Hải Phòng Trong mắt người Hoạ sĩ

5/11/2012

Hoàng Đình Tài

“Hải Phòng có bến Sáu kho, có sông cửa Cấm, có lò xi măng” là câu ca dao xưa, từ trăm năm cũ về một thành phố cần lao, thả neo bên bờ biển Bắc Bộ dạt dào sóng gió...
Hải Phòng có con nước phù sa theo thủy triều lên xuống, tràn vào lòng phố theo dòng Tam Bạc tuần tự sớm chiều. Hải Phòng tuổi thơ tôi có nhiều đoàn thuyền từ Móng Cái, Trà Cổ, từ Thanh Hóa, Nghệ An... chở đầy sản vật cập bến Hạ Lý, chợ Sắt tấp nập đêm ngày. Cánh buồm phơi nắng đi lại trên sông như những chiến binh lầm lì bão gió về bến bình yên, khoe sắc áo bên dãy nhà tầng cổ kính, đặc sắc mê hồn ...Những ngực trai vạm vỡ bên con thuyền đóng dở ven sông. Nhịp búa đe xen tiếng con tàu lai thoảng lại thét lên bên đoàn sà lan chở hàng hùng dũng. Mặt nước Tam Bạc loang vết dầu, mùi phù sa, mùi cá biển mặn mòi vương vấn ...
Cửa biển có bến cảng hiện đại, hàng trăm cần cẩu là những cánh tay thép khổng lồ chào đón hàng ngàn con tàu từ các đại đương. Hải phòng có ngọn hải đăng Nam Triệu sáng chói, ngày trước còn có ngọn khói xi măng như tấm lụa trắng nhọc nhằn vắt ngang trời thành phố tưởng như vĩnh cửu. Đảo Cát Bà, Cát Hải, bãi tắm Đồ Sơn tuyệt đẹp.
Nhưng trên hết, như nhiều thành phố biển, Hải Phòng có đường chân trời, vừa gần gũi, vừa xa xôi như những khát khao nguyên vẹn. Lòng quả cảm vươn tới trong lồng ngực người dân đồng vọng với hơi thở đại dương trước mặt ...
Triển lãm của họa sĩ Hải Phòng khai mạc tại Hà Nội trước ngày con đường cao tốc hiện đại 6 làn xe Hà Nội - Hải Phòng được chính phủ cho phép khởi công (l9/5/2008) từ cầu Đình Vũ tới Thanh Trì. 54 họa phẩm mới vẽ của 42 họa sĩ trưng bày tại triển lãm Hội Mỹ Thuật Việt Nam 16 Ngô Quyền) là những tình cảm chân thành gửi đến công chúng Thủ đô.


 Lê Viết Sử - Tĩnh vật - Sơn dầu
(Sưu tập của họa sĩ Bùi Mạnh Hùng) 

Hãy xem nghệ sĩ đất Cảng nói gì trong tác phẩm của họ? Nếu Lê Văn Kỳ với bức sơn dầu Đêm xanh Cát Bà thanh bình, tươi trẻ thì họa sĩ Quang Ngọc với Biển chiều xôn xao, sóng gió. Họa sĩ Mạnh Cường (mới mất) với Giấc mơ cánh diều vấn vương hoài vọng. Quốc Thái với Chợ cá thấm đượm màu biển dã. Gặp lại Tam Bạc 1 , Tam Bạc 2 của Đặng Tiến như gặp lại cố nhân. Rồi Lê Viết Sử với Hoa chuối, Quang Huân với Chơi tam cúc, Quang Thuận với Phố cũ ven sông. Người chiến binh một thời Thế Đính với Trường Sơn ngày ấy ... Điêu khắc có Mùa cá (gỗ) của Bùi Văn Lãng, Chèo (xi măng) của Khắc Nghi ... Đó là những tác phẩm chững chạc và hấp dẫn. Ngày chào đón 53 năm giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2008) giữa lòng Hà Nội thật đông vui, ấm cúng.
Quá khứ của mỹ thuật Hải Phòng là huy hoàng, nhiều họa sĩ giỏi từ miền đất ấy đi lên. Họa sĩ của nhiều vùng đất nước từ lâu đã về với Hải Phòng, nơi có biển, có đảo, có phố, có thuyền, có bóng dáng những khu nhà cổ lung linh đáy nước, có “tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ”, có người dân chân thật đáng yêu. Quang cảnh những xưởng đóng tàu ngổn ngang là đề tài mê mải cho nhiều khóa sinh viên mỹ thuật.

