Tượng đài: Vĩ đại không đồng nghĩa với khổng lồ

Về công trình tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang tiến hành xây dựng tại tỉnh Quảng Nam. MTHP xin giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc đăng trên trang Người lao động online ngày 23/9/2011.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Tôi được biết đến dự án tượng đài “Mẹ Việt Nam anh hùng” ở Quảng Nam ngay từ đầu, thậm chí đã được những người có trách nhiệm chia sẻ, tâm sự, rồi mời đi xem phác thảo cỡ nhỏ, đề nghị góp ý kiến với tác giả.

Lúc đó tôi đã nói với một số anh lãnh đạo tỉnh rằng tôi không mặn mà với chuyện này. Có mấy lý do như sau:

Tôi đồng tình với ý kiến của một số nhà hoạt động mỹ thuật có uy tín rằng nói chung tượng đài ở ta còn rất chưa ổn, có lẽ nên dừng lại, đừng làm tượng đài đến vài chục năm nữa. Một trong những đặc điểm quan trọng của tượng đài là đã làm rồi thì rất khó phá bỏ dù có nhận ra là xấu, hỏng đến đâu. Làm tượng đài với chủ đề lớn như Mẹ Việt Nam anh hùng và với quy mô lớn như dự kiến lúc này là rất không nên.

Về mặt nghệ thuật, theo tôi có hai chuyện cần hiểu và tính đến:

Văn học với điêu khắc, đặc biệt là tượng đài, là hai ngành nghệ thuật hoàn toàn khác nhau, sử dụng những ngôn ngữ nghệ thuật hoàn toàn khác nhau. Một ý tưởng văn học rất hay khi đem chuyển sang ngôn ngữ tượng đài lại có thể trở nên rất dở.

Xin nói một ví dụ cụ thể: Tượng đài Anh hùng Núp ở Pleiku lấy ý tưởng anh thanh niên Ba Na Núp, người đầu tiên khám phá ra chân lý quân Pháp xâm lược trước nay vẫn được coi là thần thánh, bất tử, hóa ra cũng chỉ là người, cũng “chảy máu” khi bị bắn trúng tên, hoàn toàn có thể bị đánh bại…

Đây vốn là một ý tưởng văn học hay nhưng khi đem cố gắng biến thành tượng đài thì lại ra hình tượng một người vừa chạy vừa giơ cao tay, chẳng hề khác chút nào các tượng công nông binh người nào cũng hăm hở dấn chân, nhô mình tới trước, vung tay lên trời mà ta đã nhìn thấy ở khắp nơi.

Quả đây là một tượng đài thất bại (nhưng đã dựng rồi thì khó mà phá bỏ đi được?). Nhầm lẫn ngôn ngữ nghệ thuật là điều tai hại thường gặp ở ta. Trong trường hợp tượng đài lại càng tai hại vì rất tốn tiền, hơn bất cứ nghệ thuật nào khác.

Còn một nhầm lẫn khác nữa, tưởng nhỏ nhưng lại có thể rất lớn: nhầm lẫn giữa tượng (tròn) nhỏ, và tượng đài lớn. Đấy cũng là hai ngành nghệ thuật hoàn toàn khác nhau, có ngôn ngữ đặc trưng khác nhau, tác động đến người xem khác nhau, được sử dụng cho những điều kiện khác nhau.

Khi xem phác thảo tượng đài Mẹ Việt Nam bằng thạch cao, cỡ nhỏ, tôi thấy tác giả đã dựa trên một ý tưởng văn học có thể là hay: người mẹ Việt Nam anh hùng như từ đất đai thiêng liêng của Tổ quốc mà nảy sinh, là một phần gắn bó mật thiết với đất mẹ ngàn đời ấy, vừa nổi lên vừa chìm đi trong đất ấy... Đấy có thể là cảm xúc khi xem phác thảo nhỏ. Nhưng còn khi đã phóng đại đến quy mô khổng lồ thì tác động sẽ thế nào? Quả thật tôi rất nghi ngờ.

Phác thảo tượng đài Bà mẹ VNAH tại Đà Nẵng
(sau khi đưa về Quảng Nam sẽ dựa vào đây để đục đá). Ảnh: TP 

Tượng đài là cả một quả đồi lớn, cái đầu người (người mẹ) sẽ nhô lên thành một khối cao to đến hơn chục mét, tôi xin lỗi, cho tôi nói thật, tôi rất lo sẽ gây ra cảm giác không phải vĩ đại, mà là dị hợm, trẻ con nhìn thấy ắt sẽ hoảng sợ, người lớn đi qua đó ban đêm thanh vắng cũng có thể run… Tượng tròn, nhỏ, thì thỉnh thoảng ta mới đến nhìn ngắm trong bảo tàng hay ở một nơi trưng bày nào đó với mục đích thưởng thức nghệ thuật, còn cái đầu khổng lồ kia thì sẽ mãi mãi trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian sống hằng ngày quanh ta, cạnh ta. Nên chăng?

Thêm một điều nữa, có thể còn quan trọng hơn, quan trọng nhất, khi nghĩ đến tác phẩm nghệ thuật về Mẹ Việt Nam anh hùng. Điều vĩ đại nhất ở người mẹ, người mẹ nói chung, và người mẹ Việt Nam, người mẹ Việt Nam anh hùng, là sự hy sinh bền bỉ, âm thầm, vô danh.

Làm một tượng đài khổng lồ, hết sức tốn kém, là trái với ý tưởng cơ bản ấy về Người Mẹ, Mẹ Việt Nam, Mẹ Việt Nam anh hùng. Phản tác dụng là khó tránh. Người Mẹ là vô cùng đối lập với cái gọi là “hoành tráng”, đặc biệt người mẹ Việt Nam, chắt chiu, tần tảo, lặng lẽ nuôi chồng nuôi con, suốt đời hy sinh.

Đài Chiến sĩ vô danh ở Nga. Ảnh: Internet 

Tôi nhớ Đài Chiến sĩ vô danh ở thủ đô nước Nga, là một tấm đá đen phẳng lì và sát mặt đất, hầu như không hề một chút nhô lên khỏi mặt đất. Con người đến đó để mà ưu tư về sự vĩ đại lặng lẽ và vĩnh hằng của hy sinh vô danh. Hẳn về người mẹ cũng nên tìm một cách nghĩ như vậy. Vĩ đại không đồng nghĩa với khổng lồ.

Tôi cũng vô cùng dị ứng với những suy nghĩ “nhất thế giới” của những người có trách nhiệm trong chuyện này. Thật kệch cỡm và không lành mạnh, nhất là khi lại ở Quảng Nam, tỉnh đang nghèo, khó khăn, còn trăm nghìn nỗi lo hằng ngày thiết yếu cho dân, từ cây cầu qua sông cho trẻ nhỏ đi học, cho đến miếng ăn cho bà con miền núi.

Cho tôi được nói ý kiến của tôi: Nên dừng lại. Dẫu đã dấn vào đến mức nào đó cũng nên có quyết định sáng suốt và dũng cảm, tránh những hậu quả khôn lường về rất nhiều mặt.


Nguyên Ngọc
-------------------

Bài liên quan: