Số phận của bức tượng Nữ thần tự do ở Việt Nam

30/8/2013

Ðỗ Huân

Để làm ra bức tượng Nữ thần Tự do (Statue de la Liberté), nhà điêu khắc Frédéric Auguste Bartholdi đã làm ra một số phiên bản của tượng. Những phiên bản này được gọi là phiên bản gốc để phân biệt với việc sao chép sau này. Bức tượng chính cao 46m được đặt tại Cảng New York (Mỹ) là quà tặng của Chính Phủ Pháp cho Nhân dân Mỹ nhân dịp 4/7/1884.
Bức thứ hai, cao 11m đặt ở bờ Sông Seine (Paris).

Phiên bản gốc tượng Nữ thần tự do tại bờ Sông Seine (Paris)

Bức thư ba, cao, 2,85m có mặt ở Việt Nam năm 1887 nhân dịp Hội chợ Đấu xảo (Hà Nội). Số phận của Nữ thần Tự Do ở Việt Nam mà dân ta gọi là “Bà đầm xoè”, thật gian truân và có phần bi thảm. Sau thời gian ngắn được triển lãm ở Đấu xảo (Cung văn hoá Việt Xô bây giờ), tượng được tặng lại Hà Nội và được đặt ở Vườn hoa Paul Bert (Vườn hoa Chí Linh). Khi chính quyền thuộc địa Pháp muốn đặt tượng Toàn quyền Paul Bert vào vị trí của Nữ thần, tượng đã bị dỡ xuống và nằm trên đất một thời gian dài trước khi được gắn lên Tháp Rùa.

Phiên bản gốc tượng Nữ thần tự do tại vườn hoa Neyret, Hà Nội

Từ năm 1896 đến trước Cách mạng Tháng 8, tượng được dời về vườn hoa Neyret (Cửa Nam ngày nay) và mang tên “Tượng Công lý” (Monument de la Justice).
Nơi đây vốn là Quảng Văn Đình, nơi công báo chủ trương của Triều đình Nguyễn. Ngày 1/8/1945 Tượng Nữ thần bị giật đổ cùng với tượng Paul Bert, tượng SOUVINIR tại vườn hoa Robin (Vườn hoa Canh Nông hay Vườn hoa Chi Lăng ngày nay).
Người ra lệnh kéo đổ tượng Nữ thần là ông Trần Văn Lai, thị trưởng người Việt đầu tiên. Ông có học vấn Pháp (đỗ Bác sĩ) nhưng làm trong Chính phủ thân Nhật của Ông Trần Trọng Kim. Ông Lai về sau là Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Tin đồn sau cùng là bức tượng Nữ thần đã vĩnh viễn biến mất khi dân làng đúc đồng Ngũ Xã thu mua, quyên góp được tượng để đúc ra một pho tượng phật A-di-đà nặng 16 tấn lớn nhất Việt Nam vào thời đó. Việc “Thần biến thành Phật” này chẳng phải ai cũng vui mừng.

Bản sao tượng Nữ thần tự do trên đảo Odaiba, vịnh Tokyo, Nhật Bản

Một trăm năm sau, sau khi vượt hàng ngàn dặm, con gái tôi mới có cơ hội chiêm ngưỡng Nữ Thần ở cửa sông Hudson (New York). Cháu trầm trồ, mê mẩn. Tiếc thay, nếu lịch sử may mắn hơn, cháu đã có thể chiêm ngưỡng và chào Nữ Thần mỗi sáng đạp xe đến trường ở ngay chính Hà Nội này.

Câu chuyện “Bà đầm xoè” cho ta bao suy nghĩ và gợi mở. Ẩn sau số phận bức tượng - một tác phẩm nghệ thuật, một sản phẩm văn hoá, người ta thấy nhiều thứ: sự cưỡng bức, sự cố chấp, sự nông cạn, những xung đột văn hoá, và cả những âm mưu, toan tính cá nhân và chính trị. Tuy nhiên có một thứ mà ta không thấy đó là sự giao lưu văn hoá tinh khiết và đúng nghĩa. Những hạn chế lịch sử, những lỗi lầm là những bài học dành cho cả người trao và người nhận.

Hà Nội sắp ngàn năm tuổi. Biết bao biến cố, thăng trầm: thay những bức tượng bị giật đổ người ta dựng nên những bức tượng khác; làng Ngũ Xã đã bỏ nghề lên phố; tượng phật A-di-đà ta có thể gặp ở khắp nơi. Chỉ riêng Nữ Thần Tự do – bức tượng nổi tiếng và đẹp bậc nhất thế giới - “Bà đầm xoè”, đã từng vượt biển đến đây nhưng đã mãi mãi ra đi.
-------------
MTHP sưu tầm trên Internet

3 nhận xét:

  1. Nếu như mọi người đều biết được giá trị của bức tượng này thì đâu đến nỗi bức tượng phải ra đi mãi mãi

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!