Với những bức tranh đẹp nhất của Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú

NGUYỄN QUANG HÒA

Chiều 18/4/2021, tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội), Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú đã trưng bày 40 bức tranh đẹp nhất, quý nhất của ông cho bạn hữu thưởng thức.

Nguyễn Đăng Phú - Chờ ngày ra khơi - Bột màu (1973)

Nói quý nhất, bởi đây là một phần “gia tài” ông đã gìn giữ gần 50 năm nay, kiên quyết không bán cho ai. Lần này, một nhà sưu tầm tranh đã thuyết phục được ông bán hết. Ông phải bán vì cần tiền chữa bệnh, mà bán lẻ thì nhà sưu tập lại không muốn. Thế là hai bên chiều nhau, trước khi giao tranh đi vĩnh viễn, nhà sưu tầm đứng ra thay mặt họa sĩ, tổ chức buổi triển lãm.

Thật buồn, trong khi tất cả tới dự khai mạc thì ông - tác giả của “những đứa con tinh thần” với bao đau đáu và tự hào - vì bệnh mệt phải nằm nhà.

Đây là 40 bức tranh bột màu khổ nhỏ, họa sĩ Đăng Phú vẽ từ những năm 70 của thế kỷ trước với các chủ đề sinh hoạt, lao động sản xuất, phong cảnh. Thời gian này, Phú công tác tại báo Hải Phòng, và vì thời đó họa phẩm khan hiếm nên giấy vẽ chính là giấy in báo ông xin của công nhân nhà in.

Đăng Phú sinh năm 1947, quê ở Hà Nam nhưng thời trẻ chủ yếu sống ở Hải Phòng nên sau này, dù ở Châu Âu nhiều năm rồi về Hà Nội làm việc, giảng dạy ở trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp và một số nơi khác mấy chục năm trời, khi gặp bạn bè hàn huyên, ông thể nào cũng nhắc đến Hải Phòng, nơi có mối tình đầu, nơi ông có những năm tháng vất vả nhưng say mê vẽ nhất.

Tổ sản xuất mỳ (Nhà máy Mỳ sợi Cầu Niệm), Công nhân Nhà máy Len Hải Phòng, Công nhân lò than (Nhà máy Điện Thượng Lý), Bến cảng than Thượng Lý, Chuyển hàng lên cầu cảng Hải Phòng, Những cô gái ở nông trường cam Cát Bà, Nấu nước mắm ở Cát Hải, Sản xuất chai lọ (Nhà máy Thủy tinh Hải Phòng), Nhà máy Ximăng Hải Phòng, Xây dựng lại Cầu Rào sau chiến tranh, Chờ ngày ra khơi, Phong cảnh Tam Bạc, Phong cảnh Cát Bà, Phong cảnh ngoại thành,… Chỉ cần nhìn tên những bức tranh bày ở đây của ông cũng thấy Đăng Phú đã sống trọn vẹn với thành phố Cảng thế nào.

Hồi đó, Phú mới ra trường, nghèo lắm nhưng cứ rảnh là đi vẽ. Chỉ với chiếc xe đạp vĩnh cửu, hộp màu bột, lọ keo da trâu pha loãng và chiếc bánh mỳ không, chai nước sôi để nguội là đi vẽ cả ngày được. Nhiều lần, Đăng Phú lụi cụi một mình đạp xe ra ngoại thành vẽ, cả đi về tới năm bảy chục cây số, mệt nhưng vui, thích và sướng.

Sự nghiệp sáng tác của Đăng Phú có thể chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn đầu chủ yếu vẽ tranh sinh hoạt bằng chất liệu bột màu. Giai đoạn sau là tu nghiệp và sáng tác ở Ba Lan. Chính thời gian này, lối vẽ của Đăng Phú có sự thay đổi đáng kể. Ông chịu sự ảnh hưởng mạnh của hội họa lập thể nên về nước chuyển sang vẽ sơn dầu khổ tranh lớn hơn và hình khối thì trở nên rắc rối, dùng nhiều kỹ thuật, khó hiểu trong mắt những người ngoại đạo.

Nhưng tài năng của Đăng Phú được bạn bè cả nước và thế giới biết đến rộng rãi lại là ở mảng đồ họa, bởi ông có nhiều tranh cổ động được giải ở các cuộc thi, ông thiết kế logo cũng vào loại bậc thầy và từng được giải Nhất khi thi thiết kế logo cho Bộ Y tế. Không những thế, ông còn đang được gần 30 tờ báo đặt minh họa thường xuyên và ở cả lĩnh vực này cũng có giải thưởng cho minh họa đẹp (Tạp chí Văn nghệ Quân đội - 2009).

Ở tuổi 70, ông dường như muốn quay về lối vẽ hiện thực như những năm tháng tuổi trẻ. Ông vẽ bột màu nhiều, đặc biệt là vẽ phong cảnh ngoại thành. Ông có hàng trăm bức vẽ tre đẹp được nhiều nhà sưu tập tranh mua. Có nhà văn còn đặt cho ông biệt hiệu Phú “tre”, bởi từ trước tới nay chưa có ai vẽ tre phiêu được như thế. Nhìn những bức tranh ông vẽ tre mà thấy nắng, thấy gió, thấy cả tiếng cót két của những cây tre đu đưa theo gió cọ vào nhau trong trưa hè.

Gần đây có dịp gặp nhau, ông tâm sự: “Mình sống ở Hà Nội nhiều năm hơn Hải Phòng mà vẽ phong cảnh Hà Nội còn ít quá”. Có lẽ ông vẫn nặng lòng với Hải Phòng quá, thành phố Cảng có những cô công nhân ở nông trường cam vượt cả mấy chục cây số đem cam về cho ông vì mến chàng họa sĩ trẻ vui tính. Có cô công nhân ở nhà máy len hiền dịu và xinh đẹp cứ đòi ông dạy vẽ sau những ngày ông đến vẽ ở đấy. Và mảnh đất này, ông có mối tình đầu và gia đình, những đứa con…

Đến triển lãm của Đăng Phú, chỉ mong ông nhanh khỏe lại để có thể ra khỏi nhà để đi vẽ tiếp, vẽ nữa.

Hà Nội những ngày này hết rét, hết mù sương rồi mà rất nhiều nắng, gió đấy, Phú ơi!
____________________
Theo báo 

1 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!