Họa sĩ Trần Vinh Lưu: Chinh phục khán giả bằng ký họa

Hương Duyên
Không tóc dài, râu rậm hay quần áo bụi phủi giống như những gì người ta vẫn thường mường tượng khi nhắc tới giới văn nghệ sĩ, đặc biệt là họa sĩ. Người đàn ông mà tôi gặp có dáng thong thả, mực thước và chỉnh tề của một công chức về hưu. Cách nói chuyện cũng từ tốn, điềm đạm. Nhưng chiêm ngưỡng những bức tranh của ông tại cuộc triển lãm vừa kết thúc ngày 22/9/2009, mới thấy đó là một thế giới hoàn toàn khác, sinh động, đầy màu sắc.

Họa sĩ Trần Vinh Lưu - Ký họa năm 1970

Là một họa sĩ sống ở Hải Phòng nhưng đây đã là triển lãm lần thứ 2 của ông tại 45 Tràng Tiền, Hà Nội. Ông là họa sĩ Trần Vinh Lưu.

1. Chúng tôi tới gặp họa sĩ Trần Vinh Lưu khi Triển lãm tranh, ký họa với chủ đề "Hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã bước sang tuần thứ 2. Nếu không gọi điện trước sẽ rất dễ nhầm chủ nhân của triển lãm này là một khán giả yêu tranh. Bước sang tuần thứ 2 nhưng triển lãm vẫn khá đông người xem. Họa sĩ Trần Vinh Lưu chẳng mấy khi được ngồi yên lâu lâu một chút. Cuộc trò chuyện của chúng tôi thi thoảng lại bị ngắt quãng vì có khán giả muốn họa sĩ giải thích kỹ hơn về một vài chi tiết trong tranh, có khán giả lại muốn chụp ảnh cùng ông. Họa sĩ Trần Vinh Lưu tất bật làm những công việc ấy với gương mặt không giấu được niềm xúc động.
Triển lãm lần này là một niềm vui lớn trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông. Không sống tại Hà Nội, lại ít điều kiện tiếp xúc với giới truyền thông nhưng ông vẫn là họa sĩ được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội chọn để trưng bày tác phẩm vào đúng dịp mùng 2 tháng 9. Và vượt hơn cả mong đợi, ấy là các tác phẩm của ông không bị chìm khuất trong cuộc sống ồn ã, trong những lo toan cơm áo gạo tiền.
Trong số 230 tác phẩm hội họa trưng bày ở triển lãm lần này thì ký họa chiếm số lượng khá lớn (159 bức). Đây cũng chính là điểm tạo nên sức hấp dẫn trong gia tài nghệ thuật của ông. Phần lớn những bức ký họa được ông vẽ từ năm 1963, khi ông mới bước chân vào quân ngũ, trở thành người chiến sĩ Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng).
Những năm tháng là người lính biên cương đã để lại cho ông những bức ký họa mực nho đơn giản nhưng tinh tế. Nhiều người xem bộc lộ sự thích thú với những tác phẩm này của ông. Ông yêu thích nhiều chất liệu nhưng mực nho lại là sự lựa chọn tốt nhất cho những người họa sĩ đi chiến trường như ông, vì chất liệu đơn giản, dễ mang theo, dễ bảo quản. Chỉ cần lọ mực nho, cuộn giấy in báo là người họa sĩ có thể... hành nghề.
