Thị trường mỹ thuật Việt Nam: "Gậy ông đập lưng cháu ông"

21/4/2013

Văn Bảy
Hai ba thập niên trước, quốc tế quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam vì 3 lý do chính: tò mò; bổ khuyết sưu tập; và: giá rẻ. Nhưng nay quốc tế hết ưu tiên mua tranh Việt mà chuyển sang mua tác phẩm từ những nước có nhiều tương lai hơn như Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Philippines…
Theo kinh nghiệm và lịch sử hội họa của thế giới, nếu không xây dựng được thị trường nội địa, không chỉ nghệ thuật bị chảy máu, mà còn tiềm tàng nguy cơ bị “nô lệ” về xu hướng nghệ thuật và bản lĩnh thẩm mỹ.

Tô Ngọc Vân - Thợ thêu - lụa, (68cm x 68 cm) 1932
Một tác phẩm thuộc diện hiếm hoi và có giá trị cao nay thuộc sưu tập riêng, chỉ được nhìn thấy qua một triển lãm vừa diễn ra tại Paris.

Vắng bóng tại các phiên đấu giá

Đầu thập niên 1990, tại nhiều phiên đấu giá quốc tế của Sotheby’s, Christie’s…, tới những phiên đấu giá tranh khu vực Đông Nam Á, tranh Việt được xem như thứ hương xa (exotic) khó bỏ qua, dư vị này kéo dài cho đến những năm 2006-2009. Nhưng mấy năm gần đây thì biến mất. Sotheby’s, Christie’s gần như “khóa trái cửa” với tranh Việt Nam, lý do chính là vì họ không còn nhà tuyển chọn, hoặc còn mà họ không dám tin cậy. Bởi có vài tên tuổi như vậy đã bị các phòng tranh, nhà môi giới và cả họa sĩ Việt Nam mua chuộc, khiến trong phòng đấu giá xuất hiện không ít tác phẩm kém chất lượng, hoặc giả, hoặc nhái.

Một nhà đấu giá đang lên, Larasati (đặt văn phòng chính ở Singapore) từng rất mặn mà với tranh Việt, có vài phiên đấu đã chọn họa sĩ Việt làm tiêu điểm. Thế nhưng 2-3 năm trở lại đây, nhà này cũng bắt đầu lơ, vì luôn “có những phàn nàn phía sau về chất lượng tác phẩm làm chúng tôi phải e dè và cẩn trọng hơn” (đại diện Larasati). Hơn nữa, với cơ chế công khai “mời ký gửi tác phẩm và tự chịu về bản quyền, tính độc bản” mà Larasati đã không nhận được những hưởng ứng nhiệt tình từ các phòng tranh, các nhà môi giới và cả các họa sĩ Việt Nam. Sở dĩ có “quy định” này vì trước đây, do quá tin vào chuyên gia thẩm định và tiến cử, nên trong nhiều vựng tập đấu giá của Sotheby’s, Christie’s… đã bị tình trạng “tranh độn” làm cho khốn đốn. Mục đích của những người “độn” tranh, không phải là để bán ngay trong phiên đấu đó, mà là qua thời gian, vựng tập đó thành cơ sở khả tín để những tác phẩm giả, nhái thành đáng tin, nâng được giá bán, lừa được các nhà sưu tập tay mơ, mới vào nghề.

Nhìn quanh khu vực Đông Nam Á, tranh Việt từng có vị thế đáng trân trọng, thế mà 3-4 năm gần đây, thứ bậc của Việt Nam đã dần nhường cho Thái Lan, Myanmar, Phillippines. Các nhà đấu giá đã mở đại lý chính thức của mình ở các nước này, trong khi ý định ấy manh nha ở Việt Nam từ trước năm 2000 nhưng tới nay vẫn là con số 0. 

