậu nhưng vẫn được vương triều coi trọng như rường cột. Đạo Phật không còn là quốc giáo, cũng không phát triển mạnh lên mà trở lại như một cứu cánh thuần túy về tinh thần. Về kinh tế, đó là sự tan vỡ hoàn toàn của điền trang thái ấp, là sự phá sản của chính sách quân điền dẫn đến mâu thuẫn mới giữa nông dân và địa chủ. Nhưng đây lại là thời kỳ mở mang bờ cõi, phát triển thủ công nghiệp, thương mại, phường hội. Sự lỏng lẻo của vương quyền, lạ thay lại là mảnh đất tốt thích hợp cho sự phát triển một nền văn hóa rực rỡ kéo dài suốt 300 năm (thế kỷ 16, 17, 18) mà đến nay, những dấu ấn của những thành tựu đó vẫn còn vang vọng.

Khi đến thăm những đình, đền, chùa, miếu trên địa bàn huyện Kiến Thụy, nơi vẫn còn lưu giữ khá nhiều những dấu ấn về văn hóa nghệ thuật thời Mạc, một trong những cảm nhận đầu tiên khi nghiên cứu các di vật sẽ dẫn đến một nhận định là phần lớn các di tích ở đây đều có sự quan tâm của các tầng lớp trên là các ông hoàng, bà chúa, quận công, đô đốc v.v...nên thường có qui mô lớn. Đọc tấm bia đá ""Đại Linh Tự bi ký" tại chùa Đại Trà, xã Đông Phương, tạo vào niên hiệu Hoằng Định thứ 10 (1610) đời vua Lê Kính Tông đã mô tả chùa này dưới triều Mạc gồm 50 gian nhà gỗ lim bố cục liên hoàn. Nhà bia 5 gian to lớn chứa đủ sáu chục tấm bia đá lớn nhỏ. Ruộng chùa trên 30 mẫu. Các ngôi chùa khác như chùa Hòa Liễu, chùa Nhân Trai, chùa Trà Phương ở huyện Kiến Thụy cùng các chùa Minh Thị ở huyện Tiên Lãng, chùa Đồng Quan huyện Vĩnh Bảo đều do bà Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn đứng chủ hưng công. Bia "Bảo Quang Tự chung bi ký" tạo năm 1575 khắc bài minh do Đông Các Đại Học Sỹ Đỗ Uông soạn ghi :" Chùa Đồng Quan khởi công năm Sùng Khang thứ 7 (1572), đời vua Mạc Mậu Hợp, dựng một tòa thượng điện, 3 gian tiền dường, 3 gian thiêu hương, 7 gian hậu đường. Năm Sùng Khang thứ 10 (1575) xây gác chuông, cảnh chùa mới như bồng lai, tiếng chuông như từ Đâu Suất"…

Về kiến trúc thời Mạc, các nhà nghiên cứu đã cho rằng: Kiến trúc nghệ thuật thời Mạc là sự xuất hiện của những đình chùa và hệ thống chạm khắc trên kiến trúc đã đem lại sắc thái mới cho nền kiến trúc điêu khắc cổ Việt Nam. Đó là bước chuyển từ trang trí chạm khắc nông trên mặt phẳng đến trang trí chạm khắc sâu nhiều lớp dẫn đến một hệ thống phù điêu đình làng dày đặc đã phát triển đến đỉnh cao, tạo nên nét duyên dáng, trở thành bản chất của nghệ thuật kiến trúc Việt Nam. Các phù điêu trang trí là một trong những khuynh hướng sáng tác rất cơ bản ở thời kỳ này bao gồm các hoạt cảnh như gánh con, tắm, đấu vật, đi săn, uống rượu, tấu nhạc được mô tả một cách rất sinh động y hệt như ta từng đọc những câu ca dao hay những mẩu chuyện thường được kể trong dân gian. Ngôi đình đã trở thành niềm tự hào và tình yêu của dân đối với làng với nước, là hình ảnh mới của nông thôn Việt Nam. Chúng được thể hiện dày đặc trên các mảng cốn trang trí hay ở bất cứ chỗ nào có thể. Đây là một thành tựu rất đáng quí trong điêu khắc trang trí kiến trúc thời Mạc