Hơn thế nữa, mực nho rất dễ bắt dáng, phù hợp vẽ người lính. Nhìn tưởng đơn giản nhưng để vẽ được tới độ đơn giản ấy cần tới sự rèn luyện công phu. Ông tiết lộ rằng, chính khoảng thời gian công tác tại lực lượng công an vũ trang với nhiệm vụ chính là sưu tầm các tài liệu, hiện vật lịch sử ở các đơn vị cơ sở mang về bảo tàng biên phòng đã giúp ông có được những tư liệu quý báu để vẽ tranh sau này.
Đề tài trong tranh của Trần Vinh Lưu không xa xôi, đó là anh bộ đội trong phiên gác trực, là dải biên cương mù sương... Một quá khứ lịch sử đẹp và hào hùng được thể hiện qua những bức tranh với bố cục chặt chẽ, hình họa vững vàng, màu sắc tươi tắn, hài hòa... Đây là một số bức tranh tiêu biểu của ông: "Bác Hồ với các chiến sĩ bảo vệ", "Vá áo ở hầm bãi cát Lý Hòa, Quảng Bình", "Chiến sĩ Nông Ngọc Long", "Sau trận chiến đấu", "Hạnh phúc gia đình"...
Sinh ra trong một gia đình nông dân thuần túy ở Tiên Lãng, Hải Phòng, thuở nhỏ, Trần Vinh Lưu đã nổi tiếng về viết chữ đẹp và vẽ đẹp. Nhưng từ khi thành chiến sĩ, ông mới có cơ hội được học nâng cao tay nghề. Sau này, ông đã tổ chức và giảng dạy nhiều lớp vẽ trong đơn vị, học trò của ông có người hiện đã trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Những bức ký họa quý giá của ngày hôm nay, họa sĩ Trần Vinh Lưu đã phải đánh đổi bằng những năm tháng tuổi trẻ lăn lộn chiến trường, bằng mồ hôi, thậm chí cả máu. Đó là kỷ niệm năm 1973 tại cảng Cửa Việt (Đông Hà, Quảng Trị), ông không ngại hiểm nguy, đi theo anh em bộ đội để vẽ cảnh xe tăng địch bị cháy. Mải mê vẽ, ông suýt chết vì bị tình nghi là địch. Năm 1979, ông được Bộ Tư lệnh Công an Vũ trang cấp giấy đi công tác để vẽ suốt tuyến biên giới phía Bắc. Sau khi trở về, những bức tranh, ký họa của ông được triển lãm tại 40 Hàng Bài. Sau đó 3 bức được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mua về trưng bày, lưu giữ. Trước đó, tại sân bay Bạch Mai, ngày 16 tháng 12 năm 1969, đồng chí Trường Chinh đã bắt tay ông, khen ngợi bức tranh "Không cho chúng nó thoát" vẽ rất tốt. Ngoài ra, ông còn có tranh lưu giữ ở Bảo tàng Quân sự và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Tranh ông được vẽ trên nhiều chất liệu như mực nho, khắc gỗ, lụa, thạch cao, sơn dầu...

