Họa sỹ Đặng Tiến: NHỮNG TRẦM TÍCH THỜI GIAN

Việt Hà

Nếu ai đó nói rằng, nghệ thuật là nơi cho ta tĩnh tâm, sống chậm thì tranh của Đặng Tiến mang lại cho tôi cảm giác đó. Giữa đời sống ồn ào, bọn chen, tranh của Tiến như một nốt trầm sâu thẳm, chạm tới cái đẹp vĩnh cửu của đời sống.

Đặng Tiến - Buổi sớm - Sơn dầu (148x98cm) 2017

1. Phải gần 20 năm, một quãng thời gian quá dài cho những bộn bề lựa chọn của cuộc sống, người nghệ sĩ ấy mới tìm lại được chính mình, từ khởi nguyên của mình, hội họa. Ở đó, Đặng Tiến đã chạm tới cái đẹp vĩnh cửu của đời sống trong tĩnh lặng thời gian. Hơn 20 bức tranh bày trong triển lãm “Tôi- Thời gian” của Đặng Tiến tại Eight Gallery số 8A Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP. Hồ Chí Minh cũng chính là hành trình anh trở về với bản thể của mình trong vẻ đẹp nguyên khiết của đời sống. Thời gian chứa đựng trong nó tất cả, những buồn vui của kiếp người, những suy ngẫm về đời sống. Và thời gian chứa đựng cả tâm tưởng của người nghệ sĩ. “Tôi và Thời gian” của Đặng Tiến là một khoảng lặng trước sự vận động không ngừng của dòng chảy, của suy tưởng, của những buồn vui, của vẻ đẹp lụi tàn. Tranh của Tiến gợi lên vẻ u buồn, thẳm sâu. Tôi nói với Đặng Tiến rằng, tranh của anh nhuốm màu tâm tưởng. Phong cảnh ấy, con đò ấy, bến nước ấy hay cả những hàng cây khẳng khiu trụi lá ấy, vừa như thực như mơ. Đặng Tiến vẽ phong cảnh, nhưng anh không tìm đến những vẻ đẹp rực rỡ của sắc màu. Phong cảnh trong tranh của anh u buồn, những bức tranh phủ màu ký ức. Không thể tìm trong tranh phong cảnh của Đặng Tiến một địa chỉ cụ thể. Cũng là Tam Bạc, Hà Nội, Đà Lạt nhưng tất cả chỉ còn là hồn cốt trong cách nhìn, suy nghĩ của người nghệ sĩ. Đặng Tiến nói, cách đây 20 năm, khi anh mới cầm cọ, có một câu nói của họa sĩ Đặng Xuân Hòa khiến anh tâm đắc: “Người vẽ bình thường chỉ cho ta xem bề mặt của bức tranh, người vẽ hay sẽ cho ta nhìn thấy đằng sau bức tranh”. Vì thế, tranh phong cảnh của Tiến dù gam màu mạnh hay nhẹ, đậm hay nhạt cũng mang vẻ man mác nội tâm. Anh tâm sự: “Thực ra khi gặp cảnh vật gây xúc động cho mình, tôi thường ghi chép tài liệu, suy nghĩ bố cục vào mặt toan và hòa sắc để diễn tả những cảm xúc đang ngồn ngộn trong lòng”. Cái thực đã được anh gọt dũa, sắp đặt lại theo tư duy, tình cảm vì thế, tranh của Đặng Tiến vẫn giữ được hồn cốt của một vùng đất, một địa chỉ nào đó, nhưng không theo khuynh hướng tả thực. Ta sẽ gặp trong tranh Đặng Tiến những vùng đất quen thuộc, như Hà Nội, Đà Lạt, Tam Bạc, Hải Phòng, như một người lạ rất thân quen.

