Tọa đàm: " Họa sĩ nên làm gì khi bị vi phạm bản quyền"

Sáng 16/3/2018, tại một quán café ở Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm về chủ đề: " Họa sĩ nên làm gì khi bị vi phạm bản quyền".
Buổi tọa đàm do họa sỹ Phạm Hà Hải tổ chức, nhân sự việc họa sỹ Đặng Tiến đăng tải 1 trang web công khai rao bán tranh chép của mình và các họa sỹ khác.
Đến dự có các họa sỹ đã từng bị vi phạm bản quyền như Thành Chương, Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Đặng Tiến... các bạn bè đồng nghiệp và các nhà báo.
Sau buổi tọa đàm, các họa sỹ sẽ có những hoạt động tích cực trong công cuộc bảo vệ mình và đồng nghiệp khi bị vi phạm bản quyền.
Rất hoan nghênh hành động tích cực của các họa sỹ đàn anh. Hy vọng sau này thị trường tranh ở Việt Nam sẽ minh bạch hơn và giảm thiểu việc chép tranh lậu.


Thực trạng tranh giả ở Việt Nam
Chúng ta đã quá quen thuộc với cụm từ “hàng giả”, và tranh giả cũng không phải là điều xa lạ, mặc dù đây là loại hàng hóa đặc biệt, là sản phẩm thuộc về trí tuệ được làm ra bằng lao động sáng tạo và óc nghệ thuật của họa sĩ. Ở Việt Nam, nạn sao chép tranh, nhái tranh đã manh nha và nở rộ từ những năm đất nước mở cửa đổi mới, thị trường hội họa được những nhà sưu tầm và công chúng trong ngoài nước quan tâm, giá trị nghệ thuật được khẳng định. Cũng từ đây, những bức tranh có giá trị của những họa sĩ tên tuổi đã bị sao chép, làm nhái khiến cho hình ảnh mĩ thuật Việt Nam trở nên rối loạn giữa thật giả.
Sau sự việc rao bán tranh nhái ngang nhiên trên mạng vừa qua, các họa sĩ tâm huyết với nghề và hi vọng có một nền mĩ thuật trong sạch đã ngồi lại với nhau bày tỏ những mong muốn và cả những bức xúc. Họa sĩ Thành Chương, người có nhiều bức tranh bị làm nhái chia sẻ về thực trạng này: Đó là một việc làm tồi tệ khiến nền mĩ thuật Việt Nam trở nên xấu đi, là cái giá đắt mà chúng ta phải nhận trong con mắt công chúng và quốc tế, là sự đau đớn với các họa sĩ và người yêu hội họa. Cả một nền mĩ thuật được gây dựng nên đã bị tranh nhái, tranh giả làm ảnh hưởng. Việc ăn không giá trị nghệ thuật sáng tạo của người khác là một việc làm cần bị xử lí, đáng buồn vì việc này lại được làm một cách công khai và ngang nhiên ngay trước mắt tất cả chúng ta.
Họa sĩ Phạm An Hải, người cũng từng bị nhái tranh cho rằng: Đây là việc làm gây băn khoăn, hoang mang cho các nhà sưu tầm, nhà đầu tư và công chúng vì không biết rằng thị trường tranh ở ta sẽ đi về đâu. Đây là vấn đề gây thiệt hại cho chúng ta cả về đời sống tinh thần và vật chất.
Trên thực tế, đây là vấn đề đã được các họa sĩ lên tiếng nhiều lần, báo chí truyền thông cũng đã đưa tin, các cuộc tọa đàm về vấn nạn này trong ngành cũng đã diễn ra. Thế nhưng việc sao chép tranh, nhái tranh, tranh giả dường như đang có dấu hiệu nở rộ hơn. Vì đâu có sự bất chấp này?

