Vũ Lâm
Mỗi một nghệ thuật có một “trình thức” để xem, nghe, giống như chìa khóa, mã số, tấm vé qua cửa, để vào thế giới ấy. Nếu có nhiều tấm vé, nhiều chìa, thuộc nhiều mã số, ta sẽ vào được nhiều thế giới, nới rộng biên độ tâm hồn của ta lên, sống “gấp” lên nhiều vốn thời-không (gian) trong một cuộc đời. Nói nôm na là sướng hơn thằng khác (vặn vẹo mình để có nhiều tiền một cách không phù hợp với công sức và trí tuệ, thì cũng có nuốt được số tiền ấy để mà bất tử được đâu. Và tiền thì có thể là tấm vé đi được rất nhiều cửa, nhưng không phải tất cả mọi cánh cửa. Nhất là cánh cửa nghệ thuật thì càng khó).
Nhưng muốn thế thì có lẽ điều kiện cần và đủ đầu tiên là phải vứt bỏ cái tôi phình chướng và kiến văn (dù đọc linh tinh nhiều đến mức nào) vẫn là hữu hạn của mình đi. Là phẳng lòng mình lại, lắng nghe và nhìn ngắm trân trọng nâng niu đời sống một cách khiêm cung. Đó mới chỉ là điều kiện tiên quyết để có được chìa.
1. Lạc vào Mỹ thuật
Tôi gần như bị lạc vào học trường Mỹ thuật, cũng từ một ý thích ngẫu nhiên mà thành sinh viên, học khoa Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật. Mới đầu thấy tự do khoái trá vì được học về những thứ vui vui mà ở các vùng quê chẳng bao giờ lấy làm quan trọng. Mấy tấm vải căng lên khung gỗ treo tường, một vài cục thù lù để trong nhà hay ngoài vườn, thế mà cãi nhau chí chết, trông cứ như đùa vậy mà ra tiền to thật hoặc xô xát ẩu đả vì đó cũng là thật. Bởi vì muốn tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật thế giới có hình ảnh minh họa, mà lại ít sách tiếng Việt, thì ngoài việc nghe giảng của một số ít thầy giỏi trong trường, xem ké những phiên bản sách của các đàn anh trong ký túc, tôi còn hay chuồn lên thư viện Alliance Francaise (khi đó thuê một góc trường 42 Yết Kiêu làm trung tâm) để xem sách tranh và lúc rảnh thì đọc Lucky Luke giải trí. Khi đó, đây là một thư viện có ánh sáng rất dễ chịu, thảm sạch, và những người thủ thư cũng rất dễ chịu, thường mở cửa sau 9h sáng (quân sinh viên Việt ta thường rút sách trên giá xong đọc rồi không nhét lại chỗ cũ mà lười bỏ lộn xộn. Hoặc tệ nữa là cố tình nhét ô khác để giấu sách, không cho thằng khác tìm thấy đọc. Thủ thư mỗi buổi sáng phải mất cả tiếng đồng hồ để sắp xếp lại).
Với các tranh phiên bản trong sách, gặp kẻ mới nứt mắt trong nghề học mỹ thuật như tôi, thường thì thích xem ngay tranh sơn dầu từ Phục Hưng trở đi, bởi vì chúng hiện thực và cổ điển, mỗi tranh thường vẽ theo tích thần thoại Hy Lạp hoặc Gia-tô giáo. Đó là cách xem tranh bằng văn học và lịch sử, có thể so sánh một tích truyện có nhiều tác giả vẽ khác nhau, thì thấy ai vẽ hay hơn.
Đó là xem và học qua phiên bản, còn mới bắt đầu xem tranh thật, với vị trí nhìn như người ngoại ngạch thì thích tranh lụa, vì nó mờ ảo nịnh mắt (sắc độ tổng thể của mầu tranh lụa chỉ bằng khoảng 50% tranh sơn dầu). Sau tranh sơn dầu cổ điển châu Âu, thì học đến đâu được nghe giảng biết xem, thích tranh hiện đại hơn đến đó. Tiến tới Tân cổ điển, Ấn tượng, Hậu Ấn tượng, Lập thể, Dã thú, Siêu thực, rồi Trừu tượng, Biểu hiện, Cực thực… vân vân và vân vân. Mỹ thuật Trung Hoa và Ấn Độ, và các nền văn minh khác nữa, thì không được học kỹ lắm, giáo trình cũng sơ sài.
