Một cuốn sử quý về văn nghệ Hải Phòng

Hoài Khánh


"Không quyết tâm có một cuốn sách mang tính lịch sử về Hội thì thời gian cũng sẽ vùi tất cả vào quên lãng và sự hờ hững với những giá trị truyền thống tất yếu cũng sẽ đến. Lúc đó, đáng trách không phải là thế hệ mai sau mà chính là những người trước họ vì những con người này đã không hề nhắn gửi với họ những điều cần phải nói!” - Lời nói đầu đã bộc bạch điều tâm huyết của những người thực hiện nội dung cuốn sách 45 năm Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng (NXB Văn Học - 2011). Đây là ấn phẩm lịch sử văn nghệ Hải Phòng đầy ý nghĩa đối với những người hoạt động văn học nghệ thuật thành phố Cảng. Cuốn sách do nhà văn Lưu Văn Khuê biên soạn, nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng - chỉ đạo và chịu trách nhiệm nội dung.

 Nhà văn Lưu Văn Khuê

Không bó hẹp nội dung trong phạm vi 45 năm hoạt động của Hội  Liên hiệp VHNT Hải Phòng (1964 - 2009), cuốn sách còn mở rộng phạm vi nghiên cứu ngược về những năm đầu thế kỉ XX khi mảnh đất Hải Phòng lập dựng thành phố và bước sang trang mới với những điều kiện vật chất và tinh thần tạo tiền đề cho sự hình thành nền văn học nghệ thuật thời kì hiện đại. Đây cũng là cuốn sách bao quát cả một chặng đường 100 năm qua của hoạt động văn học nghệ thuật ở thành phố Cảng.

