Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân người Hải Phòng, tuổi Nhâm Tý - một ví dụ về một người trẻ làm nghệ thuật quyết liệt, không khoan nhượng, luôn sẵn sàng đuổi theo những đam mê rồ dại của chính mình. Anh nổi tiếng nhất với những bức tranh vẽ dây điện trên phố. Bạn bè thường gọi anh là Dân “dây điện”. Nhìn đời sống trong im lặng và hỗn độn là một tâm thế mà Dân chọn, để thăng hoa trong nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân

Ở giữa đám đông, Dân khi nào cũng chìm khuất, ẩn mình. Anh kiệm lời, nói thật ít, tuồng như chỉ suy ngẫm. Nhưng khi gặp người hiểu mình, Dân bỗng chốc trở nên khác hẳn, sinh động, hoạt bát, và không có ý định giấu giếm các ý tưởng lúc nào cũng chực bùng nổ trong con người mình.
Hàng ngày chúng ta đi trên phố trong sự tất bật của đời sống, không mấy người để ý đến những búi dây điện ở trên cao. Và nếu để ý, chúng ta cũng chỉ nhìn thấy ở đó những rối mòng mòng, những hỗn độn, những chằng chịt dường như đang cố tình làm phức tạp thêm suy nghĩ bận rộn trong đầu óc quay cuồng bởi đời sống xung quanh của chúng ta. Còn Nguyễn Ngọc Dân thì khác, anh đã thực sự nhìn dây điện như một sự thư giãn, hay nói chính xác hơn, là một sự suy ngẫm. Những ý tưởng nghệ thuật vụt đến trong sự thư giãn nhiều suy ngẫm ấy. “Nhiều lần trên đường chở vợ đi làm, hay đi đón vợ về, dừng lại ở các ngã tư khi có đèn đỏ, tôi ngước nhìn lên những góc phố đan cài rất nhiều đường dây diện và nhận ra rằng chúng có một vẻ đẹp tạo hình rất lạ, rất hội họa. Rồi như một thói quen, ngồi đâu tôi cũng ngước nhìn lên cao, ngắm dây điện. Và đến một ngày tôi chợt nhận ra rằng, những cột điện, những chiếc loa truyền thanh, những rối rắm dây diện vắt trên các con phố, trên đầu chúng ta kia đang mang một thông điệp rất mạnh mẽ về cuộc sống mà đôi khi vì vội vàng chúng ta không nhìn ra”.

 Đèn đỏ - Sơn dầu của Nguyễn Ngọc Dân

Suy nghĩ đó như một sự phát hiện thú vị đối với Nguyễn Ngọc Dân, và anh bắt đầu đuổi theo các ý tưởng của mình bằng sắc màu. Khi đó Dân không hề nghĩ cuộc chơi với dây điện của mình lại trở thành một cuộc chơi lớn, gây tiếng vang không chỉ với công chúng trong nước mà cả ở nước ngoài. Triển lãm Vắt qua phố của anh được trưng bày tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) tháng 11/2007, sau đó hai lần được triển lãm tại Hà Lan vào tháng 7/2008 và tháng 5/2009.
Tại Hà Lan, Nguyễn Ngọc Dân làm sửng sốt khán giả, khi anh không chỉ trưng bày 60 bức tranh vẽ dây diện - một chủ đề đã trở thành “đặc sản” trong các bữa tiệc tinh thần của anh, mà ở lần triển lãm sau, anh còn mang tới cho người xem một không gian sắp đặt với đầy đủ cột điện, loa truyền thanh, và rất nhiều dây điện dọc ngang vừa như chấp nhận, vừa như chống lại chủ đích của người họa sĩ.
Lý giải một đời sống phát triển bằng những bức tranh dây điện, Nguyễn Ngọc Dân chia sẻ: “Ở Hà Nội và nhiều nơi trên đất nước ta, những chiếc cột điện có tuổi đời rất lâu, nó là những chứng nhân của lịch sử. Dây điện là một biểu hiện của sự bùng nổ thông tin, sự phát triển mạnh mẽ của đời sống con người, giống như một chiếc áo càng ngày càng trở nên quá chật đối với người mặc chúng. Cho dù sau này, đời sống văn minh hơn, dây diện có thể được chôn xuống đất, trả cho chúng ta khoảng trời xanh thoáng đãng trên đầu mỗi ngày, thì đó vẫn luôn là ký ức của một thời, mang một ý niệm sâu sắc nào đó về cuộc sống”.