Sau 5 năm học ở trường, tới lúc ra trường, tôi cho rằng đến lúc đó mình mới hơi biết xem tranh thật (tranh thật, bản gốc chứ không phải xem qua phiên bản), nhưng cái biết này mới chỉ là thấm đến đầu, chưa ngấm sâu hơn xuống dưới. Cái tranh cũng mới chỉ nhìn trên bề mặt tranh, chứ không thấy được những thứ đằng sau nó hay chân dung, trạng thái người vẽ ra nó.
Ra trường, đối mặt với việc tìm chỗ làm để kiếm sống, sau vài năm giữ ý định đi làm giáo viên mỹ thuật, thì thất bại, đành theo hẳn nghiệp làm báo. Thế nhưng, những kiến văn từ đời sống thâu thập qua việc làm báo lại “bổ” và “cứu” rất nhiều cho kiến thức thị giác của riêng tôi. Nghề báo là một nghề có cớ để lang bạt kỳ hồ, buộc phải đánh chịn nhiều nơi nhiều chỗ, cất cái bản thân cá nhân mình đi, dương ăng-ten lên mọi lúc mọi nẻo, lắng nghe tiếng đời. Nghệ thuật phát xuất từ hỉ nộ ái ố nhiều tầng bậc của đời sống và thời cuộc, là những thái độ nhân sinh kết nọc, đông tụ lại thành văn hóa. Không thấu trải qua rồi, có kinh nghiệm sống lồng vào kinh nghiệm thị giác thì khó mà nhìn thấy được.
2. Xem tranh bằng bụng
Con mắt, trong đời sống được người dạy nghệ thuật học ví như một bàn tay kéo dài. Và cơ sở của nghệ thuật tạo hình (hay bây giờ gọi tổng thể là nghệ thuật thị giác) xây dựng trên nền tảng đến 70 – 85% thông tin thâu nhập từ bên ngoài vào bên trong con người qua… hai hột nhãn. Nhưng bây giờ, tôi thấy ngoài chuyện nó là “bàn tay kéo dài”, nó còn là cái lưỡi kéo dài, cái mũi kéo dài nữa. Cánh ấu nhi sơ sinh một hai tuổi, các “cụ non” này thường khám phá thế giới bằng miệng, mũi chứ chưa đến lượt mắt, bởi những giác quan này nó “direct” và không lừa được. Mắt có thể bị lừa (lừa mắt) nhưng mũi, miệng rất khó bị lừa. Ai có con nhỏ thì đều biết là, mới đẻ ra, phản xạ đầu tiên khi đến với thế giới là khóc-thở, sau đó là phản xạ bú mút (dùng mũi miệng, lưỡi cả). Bọn trẻ con khi mới mọc răng thường tống tất cả những thứ chúng có thể vớ được vào mồm để… thám phá.
Hội họa là một bữa tiệc dành cho mắt, cũng bởi vì nó liên quan nhiều đến vị giác và đồ ăn qua đường miệng. Thống kê các từ chỉ mầu-sắc mà giáo viên và sinh viên trong trường mỹ thuật hay dùng để khen chê bình luận trong các bài tập sắc mầu (trang trí hay hình họa mầu, hình họa đen trắng), tôi thấy đều liên quan đến vị giác, tức đến mồm, đến đường ăn vào bụng cả: chín- sượng (mầu này chín, mầu này còn sượng; chỗ than này (vẽ hình họa bằng than xoan) miết chín rồi đấy…); rợ, chua, khét, khê, cháy, đắng-ngọt, ngon-lợm, lợ-chát, ngon-không ngon.