Từ việc trình bày sự ra đời của các thiết chế văn hoá những năm đầu thế kỉ XX với sự xuất hiện của báo chí, nhà in, nhà xuất bản, rạp hát, rạp chiếu bóng, sự du nhập của âm nhạc và kịch nói châu Âu, việc hình thành nền giáo dục mới…, phần thứ nhất của cuốn sách ghi lại khá kĩ sự hình thành một tầng lớp trí thức mới - thành phần không thể thiếu trong sự phát triển văn học nghệ thuật, làm xuất hiện những văn nghệ sĩ đất Cảng tài danh, như: Khái Hưng, Thế Lữ, Vi Huyền Đắc, Nguyên Hồng, Lê Thương, Văn Cao, Đỗ Nhuận… Tiếp đấy là những trang về các văn nghệ sĩ Hải Phòng trong Cách mạng tháng Tám và thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Mở đầu phần thứ hai của cuốn sách nêu lên tình hình văn nghệ Hải Phòng những năm đầu hoà bình lập lại: Một thành phố từng sản sinh nhiều văn nghệ sĩ hàng đầu cả nước bỗng rơi vào khoảng trống, vì từ vùng kháng chiến trở về nay tất cả đều dừng chân ở lại Thủ đô Hà Nội. Chỉ có nhạc sĩ Trần Hoàn tuy không sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, nhưng được điều về thành phố Cảng để phụ trách ngành văn hoá. Hải Phòng phải gây dựng lại đội ngũ văn nghệ sĩ của mình và 7 năm sau ngày thành phố được giải phóng, tháng 7-1962, mới ra đời được Ban vận động thành lập Chi hội VHNT và một năm rưỡi sau, Đại hội lần thứ nhất của Hội mới được tiến hành. Ngày 15-1-1964, Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng đã ra quyết định cho Chi hội VHNT được phép hoạt động. Ngày này được lấy làm ngày thành lập Hội. Hải Phòng trở thành nơi thứ ba ở miền Bắc ra đời được tổ chức của những người hoạt động văn học nghệ thuật, sau Việt Bắc và Quảng Bình - Vĩnh Linh. Tiếp đó, cuốn sách dành gần 200 trang, chiếm dung lượng lớn nhất, để trình bày lần lượt quá trình 45 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng, qua 6 nhiệm kì hoạt động. Cuốn sách ghi lại từ tiến trình và kết quả các kỳ đại hội, đến tình hình nhân sự, công tác xuất bản, hoạt động của các chuyên ngành và những vấn đề có liên quan. Với nội dung phong phú và những số liệu cụ thể, cuốn sách giúp người đọc hình dung quá trình lớn mạnh của Hội, từ chỗ ban đầu chỉ có 5 ngành (văn học, âm nhạc, hội hoạ, nhiếp ảnh, sân khấu) với 79 hội viên đầu tiên, đến cuối năm 2009 đã có 9 chuyên ngành với gần 500 hội viên (không kể khoảng 200 hội viên đã qua đời hoặc chuyển đi nơi khác). Về chât lượng đội ngũ, từ chỗ chỉ có nhà văn Nguyên Hồng, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Nguyễn Viết Lãm, sau 45 năm, đã có 204 người là hội viên các hội chuyên ngành Trung ương. Số giải thưởng giành được cũng rất lớn. 45 năm qua, các thế hệ văn nghệ sĩ Hải Phòng, từ lớp cha anh đã thành danh trước năm 1945 và trong kháng chiến chống Pháp, đến thế hệ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ và ngày nay là thế hệ sinh ra và lớn lên đưới chế độ xã hội chủ nghĩa đã nối tiếp nhau, bằng tâm huyết và các tác phẩm nghệ thuật đã khắc hoạ một Hải Phòng hào hùng, sinh động với những nhân vật đầy cá tính và những hình tượng nghệ thuật giàu sức sáng tạo, phản ánh vóc dáng của một thành phố đầu sóng ngọn gió vùng cửa biển trung dũng và quyết thắng, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của thành phố và cả nước. Không đơn thuần khẳng định thành tích thành tựu, cũng không đơn giản hoá vấn đề, cuốn sách còn “bộc bạch cả những non yếu, ngây thơ, kém cỏi, cứng nhắc một thời” trong quá trình hoạt động của Hội, trên tinh thần “tìm nguyên nhân, rút ra bài học” để “mong sao thế hệ sau đừng vấp phải”, như từ chuyện tập sáng tác Cửa Biển mấy lần không được đánh số, mấy lần ban biên tập suýt bị kỉ luật, chuyện câu thơ hay bị đánh giá là biểu hiện tâm lí run sợ, đến chuyện cơ quan văn phòng Hội bị lừa chiếm dụng đất đai…
Phần thứ ba của cuốn sách  tập hợp 7 hồi ức và bài viết của Lê Đại Thanh, Nguyên Hồng, TrầnHoàn, Nguyễn Viết Lãm, Vân Long, Chu Văn Mười cùng những tư liệu về các đầu sách do Hội đã xuất bản, về Giải thưởng Hoa phượng đỏ, Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm, Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hải Phòng.
Nói như ai đó viết sử vốn là “đi tìm thời gian đã mất”, nhưng ở cuốn sách 45 năm Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, nhà văn Lưu Văn Khuê - người duy nhất biên soạn cuốn sách - đã thể hiện rõ cái nhìn của một nhà văn nhiều trải nghiệm, ý thức được tầm quan trọng của từng chi tiết trong văn chương, vận dụng hiệu quả thói quen ghi chép và sự tích luỹ tư liệu, đã làm nên sự độc đáo trong cách thể hiện, nên nội dung cuốn sách không hề bị khô khan hay khuôn cứng với những sự kiện, con số và nhận định. Thật thú vị là, những chỗ đóng vai trò chú thích ngỡ là phần phụ trong cuốn sách này, nhưng chúng lại mang đến những điều bổ ích cho người đọc và góp phần đáng kể làm cho nội dung cuốn sách thêm phong phú. Chẳng hạn, chuyện có thời do khan hiếm giấy in mà có những tờ báo chỉ cho in ra vài chục tờ cho khỏi đứt số, hoặc phải in gộp vài số lại làm một, ngay Cửa Biển cũng có lúc in khổ nhỏ như khổ sách thông thường, chuyện một loạt Hội VHNT từ Trung ương đến địa phương trong những năm 1960 - 1980 kéo dài nhiệm kì công tác,như nhiệm kỳ II của Hội Văn nghệ Hải Phòng kéo dài đến 15 năm; chuyện ca khúc Thành phố Hoa phượng đỏ khi mới ra đời đã bị phê phán là nhạc phẩm ủy mị; rồi chuyện có thời gian cán bộ cơ quan Hội từng không được cấp lương do Hội Văn nghệ chỉ được coi là hội nghề nghiệp nên không được hưởng Ngân sách, v.v…
Bằng sự nghiên cứu nghiêm túc, thận trọng, công phu, mọi lí lẽ và dẫn chứng đều có sở cứ, chẳng hạn như để khẳng định ngày tiến hành Đại hội lần thứ nhất đầu năm 1964 mà ngay cả người chủ chốt trong việc này là nhạc sĩ Trần Hoàn cũng nhớ nhầm, người soạn sách phải đưa ra rất nhiều bằng chứng thuyết phục, đồng thời cũng nêu rõ lí do về những gì chưa thể khẳng định chính xác
Hiện nay, sách công bố tác phẩm thì nhiều, nhất là từ khi Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các tác giả có thêm điều kiện ra sách, nhưng sách về hoạt động văn học nghệ thuật thì quá hiếm. Cuốn sách 45 năm Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng là trường hợp duy nhất từ trước tới nay ở Hải Phòng và không phải địa phương nào cũng thực hiện được như vậy. Với 360 trang, cuốn sách bổ ích này góp phần tăng thêm niềm tự hào về tổ chức của những người làm công việc sáng tạo cũng như quá trình xây dựng và phát triển của thành phố trên hành trình đi lên và đổi mới của đất nước; giúp văn nghệ sĩ đề cao hơn nữa tinh thần nhân văn và trách nhiệm đối với xã hội. Cuốn sách không chỉ là cuốn sử và những câu chuyện về văn học nghệ thuật Hải Phòng mà còn là một lời nhắn gửi của cả một đội ngũ văn nghệ sĩ đât Cảng hôm nay.
----------