Họa sĩ Phạm Hà Hải chủ trì buổi tọa đàm
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo họa sĩ Phạm Hà Hải, người tổ chức buổi gặp mặt mang tên Vận động minh bạch thị trường mĩ thuật Việt Nam thì đây là lần đầu tiên các họa sĩ cùng nhau lên tiếng mong muốn cộng đồng cùng chia sẻ, hỗ trợ để các họa sĩ bảo vệ được tác phẩm của mình cũng là để cho thị trường mĩ thuật Việt Nam được minh bạch trong sáng.
Họa sĩ Đào Hải Phong khẳng định, đây không phải là câu chuyện của riêng một cá nhân nào. Chúng ta từng “cho thế giới một cái tát” với thực trạng tranh giả từ Việt Nam, đây là cơ hội cho thị trường mĩ thuật Việt Nam chuyển biến. Chưa bao giờ tranh của họa sĩ lại khó bán như bây giờ vì tình trạng tranh nhái. Đáng buồn khi nhiều bộ phận công chúng cũng không tha thiết với tranh thật, họ bằng lòng với tranh nhái giá rẻ. Hơn bao giờ, công chúng và các nhà sưu tập cũng nên kỹ hơn với sự thưởng ngoạn, đó là sự tôn trọng nghệ sĩ, tôn vinh nghệ thuật. Họa sĩ Đặng Tiến, người có tranh bị sao chép và ký tên một người khác rồi rao bán trên mạng cho rằng: chúng ta cần phải lên tiếng và tìm ra giải pháp để bảo vệ nền mĩ thuật Việt Nam, không thể để tình trạng này cứ mãi xảy ra như vậy.
Họa sĩ Thành Chương đã chia sẻ một câu chuyện đáng buồn của giới họa sĩ. Ông cùng nhiều người khác đã làm mọi việc để tìm ra giải pháp cho nạn tranh giả, tiêu biểu là vụ việc “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, có đầy đủ nhân chứng, vật chứng chứng minh việc nhái tranh sai trái nhưng không có một đơn vị, tổ chức nào đứng ra giải quyết. Vẫn biết đây là một việc rất khó, nhưng nếu không làm đến nơi đến chốn thì nền mĩ thuật Việt Nam mãi mãi không có sự công bằng và trong sạch.
Trong buổi gặp mặt, các họa sĩ đã đồng lòng bày tỏ mong muốn có một cơ quan, ban ngành nào đó đứng ra bảo vệ bản quyền tác phẩm cho các họa sĩ, đây là cách hữu ích nhất để vấn nạn này không còn xảy ra, xã hội văn minh hơn, cơ quan thuế có thu nhập, công chúng được thưởng thức nghệ thuật đích thực.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, người có nhiều năm theo dõi trong nghề cho rằng, các họa sĩ không nên thụ động trông chờ vào cơ quan quản lí nhà nước, nên tự lập ra hội đồng thẩm định có chuyên môn, có kinh nghiệm để xác lập và bảo vệ bản quyền cho họa sĩ. Việc đánh thuế vào các sản phẩm văn hóa nghệ thuật cũng phần nào làm hạn chế mức độ thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật của đông đảo công chúng, làm cho nạn tranh nhái có cơ hội phát tán rộng.
Luật sư, nhà báo Đinh Anh Tuấn, người quan tâm đến lĩnh vực hội họa và bản quyền đưa ra ý kiến, ông cho rằng các họa sĩ nên thành lập tổ chức bảo vệ quyền tác giả. Ở Việt Nam đã có luật sở hữu trí tuệ và các văn bản thi hành, chúng ta cũng nên tìm hiểu về luật để có cách tự bảo vệ tác phẩm của mình. Luật sư cũng cho biết thêm, ngày 4-4, Nghị định 22 chính thức có hiệu lực. Đây là nghị định quan trọng, quy định rất chặt chẽ về các hành vi vi phạm… Vì vậy, việc xử lí vi phạm bản quyền sẽ rõ ràng, hiệu quả hơn. Hi vọng rằng từ sự việc lần này, giới mĩ thuật Việt Nam sẽ tìm được giải pháp cho tình trạng sao chép tranh, nhái tranh, làm tranh giả. Các họa sĩ và công chúng cũng trông chờ vào sự lên tiếng của các cơ quan, ban ngành có liên quan để không còn tình trạng “đánh trống bỏ dùi” đáng buồn lâu nay vẫn xảy ra. (KIM NHUNG)

Họa sĩ Đặng Tiến chia sẻ: ngoài những bức tranh hiện nay bị chép, anh cũng từng bị nhiều lần tranh mình bị chép, thậm chí bị chuyển thể.
Họa sĩ Thành Chương chưa hết bàng hoàng sau vụ tranh mình bị " biến" thành tranh Tạ Tỵ. Ông tỏ ra mệt mỏi và chán nản về việc họa sĩ tự đứng ra khởi kiện bị đơn. Cho đến nay dù gõ cửa các cơ quan chức năng, vụ việc đang bị "chìm xuồng".
Họa sĩ Đào Hải Phong là 1 trong những hs bị chép, nhái tranh nhiều nhất. Ông cho rằng 1 nguyên nhân khiến thị trường tranh Việt Nam ko minh bạch là do người mua không quam tâm tới việc mua tranh thật hay giả. Họ chỉ thấy giá rẻ, tranh hợp mắt là mua.
Tiến sĩ Phạm Long đưa nhiều thông tin về tranh giả Việt Nam tại các sàn đấu giá quốc tế. Uy tín Việt Nam sụt giảm tới mức khi có phiên tranh Việt Nam thì coi như đang đấu tranh giả.
Họa sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Pham Cẩm Thượng cho rằng người Việt Nam quá "xính" tác giả thay vì mua tranh. Tại sao " Bùi Xuân Phái" bị giả nhiều nhất? Vì ai cũng muốn có cụ Phái trong nhà. Cung vượt quá cầu tất có tranh giả. Vậy hãy nên mua tranh họa sỹ đương đại đi.
Luật sư Đinh Anh Dũng đưa ra một số thông tin pháp lý để họa sỹ biết cách xử lý tình huống. Ông cũng sẽ hứa giúp đỡ họa sỹ nếu ai muốn giải quyết sự vụ.
--------------------
Nguồn: facebook của họa sỹ Phạm Bình Chương & bài của Kim Nhung trên Văn nghệ quân đội

1 nhận xét:

  1. Phải xử nghiêm các trường hợp vi phạm bản quyền

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!