Tôi nghe có một nghiên cứu khoa học cho rằng trong nội tạng con người (hay động vật có vú, 7 đốt sống cổ nói chung) hình như có một hệ thần kinh thứ cấp sau não bộ. Hệ thần kinh trong bụng có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh trên não bộ. Những người đau dạ dày đều biết điều này: suy nghĩ một cái là đau dạ dày ngay lập tức. Hoặc khi chúng ta nhớ ai, lo lắng, hay chờ đợi điều gì, bụng dạ đều nao nao hoặc đau quặn lên.
Tôi không biết cái “não trong bụng” nó liên quan đến não-óc trong cái “sỏ” của ta thế nào. Nhưng hai thằng này là hai anh em ruột thịt thì chắc rồi, có gì gay go là chúng nó báo ngầm cho nhau biết cả. Xem hội họa, hay nhìn ngắm những điều mang vẻ đẹp trong thế giới tự nhiên là một cách thưởng thức tương tự như ăn vào bụng, nhưng qua đường mắt. Hai cái não trên và não dưới này nó tương hỗ qua lại thường xuyên. Ta thấy mùi ngon, mầu đẹp của món ăn thì dạ dày sôi lên, nước bọt ứa ra. Còn ngửi thối, thấy cảnh hoặc vật kinh tởm, kinh hoàng thì ta buồn nôn, muốn ói, hoặc đau bụng. Con mắt của họa sĩ, hay người làm nghề mỹ thuật không nhiều nơ-ron thần kinh thị giác hơn người bình thường, có họa sĩ giỏi còn bị mù mầu hay bị điếc nữa cơ. Nhưng việc huy động dùng đến nó nhiều hơn người bình thường, và những tín hiệu thị giác, kinh nghiệm thị giác, kho hình ảnh quá khứ lưu trữ được huy động qua lại triệt để hơn với đối tượng tiếp xúc trực tiếp trước mắt. Do đó con mắt của họ cũng nhạy cảm hơn người thường trước các đối vật thị giác, là điều tất nhiên. Và thằng “não dưới” sẽ chịu trận ngay lập tức nếu thằng “não trên” ăn món gì đó qua mắt mà chôi chối không xơi nổi.
Xem tranh đẹp, tranh hay cũng quặn nôn nao cả bụng, bồi hồi hết cả người đờ đẫn ra phải chửi bậy một câu mới hết. Nhưng đó là kiểu quặn khác, không nguy hiểm. Xem hội họa kém, xấu, hoặc giả dối lòe bịp hoặc thấy được người vẽ tư cách kém, thì rất bực, như ăn phải đồ hỏng, thiu, không xơi được. Nhưng thói đời thường xuôi ngược là thế, có thứ thì “xanh vỏ, đỏ lòng”, nhưng ngược lại có thứ thì “đỏ vỏ, xanh lòng”. Có những loại tranh xem nghịch mắt, hoặc quá giản dị, nhưng cảm giác nó gây ra từ bên trong, đằng sau nó, thấy được những tâm hồn thực sự, hoặc những hạt ngọc thắm thiết. Có những thứ bày ra rất nịnh bợ vuốt ve mơn trớn con mắt, nhưng thực sự ý đồ bên trong lại là phường lừa đảo bịp bợm. Người thường xem thứ nghịch mắt, không quen mắt bỏ đi ngay. Người có luyện mắt rồi thì mới xem được, giống như ăn những thứ khó ăn, ớt, rau diếp cá, các loại gỏi, thịt chó, nuốt tim rắn sống, tiết canh, thịt luộc lòng đào… Nhiều loại tranh, nhất là tranh hiện đại bây giờ, xem xong cũng cho ta cảm giác được chén những thứ khó ăn nêu trên, nhưng đặm và ngon khác thường. Tôi ví dụ như tranh của anh Lê Quảng Hà chẳng hạn, xem tranh anh xong, tôi có cảm giác giống như được đánh chén thịt chó với rượu gạo. Nhưng mà ăn liên tục thì cũng khó tiêu.
