Việt Hà
Trong đám đông ồn ào, người đàn ông ấy thường lặng lẽ cười, giấu buồn vui của mình sau cặp kính cận tròn vo. Đặng Tiến đó, kiệm lời, trầm tĩnh. Nhưng trong hội họa, với anh là những cuộc độc thoại nội tâm dữ dội bằng sắc màu.
1. Biết tin Đặng Tiến lên Hà Nội, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ đang ngồi trà sáng ở tận Cầu Giấy vội vàng bắt taxi chạy lên Nguyễn Du để gặp. Trước Vỹ và Chương, Tiến gần như bị “cấm khẩu”. Nhưng, với những người bạn tâm giao ấy, chỉ một ánh nhìn là đủ. Chỉ Vỹ mới hiểu Tiến đang nghĩ gì. Cũng chỉ Thành Chương, một cái lắc đầu của Tiến cũng biết anh đang thuộc về đâu.
Hiểu và trân quý nhau đến độ, họ bao dung cho cả những khuyết thiếu của nhau. Tôi đã chứng kiến tình thân hữu của họ, sự trân trọng, thương mến trong đời không dễ ai cũng có. Còn nhớ, năm 2012, khi Đặng Tiến cùng nhóm họa sĩ Hải Phòng tổ chức triển lãm tranh đầu tiên ở đó, họa sĩ Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Lê Quảng Hà, Phạm An Hải, Lê Thiết Cương, Hoàng Phượng Vỹ... cùng một số họa sĩ nổi tiếng đã cất công về tận Hải Phòng dự khai mạc. Bởi họ trọng tài và hơn nữa, trọng tấm tình của Đặng Tiến với anh em văn nghệ sĩ.
Tôi hỏi họa sĩ Thành Chương, vì sao mấy năm gần đây, phong trào hội họa nổi lên ở Hải Phòng mà không phải những vùng miền khác. Thành Chương cười: “Bởi ở nơi khác không có Đặng Tiến”. Vâng, chỉ có Đặng Tiến mới làm cái việc tưởng như không tưởng ấy, kết nối các họa sĩ ở Hà Nội và các nơi khác và làm dậy sóng không khí sáng tác văn nghệ ở vùng đất Cảng.
Nhiều năm nay, người dân Hải Phòng đã bắt đầu quen với các triển lãm nghệ thuật. Có những bức tranh đã được bán với giá hàng trăm triệu đồng. Những tín hiệu vui đó khiến Đặng Tiến hạnh phúc. Họa sĩ Thành Chương nói với tôi rằng, đầu tư cho nghệ thuật cần chiều sâu, cần đầu tư vào tinh hoa. Đặng Tiến đã làm được điều đó, kích hoạt cảm hứng sáng tạo cho những người trẻ ở Hải Phòng bằng tâm huyết của chính mình.
Đặng Tiến tự nhận mình chỉ “be bé” thôi. Anh luôn ẩn mình sau những thành công của người khác. Tiến cũng không thích nói về mình. Anh không được học hội họa một cách chuyên nghiệp. Nhưng nếu sự sáng tạo chỉ bằng bản năng sẽ không đi dài hơi. Đặng Tiến, trong một hành trình dài và gian nan của số phận, đã tự học, tự mày mò và hoàn thiện mình. Bởi trong tâm hồn người nghệ sĩ ấy luôn mang một khát vọng chạm tới vẻ đẹp, sự hoàn hảo của vẻ đẹp.
Tôi rất ấn tượng bức tranh Tiến vẽ cách đây khá lâu “Thiếu nữ và chim”. Cái đẹp bị cầm tù, khuôn hẹp và khát vọng về sự tự do. Bởi cái đẹp tối thượng nhất với người nghệ sĩ đó là sự tự do bay trong thế giới của mình. Đặng Tiến mê vẽ từ bé. Nhưng bố mất sớm, một mình mẹ gồng gánh gia đình nuôi 5 anh em. Hoàn cảnh sống quá chật vật khiến anh không thể theo đuổi giấc mơ của mình. Nhưng con người trót sinh ra đã gắn với màu, với cọ ấy, vẫn không nguôi nỗi nhung nhớ, ám ảnh.
