Lại chuyện tượng đài ở Việt Nam

Nguyễn Ngọc Lâm hiện là giảng viên ngành Điêu khắc, đại học Mỹ thuật Việt Nam, có nhiều dự án hướng tới việc đưa nghệ thuật điêu khắc tới gần hơn với công chúng.
Nhân việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 14/1 thảo luận việc ban hành nghị định về hoạt động mỹ thuật. MTHP xin trích đăng một số nhận định của anh xung quanh vấn đề này.
Theo dự thảo, tác giả được chỉ định sáng tác mẫu phác thảo tượng đài, tranh hoành tráng phải có trình độ đại học trở lên. Chuyên ngành điêu khắc đối với tượng đài, chuyên ngành hội hoạ, đồ hoạ, hoành tráng đối với tranh hoành tráng.

Nhà điêu khắc Nguyễn Ngọc Lâm

Tôi nghĩ quy định này bình thường thôi, bởi vì khi người ta tham gia thực hiện những công việc, công trình tượng đài, tranh hoành tráng, có quy mô lớn đặt ở các nơi công cộng, đòi hỏi người đó phải có trình độ nhất định nào đó.
Việc họ quy định là có bằng tốt nghiệp, tôi nghĩ là cũng đúng thôi, không vấn đề gì. Việc có bằng tốt nghiệp thì mới được thực hiện những công trình điêu khắc tượng đài hoành tráng, có thể coi đó như là một cái chứng chỉ hành nghề.
Thường những người không qua đào tạo, con đường tìm đến thể loại tượng đài hoặc tranh hoành tráng thì ít có cơ hội đến với những người đó, vì ít nhiều làm tượng đài hoành tráng này rất cần đào tạo cơ bản, có những kiến thức về tạo hình rất cơ bản và cần ở trình độ khá cao.
Khả năng mà họ là những người không qua đào tạo mà nhận được những công trình lớn như thế, tôi nghĩ chắc là họ phải có quan hệ nào đó hoặc họ có sự hỗ trợ, có một êkip làm việc của họ ở đằng sau, và những công việc này họ đứng tên thôi. 
 Ở Việt Nam hiện nay khi nhắc tới tượng đài người ta hầu hết đều liên tưởng tới tượng đài cách mạng, danh nhân lịch sử. Rất nhiều trong số đó cả về mặt nghệ thuật và mặt thi công, thực hiện đều có vấn đề. Thế còn những tác phẩm nghệ thuật cá nhân, không hoành tráng và không mang tính chính trị hiện nay đang ở đâu?
Đối với người Việt Nam thì phần lớn bây giờ vẫn quan niệm là điêu khắc, nhất là tượng đài, tượng đài và điêu khắc hoành tráng thì chủ yếu là những đề tài về lịch sử, đề tài về chính trị, có tính chất cổ động.
Và hậu quả của nó là nhiều công trình không đạt được chất lượng về thẩm mỹ lẫn chất lượng về độ bền vật liệu hay là tính kết cấu, do nhiều yếu tố khác nữa.
Cái chuyện mà họ bớt xén chất lượng vật liệu cũng là chuyện phổ biến trong nhiều công trình xây dựng tượng đài.
Còn mảng tượng điêu khắc có nhiều ngôn ngữ nghệ thuật mà nó nghệ thuật hơn, không phải tượng đài hoành tráng, thì nó tồn tại ở một số công trình, một số mô hình như các trại sáng tác Hà Nội hay các trại sáng tác ở Huế, để lại rất nhiều tác phẩm điêu khắc và được trưng bày ở các khuôn viên nơi công cộng, để cho mọi người được xem.
Một số nữa, theo xu hướng bây giờ ít làm tượng to vì cũng không có chỗ mà bày, đặt, vận chuyển và di chuyển nó rất tốn kém, rất phức tạp.
Bây giờ nhiều nghệ sỹ chuyển sang làm những chất liệu nhẹ hơn, nhỏ hơn, trưng bày trong không gian như trong nhà.
Những dự án lớn ngoài trời thì thực ra nhà nước không có nhiều những dự án đó, mà thỉnh thoảng lẻ tẻ ở các tỉnh thành họ duy trì hàng năm các trại sáng tác điêu khắc trong nước, quốc tế, sáng tác xong tặng lại tác phẩm cho địa phương.
Tôi nghĩ bây giờ tranh cổ động, tượng đài cổ động không còn phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và xu hướng của thế giới nữa rồi.Tại vì, tôi cũng đã đọc một số tư liệu và bài viết của các nhà phê bình, nghiên cứu mỹ thuật thì họ nói là Việt Nam nhiều tượng đài cổ động, hoành tráng chỉ sau Bắc Triều Tiên thôi.
Xu hướng này, để cho người ta yêu nước, để cho người ta phát triển văn hóa, cho con người hiểu hơn về lịch sử, có văn hóa hơn, thì nên có những hình thức tạo hình khác nữa, chứ không chỉ là tượng đài hoành tráng về mỗi chủ đề chính trị.
Có nhiều cách để quảng bá và tôn vinh. Có nhiều cách ngoài ngôn ngữ tạo hình điêu khắc, có thể mang tính giáo dục, quảng bá, có nhiều hình thức khác, nhưng hình thức tốt nhất là làm sao để đất nước này trở thành đất nước văn minh.
Nhà nước không nên có những dự án tượng đài quy mô tới vài trăm tỷ, đến mấy trăm tỷ đồng như thế.
Bây giờ kinh tế đang rất khó khăn, công trình hạ tầng rất thấp kém, tôi nghĩ nhà nước nên có tầm nhìn. Quảng bá hình ảnh đến bây giờ nó không còn phù hợp nữa, mình cứ làm mãi những cái tượng đó cũng không nên, nên đầu tư những khoản tiền đó vào những việc gì có ích hơn.
Nhưng khi có một dự án ra đời thì xung quanh nó có rất nhiều ban bệ và rất nhiều người sống vào đó. Chuyện họ ăn bớt vật liệu, tức là có vấn đề về tham nhũng trong công trình đó là hiển nhiên.
Tôi nghĩ là không nên có những dự án lớn như thế, rất tốn kém, nên để đầu tư vào những việc khác có ích, những cái thiết thực hơn.
Nước mình vẫn còn nghèo nhưng nhiều dự án chả thiết thực gì cả. Đầu tư mấy trăm tỷ bạc đi xây mấy cái tượng danh nhân mà đi đâu cũng thấy. Hình ảnh nó đẹp thì đã vào trong trái tim của mọi người rồi, không phải phơi bày ra khắp nơi như thế nữa, còn có gì là linh thiêng nữa đâu.
-------------