Phá giá nên khó nâng giá

Trong sơ đồ mỹ thuật Đông Dương và Đông Nam Á, mỹ thuật Việt Nam chẳng thiếu tiếng nói đặc sắc, thế nhưng luôn thiếu địa vị cao. Lý do của điều này đã được lý giải rất nhiều, chung quy là thiếu thị trường nội địa lành mạnh, thiếu nền nghiên cứu và phê bình đúng tầm vóc, thiếu chiến lược tiếp thị cấp độ quốc gia. Tại đây, chỉ xin đề cập thêm một khía cạnh khác, đó là tự phá giá, không chỉ ở khía cạnh tiền bạc, mà còn ở khả năng giữ danh tiếng và niềm tin của khách hàng.

Nhìn ra khu vực Đông Nam Á, những bộ tứ như “Trí Lân Vân Cẩn”, “Phổ Thứ Lựu Đàm”, “Nghiêm Liên Sáng Phái”… thuộc diện khó gặp trong lịch sử mỹ thuật hiện đại của một quốc gia; đó là chưa nói đến nhiều tên tuổi thời kỳ đầu (mỹ thuật Việt Nam hiện đại) như Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tiến Chung, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Tạ Tỵ, Tôn Thất Đào...

Mai Trung Thứ - Du dương - lụa, (34,5cm x 19 cm), 1956
Tác phẩm này cũng chỉ được nhìn thấy qua một triển lãm vừa diễn ra tại Paris.

Thế nhưng, nếu nhìn về giá tranh từng bậc thầy thì ngoài Nguyễn Gia Trí (gần như hết giao dịch vì đã hết tác phẩm), chỉ còn mỗi Lê Phổ là trụ được trên thị trường quốc tế, các tên tuổi khác ít khi “có mặt”. Với bộ tứ “Phổ Thứ Lựu Đàm”, tác phẩm của Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm dù rất giá trị, phần nhiều tránh được nạn tranh giả, tranh nhái, nhưng đã “yên phận” trong sưu tập, thị trường gần như hết cơ hội để giao dịch.

Giữa thập niên 1980, khi hai bộ tứ “Trí Lân Vân Cẩn”, “Nghiêm Liên Sáng Phái” được quốc tế tìm kiếm, thông qua con đường ngoại giao, rồi các phiên đấu giá… thì gần như lập tức, tình trạng tranh giả, nhất là tranh chép, tranh nhái tác phẩm của các tác giả này xuất hiện tràn lan và ngày càng tinh vi. Sau khi các nhà nghiên cứu mỹ thuật vào cuộc, dần làm rõ quá trình sáng tác và số lượng tác phẩm khá khiêm tốn của từng danh họa, lúc ấy thị trường bắt đầu khựng lại khi thấy rõ sự chênh lệch về số lượng giữa tác phẩm thật và tác phẩm đang được mua bán. Đơn cử, qua con đường quà tặng ngoại giao, các bức tranh chép có ký tên Nguyễn Phan Chánh đến nay là một bi kịch, khi mà trên thị trường có vô số bức giống nhau, ngay cả vài bức gốc cũng đã bị đánh tráo. Qua con đường môi giới, tranh của Bùi Xuân Phái còn thảm nạn hơn khi số tranh giả gấp nhiều lần tranh thật! 

Hòa vào không khí “phấn khởi” và “khát” tranh Việt từ đầu thập niên 1990, thế hệ họa sĩ 4X, 5X và 6X (đặc biệt tại Hà Nội) đã mau chóng chen chân được vào thị trường, nhiều người giàu có nhờ bán tranh. Một tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, như nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, tác phẩm của những họa sĩ này chỉ quanh quẩn với những gì “bán được”, ít người dám vươn đến khu vực “sẽ bán được”, chứ chưa nói quyết tâm “vẽ cho mình”. Các phòng tranh thì nhanh chân đặt hàng các họa sĩ trẻ, các sinh viên vẽ “giông giống”, thậm chí làm phiên bản và chép ồ ạt tác phẩm của những họa sĩ bán được !? Đó là chưa nói tình trạng làm giá và phá giá vô tội vạ đã khiến cho tranh Việt đánh mất cơ sở định giá. Việc mỹ thuật Việt có hàng chục danh họa thời kỳ đầu được quốc tế “biết mặt, đặt tên”, vậy mà chưa một tác phẩm nào đạt giá 1 triệu USD thì quả là đáng tiếc. Đắt giá nhất, danh họa Lê Phổ cũng chỉ mới leo lên đến gần nửa triệu USD, trong khi các danh họa cùng thế hệ của ông như Raden Saleh, Affandi, Hendra Gunawan, S.Sudjojono… thì đã hàng triệu, có bức lên đến 4-5 triệu USD. Ngay cả một họa sĩ trẻ như I.Nyoman Masriadi (sinh 1973, Indonesia) cũng đã có 5-7 tác phẩm đạt giá triệu USD.