Tiếc thay, kể từ năm 1592, khi vị vua thứ 5 của vương triều Mạc là Mạc Mậu Hợp (1562 -1592) bị thất thủ Thăng Long, tập đoàn quân Lê Trịnh do Bình An Vương Trịnh Tùng chỉ huy đã tràn xuống Dương Kinh và chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ cung điện, lăng tẩm, thành quách của nhà Mạc đã bị san phẳng hoàn toàn. Sử cũ đã từng có những ghi chép về cảnh Dương Kinh nhà Mạc lửa cháy ngút trời kéo dài hàng tháng liền. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không thể bắt gặp những công trình kiến trúc được khởi dựng cũng như mang phong cách nghệ thuật Mạc còn tồn tại đến nay trên địa bàn huyện Kiến Thụy. Tuy nhiên, ngọn lửa hận thù của nhà Lê Trịnh không thể thiêu đốt hết những dấu ấn vật chất phản ánh nền văn hóa được tạo dựng từ vương triều Mạc mà đây đó những tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở cuộc sống được làm từ chất liệu đá vôi vẫn còn tồn tại khá nhiều đến ngày nay. Đặc biệt là trên địa bàn huyện Kiến Thụy được thể hiện qua con số thống kê: Chùa Bảo Phúc có bia đá niên đại 1554 và một tượng ngựa; Chùa Thiên Phúc có tượng vua Mạc Đăng Dung, bà chúa Mạc 1551, tượng sư, bia 1562 và nhiều vật liệu đá, bệ tượng phật; Chùa Hòa Liễu bia 1562, 8 tượng đá; Chùa Kiến Linh bia 1567 và tượng "sấu"; Chùa Thọ Ninh bia 1562,1565; Chùa Đại Linh một tượng vua và một tượng quan âm tọa sơn; Chùa Bạch Đa một tượng vua 1580; Chùa Phúc Linh (Nhân Trai) 6 thành bậc chạm rồng, một tượng ông Mạc Đôn Nhượng, chùa Hoa Tân bia 1582, tượng vua 1578 và tượng sư. Ngoài ra các chùa ở vùng phụ cận khu vực Dương Kinh còn được bảo lưu một số lượng lớn các di vật thời Mạc như chùa Minh Thị huyện Tiên Lãng bia 1572 và 3 pho tam thế , chùa Hoàng Động Thủy Nguyên một tượng vua, chùa Lai Thị huyện An Lão 6 tượng phật…

Trong chuyến khảo sát nghiên cứu tại các di tích ở huyện Kiến Thụy gần đây, giáo sư Trần Lâm Biền cho rằng: Sự xuất hiện ồ ạt của các dạng tượng thời Mạc đã chứa đựng trong đó không chỉ riêng là vấn đề mỹ thuật mà còn đánh dấu một sự thay đổi nào đó trên bình diện xã hội nữa. Tất cả như bừng tỉnh sau một thời gian dài kìm hãm, chứa đựng sức sống trong sáng, nhân hậu mà không xa cách. Tượng thời Mạc đã phản ánh rõ tài năng sáng tạo của những người thợ thủ công, những nghệ sĩ dân gian trong việc phản ánh hiện thực của thế kỷ 16 đã phát triển đến dỉnh cao của nghệ thuật tạo hình nhằm truyền tải một vẻ đẹp tâm linh ẩn chứa trong tâm thức con người. Đồng thời, giáo sư còn nhấn mạnh rằng, nghệ thuật thời Mạc không chỉ tồn tại đúng với nghĩa của nghệ thuật thời Mạc trong phạm vi thế kỷ 16 mà nó còn chuyền tải sang thế kỷ 17 đến đầu 18 gọi là nghệ thuật mang phong cách Mạc.

Một trong những ngôi chùa ở Kiến Thụy hiện còn lưu giữ khá nhiều di vật thời Mạc và phong cách Mạc là chùa Nhân Trai. Chùa này hiện còn lưu giữ được 6 bậc thành chạm rồng mây, tượng thân vương Mạc Đôn Nhượng và các quan hầu, bệ đài sen bằng gỗ, bia đá v.v…

Tượng thân vương Mạc Đôn Nhượng tạc trong tư thế ngồi trên long ngai, đầu đội mũ bình thiên vuông tượng cho ý thức dân tộc. Đầu tay ngai chạm hình đầu rồng, mặt rồng ngửa chầu vào tượng cùng với các hạt khắc nổi trên tay ngai, vạt áo là một trong những đặc điểm nổi được phong cách điêu khắc Mạc đặc biệt chú ý thể hiện. Bốn pho tượng quan hầu đứng chầu trước tượng thân vương Mạc Đôn Nhượng, mới quan sát, khá nhiều người nhầm tưởng đó cũng là những pho tượng thời Mạc nhưng thực chất chỉ mang phong cách Mạc mà thôi. Tượng hầu đầu đội mũ phía trước khắc nổi chữ vương, đó là sự suy lạc của người đời sau. Lưng tượng còn khá nhiều nét thô phác, điều chưa hề thấy trong nghệ thuật Mạc.

