Hoạ sĩ Đặng Tiến: Lẽ ra tôi phải bứt ra sớm hơn để dành thời gian cho đam mê của mình

Đỗ Bích Thuý (thực hiện)

Hoạ sĩ Đặng Tiến sinh năm 1963 ở Hải Phòng. Hiện là Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng. Đặng Tiến được đánh giá cao ở tranh sơn dầu với đề tài tĩnh vật, phong cảnh và chân dung. Anh đã được trao nhiều giải thưởng mỹ thuật, nhiều triển lãm cá nhân tại Hải Phòng, Hà Nội, tp Hồ Chí Minh
 
Tự họa - Tranh sơn dầu của họa sĩ Đặng Tiến

PV: Điều đầu tiên tôi muốn nói là, tôi rất thích tranh của anh, anh Đặng Tiến ạ. Nhất là những lúc anh vẽ phong cảnh, bầu trời, mặt nước, nếp nhà, những tán cây, những đoá hoa nhỏ… chúng luôn đặc biệt tinh tế. Vậy thì, đề tài có ý nghĩa thế nào đối với một hoạ sĩ, mà cụ thể là với anh?

Hoạ sĩ Đặng Tiến: Ngay từ khi chập chững vào nghề, tĩnh vật và phong cảnh là đề tài tôi vẽ thường xuyên. Sau đó, tôi chuyển sang đề tài sang bố cục người. Đề tài này kéo dài trong nhiều năm. Từ 2013, Hải Phòng mở trại sáng tác, trong đợt đưa anh em họa sĩ Hà Nội đi ngoại thành vẽ. Nhìn cảnh vật, tôi tìm lại được cảm xúc những ngày còn trẻ về đề tài này. Và từ đó đến nay, tôi gắn bó với nó. Với tôi, vẽ về đề tài gì cũng được, quan trọng là mình có cảm xúc và suy nghĩ, nghiên cứu kỹ càng.

PV: Anh thường vẽ sơn dầu nhỉ. Chất liệu sơn dầu, tôi nghe nhiều hoạ sĩ nói, nó có cái lợi là giúp người hoạ sĩ dễ bắt kịp cái thăng hoa thường đến rất nhanh và cũng có thể mất đi rất nhanh, nhưng nó lại không có lợi lắm trong điều kiện thời tiết Việt Nam. Ý kiến anh thế nào ạ?

Hoạ sĩ Đặng Tiến: Trước đây, tôi cũng từng vẽ nhiều chất liệu. Từ bột màu, màu nước, phấn màu, lụa …rồi sơn dầu, sơn mài. Vài chục năm trở lại đây, tôi chủ yếu vẽ sơn dầu. Ở Việt Nam (nhất là miền Bắc), khí hậu khá khắc nghiệt với các chất liệu mỹ thuật. Mùa hè thì nóng, ẩm; mùa đông thì lạnh, khô. Với nhiệt độ và độ ẩm chênh lệch lớn, là điều không tốt cho mọi chất liệu chứ chẳng riêng sơn dầu.

PV: Phải nói thật là tôi cũng thích Hải Phòng lắm. Bạn bè tôi ở Hải Phòng không nhiều, nhưng thực sự là đều đâu ra đấy. Cái khí chất của người Hải Phòng rất đặc biệt, riêng biệt. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến tư duy, cảm hứng sáng tác của anh?

Đặng Tiến - Chiều Tam Bạc, sơn dầu (90x120cm) 2020

Hoạ sĩ Đặng Tiến: Mảnh đất Hải Phòng , về vị trí địa lý, khí hậu và con người có nét đặc biệt. Điều này được nhiều người nhận định như vậy. Tôi cũng không rõ điều ấy tác động đến nghề nghiệp của tôi như thế nào. Chỉ biết rằng, tôi là người đam mê, làm việc cũng hết mình và ghét điều giả dối. Phong cảnh, con người nơi đây cũng tạo cho tôi nhiều cảm xúc để đưa vào tác phẩm. Và chắc những điều ấy còn theo tôi suốt, đến khi không thể vẽ được nữa!

PV: Anh sinh ra, lớn lên, gây dựng sự nghiệp, đến lúc có danh tiếng như bây giờ đều gắn với Hải Phòng, anh đã từng có khi nào nghĩ rằng mình muốn chọn một nơi khác để sống và làm việc không? Ví dụ như Hà Nội chẳng hạn?

Hoạ sĩ Đặng Tiến: Trong thập kỷ 90 thế kỷ trước, từ Hải Phòng đi Hà Nội thật khó khăn (có khi phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ). Lúc tôi mới vào nghề, mỹ thuật Hải Phòng khá trầm. Tôi đã từng rủ một số họa sĩ Hải Phòng học mỹ thuật, sống tại Hà Nội về Hải Phòng làm việc. Nhưng điều kiện Hải Phòng thời đó so với Hà Nội thật khó khăn (như việc mua họa phẩm, công bố và bán tác phẩm cũng như không khí sáng tác…), nên chẳng những không ai về, mà còn nhiều người bứt áo ra đi (lên Hà Nội hoặc vào TP Hồ Chí Minh). Năm 1998, sau khi tôi bày triển lãm cá nhân đầu tiên tại Hà Nội, nhiều anh em, bạn bè họa sĩ khuyên tôi lên Hà Nội. Tôi cũng đã đi xem vài chục ngôi nhà trên ấy để chọn mua. Có điều sếp của tôi hồi ấy giữ tôi lại cơ quan. Nhiều năm qua đi, sau này cũng có lời mời tôi lên Hà Nội làm việc, nhưng tự nhiên thấy ngại, không muốn di chuyển nữa- nhất là thấy Hà Nội quá đông đúc, có phần ngột ngạt; điều kiện bây giờ cũng dễ hơn trước về mọi mặt, nên tôi vẫn ở lại Hải Phòng. Nhiều anh em, bạn bè nói tôi sống ở Hải Phòng nên có nhiều thiệt thòi. Tất nhiên rồi!

