Tranh của nhà điêu khắc Lê Công Thành

Dongngan Doduc
Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một góc nhỏ tranh giấy của Lê Công Thành, điêu khắc gia danh tiếng người xứ Quảng. Nhưng cái nhỏ này cũng là số lượng lớn nhất mà tôi từng được xem. Theo chị Kim Thái thì số này chọn trong trong hàng ngàn bức vẽ của ông nhiều năm, mà nhà giám tuyển tay ngang bất đắc dĩ, họa sĩ Bằng Lâm chọn ra.
Cũng cảm ơn họa sĩ Bằng Lâm, ngẫu nhiên đi thăm, gặp tranh của ông, thế là anh xăng xái động viên Lê Công Thành và chị Kim Thái vợ ông, cùng lựa tranh lấy một triển lãm nhỏ này. Nhỏ mà vô cùng hay, có sức nặng của bậc thầy.
Hôm khai mạc ông không có mặt vì sức yếu lắm rồi.
Lê Công Thành là nhà điêu khắc lớn của đất nước. Ông sinh năm 1932, là giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Những nhà điêu khắc danh tiếng như lớp sau như Tạ Quang Bạo, Hứa Tử Hoài từng là học trò ông... Bền bỉ dẻo dai với nghề, ông là người theo đuổi đề tài người đàn bà suốt cuộc đời. Tượng của ông đứng riêng một góc trời Nam, những bà mẹ, những thiếu phụ, những thanh nữ "nude" với những khối tròn lẳn như ám ảnh của tượng Phật trong tượng của ông luôn hút mắt người xem.
Các nhà điêu khắc nào thì cũng ít nhiều vẽ tranh. Lê Công Thành cũng nằm trong số đó. Nhưng tranh Lê Công Thành làm tranh như để nghiền ngẫm cho những tượng đài phụ nữ mà không phải chú tâm vào sáng tác hội họa, cũng không phải để bán kiếm tiền. Tuy vậy những tranh trên giấy của ông lại thành một mảng đặc biệt, rất cá tính, rất đẹp. Ông kiệm màu cho màu trở nên phong phú và quý phái. Ông tối giản mảng nét để lại cho tranh những khối chắc nịch như điêu khắc mà những họa sĩ hội họa khó mà theo được lối nhìn của ông. Đó là sự giao thoa tuyệt vời giữa hội họa và điêu khắc. Sự giao thoa này bám riết những tranh vẽ trên giấy của ông. Không cần kí tên thì tranh ông cũng chẳng lẫn với ai. Sự tối giản đường nét, sự chính xác ngọt ngào với cảm nhận vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ khiến tranh ông có sự thu hút riêng biệt mà tôi là người rất ngưỡng mộ. Vẽ vú mà yêu, vẽ bướm mà trân trọng không thô thiển tục tằn, vẽ mông đùi cho người xem cảm nhận ước ao thèm muốn. Khó mà ông vẽ dễ như chơi.
Một người xem bảo tôi, bác này vẽ đàn bà to quá! Tôi hỏi thế nào là to. Bạn ấy nín lặng. Tôi biết bạn này đang so sánh những người trong tranh với người ngoài đời. Bạn ấy đang xem tranh như xem ảnh, những tấm ảnh sao chép con người. Thực trạng thưởng thức nghệ thuật bây giờ của nhiều người còn quá thấp vì không được giáo dục sớm, khá nhiều dừng lại ở mức xem như xem ảnh hoặc xem ghi chép.
Lại một bạn nghề ghé tai tôi, "Picaxo" nhiều quá! tôi không trả lời mà nghĩ ngay đến sự đố kỵ không muốn thừa nhận ông! Pi ở đâu lắm trong tranh Lê Công Thành? Những cái soi vội vã ép uổng đầy sự đố kỵ tự nhiên nó vít cổ nhau trong sáng tạo. Rõ ràng Lê Công Thành có hẳn bầu trời điêu khắc và hội họa béo tốt khó ai bằng khiến sự ghen tỵ cũng khó làm được gì!
Tôi thích Lê Công Thành bởi điêu khắc phồn thực của ông mạnh mẽ bất chấp mọi săm soi ác ý của người đời trong nhiều năm, nhưng không bôi nhọ không hạ thấp được thành quả của ông. Ông vẫn là cây trụ đồng bề thế đáng kính trong làng nghệ thuật tạo hình Việt Nam.
Tôi chán với nhân tình thế thái lâu nay ở nhiều lĩnh vực: Khi sống thì không mấy để ý đến nhau, thậm chí còn gièm pha nhau, chứ đừng nói đến chuyện nâng cánh cho nhau. Để rồi khi chết thì thống thiết: "mất đi cây đại thụ, để lại một khoảng trống không gì bù đắp... không gì bù đắp..."  vừa giả tạo vừa đãi bôi.
Cảm ơn họa sĩ Bằng Lâm, anh thật là có lòng, đã làm được một việc rất ý nghĩa với một nghệ sĩ. Việc làm cao hơn lời nói nghìn lần. Việc gì cũng vậy anh ạ!








































1 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!