Xem Triển lãm mỹ thuật “ Hôm nay và mãi mãi”

Không hổ danh họa sĩ Hải Phòng
Anh Thơ

Họa sĩ Hải Phòng có tranh trưng bày ở nhiều nơi. Nhưng họa sĩ Hải Phòng đang sống ở nhiều nơi (như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) lần đầu có tranh ra mắt công chúng đất Cảng tại quê hương thì mới thấy ở Triển lãm mỹ thuật “ Hôm nay và mãi mãi” (mở cửa từ 17-11 đến 27-11-2012 tại Trung tâm Triển lãm và mỹ thuật Hải Phòng). Xem 80 tác phẩm của 30 tác giả, quả thật, họ đã không hổ danh họa sĩ Hải Phòng!
Sự kết hợp cùng bày chung tác phẩm của Nguyễn Hà- họa sĩ sinh năm 1933 cao niên nhất ở Hải Phòng hiện nay với các họa sĩ sau ông (trong đó, người trẻ nhất sinh năm 1982) như là một cách nâng đỡ, bổ sung cho nhau về chủ thể sáng tạo.. Đa số họ đều có biên độ phổ biến tác phẩm rộng lớn và thành danh. Họa sĩ có danh hiệu có NSUT Trịnh Thái, Giải thưởng Nhà nước về VHNT có Hoàng Đình Tài. Họa sĩ tuổi ngoài 40 được đào tạo bài bản “nổi đình đám” như Đinh Quân với 24 cuộc triển lãm chung và 8 triển lãm cá nhân. Song, ngay cả những người tự học như Nguyễn Mạnh, Lê Đại Chúc, Trần Quang Huân, Đặng Tiến... cũng không kém sự vượt trội trong tác phẩm. Tất cả làm nên sự kế tiếp rất đáng nể của các thế hệ họa sĩ vùng cửa biển. Trong khuôn khổ triển lãm, 30 tác giả là những đại diện tiêu biểu của mỹ thuật Hải Phòng.
Đó còn là “những cá tính Hải Phòng” đặc biệt in dấu trong mỗi tác phẩm chọn treo trong triển lãm. Cùng chung mục đich phản ánh cuộc sống đương đại, “ vẽ những gì mà tôi cảm thấy”, nhưng các thế hệ họa sĩ Hải Phòng đều thừa hưởng giá trị truyền thống văn hóa vùng cửa biển. Cốt cách tinh thần con người vùng biển Hải Phòng phóng khoáng, chân thành, nồng nhiệt và cảm xúc từ biển đã chi phối cái nhìn của họ về cuộc sống.. Song, ấn tượng nhất chính là khả năng và phong cách thể hiện làm nổi bật tính ưu việt của từng chất liệu làm nên những tác phẩm chuyển tải trọn vẹn ý tưởng của tác giả. Ví dụ: Về chất liệu sơn mài, nếu Nguyễn Hà rất chủ động trong những khám phá về màu sắc của chất liệu truyền thống vốn được coi là “khó tính” và tràn đầy cảm xúc tự nhiên trong “Chén rượu xuân”, thì Sơn Trúc tạo vẻ đẹp nghệ thuật vừa sang trọng vừa gần gũi qua các bức “Trung thu”, “Thăm chùa Thầy”, “Vũ trụ”. Đinh Quân táo bạo, dữ dội khi khám phá nét bí ẩn người phụ nữ trong tác phẩm “Đàn bà, “Phía sau”, “Chân dung”. Chất liệu sơn dầu qua tranh của Thọ Vân, Mạnh Cường, Nguyễn Mạnh... đến “Tháng Giêng”, “Tháng Hai, “Tháng Ba” của Đặng Tiến, “Chợ”, của Quang Huân cho thấy chất liệu này vẫn luôn là thành công của các họa sĩ . Với Nguyễn Ngọc Dân, sơn dầu tỏ ra rất đắc dụng khi thể hiện những bức xúc về giao thông đô thị với biển cấm chồng chéo, dây điện nhằng nhịt chen với loa phóng thanh ở ngã tư đèn đỏ. Còn ở Vũ Thanh Nghị, sơn dầu qua nét vẽ bay ở “Say 2, Say 3” được nhấn mạnh ở những gam màu trầm ghi, đen, xanh... đường nét gồ ghề khi thể hiện tình yêu cuộc sống say sưa đến cuồng nhiệt của con người. Chất liệu đồng chỉ có 2 tác giả khai thác là Phạm Ngọc Lâm và Đào Song Thắng, trong đó tác phẩm sắp đặt “Con thuyền công lý” của Phạm Ngọc Lâm có giá trị biểu cảm lớn về vấn đề nạn nhân đi-ô-xin. Nguyễn Thế Cường với loạt tranh bột màu cho thấy cái nhìn tinh tế của tác giả: Nghệ thuật có thể bắt nguồn từ những điều đơn giả, nhỏ bé trong đời sống. Nguyễn Trung Dũng với mực trên giấy từ các bức “Ngẫu hứng” gợi sự thoải mái trong tưởng tượng có khi là cành cây, có khi như gương mặt người, có khi như cơn lốc. Màu nước cũng mang lại hiệu quả tác phẩm về đời sống dân chài “Biển mùa đông”, “Sóng và đá” của Bùi Duy Khánh. Bùi Viết Đoàn cho thấy sự tìm tòi ngôn ngữ của gốm trong điêu khắc qua sê-ri “Sự cạnh tranh” và “Độc tôn”. Cũng kể tới sắc thái Hải Phòng đậm đà qua phong cách của Quang Ngọc với “Bến cá” (Acrylic). Lê Đại Chúc dứt khoát, mạnh mẽ với gam màu đỏ xanh, vàng tím rất quả quyết về nét riêng của “Mây và nước Hải Phòng”, “Đồ Sơn” (Acrylic trên vải)...
Với sự đa dạng trong cấp độ, trình độ xử lý chất liệu cũng như hướng ý tưởng người nghệ sĩ vào các đề tài cuộc sống, các họa sĩ Hải Phòng cho thấy sự tìm tòi sáng tạo không ngừng của họ làm nên một triển lãm chất lượng cao về nghệ thuật. Sẽ có nhiều gợi mở về phong cách, tính khuynh hướng... từ sự kiện này. Nhưng thành công ngoài sự mong muốn của triển lãm không chỉ ở chỗ thỏa nguyện giấc mơ trong trẻo “trở về quê mẹ” của các họa sĩ Hải Phòng, mà nó còn như một dư âm ngân vang khích lệ tình yêu Hải Phòng trong công chúng cũng như niềm tự hào về các họa sĩ đất Cảng..
Cuộc tiếp xúc, gặp gỡ lần đầu tiên của giám đốc Sở VHTT và DL Hải Phòng Đoàn Duy Linh với các họa sĩ được anh chị em đánh giá như một “ động thái” để họ nguyện không hổ danh họa sĩ Hải Phòng, tiếp tục tạo sự khởi sắc, mới mẻ trong lĩnh vực mỹ thuật làm đầy đặn hơn “địa chỉ văn hóa Hải Phòng” thời kỳ hội nhập./.

2 nhận xét:

  1. Những triển lãm nghệ thuật sẽ đưa những tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng nhanh nhất

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!