PV: Nếu nhìn lại cuộc đời hội hoạ của mình, điều anh thấy tâm đắc nhất là gì? Có điều gì anh từng muốn mà chưa thực hiện được không?

Hoạ sĩ Đặng Tiến: Tôi đam mê hội họa từ nhỏ. Bố tôi mất khi tôi đang học lớp 6 (1976), ước mơ lên Hà Nội học mỹ thuật không thực hiện được. Khi đi làm, tôi cũng chỉ muốn làm xong việc cơ quan rồi dành thời gian cho đam mê của mình. Nhưng công việc của tòa soạn báo ngày càng nhiều (báo tăng trang, ra nhiều ấn phẩm…), ngốn hết thời gian- kể cả thời gian tôi dành cho con cái, gia đình cũng rất ít.

Nên mất hơn chục năm, việc sáng tác của tôi rất khó khăn, đứt quãng, dù tôi vẫn đau đáu về nghề. Nhẽ ra tôi phải bứt ra (thay đổi cơ quan hoặc nghỉ việc làm báo) từ sớm hơn, dành nhiều thời gian hơn cho đam mê của mình (cuối 2012, khi con gái lớn của tôi đỗ đại học, tôi mới chuyển sang làm biên tập cho tạp chí Cửa Biên- tạp chí của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, có nhiều thời gian hơn cho sáng tác). Nghĩ lại thấy tiếc!

Đặng Tiến - Hoa thìa là, sơn dầu (65x75cm) 2021

PV: Hải Phòng có lẽ là địa phương có đời sống Mĩ thuật sáng giá cũng vào bậc nhất nhì cả nước (chúng ta không tính Hà Nội và tp HCM nhé). Ở cương vị là Chủ tịch Hội Mĩ thuật Hải Phòng, anh có thể lý giải nguyên nhân không?

Hoạ sĩ Đặng Tiến: Những năm gần đây, mỹ thuật Hải Phòng hoạt động khá sôi nổi. Có thể do điều kiện kinh tế khá hơn, mỹ thuật được coi trọng hơn nên có nhiều người theo nghề. Lực lượng họa sĩ trẻ Hải Phòng gần đây khá đông và ham làm việc. Tiếp nữa, chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức nhiều Trại sáng tác, triển lãm; sự hỗ trợ, động viên của Hội Mỹ thuật Việt Nam, của nhiều họa sĩ tên tuổi của Hà Nội và cả nước cũng như một số doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân tại Hải Phòng. Có thể nói, về phong trào cũng như con người, Mỹ thuật Hải Phòng đang tạo được đà phát triển, tạo được dấu ấn dù còn khiêm tốn.

PV: Như giờ thì khá là dễ hiểu vì nền tảng thương mại điện tử (bao gồm cả văn học- nghệ thuật) khá phát triển, quảng bá cũng thuận lợi hơn, nhưng vài thập kỉ trước chẳng hạn, để giới thiệu với công chúng những tác phẩm mĩ thuật chất lượng, thì giới hoạ sĩ Hải Phòng phải làm thế nào?

Hoạ sĩ Đặng Tiến: Trước đây, những hoạt động bạn hỏi thật khó khăn. Tại Hải Phòng, mỗi năm chỉ có 1 triển lãm mỹ thuật với số lượng tác phẩm khiêm tốn, rất ít người xem. Họa sĩ Hải Phòng muốn công bố tác phẩm của mình thường phải mang lên Hà Nội dự một triển lãm nào đó (Triển lãm Toàn quốc 5 năm 1 lần; triển lãm mỹ thuật Thủ đô hoặc các họa sĩ tự bày triển lãm cá nhân, nhóm…). Việc mang tác phẩm- nhất là những tác phẩm có kích thước lớn một chút- lên Hà nội cũng rất khó. Việc bán tác phẩm còn khó hơn nhiều, thường phải gửi vào các gallery tại Hà Nội. Nói thế để thấy bây giờ rất thuận lợi!

PV: Câu hỏi cuối cùng trong phạm vi bài viết này, anh có dự định gì cho thời gian tới?

Hoạ sĩ Đặng Tiến: Dịch bệnh covid-19 đang phức tạp nên tạm thời tôi cũng chỉ ngồi nhà vẽ. Tôi cũng đang liên lạc, ký kết thỏa thận hợp tác hoạt động giữa Hội Mỹ thuật Hải Phòng với Hội Mỹ thuật Quangju (Hàn Quốc). Cuối năm nay, chúng tôi sẽ có cuộc triển lãm giao lưu với họ (trước đó, chúng tôi đã làm với Hội Mỹ thuật Unsal); và tổ chức Trại sáng tác mỹ thuật quốc tế tại Hải Phòng (chương trình nhẽ ra đã được thực hiện nếu không vướng dịch).

PV: Trân trọng cảm ơn anh!
_____________________
Bài đăng trên báo Hà Nội Mới cuối tuần (21/8/2021)

1 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!