Thiếu thị trường nội địa

Trong khoảng 10 năm gần đây, sở dĩ tranh Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc… làm mưa làm gió được trên thị trường quốc tế, vì thị trường nội địa của họ đã mạnh mẽ. Singapore, Thái Lan và gần đây Malaysia… cũng đã định hình về thị trường nội địa, như Art Expo Malaysia 2012 vừa rồi, dù có nhiều nước tham dự, gần như “người Mã Lai mua tranh Mã Lai”. Điều này cũng từng được minh chứng qua thị trường Mỹ, Nhật Bản, Nga… hồi đầu và giữa thế kỷ 20.

Nếu tính từ bức Bình văn của họa sĩ Lê Huy Miến (sáng tác khoảng từ 1898 tới 1905) nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã hơn 100 năm tuổi, hiện có hàng ngàn họa sĩ sáng tác, vậy mà chẳng lập nổi một thị trường nội địa. Thị trường này không chỉ để mua bán tác phẩm, mà còn tiến tới việc thẩm định, định giá, làm giá, giữ giá… tác phẩm. Hơn nữa, mỹ thuật là hàng hóa siêu xa xỉ, thế mà người Việt không mua tranh Việt, thì làm sao kích hoạt nhu cầu và niềm tin từ khách quốc tế?

Khi không có thị trường nội địa, việc ngấm ngầm hay công khai chảy máu nghệ thuật khó tránh khỏi. Phần lớn tác phẩm tiêu biểu của những bộ tứ kể trên, hay các tên tuổi có thị trường khác qua các thế hệ, mà gần đây là 7X, 8X…, đang không nằm ở Việt Nam. Chính vì vậy, mà sự ế ẩm và cái chết của thị trường tranh Việt hiện nay là điều đã được báo trước, đúng như câu thành ngữ cải biên: gậy ông “đập lưng” cháu ông.


Nô lệ trên thị trường mỹ thuật

Chưa cần nói đến những cường quốc văn hóa như Nhật Bản, Liên bang Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… đã phải bỏ rất nhiều tiền để sưu tập lại tác phẩm của nước mình, mà trước đó đã bị bán đi ào ạt. Các nước nhỏ hơn như Pakistan, Colombia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia… cũng đã làm như vậy. Điều này phần nào cắt nghĩa tại sao thế hệ họa sĩ 6x, 7x của Indonesia đã có vài người đạt tới tầm “họa sĩ triệu đô”. I Nyoman Masriadi (1973, Indonesia), người mà cách đây khoảng 5 năm, giá tranh trung bình vào khoảng 20 ngàn USD, nhưng do “sự ưu chuộng” và sự tự “làm giá/ nâng giá” của thị trường nội địa, hiện nay giá trung bình vào khoảng 300 ngàn USD, gấp 15 lần - vài bức vượt qua 1 triệu USD tại các phiên đấu giá quốc tế.

Tác phẩm Mấy phụ nữ ngồi quanh đống lửa (sơn dầu trên bố, 54x74cm, 1957) của Tạ Tỵ (1921-2004) từng được rao bán với giá khởi điểm 7.000 euro nhưng không có người Việt lộ danh tính nào mua. Xét về lịch sử hội họa Việt Nam, tác phẩm này rất quan trọng, là một trong những chứng cứ cho thấy kỹ thuật trừu tượng đã được sử dụng vào cuối thập niên 1950.