Học xong, anh về làm họa sĩ minh họa cho báo Hải Phòng, nhưng vẫn thấp thỏm dự định lên Hà Nội, vào Mỹ thuật Yết Kiêu để theo đuổi giấc mơ của mình. Hồi đó, năm 1988, có đoàn họa sĩ Hà Nội về Hải Phòng thực tế, nhìn tranh của Tiến, họa sĩ Trần Nguyên Hiếu nói một câu chắc nịch: “Tiến vẽ đẹp thế này rồi, không cần phải đi học nữa”.
Minh họa của họa sĩ Đặng Tiến
May là Tiến không ân hận vì điều đó, bởi anh ý thức được việc tự học. Hội họa luôn chiếm hữu tâm hồn Tiến dù cả đời anh đi làm công chức nhà nước, rồi sau này làm thư ký tòa soạn cho Báo Hải Phòng và giờ là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng, thì con người nghệ sĩ trong Đặng Tiến vẫn luôn cựa đạp.
Tiến vẽ nhiều từ những năm 90 đổ về trước. Những hình dáng người trong tranh của anh, liêu xiêu, vẹo vọ. Dù Tiến nói, anh vẽ những điều giản dị của đời sống, nhưng ẩn ngầm những giông gió, trắc ẩn. Gai góc và quyết liệt. Một người đàn ông bước ra phía biển, đi về phía nguy hiểm nhưng vẫn ngoái lại nhìn về đất liền, nơi có gia đình, có những yêu thương chờ đợi…
Những người đàn ông vẹo vọ ngồi câu cá, hay giản đơn chỉ là hình ảnh bắt mạch của thầy lang. Nhưng con người trong tranh của Tiến xù xì, góc cạnh bởi sự gồ ghề của đời sống. Anh gây ấn tượng với người xem bởi những gam màu đậm và gắt. Đó là một giai đoạn rực rỡ trong sáng tác của Đặng Tiến. Triển lãm đầu tiên của anh ở Hà Nội từ năm 1992 khiến nhiều người ngạc nhiên. Rất tiếc, những bức tranh ngày đó đã bị mua gần hết.
2. Dữ dội và quyết liệt trong hội họa, nhưng Đặng Tiến là người lành hiền, thậm chí cả nể trong đời sống. Cũng vì cả nể mà cả đời Đặng Tiến dùng dằng với nghề báo, để rồi thời gian bị nghiền trong cỗ máy của báo chí. 10 năm chôn chân làm thư ký tòa soạn, ngoảnh lại, Đặng Tiến hiểu đó không phải là cuộc sống mình thuộc về. 10 năm đã ngốn của anh bao tâm lực, thời gian. Nhưng trong những tháng ngày bận rộn đó, hội họa vẫn ám ảnh anh, cho đến khi Đặng Tiến dứt áo để trở về trọn vẹn là một họa sĩ.
Tranh của Tiến trầm tĩnh, sâu lắng hơn. Vượt thoát khỏi những khuynh hướng, những trường phái trong sáng tạo, Đặng Tiến quan niệm, vẽ trước hết để kể câu chuyện của lòng mình. Những lúc vẽ, là lúc anh đạt tới trạng thái tự do nhất trong cuộc chơi với sắc màu. “Họa sĩ không nên tự ràng buộc mình bằng “chiếc vòng kim cô” của hình thức, mọi thứ hình thức đều vô nghĩa, nếu nghệ thuật không chạm tới phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người”, Đặng Tiến nói.
Mọi gai góc của Tiến dồn vào hội họa. Tiến là người quyết liệt đi đến tận cùng con đường của mình. Một con đường nhiều gập ghềnh, nhưng với Tiến, đó là một cuộc chinh phục của những đỉnh núi. Và anh chưa từng lùi bước trước một đỉnh núi nào. Những bức tranh phong cảnh, tĩnh vật của Tiến mang màu sắc trầm ấm của đời sống. Tiết kiệm màu hơn, tĩnh tại hơn.