Đặng Tiến - Hoàng hôn trên sông - Sơn dầu (100cmx150cm) 2017

Trong số 20 bức triển lãm lần này của Đặng Tiến, anh vẽ nhiều về sông nước, bến đò. Có gì ở những bến sông ám ảnh anh đến thế. Đặng Tiến kể, anh lớn lên ở vùng đất nắng gió Hải Phòng. Ngày còn bé, anh vẫn thường đi câu. Những con thuyền đậu ở bến Tam Bạc luôn hấp dẫn và gây xúc động với anh. Đặng Tiến cũng không lý giải được cảm xúc đó, nó đến với anh một cách tự nhiên. Tiến nhớ lần đầu ra Bến Bính, thầy thuyền căng buồm đi ngang trước mặt, anh xúc động nổi da gà. Rồi lần đầu tiên lên Hà Nội, nhìn thấy Hồ Gương bằng xương bằng thịt, Đặng Tiến đã rơi nước mắt vì xúc động. Những cảm xúc trong trẻo đó đã nuôi dưỡng tâm hồn Đặng Tiến, trở thành một ám ảnh trong tranh của anh. Tiến vẽ nhiều về những bãi bồi, con nước như những dòng sông cuộc đời. Nhưng anh chọn khoảng tĩnh lặng trong cái động của thời gian. Tôi rất ấn tượng với bức “Hoàng hôn trên sông” - con thuyền cô độc nằm giữa bãi bồi lễnh loãng đỏ. Cái màu đỏ gợi lên nỗi cô đơn, xa thẳm. Văn là người, tranh cũng là người, thì tranh của Đặng Tiến ấm nồng tình người trong nỗi buồn, trong sự cô đơn. Ngay cả khi Tiến vẽ về sự lụi tàn thì tranh của anh vẫn nồng ấm hơi thở tình yêu cuộc sống. Anh đã tìm thấy mình trong màu thời gian, trong vẻ đẹp trầm sâu của ký ức.

