ANTD.VN - Mới đây, họa sỹ Đặng Tiến (Hải Phòng) đã rất bức xúc trước việc 4 bức tranh của anh đã bị một trang rao bán tranh trên mạng lẳng lặng chép lại y nguyên. Trong khi đó, toàn bộ 4 bức tranh này còn đang do anh cất giữ.
Theo họa sỹ Đặng Tiến, các tác phẩm tranh chép kể trên giống tranh thật gần như y nguyên. Tuy nhiên, do tay hạn chế của nghề thợ vẽ nên theo đánh giá của anh, 4 bức tranh chép này chỉ đạt khoảng 30-40% vẻ đẹp của tranh thật. Họa sỹ Đặng Tiến chia sẻ, anh có thói quen sử dụng Facebook và trang mạng để công bố tác phẩm thay vì tổ chức triển lãm cá nhân. Có thể vì lý do này, tranh của anh đã bị sao chép tùy tiện trước khi kịp tới tay nhà sưu tầm.
Ngay khi được bạn bè phát hiện và thông báo về sự việc trên, họa sỹ Đặng Tiến đã lập tức phản hồi tới người chịu trách nhiệm của trang web “xuongtranh.vn”. Sau khi tiếp nhận thông tin từ tác giả “chính chủ”, người này đã đăng công khai lời xin lỗi họa sỹ Đặng Tiến. Lời xin lỗi với nội dung đại ý rằng, trang web này là dự án startup của nhóm các bạn trẻ nhằm kết nối thị trường và các bạn sinh viên mỹ thuật, do chưa tìm hiểu nên trang web này đã đăng tải các tác phẩm sao chép của một số họa sỹ.
“Sau khi nhận được phản hồi của họa sỹ Đặng Tiến, chúng tôi đã tìm hiểu lại và nhận thấy cộng việc của mình là sai. Do vậy, xuongtranh.vn sẽ tạm ngừng hoạt động và tìm hướng đi mới”- người quản trị trang web trên khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều họa sỹ lại cho rằng, cần dè chừng lời xin lỗi này, cần theo dõi thêm để xem họ có thực hiện đúng nội dung như đã đăng trong lời xin lỗi hay không. Bởi không chỉ có họa sỹ Đặng Tiến mà còn nhiều họa sỹ khác cũng từng bị trang web này sao chép tranh trái phép. Họa sỹ Đặng Tiến cho biết, anh và một số họa sỹ thân thiết sẽ cất công từ Hải Phòng lên Hà Nội để trực tiếp đối thoại với chủ xưởng tranh, yêu cầu họ cam kết lần sau không tái phạm và phá hủy các bức tranh chép ngay tại chỗ.
Họa sỹ Đặng Tiến cũng mong muốn, anh sẽ giải quyết sự việc ổn thỏa giữa hai bên. Nếu không, anh sẽ nhờ tới sự giúp sức của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tuy nhiên, họa sỹ Đặng Tiến cũng tỏ ra khá băn khoăn nếu như phải nhờ đến sự can thiệp của Hội. Anh cho biết, đây không phải lần đầu tiên, anh bị vi phạm bản quyền tác giả nhưng cho tới nay, hầu hết các sự việc đều do cá nhân họa sỹ đứng ra tự thu xếp và chưa nhận được bất cứ sự giúp đỡ nào từ phía các cơ quan chức năng.
Từ sự việc của họa sỹ Đặng Tiến và nhiều vụ chép tranh trái phép khác, các họa sỹ đều cho rằng, trong khi Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã có Trung tâm Bảo vệ tác quyền thì Hội Mỹ thuật cũng nên thành lập một trung tâm tương tự để bảo vệ quyền lợi của anh em ở lĩnh vực tác quyền. Dù sao, đó vẫn là nơi các nghệ sỹ cảm thấy yên tâm nhất nếu xảy ra tranh chấp bản quyền.
Trong khi đề xuất ý tưởng về một trung tâm bảo vệ tác quyền của họa sỹ Việt chưa thành hiện thực, cuộc chiến với nạn tranh chép của giới tạo hình vẫn diễn ra lặng lẽ, đơn lẻ. Một vài sự việc được dấy lên rồi sau đó lại chìm vào quên lãng và rồi, nạn tranh chép dường như ngày một công khai và bùng nổ mạnh mẽ hơn.
--------------------
Bài trên trang ANTD.VN
--------------------
Bài trên trang ANTD.VN
Cố tình sao chép tranh để bán thì lời xin lỗi có ý nghĩa gì đâu
Trả lờiXóa