Phan Cẩm Thượng
Nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng - Tranh Quốc Thái
Xưa kia khi một cô gái quá chải chuốt, người già thường bảo "Người đẹp chẳng mài ra mà ăn đâu” và "Cái nết đánh chết cái đẹp” ở những thời kỳ miếng cơm, manh áo day dứt hàng ngày tưởng như không ai chú trọng đến hình thức nữa. Trên thực tế cái đẹp, sự hướng tới những hình thức văn hóa nghệ thuật, tính làm đỏm, ưa trang trí dường như là một bản tính tự nhiên của muôn loài và con người, bất kể hoàn cảnh sống ra sao. Nghệ thuật xuất hiện ngay từ thời Tiền sử, khi mà mức sống rất thấp và hoang dã. Những sắc tộc canh tác, săn bắn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, tự cung tự cấp và tiền gần như không có, thì sự hướng tới cái đẹp lại có tính chất hàng ngày. Thẩm mỹ là một nhu cầu tự nhiên và đương nhiên, tùy từng mức độ, tôn giáo và triết lý sống. Nói đến cái đẹp là nói theo nghĩa hẹp, nói đến thẩm mỹ thì có vẻ rộng hơn. "Mỹ" bên ngoài chính là sự tổ chức hình thức của văn hóa sống, bên trong chính là tinh thần của các giác quan.
Công cụ cũng cân đối, mài rũa, thì tính năng càng cao, do vậy mà cũng đẹp. Xã hội Việt Nam thời xưa quần cư trong làng xã, kinh tế không cao, nhưng đạt đến mức độ văn hóa nhất định, lấy tam giáo (Nho - Lão - Phật) làm cơ sở tinh thần, và lấy cảm quan hài hoà với thiên nhiên đạo đức gia phong đúc kết thành quan niệm thẩm mỹ. "Giấy rách giữ lấy lề", "Lá lành đùm lá rách", răng đen, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, yếm thắm, nón thúng quai thao... là quan niệm sống và thị hiếu thường nhật. Cái đẹp nằm trong cái nghèo, "bần nhi lạc" (nghèo mà vui). Trong sự đơn sơ, thô phác về hình thức, tinh tế về tình người, thêm một việc chẳng bằng bớt đi một việc, nhường nhịn, làm lành, rất muốn nhưng tỏ ra nhún nhường, e ấp.
Tất cả, lâu dần, đúc kết thành một lối sống thanh đạm với một trình độ thẩm mỹ đồng đều và khá cao. Từ một ngôi nhà lá, nhà tranh vách đất, căn nhà gỗ đến một ngôi chùa, ngôi đình đồ sộ khác nhau về mức độ đầu tư kinh tế và công phu xây cất, nhưng lại thống nhất chung ở một tinh thần thẩm mỹ coi con người như một phần của trái đất, âm dương là nguyên lý, ngũ hành là vật chất, chân thiện mỹ là tiêu chuẩn.
Đụng chạm vào xã hội hiện đại, sau nhiều năm chiến tranh, nền công nghiệp nhập ngoại thiếu những tan tành song hành với sự suy thoái đạo đức trên diện rộng. Tham nhũng, buôn lậu, lãn công, mãi dâm, ma túy... đi kèm với những biểu hiện văn hóa nhập ngoại lai căng, trong khi một mô hình văn hóa mới chưa định hình và chưa trở thành lối sống của con người Việt Nam dân tộc và hiện đại. Sự xuống cấp thẩm mỹ cũng là toàn diện, bất kề định xây dựng tốt hay xấu, biểu hiện trước tiên ở nền kiến trúc thiếu phong cách lệch lạc hoàn toàn giữa công năng và thẩm mỹ, đồ ứng dụng hàng ngày chuộng hàng Âu - Mỹ hơn hàng nội, ở sự ứng xử trong các thế hệ trẻ và tựu trung ở văn hóa nghệ thuật chuộng sự tân kỳ, gây sốc và đứng ngoài nhân tìmh thế thái mà khoe tài, khoe khéo, hoặc bám sát hiện thực thì thành tục tĩu, thô thiển, rượt đuổi các phong cách, trường phái nghệ thuật phương Tây, bất chấp thực tế Việt Nam có phù hợp hay không. Ở khu vực nông thôn mọi di tích cổ: đình, đền, chùa đều bị xây, sửa tô vẽ lòe loẹt, tôn giáo nhiều nghi lễ bùa chú phiền toái và dị đoan, hội lễ ít tính đặc thù văn hóa, mà mang tính thương mại và ồn ĩ phô trương vô cùng. Các khu cư dân mời nảy nở ven đường quốc lộ và đường liên tỉnh, xuyên huyện không ra làng, cũng chẳng ra phố. Ăn uống, biếu xén, phong bì thay thế cho mọi quan hệ. Càng trang hoàng càng lộn xộn, càng triết thuyết càng rỗng tuếch.