Về 6 bậc thành chạm khắc hình rồng, hai bên khắc nổi hình rồng trong mây (vân hóa) dựng trước cửa chùa mang phong cách dân gian hơn các thành bậc hình rồng ở Lam Kinh (Thanh Hóa) mặc dù có kế thừa phong cách tạo hình từ thời Lý đến đầu thời Lê Sơ. Qua hình tượng rồng ở các thành bậc chùa Nhân Trai đã cho thấy tư duy sáng tạo của người đương thời. Rồng được tạc lẫn trong mây tượng cho quan niệm về bầu trời và những thành bậc tượng cho đường lên tầng trời. Hệ thống vân đao ở thân rồng đã có sự biến đổi vào cuối thế kỷ 16 góp phần khẳng định về sự ra đời của một hệ thống vân đao tay mướp ở thời Mạc, tạo cơ sở cho sự chuyển hóa thành đao mác vào đầu thế kỷ 17 và 18. Đao lớn nhất của rồng bao giờ cũng là đao mác nhẹ bay ra sau. Từ một vân khác được chuyển hóa thành đao mác chạy xuống phía dưới. Những con rồng trên thành bậc này được làm khá kỹ lưỡng. Phần đầu, ngoài các chi tiết như sừng, mũi, mắt to, các chi tiết khác còn rất được chú ý như vẩy. Phần đuôi bắt đầu nảy sinh tóc. Rồng không phải kết thúc bình thường mà đã bắt đầu có lông đuôi (yếu tố được kế thừa từ thời Trần thông qua hình tượng rồng ở chùa Phổ Minh, Nam Định.)

Sự xuất hiện của các thành bậc chạm khắc hình rồng tại chùa Nhân Trai, ngoài giá trị phản ánh nghệ thuật mang ý nghĩa sáng tạo rất cao còn hướng chúng ta đến một nhận định rằng, nơi đây, khởi thủy không phải là một ngôi chùa mà là một kiến trúc liên quan đến nơi ở của vua hoặc những người quyền cao, chức trọng. Sau khi nhà Mạc bị thất thế thì khu vực này mới được xây dựng thành chùa thờ phật. Cùng với tượng thân vương Mạc Đôn Nhượng và tượng các quan hầu còn có bệ tượng Adiđà cánh sen thời Mạc và pho tượng ở chính giữa trong bộ tượng tam thế với ngực nở, bụng thon, áo ít nếp, đầu tượng có đường nét đao mác. Trước cửa chùa còn có tấm bia đá lớn "Phúc Linh Tự Bi" tạo năm Kỷ Mão, niên hiệu Diên Thành thứ 2 (1579), đời vua Mạc Mậu Hợp. Nội dung bia nói về việc Ứng vương Mạc Đôn Nhượng cùng các già lam hưng công lại chùa Phúc Linh, xứ Đồng Ếch, xã Nhân Trai. Nhưng nghiên cứu nội dung tấm bia cũng như quan sát kỹ lưỡng nghệ thuật tạo hình của pho tượng còn dẫn chúng ta đến một ngờ vực khác rằng: Pho tượng trong chùa mà xưa nay các nhà nghiên cứu khi đọc bia vẫn luôn cho rằng đó là tượng Mạc Đôn Nhượng, nhưng với chiếc mũ bình thiên vuông trên đầu tượng, loại mũ chỉ nhà vua mới có quyền được đội thì có thể đây không phải là tượng Ứng vương Mạc Đôn Nhượng mà là tượng của một vị vua Mạc nào đó mà ta chưa biết. Ngoài ra, với sự xuất hiện khá nhiều của những thành bậc chạm khắc hình rồng mây tượng trưng cho tầng trời đưa đến nhận định ở phần trên: Đây là nơi ở của một vị vua Mạc.