“Có vẻ như thị trường nghệ thuật hiện tại ở Việt Nam vẫn chủ yếu hướng tới khách hàng nước ngoài và những nhà sưu tập riêng lẻ. Một vài trong số những người nước ngoài đang sưu tập một cách cực đoan, nhưng hầu hết người mua chỉ tìm kiếm để trang trí các bức tường của họ. Những nhà sưu tập cực đoan và nghiêm trọng này sẽ tạo thành những nhóm độc quyền, sẽ làm hạn chế, bóp méo sức sống của thị trường nội địa”, nhà kinh doanh nghệ thuật Jorn Middelborg - chủ phòng tranh Thavibu, Bangkok, Thái Lan, cho biết.

Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp từng tâm sự: “Việc xây dựng một thị trường tranh nội địa cũng là một vấn đề nhức nhối, bởi muốn nghệ thuật phát triển thì cần phải có sự quan tâm của chính người dân bản địa, vì chính họ là tác nhân quan trọng để giữ gìn và quảng bá nghệ thuật của người Việt. Việc không có thị trường nội địa sẽ làm chậm sự công nhận ở quốc tế đối với nghệ thuật Việt Nam”.

Gần đây nhiều ý kiến cho rằng không ít người trong giới họa sĩ trẻ Việt Nam nhái ý tưởng, thậm chí sao chép bố cục, cách dùng màu… của trào lưu pop art, của các họa sĩ Trung Quốc, Indonesia… Thật ra thì việc sao chép (tự thân và lai tạo) đã có từ thời mới diễn ra việc mua bán tác phẩm, có vài họa sĩ phất lên do bán tranh. Tại sao có điều này? Đơn giản thôi, vì chưa có thị trường nội địa và còn lâu mới có thị hiếu nội địa để kiềm giữ, “định hướng”, nên hội họa trong nước bị lệ thuộc xu hướng hay phong cách nước ngoài, cũng là điều đương nhiên. Vì không vẽ giống thiên hạ, sợ không bán được, nên chấp nhận “nô lệ” về nhiều mặt. Chính sự lệ thuộc và nô lệ này cũng là nguồn cơn của nạn tranh chép, tranh giả tràn lan.

Bán đi, mua về…

“Việc mở các phòng tranh ở nước ngoài, qua đó các tác phẩm mỹ thuật Việt Nam được quốc tế đánh giá khách quan, tích cực, sẽ là một cú hích với thị trường nội địa. Thị trường tranh Trung Quốc trước đây cũng chưa được đánh thức, và những người đánh thức chính là từ hải ngoại. Điều ấy cũng xảy ra ở Ấn Độ, Pakistan hoặc Colombia... Tôi hi vọng với Việt Nam cũng vậy”, trong một bài phỏng vấn, ông Ngô Tấn Trọng Nghĩa (chủ phòng tranh Apricot) trả lời.

Việc bức Chiều tà (sơn dầu, 35x46cm, 1915) của vua Hàm Nghi được bán với giá phải chăng nhưng không được một danh tính công khai nào ở Việt Nam mua có thể xem là một minh chứng cho sự thiếu thị trường nội địa.


“Tôi chỉ hơi băn khoăn, xót xa nếu mình bán hết tranh đẹp ra nước ngoài thì sau này muốn tìm xem lại, thật khó khăn và tốn kém. Chứ việc người nước ngoài chiếm đa số thị phần về thị trường nghệ thuật Việt Nam, có khi, cũng là điều tốt. Vì nếu họ không thích, không mua mình từ mấy thập niên qua, tôi e rằng, diện mạo mỹ thuật chúng ta hiện nay đã khác, vẽ để tuyên truyền thì đã mệt mỏi, mà vẽ để cho mình hoặc hướng ra nước ngoài thì không có nhiều cơ hội. Bằng chứng nhiều nước vẫn còn đóng cửa với thế giới về nghệ thuật, không phải do họ bảo thủ, mà do nước ngoài không dòm ngó đến. Mua bán là một chất xúc tác quan trọng. Cho nên, trong một quy luật có tính xoay chiều, mình chịu ảnh hưởng của thiên hạ về cách vẽ, thì thiên hạ cũng ảnh hưởng mình trong cách mua”, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn nhận định.

