Giới họa sỹ Việt phẫn nộ về trang web công khai bày bán tranh nhái

Ngay sau thông tin họa sỹ Đăng Tiến bị trang web xuongtranh.vn công khai bày bán tranh nhái các tác phẩm của anh, giới họa sỹ Việt đã đồng loạt lên tiếng, phản đối việc làm trái phép này. 

Họa sỹ Thành Chương là một trong các họa sỹ lên tiếng mạnh mẽ trong việc trang web nhái tranh của họa sỹ Đặng Tiến.
Đa số các họa sỹ đều cho rằng, việc trang web xuongtranh ngang nhiên chép tranh rồi rao bán trên mạng là không thể chấp nhận được. Đây là việc làm thiếu tôn trọng đội ngũ sáng tác đã đành, mà còn là hành động coi thường pháp luật. Người thiệt hại nhiều nhất không hẳn là họa sỹ mà là xã hội. Bởi chúng ta đang sống trong một xã hội lấy pháp luật làm thượng tôn, mọi hành động và hành vi của con người đều được chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

Do vậy, từ những họa sỹ lão làng như Thành Chương, Lê Huy Tiếp, các nhà nghiên cứu mỹ thuật như Phạm Long, Nguyễn Đức Bình đến các họa sỹ trẻ đều đồng loạt lên tiếng phản đối nhằm tạo nên một làn sóng dư luận mạnh mẽ trước việc sao chép tranh bừa bãi. Họa sỹ Phạm Hà Hải cho rằng: “Có rất nhiều vấn đề ngay trong lực lượng làm nghề! Tuy nhiên, trước mắt là việc này! Pháp luật thực thi trước rồi sẽ bàn về đạo đức nghề nghiệp”.

Họa sỹ Đào Trọng Lưu phân tích thực trạng của nạn tranh nhái hiện nay là bởi lợi nhuận. Cái gì bán được, dễ kiếm lời là họ nhái và chép lại tất cả. Không chỉ nhái của “ta”, những người chép tranh còn nhái của “Tây”. Do vậy, theo họa sỹ Đào Trọng Lưu, người mua tranh nên có thái độ trước vấn nạn này.

Nữ họa sỹ Đỗ Hồng Hạnh chia sẻ, có nhiều trang web rao bán tranh chép của các họa sỹ Đông Dương rẻ như rau ngoài chợ. Việc đó thật đau lòng! Vấn đề này đã được nhiều báo đài phản ánh, đã báo cáo cơ quan có trách nhiệm nhưng xem ra không mấy hiệu quả. Cũng theo chị, có lẽ, chính sự vào cuộc không mấy mặn nồng của các đơn vị chức năng đã khiến cho nạn tranh chép không có xu hướng thuyên giảm.

Ở trong trường hợp tranh của họa sỹ Đặng Tiến bị sao chép, theo nhiều họa sỹ, Hội Mỹ thuật Việt Nam nên lên tiếng bảo vệ hội viên. Chí ít đây là ngôi chung của giới tạo hình nên khi xảy ra sự việc, đơn vị này cần sớm có động thái phản hồi. Tuy nhiên, họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam lại khẳng định, hội chỉ có thể xử lý nếu xảy ra tranh chấp bản quyền giữa các hội viên. Còn nếu là một trang web, một cửa hàng chép tranh thì hội chỉ có thể lên tiếng phản đối, còn không thể làm được gì. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan khác như thanh tra văn hóa, an ninh văn hóa, Cục Bản quyền tác giả VHNT...

Dẫu vâỵ, các họa sỹ vẫn cho rằng, việc tập hợp đội ngũ sáng tác để cùng lên tiếng phản đối nạn tranh chép là cần thiết. Dù như muối bỏ biển thì một gợn sóng nổi lên cũng sẽ mang tới niềm hy vọng cho giới họa sỹ, trong việc đẩy lùi nạn sao chép các tác phẩm nghệ thuật một cách vô tội vạ như hiện nay.

Trước đó, họa sỹ Đặng Tiến (Hải Phòng) đã rất bức xúc trước việc 4 bức tranh của anh đã bị một trang rao bán tranh trên mạng lẳng lặng chép lại y nguyên. Trong khi đó, toàn bộ 4 bức tranh này còn đang do anh cất giữ. 

Ngay khi được bạn bè phát hiện và thông báo về sự việc trên, họa sỹ Đặng Tiến đã lập tức phản hồi tới người chịu trách nhiệm của trang web “xuongtranh.vn”. Sau khi tiếp nhận thông tin từ tác giả “chính chủ”, người này đã đăng công khai lời xin lỗi họa sỹ Đặng Tiến và hứa sẽ đóng cửa trang web.

Tuy nhiên, giới họa sỹ đều “bán tín bán nghi” trước sự thành khẩn của người chịu trách nhiệm website.
--------------------
Nguồn: ANTD.VN

1 nhận xét:

  1. Chúng ta phải đấu tranh giành lại công bằng cho các nghệ sỹ

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!