2. Ngoài những triển lãm tại Hải Phòng, Đà Nẵng, đây là triển lãm lần thứ 2 của họa sĩ Trần Vinh Lưu tại Thủ đô với một không gian lớn. Năm 2007, khi tròn 70 tuổi, ông cũng đã có triển lãm đầu tiên tại nơi này với 170 bức. Với một nghệ sĩ "tỉnh lẻ" thì đó là một vinh dự không phải ai cũng có được. Nhưng làm triển lãm cũng là đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhất là với một họa sĩ không phải "đại gia" như ông.
Cuộc đời người lính đơn sơ, đạm bạc, chỉ với một niềm đam mê vẽ chưa bao giờ mang lại cho ông giá trị vật chất đủ đầy. Khi về hưu, ông quyết định trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, dù bao người khuyên ở lại thủ đô để có điều kiện phát triển sự nghiệp. Nhưng có lẽ cuộc sống yên bình của một huyện vùng sâu vùng xa của đất Cảng lại khiến ông dạt dào cảm hứng sáng tạo.
Nói vậy song cuộc sống của họa sĩ Trần Vinh Lưu không tránh khỏi có giai đoạn gặp khó khăn. Đó là khi các con ông đang tuổi ăn, tuổi học. Ông đã phải tranh thủ đi vẽ chân dung đặt hàng mà giá mỗi bức chỉ 15.000 đến 20.000 đồng. Tiền công ít ỏi nhưng ngày nào ông cũng cặm cụi vẽ để hy vọng đủ tiền nuôi con ăn học. Bây giờ cuộc sống của ông bà không còn khó khăn như trước. Con cái đã có công ăn việc làm ổn định nhưng đều ở xa. Giờ đây chỉ còn ông bà cùng vườn cau tỏa bóng. Đằng sau những bức tranh của ông là công lao người vợ tảo tần mưa nắng. Ngày ông đi công tác xa thì một mình bà thu vén, lo việc cửa nhà. Giờ đây, ông về gần, bà lại chăm sóc, nâng giấc để ông toàn tâm toàn ý với hội họa.
ông tâm sự, toàn bộ chi phí cho cuộc triển lãm này khoảng 50 triệu đồng. Số tiền ấy ông góp nhặt từ tiền lương tháng, tiền bà bán cau và cả các con kính biếu. Ban đầu ông cũng ngại ngần nhưng các con cứ động viên, ủng hộ. Gần một tháng làm triển lãm, ông ngủ đêm ngay tại phòng trưng bày. Khi tôi hỏi: "Bác có thấy vất vả không?", ông cười hiền hậu, bảo: "Lính quen gian khổ rồi, chỉ nhớ vườn cau và không khí tĩnh lặng quê nhà thôi". Nhưng bù lại, tình cảm của khán giả đã giúp ông thấy vơi bớt phần nào.
Khi tôi được đọc những dòng ghi cảm tưởng của khán giả trong triển lãm, tôi mới hiểu được vì sao ông, mặc dù đã ở tuổi ngoài 70 nhưng vẫn vượt qua được những khó khăn để tác phẩm của mình đến với khán giả. Họa sĩ Tô Ngọc Thành, con trai của họa sĩ Tô Ngọc Vân nhận xét: "Tranh của ông dung dị, có học thức nhưng lại có cái hồn trong sáng, dễ gần, dễ mến, có tình người và tình đời. Không uốn éo, khoa trương, không lên gân và cũng không phù phiếm". Có khán giả ghi sổ cảm tưởng rằng đã xem triển lãm của ông tới 3 lần mà vẫn thấy thú vị. Nhiều người, nhiều lứa tuổi, học vị khác nhau đều cảm nhận được một điều gì đó về cuộc sống đằng sau khi xem những bức tranh của ông.
Họa sĩ Trần Vinh Lưu không chủ định triển lãm tranh để bán, chỉ muốn tác phẩm của mình đến gần với khán giả hơn. Thế nhưng từ năm 2007, tranh của ông được nhiều người yêu thích mua về. Năm đó, hết triển lãm, khi ông đang xếp tranh lên xe ôtô, có người tới muộn còn bảo ông dỡ xuống để mua. Có người lặn lội xuống tận nhà mua tranh. Lần này, ông tâm sự, toàn bộ 159 bức ký họa của ông cũng đã có người đặt tiền nhận mua. Bây giờ bán thì tiếc lắm, vì đấy là gia sản của mình. Nhất là hiện nay, họa sĩ thường vẽ bằng máy tính nên ký họa ngày càng hiếm. Nhưng có lẽ cũng phải bán vì ông muốn giúp con trai chút tiền, ổn định nhà cửa. Ông buồn một lát rồi lại đùa rằng, thôi thì cũng là một cách để "Nghệ thuật vị nhân sinh"!
Khi chúng tôi đang viết những dòng cuối về họa sĩ Trần Vinh Lưu thì ông điện đến khoe rằng: Sáng 19-9, chương trình "Gõ cửa ngày mới" của Đài Truyền hình Việt Nam đã dành cho ông niềm vinh dự được giao lưu với khán giả. Lại nữa, nhà đài đã đặt lịch về quê Tiên Lãng để dựng chân dung ông chuẩn bị cho một chương trình khác... ông vừa khoe vừa nghẹn ngào: "Âu đó cũng là niềm động viên của những người yêu hội họa dành cho thế hệ họa sĩ chiến sĩ trưởng thành trong khói lửa chiến tranh còn lại đến hôm nay"
-------------

2 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!