Giá trị và cung bậc của hội họa cũng phong phú như món ăn vậy. Có món cao lương mỹ vị, thưởng thức trên lầu cao, kèm đèn đóm múa hát linh đình, gái xinh hầu rượu. Có món bình dân đậm đà mộc mạc, ngồi với bạn hữu ở góc chợ vỉa hè. Có món đặc sản vùng miền, phải chén tại nơi ấy mới ngon, đem sang nơi khác thì mất đi không khí, nóng sốt ngon nghẻ… Tùy không-thời gian mà thấy cái sướng miệng riêng. Thế nên việc bình luận thưởng thức mỹ thuật, cũng phải căn cứ vào nhiều góc độ, thời điểm. Nghề chơi cũng lắm công phu. Người nấu món hay đã ít, người thưởng lãm sành sỏi lại còn ít hơn nhiều. Không chỉ có hai cực khen-chê ngu ngốc mà đã gọi là biết.
Tôi kiểm chứng trên phương diện cá nhân, thì đại để những người làm nghề nghệ thuật, văn, thơ, nhạc, họa, kiến trúc, điện ảnh…, đều thích ăn ngon và ăn sành. Nhưng hình như cánh họa sĩ giỏi hầu hết ăn ngon và ăn sành cao kỹ hơn giới khác một chút, và còn có thể nấu ăn ngon (nghĩa đen) khi cần thiết. Nhà văn thì hay tán tụng ẩm thực giỏi. Nhưng cũng có người viết, thưởng ăn không sành lắm, suy ngược lại văn họ viết chắc cũng sẽ tìm ra chuyện đó (như truyện “ngửi văn” trong tiếu nâm Việt Lam chẳng hạn). Đấy là trừ những người chí nhớn, “thực vô cầu bão, cư bất cầu an” dùng văn để tải đạo thì không kể… Và khen chê trong bất cứ lĩnh vực nào, người ta đều có thể dùng chữ “thiếu muối” làm từ chung. Tuy nhiên, phải nghe và bình luận nhạc bằng chính nhạc; xem và bình luận họa bằng chính họa; ngành nào có ngôn ngữ ngành đó, mới hơi gọi là người trong nghề, biết xem, biết nghe.
Với riêng tôi, thì bây giờ đi xem triển lãm, tôi cứ lấy cái bụng tôi ra đo, là chính xác rất nhiều phần trăm. Gặp triển lãm dở, tôi không dám nhìn lâu đã đành, phải liếc qua rồi đi cho nhanh, không phải vì kém tôn trọng tác giả, mà chỉ sợ cố nhìn kỹ quá thì bị đau bụng ấm ách ai thương hộ cho. Nhưng gặp triển lãm hay, cũng không dám xem lâu một lúc, mà phải quay trở đi trở lại nhiều lần. Vì món ngon ăn quá nhiều một lần, bụng dạ cũng nôn nao, không tiêu hóa ngay hết được.
3. Xem tượng bằng tim
Ở trên đã nói, cũng phải bảy tám năm sau khi ra trường, tôi mới gọi là tạm biết xem được điêu khắc. Cũng nhờ đi viết báo, được những người trong nghề chỉ bảo giải thích ít nhiều, sau mới nhờ thời gian quan sát để chiêm nghiệm. Trong nghệ thuật tạo hình, khác với hội họa là thứ khá phổ thông và dễ phát tán, khác với kiến trúc là thứ luôn hay có công năng sử dụng đi kèm. Điêu khắc độc lập (chỉ có giá trị nghệ thuật thuần túy, bày xem chơi) thời này ở ta chưa được sử dụng nhiều, người làm điêu khắc ít, cái hiểu của khán giả cũng còn hạn chế (kinh ngạc là ngay với một số người trong nghề mỹ thuật, cái hiểu của họ với điêu khắc cũng còn hạn chế chứ chưa nói khán giả số đông).