Lưu Công Nhân - Tam Bạc - Màu nước

Những năm 60 của thế kỷ trước, họa sĩ Lưu Công Nhân từng sống và sáng tác ở nhà máy sắt tráng men, lang thang sớm tối, mang về hàng trăm bức màu nước về dòng Tam Bạc yêu dấu lúc mờ sương, lúc sôi sục mặt sóng triều lên, dãy nhà cổ tích nhấp nhô uốn lượn soi bóng xuống dòng sông. Họa sĩ phố cổ Hà Nội Bùi Xuân Phái say mê Tam Bạc, ông còn dành cả tháng trời lênh đênh trên sóng nước Cát Bà, nhiều tuyệt phẩm về đời sống ngư dân, mái nhà sàn chênh vênh mép nước. Nguyễn Tiến Chung với bức sơn dầu Tam Bạc để đời. Dương Bích Liên đi với họa sĩ ngoại quốc vẽ dãy phố tàu cũ kỹ, mặt biển rộng bao la hào phóng.
Năm 1983 họa sĩ Nguyễn Sáng về Hải Phòng vẽ chân dung cô bác sĩ Mạnh, lúc này cả họa sĩ và người mẫu đã sang một thế giới khác, gửi lại Hải Phòng bức lụa tuyệt đẹp (Cô bác sĩ Mạnh cũng được họa sĩ Dương Bích Liên vẽ bức chân dung bằng sơn dầu năm 1988, nay đều thuộc sở hữu của nhà sưu tập Thái Văn Hiếu, chồng cô Mạnh).
Ngoài ra họa sĩ Nguyễn Sáng từng vẽ cho Đại lý tàu biển (VOSA) bức sơn mài "Trong vườn" khổ lớn nổi tiếng. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm cũng vẽ cho Đại lý tàu biển VOSA giàu có và hiểu biết này bức sơn mài Thiếu nữ và kiến trúc cổ rất công phu. Những tác phẩm đó bây giờ đã vô giá, có nhà sưu tập tranh người Việt từng trả tới hàng trăm ngàn đô la Mỹ.

Nguyễn Sáng - Trong vườn - sơn mài (120cm x 180cm)
(Sở hữu của Đại lý tàu biển Hải Phòng)

Trở lại phòng tranh Hải Phòng, dù cách thể hiện có khác nhau, ta vẫn thấy người họa sĩ đất Cảng yêu mến thành phố của họ nồng nàn, tha thiết, những đợt sóng ngầm xao xuyến trong nhiều bức vẽ. Nhưng hội họa không chỉ ở đề tài, cái quyết định còn là phong cách, là bút pháp biểu hiện, là cách nhìn không lẫn lộn với những vùng đất khác, như một họa phái độc đáo, làm nên thương hiệu nghệ thuật như các họa sĩ Huế, họa sĩ thành phố Hồ Chí Minh hay họa sĩ Hà Nội đã cố gắng làm. Tranh họa sĩ Hải Phòng hiền, thiếu những đợt sóng mạnh mẽ thời hội nhập. Sóng biển Đồ Sơn dữ dội, hùng hồn trên mặt nước và trong lòng người hơn rất nhiều so với biển Cửa Lò, Thanh Hóa và nhiều nơi khác.
Hải Phòng đang kiến thiết thêm đại lộ, cảng biển, biệt thự sang trọng ở Cát Bà, Hòn Dấu, Đồ Sơn. Họ cuồng nhiệt với đội bóng con cưng trên chảo lửa Lạch Tray nóng bỏng, tiếng gào thét vang động, pháo hoa rực rỡ trên khán đài, lại đối xử không công bằng với những họa sĩ tài giỏi của mình. Khác với Hà Nội, họa sĩ Hải Phòng đời sống vất vả hơn, thiếu sự săn sóc, thiếu nhà triển lãm, thiếu gallery, thiếu công chúng giàu sang yêu mến, những cặp mắt của tương lai nâng đỡ để trở nên một địa chỉ tranh tin cậy với bạn bè trong và ngoài nước.
Đời họa sĩ của tôi có 10 năm tuổi trẻ sống bên dòng Tam Bạc, con thuyền và cánh buồm dậy tôi bài học vỡ lòng về những bí ẩn kì diệu của chân trời. Gần đây về thăm lại dòng Tam Bạc hoang vắng, đi cùng người họa sĩ già, ẩn sĩ Nguyễn Hà, tôi biết Hải phòng có nhiều người làm nghệ thuật như anh, đam mê, dũng cảm, cô đơn, mặc cho buồn, vui, sướng, khổ, mặc cho sóng gió nơi cửa biển cứ gào thét suốt đêm ngày.

--------------------