Loa trên phố - Sơn dầu của Nguyễn Ngọc Dân

Thật ngạc nhiên là những dây điện rối rắm lại trở nên vô cùng đáng yêu trong tranh vẽ của Dân, vì nó đã được “chuốt” bởi tình yêu cuộc sống của người họa sĩ. Bằng màu sắc, Dân đã chỉ cho chúng ta thấy, những đường nét ngoằn ngoèo ngoài ô cửa mỗi sớm mai ta trở dậy nhìn lên lại mang một “phẩm tính” toàn cầu hóa đến vậy. Nó là sự kết nối của thông tin, của lạc hậu và phát triển, của cái mới và cái cũ, của quá khứ và tương lai. Trong một bức tranh nào đó, Nguyễn Ngọc Dân nhìn dây diện như những khuông nhạc sinh động mà ở đó những đèn xanh đèn đỏ trên ngã tư một con phố chính là những nốt nhạc đang vang lên những giai điệu cuộc sống.
Rồi ở một bức họa khác, Dân lại nhìn thấy dáng rồng bay trên nóc những ngôi nhà - một vẻ đẹp rất riêng của Hà Nội, từ dây điện. Không hề có bóng dáng con người trong những bức tranh dây điện của Dân. Đằng sau hay phía dưới dây điện luôn là những cột đèn đường, những cây bàng lá đỏ, những mùa hoa phượng rực rỡ, những biển hiệu của một tiệm làm đẹp, hay cửa hàng bán hoa. Và chỉ từng đó thôi, đủ cho người xem cảm nhận sự xôn xao của đời sống đô thị phát triển. Đấy là nghệ thuật lấy cái tĩnh để miêu tả cái động. Và nói như họa sĩ Lê Trí Dũng, thì Dân đã biến dây điện thành những cuộc chơi của màu sắc, của những giấc mơ mà ở đó “nỗi buồn tranh chấp với hy vọng, nỗi khổ chung sống với hoan hỷ…Từ đó diễn giải các mối tương quan của con người với thiên nhiên. Có một sự khuếch đại vô thức các cảm xúc, ngấm ngầm hay trắng trợn…”.
Để vẽ dây điện, Nguyễn Ngọc Dân đã sáng tạo ra một thủ pháp vẽ rất riêng khiến cho nhiều đồng nghiệp kinh ngạc. Dân không vẽ bằng bút, mà anh vẽ bằng que. Những đường nét tạo hình vừa mịn vừa gai góc, vừa trau chuốt, vừa xù xì đã mang đến cho những bức tranh dây điện một hiệu quả đặc biệt về mặt thị giác. Ngoài sắp đặt ra, Dân không chỉ vẽ dây điện bằng sơn dầu, mà còn trên gỗ và rất nhiều chất liệu khác. Anh quan niệm, nghệ thuật không lệ thuộc vào chất liệu. Nghệ thuật lệ thuộc vào cảm xúc và tình yêu của người nghệ sĩ. Một khi có sẵn “cái nền” ấy, anh có thể thăng hoa ở bất cứ chất liệu nào.
Dân có dáng vẻ khắc khổ, ẩn giấu của một tu sĩ hơn là một họa sĩ. Triết lý của anh là “ẩn đi để làm việc”. Dân không tóc dài, ít ngồi quán bia, bàn nhậu, ít tham dự các cuộc tranh luận. Dân phát ngôn bằng lao động không ngừng, lập ngôn bằng dào dạt ý tưởng. Để làm người đi đường trường với nghệ thuật, Dân có ý thức rõ ràng về việc lo lắng cho mình một “cái đáy”, theo tinh thần mà danh họa Picasso từng nói: “Dưới đáy của bức tranh là tình yêu”. Hai chữ “Tình yêu” ở đây được hiểu, là sự không ngừng học hỏi làm giàu có nền văn hóa của cá nhân người họa sĩ.
Dân học Thiền, đọc sách, chơi đồ cổ, cố gắng giữ cho Tâm mình yên tĩnh. Và khi sự tĩnh lặng ngập tràn, Dân trở thành cái trụ rỗng, từ đó anh để mặc cho năng lượng nghệ thuật chiếm lĩnh. Vẽ đối với Dân, chính là hành vi giải phóng năng lượng, một sự nhập đồng. Khi Dân đã nhập đồng trong hội họa, anh có thể làm việc quên giờ giấc, quên ăn uống, bất kể thời tiết nào. “Có lúc từ xưởng vẽ bước ra, tôi mới nhớ rằng mình đã vẽ suốt cả ngày trong không gian nóng nực không một chút gió”. Ngay cả xưởng vẽ của Dân cũng là một bí mật. Dường như chưa ai trong số bạn bè của anh được “tận mục sở thị” nó. “Đối với tôi, xưởng vẽ là một góc riêng, một thế giới riêng không ai có thể chạm đến. Ở đó, tôi tự do hoàn toàn, là chính mình một cách hoàn toàn”.
Đối với ai đó, làm nghệ thuật là phải phiêu lãng, bay bổng, hay bụi bặm; còn với Dân, làm nghệ thuật phải gan, phải lì, phải công phu và khổ luyện. Dân thậm chí mang một cái vỏ khô khan, kém bắt mắt bên ngoài, để dồn tâm lực cho hội họa. Trước những khen chê, Dân thường im lặng, vừa như khiêm nhường, vừa như kiêu hãnh.
“Tôi lúc nào cũng chỉ nhìn vào con đường mà tôi đang chọn, đang đi thôi. Tôi ít nói vì với tôi, hội họa là văn hóa nhìn, thẩm mỹ và ngôn ngữ tạo hình. Tôi không vẽ cái gì nếu tôi không hiểu kỹ về nó”. Dân cầu kỳ và kỹ tính đến sốt ruột. Chẳng hạn khi vẽ hoa, Dân không chịu nổi việc đi ra chợ trước nhà và mua một đóa hoa về để ngồi vẽ. Vẽ sen, anh đến Hồ Tây lấy sen về ướp trà, thấm cái mùi hương thanh cao của nó trước khi cầm cọ. Vẽ đào, anh đi gặp các nghệ nhân trồng đào, lắng nghe tình yêu của họ vun vén cho mỗi gốc đào. Vẽ hoa dơn, anh về Hải Phòng, tìm gặp những nghệ nhân trồng hoa, để hiểu thế nào là hoa dơn cổ. Đối với Nguyễn Ngọc Dân, điều quan trọng khi vẽ một bức tranh là nó phải có tứ. Nghĩa là nó phải kể một điều gì đó về văn hóa, về đời sống, mà không chỉ đơn thuần là chút cảm xúc thoảng qua của người họa sĩ.
Chẳng hạn, trong triển lãm về Hoa mới đây nhất của Nguyễn Ngọc Dân mang tên "Hương sắc" được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, người xem có thể nhìn thấy mỗi bức tranh hoa của anh chở những thông điệp khác nhau. Người họa sĩ khi nào cũng như vô tình đặt dưới mỗi bình hoa rực rỡ khi thì một cây bút, khi thì một chiếc bình vôi cổ, một chiếc đèn dầu cũ kỹ…như một điểm nhấn cho bức tranh, lại như một thông điệp tinh tế về văn hóa dân tộc. Cách chơi ấy, phải là người hiểu biết và tự tin lắm mới dám trình bày trong các sáng tạo của mình. Bởi vì, nếu chỉ quá đi một chút, anh sẽ thành một người già nua, nệ cổ. Còn nếu non tay, những phát ngôn nghệ thuật của anh sẽ trở nên sống sượng. Nguyễn Ngọc Dân, rất may, đủ tỉnh táo và kiềm chế, lại cũng đủ hiểu biết để tồn tại giữa hai lằn ranh ấy. Tranh của anh, nhờ thế, luôn mang vẻ tươi tắn của một tâm hồn trẻ, giàu năng lượng và tình yêu, mặt khác, lại chở nặng những suy ngẫm của một người đã sớm từng trải và “giác ngộ” những ý nghĩa cuộc đời. 

 Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Dân tại triển lãm "Hương sắc"

Nguyễn Ngọc Dân thừa nhận mình là người có tham vọng trong nghệ thuật. Trung bình mỗi năm một triển lãm đã minh chứng cho tham vọng đó của anh. Rất ý thức về hai chữ “chuyên nghiệp” trong làm nghề, Dân xác định hội họa chính là phương tiện quan trọng nhất để sống của người họa sĩ. Nghệ thuật là hành vi mang tính cá nhân, nhưng một tác phẩm muốn có một đời sống lâu dài trong công chúng, nó phải vượt qua xúc cảm cá nhân, câu chuyện cá nhân của người sáng tạo, mà gặp được cái chung của nhân loại. “Đối với tôi, vẽ chính là “đãi”. Như cách người ta tìm vàng trong cát. Đãi tất cả đi, thì điều cuối cùng người làm nghệ thuật muốn đọng lại trong công chúng là sự Tử tế. Trong sự Tử tế vốn bao hàm cái Đẹp và cái Thiện rồi. Xét cho cùng, không có gì quý hơn Đẹp và Thiện cả. Đó là cái đích của nghệ thuật”.
Có thể ai đó sẽ cau mày vì cho rằng Dân “sách vở” quá, vì những chia sẻ ấy. Nhưng nếu bạn đã xem tranh chân dung của Dân, tranh dây điện của Dân, tranh Hoa và tranh Biển của Dân - những chủ đề lớn mà Dân đã rất thành công và được đánh giá cao, được treo trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, được nằm trong nhiều bộ sưu tập của nhiều nhà sưu tập danh tiếng, bạn sẽ thấy những gì anh nói là trải nghiệm của chính anh, không hề vay mượn. Và, với một họa sĩ trẻ, một khi đã thấm thía được điều đó trong triết lý nghệ thuật của mình, thì con đường của anh đi đã rộng mở…