Càng nhiều nghi thức càng xa sự thật.
Khi ứng xử xã hội trở nên thực dụng thì thẩm mỹ cũng mang tính làm từ thấp đến thực dụng như một thứ thị hiếu trọc phú. Khả năng thưởng thức tinh thần thuần túy, sự mơ mộng cũng mất dần. Dù không được giáo dục, ai nấy cũng tự hình thành một nhãn quan thẩm mỹ riêng. Thẩm mỹ truyền thống có tính phổ cập cho mọi công dân dù học thức ít hay nhiều. Từ ông đồ Nho lắm chữ, người thợ thủ công chạm khắc đình chùa, vẽ tranh dân gian, đến người nông dân cày bừa, đan lát thị hiếu và mức độ thẩm mỹ của họ là tương đồng. Mô hình làng xã tan vỡ và đang tan vỡ, người nông dân mất khả năng phán đoán thẩm mỹ truyền thống. Họ bắt đầu dùng đồ tạp nham, đồ sắt, đồ nhựa thay cho đồ gỗ, đồ gốm, quần áo may sẵn, xe máy, ti vi rẻ tiền miễn là tiện dùng, dù rất chóng hỏng và ít tính năng. Trong khối cư dân thành thị và cán bộ một mặt họ không còn giữ được thẩm mỹ truyền thống từ nguồn gốc nông thôn, mặt khác sự phú quý tăng trưởng không đi đôi với học thức và trình độ thẩm mỹ, dẫn đến hình thành thẩm mỹ lai căng chấp nhận mọi cái đẹp, cóp nhặt mọi cái đẹp đem vào nhà mình.
Trong tình hình như vậy, giáo dục thẩm mỹ là một vấn đề quan trọng, không chỉ đơn thuần có ý nghĩa tinh thần, hoặc để thưởng ngoạn văn thơ. Xu hướng chuyên môn hóa trong xã hội kỹ thuật cao, càng ở xã hội công nghiệp, người ta càng chỉ hiểu biết trong lĩnh vực hẹp của mình. Bảo tàng, triển lãm, phim ảnh, nhạc kịch... trở thành nhu cầu bắt buộc như là sự bổ xung cho sự thành thạo một ngành nghề, nhưng phiếm khuyết về đời sống nhân văn.
Giáo dục thẩm mỹ lại không thể làm từ thấp đến cao, mà phải dậy cao ngay từ đầu. Nếu ngay từ nhỏ, con người không được tiếp xúc với nghệ thuật bậc thầy, thì sau này thẩm mỹ khó có thể thay đổi cho tốt được nữa. Song điều này không có nghĩa những nhà chuyên môn thẩm mỹ, những nghệ sỹ, những thầy cô giáo dậy vẽ, dậy nhạc thì có thẩm mỹ cao hơn những người tìm hiểu nghệ thuật. Rất có thể giáo sư nghệ thuật đương nhiên có chuyên môn nghề nghiệp cao hơn sinh viên, nhưng lại có thẩm mỹ thấp hơn. Thẩm mỹ bắt đầu từ văn hóa ứng xử chân thành nhưng không thô thiển, từ lựa chọn các phương án sống ăn mặc ở, tiêu dùng hàng hóa, và cao hơn là khả năng thưởng thức nghệ thuật. Thẩm mỹ càng cao thì nhu cầu tiêu dùng càng cao, cũng như khả năng sáng tạo trong sản xuất càng cao, tự mình đóng góp vào một xã hội hoàn mỹ, đòi hỏi một xã hội hoàn thiện hoàn mỹ cho mình. Đương nhiên trong lịch sử điều đó chỉ là lý tưởng, nhưng chính nhờ lý tưởng mà các công trình kỳ vĩ và các xã hội tiệm cận chân thiện mỹ ra đời. Như Goocky nói: “Mỹ học là đạo đức học của ngày mai”.
-------------