Bàn về điêu khắc là bàn về ngôn ngữ của khối - cũng là ngôn ngữ của tất cả thế giới vật chất trước mặt con người chúng ta và chính chúng ta. Trong nhiều lần nói chuyện với các bạn đang học nghệ thuật hoặc trong một số bài viết. Tôi có nhấn mạnh hai ý này: Nên tìm hiểu về nghệ thuật tạo hình, vì thế giới này có gì khác ngoài những hình thù do Chúa tạo ra rồi đến chúng ta tạo ra cho mình đâu. Thứ hai: Nếu hỏi Chúa làm nghề gì, ắt hẳn Chúa nhận mình là nhà điêu khắc, vì Người dành phần lớn thời gian khởi thủy để nặn ra mọi thứ, sau đó Người mới nghỉ ngơi và chăm bón tưới tắm… Điêu khắc là cái đuôi "file raw" của nghệ thuật tạo hình, là sáng tạo gốc trong nghệ thuật tạo hình giống như toán trong khoa học tự nhiên và triết trong khoa học nhân văn vậy. Kiến trúc cũng chỉ là mặt biểu hiện phía bên kia của điêu khắc, là điêu khắc phóng to ra mà thôi. Những sáng tạo gốc tuy “vô tích sự” nếu áp cho nó một công năng cụ thể nào (ví dụ như xây cái nhà, chui vào khoảng rỗng bên trong nó để sử dụng ăn ở, và gọi đó là kiến trúc), nhưng lại rất quan trọng. Vì chỉ cần nắm cái chìa này, từ nó có thể gợi ý cho các loại sáng tác tạo hình khác, đọc ra các loại sáng tạo mỹ thuật khác, mà khó thể đọc ngược lại. Giống như hiện tượng phát sinh gốc từ đời sống tinh thần của con người ta, và những thứ phái sinh khác. Điêu khắc là một cái inception (khởi đầu, tôi nhớ từ này bởi từ bộ phim rất hay cùng tên).
Xem điêu khắc giống như nghe âm thanh trầm dưới 16 Hz, tai người không nghe được, nhưng ngực và tim thì cảm nhận rất rõ. Khi tôi trao đổi điều này với một nhà điêu khắc, ông nói là ngực và những thứ trong lồng ngực thuộc về dương phần trên trung bộ cơ thể (khoảng giữa, từ cổ đến hông). Xem hội họa tác động đến bụng và ổ nội tạng là phần âm. Còn xem điêu khắc nó tác động mạnh đến phần dương, là tim và phổi. Yếu tim hoặc yếu phổi chắc không làm được điêu khắc, hoặc cố làm được thì cũng có cơ chết non mất. Còn yếu nội tạng, yếu bụng yếu dạ thì vẽ tranh cũng yếu là cái chắc. Người xưa hay khen người dũng cảm là: thằng ấy to gan. Không kiểm tra tọc vạch được gan ruột của những nghệ sĩ nổi tiếng thế giới nó ra răng, nhưng tôi nghĩ những “đồ đạc” này của họ chắc cũng chẳng nhỏ, hoặc cho dù nhỏ đi thì cũng “bé hạt tiêu’!.
Để xem điêu khắc, nhòm những thứ cục thù lù ra trước mắt ấy mới là bước một.
Bước hai, nhìn là nhìn cả cái không gian rỗng xung quanh đối vật ấy bị chiếm lĩnh và bị cái khối ấy can thiệp (vô hình). Khối tích ba chiều ấy là vật thể thực có tính Hữu, sinh ra từ cái Vô rồi đến lượt đứa con ấy biết cãi bố, can kích ngược lại cái Vô xung quanh. Nó có năng lượng, giống như ném một tảng đá xuống dưới nước, thì đều sinh ra sóng lan tỏa (như một quả bom nổ sinh ra sóng xung kích) lan truyền trong không gian và làm thay đổi giãn nở không gian, không khí xung quanh. Đưa một khối điêu khắc vào một chỗ trống, nó cũng hoặc là mơn trớn hoặc xé toác không gian ra. Để xé toạc được không gian lớn, năng lượng khối tích ấy phải rất lớn. Nếu là một tác phẩm điêu khắc tốt, dù nhỏ hay to, nó sẽ tất yếu mang lại năng lượng nhất định cho người xem, hoặc “táng” cho người xem một cú choáng váng kiểu gì đó làm ta phải như đá đè lên ngực mà… im bặt kính phục hoặc sợ hãi. Còn một tác phẩm điêu khắc không tốt, không hay, hoặc “rắn giả lươn” không có tự trọng nghề nghiệp của người làm đặt ở đó, thì dù to đến mấy cũng rất dễ dẫn đến khả năng làm ta phải… thổ ra một cái gì đó thì mới khỏe được!