Ông Jorn Middelborg thì phân tích: “Điều gì cũng cần có thói quen, mua bán nghệ thuật cũng thế. Khi những người nước ngoài mua hoài tranh của một nước nào đó, những người có điều kiện ở nước đó chắc chắn sẽ tò mò, thắc mắc. Khi họ được trả lời rằng tranh không chỉ để trang trí, treo tường, mà còn là sự đầu tư về tài chính có tương lai, thì họ sẽ mua. Người có quan tâm đến nghệ thuật thường có xu hướng thu thập tác phẩm của nghệ sĩ nước mình, tôi tin điều này đang và sẽ xảy ra ở Việt Nam. Nó có thể cần thêm một thời gian nữa, trước khi thị trường nghệ thuật nội địa phát triển đầy đủ”.

Tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) thường được sao chép khá nhiều, đến mức khó phân biệt thật giả. Cho nên tác phẩm Chơi ô ăn quan (bột màu và mực in trên lụa, 54,5x43cm, 1931) khi lên sàn chỉ có giá khởi điểm 6.000 euro, kết quả bán được 72.000 euro, thấp hơn giá “lưu truyền” ở trong nước.

Trong khi chờ ngày ló dạng của thị trường nội địa, có một nguy cơ rất lớn rằng nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam sẽ không còn tác phẩm hiện đại. Vì đến nay, qua sự ta thán của nhiều nhà môi giới, cho thấy phần lớn tranh có tuổi đời từ năm 1975 trở về trước đã thuộc các bộ sưu tập ở nước ngoài. Phần còn lại thuộc các nhà sưu tập cực đoan, nghĩa là thấy gì cũng mua, mà không bán; một phần thuộc các bảo tàng. Những tác phẩm còn lưu thông, phần nhiều thuộc nhóm tác phẩm giả như thật; hoặc khó xác minh thật giả; hoặc không tiêu biểu. Riêng mỹ thuật đương đại, như đã nói, thì quá nhiều lai căng, khó phân biệt biên giới.

Một thực tế nữa là khi không có thị trường nội địa và các định chế văn hóa, định chế tài chính rõ ràng thì rất khó để nâng giá tác phẩm nội địa. Ban đầu, có những ý kiến cho rằng giá thấp thì có lợi cho người mua, nhưng xét lại, giá thấp có mấy cái hại: 1) những tác phẩm quan trọng khi rao bán đã dễ dàng tìm được người mua ở nước ngoài, nên tác phẩm đẹp đã “chảy máu” gần hết; 2) chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng 10 năm, từ khoảng 1985 cho đến 1995), “ngân sách” tác phẩm thời kỳ đầu (tạm tính từ 1975 trở về trước) không còn nhiều, mà tiền thu về chẳng bao nhiêu, nên đâm ra làm nhái, làm giả; 3) ngay các bậc thầy còn sống thời đó, dù bán tranh được, nhưng cũng không đủ cho một đời sống tương đối thong thả, chứ đừng nói giàu, nên bản thân cũng khó giữ được tác phẩm và phẩm hạnh, thành ra thỏa hiệp nhiều thứ; 4) khi quá khứ bán tranh (có nhiều tranh giả) với giá rẻ, thì tương lai, như thế đánh “mã hồi thương”, các thế hệ hậu bối muốn sở hữu lại tranh của cha ông, dù trả một số tiền cao hơn, nhưng thường nhận về tranh giả với giấy chứng nhận “thật” do chính người bán thời trước làm ra. Đúng là há miệng mắc quai.
-------------

3 nhận xét:

  1. Mỹ thuật Việt nam rất tuyệt vời, nhưng nếu không xây dựng được thị trường thì không thể vươn ra thế giới được

    Trả lờiXóa
  2. Phải có một giải pháp tổng thể để đưa Mỹ thuật Việt Nam lên tầm cao mới

    Trả lờiXóa

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!