Tôi rất ấn tượng với cách vẽ cây của Tiến. Có thể nói, ở đó kỹ thuật vẽ được đưa lên đỉnh cao khi anh tạo ra những vết xước bằng cách quệt màu trên toan. Đặng Tiến kể: “Tôi vẽ cây bằng ký ức, một lần đi bộ dọc đường Lê Lợi, những hàng cây bằng lăng rụng hết lá, trơ xương giữa bầu trời xám xịt đã trở thành nỗi ám ảnh của tôi. Vẻ đẹp của sự lụi tàn, đôi khi còn có sức ám ảnh ghê gớm hơn cả”. Và một series về cây của Tiến đã ra đời, những hàng cây mùa đông u buồn, khẳng khiu và trụi lá, nhưng có sức quyến rũ ghê gớm.
Tôi nhìn thấy tâm hồn anh ở đó, một tâm hồn an nhiên, tự tại đi qua những va đập của đời sống. Tiến kể cho tôi nghe về Tam Bạc, một điạ danh nổi tiếng ở Hải Phòng, một đô thị xưa trên bến dưới thuyền, đẹp và lãng mạn, chốn dừng chân cho những gã khách giang hồ. Tiến vẽ Tam Bạc bằng ký ức của mình. Một góc phố đã trở thành ký ức trong tranh của Tiến, gợi lên một vẻ đẹp của quá khứ. Vừa mới đây, anh cùng bạn vẽ Hải Phòng tổ chức một cuộc triển lãm về Tam Bạc.
Ngẫm lại cuộc đời, Đặng Tiến cho rằng, mình đã bỏ lỡ nhiều thứ. Từ những năm 1992 khi triển lãm đầu tiên ra mắt ấn tượng, nhiều bạn bè đã khuyên tiến lên Hà Nội. Phải là Hà Nội mới có đất cho họa sĩ sống và vẽ. Dăm ba lần quay quắt với ý định đó, nhưng có lẽ số phận đã gắn bó Đặng Tiến với mảnh đất nắng gió này. Tranh của Tiến tĩnh tại hơn, bình an hơn. Những màu sắc của anh cũng trầm lặng. Có phải anh đang ở một giai đoạn khác của cuộc sống, khi mà mọi sự được mất ở đời không còn quan trọng nữa.
Tĩnh vật - Sơn dầu của họa sĩ Đặng Tiến
Tiến tự do phiêu du trong thế giới của mình. Cái đẹp với anh lúc này không phải là sự rực rỡ của sắc màu mà sự trầm lắng của cảm xúc. Tiến tôn trọng tối đa cá tính sáng tạo của chính mình. Vì nó, mà anh không thỏa hiệp vẽ theo đơn đặt hàng. Có những toan đã dựng lên ở nhà Tiến cả năm trời, anh vẫn không cầm nổi bút lên để vẽ. Bởi Tiến chỉ vẽ bằng sự mách bảo, của tâm hồn mình, chứ không vẽ theo ý thích của người khác.
Rất nhiều đơn đặt hàng Tiến vẽ chân dung, nhưng anh từ chối. Sự “ngang ngạnh” trong nghệ thuật đó khiến bạn bè trong giới càng vị nể anh. Bởi nhiều người, vì đời sống mưu sinh đã nhân bản những tác phẩm của mình để kiếm sống. Còn Tiến thì không.
Thỉnh thoảng buồn, Tiến rời Hải Phòng lái xe lên Hà Nội, gặp bạn bè, uống ly cà phê rồi về lại Hải Phòng, thu mình trong buồng vẽ. Đó là những khoảng khắc hân hoan nhất trong đời nghệ sĩ, khi được sống, được tự do vùng vẫy trong cảm xúc của chính mình. Đặng Tiến vẫn còn những gánh nợ nhân gian. Nhưng biết đâu, còn những gánh nợ nhân gian, tranh của Tiến càng ám ảnh, chạm tới miền tâm cảm của nhiều người.
--------------------
Nguồn: "Văn nghệ Công an"
Họa sỹ Đặng Tiến là họa sỹ tài ba, ông còn là người luôn giúp đỡ người khác
Trả lờiXóaBạn nói rất đúng
Xóa