Qua bước hai rồi, thì đến bước ba, nên để ý tới mấy cái gạch đầu dòng sau:
– Chiều hướng đặt của khối là ý nghĩa có tính tạo “sinh điện”. Có hướng và vô hướng. Hướng tỏa ra phát động và hướng thu vào (hấp thụ). Hướng tạo ra tính vây bủa, thách thức, chiếm lĩnh, đe dọa, tấn công khác với hướng có tính thu hút, hòa bình, điều hòa, trìu mến, dâng hiến, bay bổng, bao bọc, hóa giải, cân bằng, nâng đỡ, trung dung… Vấn đề trọng lực là rất quan trọng, vì sức hút trái đất dán tất cả mọi vật hoạt động trên một mặt phẳng bên ngoài hình cầu. Cái “đế” trái đất tẩm quất lên mọi thứ lồi lên khỏi nó, ngược lại với nó. Ví dụ Kim tự tháp đặt ngược lại thì ý nghĩa khác hẳn.
– Sức căng, độ giãn nở của khối, độ phình-hóp-lõm của khối và chuyển, gấp của đường nét phụ trong khối. Mọi vật trong tự nhiên đều sinh ra theo hướng phình hình cầu. Khối cầu là khối “viên mãn” và dễ chịu, hòa bình nhất, nhưng cũng thụ động nhất và vô hướng – chủ động nhất là các khối có hướng và có góc. Nếu như khối lập phương hay khối tam giác tứ diện là khối hình của con người, thì khối cầu được coi là khối của Chúa!
– Chất liệu tạo khối và sự pha trộn kết hợp chất liệu. Sự tương phản. Quãng cách trong khối và nhóm khối. Quy mô và kích thước tác phẩm điêu khắc giống như việc thay đổi kích cỡ của hổ và mèo.
Viết đến đây, thì tôi thấy mệt quá, nếu cứ phải mang vác tất cả những cái gạch đầu dòng kể trên mới nhìn được điêu khắc, thì e rằng ai cũng phát nản mất. Thôi cứ để ngực ta tự cảm nhận tiếng nói của điêu khắc hay những vật thể ba chiều của ngoại giới trồi về phía chúng ta, tác động vào tim ta… Nói cho nó văn vẻ rằng, con đường từ trái tim luôn là con đường ngắn nhất… để đi đến trái tim!
-------------
Theo: "Soi"
Các bài khác:
Các bài khác:
- So sánh triển lãm Mỹ thuật toàn quốc của Việt Nam với các nước khác
- Mỹ thuật từ các câu chuyện nhỏ
- Chất liệu và lòng tự trọng
- Gallery và tranh "gallery"
- Tiếp cận hội họa
- Ai sẽ đặt dấu chấm hết cho giai đoạn nghệ thuật đáng thất vọng hiện nay
- Nghệ thuật ĐÍCH THỰC không có sự DỐI TRÁ
- Họa sĩ là ai?
- Họa sĩ thì phải vẽ
- "Hãy cứ vẽ như không biết vẽ thì đã sao?"
- Tự học là bản chất của mọi sự học
- Vẽ bằng sự hiểu biết, bằng trải nghiệm sống
- Cái đẹp có tiêu chuẩn không?
- Mỹ thuật Việt nam đang... lao dốc
- "Mỹ học là đạo đức học của ngày mai"
- Nghệ thuật đương đại 2011: giữa quyết liệt và bảo thủ
- Thất thoát tác phẩm mỹ thuật đương đại tại Việt nam
- Công nghệ lăng-xê triển lãm mỹ thuật
- Hãy yêu Huế như "Tây" nó yêu
- Vài mẹo sưu tầm nghệ thuật
- Nghệ thuật cộng đồng
- Khuynh hướng siêu thực và ảnh hưởng của nó trong sáng tạo VHNT