Tại chùa Trà Phương, di vật thời Mạc còn bảo lưu trong chùa cũng khá đặc sắc như tượng vua Mạc; Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, bệ tượng đài sen, và dáng vẻ của đôi quán tẩy gỗ khiến chúng ta nghĩ đến một trục vũ trụ . Trong đó, tượng vua Mạc Đăng Dung.Tượng tạc trong tư thế ngồi khoanh chân theo lối kiết già. Đầu đội mũ tròn thẳng phía trước khắc hình con chim quay đầu xuống tượng trưng cho tầng trời. Tay kết ấn tam muội ôm lấy bụng cho thấy sự tuỳ tiện nhưng đã tạo nên vẻ đẹp đột ngột khó tìm thấy một dáng tượng tương tự ở nơi khác trong cả nước.

Chùa Đại Trà thuộc xã Đông Phương, tên chữ là Đại Linh tự, theo như ghi chép của bia ký hiện còn trong di tích thì đây là một trong những ngôi chùa lớn của Dương Kinh nhà Mạc thế kỷ 16. Các di vật chất liệu đá, gỗ với các loại hình tượng, bia, bệ đài sen cũng còn được bảo tồn khá nhiều. Pho tượng phật Quan âm tọa sơn chất liệu đá gìn giữ tại đây được các nhà nghiên cứu đánh giá là một pho tượng có niên đại sớm nhất nước ta. Tượng có dáng lùn, ngắn như tượng ở chùa Trà Phương. Đề tài hoa lá khắc trên thành mũ cho thấy những cơ sở tạo nên tiền đề sau này cho hoa văn thời Lê Trung Hưng ở các thế kỷ tiếp theo. Bệ tượng mang hình núi có nhiều chi tiết đáng chú ý. Hoa văn cánh sen, hình người ở phía dưới tượng cho thế giới chìm nổi; cá sấu là hình tượng gắn với thế giới qui y phật pháp. Trong phân chia thế giới 4 tầng, với những hình tượng trang trí ở đây là đại biểu cho thế giới nước cho nên vừa mang hình tượng Quan âm tọa sơn vừa kết hợp với dòng tượng Nam Hải cùng nhiều yếu tố dân gian khác được thể hiện một cách rất sinh động.

Trong số các bia ký chùa Đại Linh, đáng chú nhất là tấm bia tạo vào niên hiệu Hoằng Định thứ 12 (1612), đời vua Lê Kính Tông. Có thể xếp tấm bia này vào loại hình nghệ thuật mang phong cách Mạc. Dáng bia khá đặc biệt. Phần trán bia với rồng phượng được trang trí tại đây là đại diện cho thế giới trên. Giữa là nhân gian. Mái bia là hình một mui luyện úp xuống. Đỉnh mái bia không phải là búp hình nụ sen mà được ví như quả tròn bụt tượng cho tầng trời, cho hình vũ trụ đặt trên các tầng tâm linh.

Tản mạn quanh các di tích thời Mạc ở huyện Kiến Thụy, có thể thấy, với trên 70 năm tồn tại của mình, vương triều này đã để lại một kho tàng nghệ thuật độc đáo với nhiều loại hình phong phú cung cấp những thông tin về một nền văn hóa có nhiều nét riêng nhưng đã được kế thừa và phát triển ở những thời kỳ lịch sử tiếp theo. Nghiên cứu những di vật ở đây có thể thấy, nhà Mạc trong thời thịnh trị đã có những quan tâm xây dựng quê hương thành chỗ dựa nhằm góp phần củng cố và giữ vững ngai vàng của mình. Tuy nhiên về qui mô và hình thức đã có những thay đổi so với các triều đại trước mà các ngôi chùa luôn đóng vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng xã. Sự xuất hiện khá nhiều các pho tượng Mạc cũng như mang phong cách Mạc và các đề tài trang trí đã nói lên tính chất dân gian trong cách thờ tự cũng như quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan xưa. Tượng quan âm, tượng vua quan nhà Mạc, công chúa tất cả đã nói lên sự được mùa của điêu khắc . Và trên biết bao hiện vật, những con vật linh đã xuất hiện, rồng phượng, chim, lân, rồi bóng dáng của long mã (con vật gắn với việc trị thủy có đầu rồng, thân hươu, móng ngựa, đuôi bò), mỗi con vật mang một ý nghĩa riêng gắn với nguồn nước no đủ, với bầu trời và những đức hạnh thần thánh… Tất cả những dấu ấn của văn hóa nghệ thuật thời Mạc ra đời gần 70 năm trị vì của các vua Mạc, nhiều nhà nghiên cứu đã nói rằng tuy ngắn ngủi nhưng cũng vẻ vang bậc nhất ở Việt Nam.
----------