Đặng Tiến - Chiều Đà Lạt - Sơn dầu (100cmx125) 2015

2. “Khá lâu rồi, phòng tranh ở Eight Gallery số 8A Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP. Hồ Chí Minh có một triển lãm nồng ấm đến thế”. Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn thú nhận. Xem vài bức tranh của Đặng Tiến qua giới thiệu của họa sỹ Đặng Xuân Hòa, Trần Hậu Tuấn không ngần ngại mời Tiến bày triển lãm ở Sài Gòn. Hơn một năm chuẩn bị, có cả sự háo hức chờ đợi, bởi quá lâu, sau cuộc triển lãm ở Hà Nội cách đây 20 năm, Tiến không có triển lãm cá nhân dù anh vẫn vẽ. Từ Sài Gòn, anh gọi cho tôi xúc động. Anh không nghĩ, cuộc triển lãm lại thành công đến thế. Bạn bè tứ chiếng, người từ Hà Nội, Hải Phòng bay vào, người ở Sài Gòn. Tiến không tưởng tượng được, một mình lọ mọ nơi xa xôi kia sẽ thế nào. Nhưng anh chưa bao giờ phải một mình, vì bên cạnh anh luôn có bạn bè. Tình của Đặng Tiến đã kéo bạn bè lại gần anh. Và gần anh, họ nể anh hơn vì thực tài hội họa. Ngay trong khai mạc triển lãm đã có 5 bức tranh được đeo nơ (có người đặt mua) và bây giờ con số đã lên 8. Điều đó giống như là giấc mơ trong không khí thị trường mỹ thuật ảm đạm. “Nhiều người Việt không phải quá giàu có đã có ý thức chơi nghệ thuật, họ chọn nghệ thuật chứ không phải một món đồ để mua, đó là một tín hiệu đáng mừng trong thời buổi các giá trị đang bị vật chất hóa”. Họa sĩ Hoàng Phượng Vĩ vui mừng. Bạn bè thân tín còn chắc nỏm, chuyến này, Tiến sẽ ra Bắc tay không. Hiếm có cuộc triển lãm nào ấm áp đến thế. Tôi hiểu, Đặng Tiến sống rất tình, cũng giống như tranh của anh vậy. Một người bạn họa sĩ chia sẻ: “Thời gian là sự trải lòng mình với hoạt cảnh. Đặng Tiến đã mang thời gian phủ lên những bức tranh của mình để chúng khoác trên mình mỗi bức một bảng màu bảng lảng, lãng đãng đâu đó trong góc cuộc sống hay chốn thiên nhiên để rồi từ đó cho người xem đọc ra anh. “Tôi và Thời gian” - một cuộc triển lãm đủ sức hút để kéo bầu bạn từ Bắc vào, anh em đồng nghiệp trong Nam đến dự thật ấn tượng và thân thiện. Rồi mọi cái sẽ qua đi nhưng thời gian thì dừng lại trong từng bức tranh của Tiến, dừng lại trong tâm tưởng người thưởng ngoạn”.
Họa s Đặng Xuân Hòa, bay từ Hà Nội vào trước triển lãm một ngày hào hứng chia sẻ:
“Có một Đặng Tiến lặng lẽ ở một nơi chốn tưởng gần gụi mà xa xôi. Tranh của Tiến giàu cảm xúc, ấn tượng người xem bởi những gam màu trầm ấm, tĩnh lặng đúng chất của Đặng Tiến, ngược lại với đời sống ồn ào, bon chen ngoài kia. Một Đặng Tiến chậm rãi đi ngược thời gian. Con tàu, bến sông, bụi cây ven đường, hàng phi lao, những cảnh vật ấy ngấm vào Tiến từ lúc nào để rồi chỉ cần ngồi một chỗ, anh có thể vẽ lại tất cả. Tiến có cách nhìn riêng, trong khi vẽ, anh phát hiện ra những ngôn ngữ hội họa của riêng mình. Đặng Tiến đã vượt thoát khỏi chính mình trong hội họa. Tranh Đặng Tiến mang vẻ đẹp dồi dào kỷ niệm. Những kỷ niệm gắn với tuổi thơ nơi vùng duyên hải đẹp đẽ. Ở Đặng Tiến, có cái hào sảng của người sống ở cửa biển, đồng thời có tính trầm lắng của một người làm nghệ thuật. Đặng Tiến là một người lặng lẽ, biết mình, hiểu mình”.
Họa s Hoàng Phượng Vỹ:
“Đặng Tiến là một thực tài, triển lãm này đã làm cho cái riêng của anh đậm đặc hơn. Tranh Đặng Tiến sâu sắc, trầm tích. Tiến tìm mình trong màu thời gian. Một cuộc triển lãm đều tay, có 6-7 bức đạt tới xuất sắc là hiện tượng hiếm đối với hội họa trong thời gian vừa qua. Nhìn tranh Tiến thấy như anh đang gặm nhấm tâm hồn mình. Nhiều bức tranh khổ lớn vẽ kỹ càng và công phu cho thấy thẩm mỹ hội họa của Đặng Tiến rất sang trọng và sự sang trọng này đã phả vào tâm hồn người xem, thức tỉnh họ giữa bộn bề lo toan, bon chen của cuộc sống. So với hành trình vẽ của Tiến, trước kia anh chuyên vẽ bố cục người. Lần này, cái khỏe khoắn ấy đã được dụng công cho tinh tế và lắng hơn, để là chính mình hơn. Triển lãm cá nhân của Tiến là một hành trình đi tìm thời gian đã mất. Nó mang tinh thần “Lửa thiêng” của Huy Cận. Thực tế, họa sĩ nổi tiếng thì nhiều vô cùng nhưng thực tài như Đặng Tiến không có nhiều.
Họa sỹ Đặng Tiến sinh năm 1963 tại Hải Phòng. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm đầu tiên của anh tại Hà Nội vào năm 1998. Trước đây, Đặng Tiến vẽ nhiều về người. Những dáng người vẹo vọ, khắc vào tranh của Tiến nỗi cô đơn của con người, khá kén người xem. Nhưng bạn bè hội họa yêu quý và khích lệ. Mấy năm gần đây anh vẽ nhiều tranh phong cảnh, mang một màu sắc riêng của Đặng Tiến. “Tôi và thời gian” là triển lãm cá nhân thứ 2 của anh, kéo dài từ ngày 25 tháng 3 đến 25 tháng 4 năm 2017 tại Sài Gòn.

(Bài đăng trên báo Cảnh sát toàn cầu, số 203, ra ngày 31/3/2017)
Ảnh: Trần Vinh
----------------------

1 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!