Mỹ thuật Hải Phòng – Đôi điều tâm sự

Quốc Thái

Tự họa - Sơn dầu của Quốc Thái

Tôi sinh ra, lớn lên ở Hải Phòng trong những năm tháng hào hùng của dân tộc, của đất nước và gắn bó với thành phố biết bao kỷ niệm khó quên. Hải Phòng xưa với ống khói Xi măng bến Sáu kho, quán Bà Mau, những Cầu Rào, Cầu Đất, Lạch Tray những cái tên thật thân thương của một thời để nhớ. Chiến tranh và  gian khổ đã qua. Nay Hải Phòng như một chàng trai vạm vỡ đầy sức sống. Hải Phòng vươn mình ra tận biển Đông với khu công nghiệp Đình Vũ, với những con đường rộng mở nhiều làn xe đi, và không thiếu những căn hộ nhiều tầng mọc lên, những tiếng cười rộn rã của buổi tan trường, của những công nhân đi vào nhà máy. Thành phố như rừng hoa khoe sắc giữa mùa xuân.
Tôi đang mải vẽ thì có bạn đến chơi. Hàn huyên hồi lâu, ông bạn tôi bảo: “Này họa sĩ Quốc Thái, ông có nhận xét gì về mỹ thuật Hải Phòng,  tôi thấy ông lúc nào cũng vẽ vẽ vời vời, về hưu rồi, chơi cho đã những ngày còn công tác!” Tôi cười  về mấy vấn đề mà bạn đưa ra, thực tình thì tôi có thể trả lời ông thế này.
Với mỹ thuật của Hải Phòng phải nói ngay rằng: Hải Phòng có một đội ngũ hoạ sĩ được đào tạo trong các trường Đại học, họ có tay nghề, cá biệt một số em đã trưởng thành, dù sống ở nơi khác cũng đã thành danh.
Hải Phòng có 2 nơi đào tạo, vun đắp, phát hiện bồi dưỡng các tài năng nghệ thuật, đó là Cung văn hoá thiếu nhi, Trường Văn hóa nghệ thuật, chính nơi đây đã góp nhân tài cho đất nước.
Vài năm gần đây, mỹ thuật Hải Phòng nở rộ như hoa mùa xuân. Trước tiên là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng- nơi hội tụ các tài năng mỹ thuật, nơi tổ chức thường xuyên các triển lãm đã giúp đỡ và tổ chức các trại sáng tác ngắn ngày, dài ngày, tài trợ cho các tác giả giúp họ hoàn thành tác phẩm của mình. Hội còn phối hợp với Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật thành phố, tổ chức các triển lãm cá nhân. Vài năm trở lại đây có một số hoạ sĩ lớn tuổi đã thành danh, họ đem tranh về Thủ đô giới thiệu với công chúng, những tranh của cá nhân, của nhóm tác giả, và họ cũng đã nhận được tình cảm nồng thắm của người xem tranh Hà Nội.
Mới đây thôi phòng tranh Giấy dó và tôi của Lê Viết Sử thực sự làm tôi xúc động. Xúc động vì nhiều lý do mà trong đó đặc biệt eo hẹp về diện tích để anh thực hiện các tranh. Một phòng tranh đã gây bất ngờ cho tôi vì rằng, lần đầu tiên ở Hải Phòng có một phòng tranh chuyên đề giấy dó có chất lượng.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, một gương mặt nghệ thuật, giới thiệu với công chúng Hải Phòng, đó là phòng tranh chân dung của Nguyễn Mạnh. Một phòng tranh mang đầy cá tính và gây được cảm tình cho giới chuyên môn. Thật là một mùa gặt bội thu, đất Hải Phòng ẩn chứa nhiều tài năng nghệ thuật, cũng tại Trung tâm Triển lãm Mỹ thuật thành phố, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật lại vừa khai mạc phòng tranh của Nguyễn Hà, Đặng Tiến. Một phòng tranh chững chạc, mỗi tác giả một phong cách, một già một trẻ, nhưng họ đều có tiếng nói chung, tranh của họ ẩn chứa những khát vọng, những thông điệp mà ít thấy ở những phòng tranh khác.
Còn như ông thấy đấy, tôi đã về nghỉ hưu,  nhưng nghề vẽ thì không có hưu, niềm vui của tôi là vẽ, tôi coi vẽ là việc làm bình thường như mọi người, ai thích trồng cây, tỉa hoa, cuốc đất, âu cũng là lẽ thường tình.
Nay tôi vẽ trong điều kiện có nhiều thời gian, đó cũng là cái mà tôi mong mỏi khi còn công tác. Vẽ  là cái nghiệp suốt đời, nghề vẽ không có điểm dừng, không có  chân trời, đòi hỏi mình luôn tự phấn đấu, gạt bỏ để tìm ra điều mình tâm đắc, mong sao góp phần làm đẹp cho đời.
Ông bạn tôi lại “lục vấn” tôi rằng hình như các hoạ sĩ Hải Phòng vẫn đau đáu với đề tài chiến tranh, một đề tài mà lớp trẻ ít quan tâm.
Tôi nói với bạn, tôi là người lính trong lực lượng vũ trang, tôi hoạt động cho tới ngày về hưu. Những tháng năm Hải Phòng chìm trong lửa đạn, những khu dân cư bị bom tàn phá, hình ảnh những người đồng đội tôi, những chiến sĩ công an quả cảm đã anh dũng hy sinh vẫn in đậm trong trái tim tôi.
Nay chiến tranh đã lùi xa, chúng ta đang xây dựng lại đất nước, nhưng không thể quên những chiến sĩ, anh hùng đã ngã xuống cho nền độc lập tự do, cho hạnh phúc hôm nay. Tôi vẽ  họ cũng chính là nhắc nhở thế hệ sau uống nước nhớ nguồn, đối với thế hệ trẻ các em ít vẽ về đề tài chiến tranh, vì các em được sống trong hoà bình, được tiếp cận với đổi mới, ít chú ý đến quá khứ, do vậy việc giáo dục là trách nhiệm của chúng ta. Tôi tin thế hệ hoạ sĩ trẻ, các em có tài, có đức, được trang bị kiến thức lịch sử xã hội nhất định sẽ là lớp người thay thế xứng đáng các lớp đàn anh đàn chị./.
Nguồn "Cửa biển"


Các bài khác: