Nguyễn Hưng
Vài hình ảnh Nhật Bản.
Liên hoan Graffiti sông Hoài-2007:
I.
Nghe
nói về lợi ích kinh tế của Nghệ thuật Thị giác (Visual Art), hầu hết
người Việt Nam, có lẽ, đều nghĩ ngay đến chuyện: a/ buôn tranh, bán
tượng… b/ tạo dáng sản phẩm, trang trí bối cảnh… c/ thiết kế truyền
thông-tiếp thị-quảng cáo…
Hầu hết cho Nghệ thuật Thị giác
Việt Nam ít mang lại lợi ích kinh tế, vì kém hiệu quả. Mà kém hiệu quả,
vì “ít đẹp”, “không bắt mắt”, “không độc đáo…
Nói chung, hầu hết, chỉ thấy sự tồn tại vật thể của các tác phẩm Nghệ thuật Thị giác.
Cách nghĩ như vậy, tuy không sai, nhưng quá đơn giản, lạc hậu.
Chúng ta cần nhìn lại Nghệ thuật Thị giác…
II.
Nghệ
thuật Thị giác (Visual Arts) là tên gọi chung chỉ các loại hình nghệ
thuật ĐƯỢC TIẾP NHẬN, cơ bản, thông qua KÊNH thị giác, và ĐƯỢC SÁNG TẠO,
chủ yếu, dựa trên các đặc thù của TƯ DUY thị giác…
Nghệ thuật Thị giác bao trùm một phạm vi rộng, gồm:
1/ Nghệ thuật thực địa, nghệ thuật môi trường, nghệ thuật công cộng…, những
thứ có thể biến cả một địa phương trở thành một đối tượng thẩm mỹ, và
biến quá trình thực hiện tác phẩm trở thành một sự kiện truyền thông có ý
nghĩa nối kết và phát triển quan hệ cộng đồng…
Ví dụ 1: Christo (b. 1935) và Jeanne-Claude
(1935-2009) đã bọc tòa nhà Quốc hội Đức từ 17 tháng 6 đến 24 tháng 7
năm 1995. Hơn 5 triệu lượt du khách đã đến Berlin để tận mắt chứng kiến
quá trình thực hiện và kết quả của dự án này. Xem hình:
Ví dụ 2: Spencer Tunick (Mỹ, sinh năm 1967)-nhân vật lừng danh với những bức ảnh khỏa thân tập thể. Dưới đây là ảnh chụp ở Sydney, năm 2010:
Ví dụ 3: Và đây là một số tác phẩm nghệ thuật công cộng.
2/ Thời trang, kiến trúc, trang trí và thiết kế truyền thông-tiếp thị-quảng cáo…, những thứ có tác dụng tạo dựng biểu tượng, những trường giá trị tượng trưng, có khả năng làm thay đổi lối sống, cách nghĩ và, kích thích tâm lý tiêu dùng.
Nó có thể chỉ là tha hóa, nhưng cũng có thể là giải phóng…
Ở đây, cái đẹp, tính tự sự độc đáo là các yếu tố quyết định hiệu quả…
a/ Bài học Singapore. Với tượng đầu sư tử này, đã có vô số hàng lưu niệm được sản xuất và bán ra...
b/ Bài học Sydney. Từ hình ảnh nhà hát "Con Sò" này cũng vậy. Cũng đã có vô số hàng lưu niệm được sản xuất và bán ra...
c/ Còn đây, là bài học từ Olympic Bắc Kinh-2008. Với
mẫu logo và 5 biểu tượng "Cát Tường" này, trước khi Olympic Bắc Kinh
khai mạc, đã có vô số hàng lưu niệm được sản xuất và bán ra... Thu được
"tiền tươi" ngay là chuyện đã đành, nó còn có tác dụng quảng bá rất tốt
cho sự kiện, và cho văn hóa Trung Quốc...
Thử
nhìn lại ta, hàng năm, trên cả nước, địa phương nào cũng tổ chức Liên
hoan Du lịch. Nhưng qua bao nhiêu năm nhìn lại, có địa phương nào quan
tâm đến vấn đề này không? Nổi tiếng như Festival Huế, nhưng có ai nhớ
biểu tượng của nó là như thế nào không? Đây cũng là một trong những lý
do giải thích vì sao ngành hàng lưu niệm du lịch ở Việt Nam đã không
phát triển nổi...!
3/
Bản thân các triển lãm, liên hoan nghệ thuật, cũng có thể trở thành các
nhịp cầu nối kết các quan hệ ngoại giao và thương mại…, tạo nên nguồn
lực cho sự phát triển…
Ví dụ: Các Busan Biennal đã nhanh chóng biến vùng duyên hải nghèo ở Hàn Quốc này trở thành một trung tâm du lịch và thương mại nổi tiếng…
4/
Các thành tựu nghệ thuật với qui mô rộng lớn, liên tục và sự phong phú,
đa dạng của trường tượng trưng, luôn là yếu tố căn bản tạo nên sự hấp
dẫn và chất keo kết dính của một nền văn hóa.
Ví dụ 1: Bài học quanh bảo tàng Van Gogh
ở Amsterdam, Hà Lan. Hàng năm, đã có hơn 1,5 triệu du khách đến tham
quan bảo tàng này. Lợi ích kinh tế rất lớn. Hơn nữa, nó còn là một khích
lệ sản sinh ra vô số "Van Gogh con"...
Ví dụ 2: Câu chuyện “Hoa hướng dương” của Van Gogh. Năm
1987, cả thế giới xôn xao về chuyện, tác phẩm "Hoa hướng dương" của Van
Gogh, trong phiên đấu giá ngày 31 tháng 3 của Christie London, đã được
một doanh nhân người Nhật tên Yasuo Goto-giám đốc điều hành một công ty
bảo hiểm-mua với giá 39.921.750 USD-vượt qua đến 3 lần mức giá kỷ lục
cho một tác phẩm nghệ thuật trước đó. Lúc đó, người ta xôn xao về sự
giàu có và "chịu chơi" của người Nhật. Ít người biết vài "bí mật" phía
sau. Trước tiên, nên xem lại "Hoa hướng dương".
Vài
"bí mật" đó là: vào thời điểm đó, hãng Sony (Nhật) đang có ý định mua
lại hãng Columbia Pictures (Mỹ). Muốn mua, thì phải được các cổ đông
đồng ý. Mà người Nhật, cho đến lúc đó, lại không tự tin cho lắm khi đầu
tư vào ngành công nghiệp giải trí ở Mỹ. Để củng cố lòng tin nơi các cổ
đông, các "chiến lược gia" ở Sony, đã quyết định tìm cách mua một bức
tranh của Van Gogh. Lý do vì sao phải mua tranh Van Gogh? Họ mua tranh
Van Gogh là mua tranh của một "tên học trò". Họ muốn chứng minh rằng:
"đừng quên, trên phương diện nghệ thuật, Nhật Bản đã từng làm thầy thiên
hạ!"
Mà thật, phong cách hội họa Van Gogh chịu ảnh hưởng
rất lớn từ tranh khắc gỗ Nhật Bản, đặc biệt là từ Hiroshige. Van Gogh
đã chép rất nhiều tranh của Hiroshige. Xem ảnh:
Kết quả, không chỉ thuyết phục được các cổ đông. "Phi vụ" này còn đánh thức niềm tự hào văn hóa nơi hầu hết người Nhật...!
5/ Từ kinh nghiệm lịch sử, ý thức về tính hư cấu của văn hóa, ý thức sáng tạo nghệ thuật như tạo ra một thế giới riêng… đã tạo nên tính năng sản của các tác phẩm nghệ thuật…
Ví dụ 1: Yayoi Kusama-từ các tác phẩm mang tính "đặc tuyển" đến các sản phẩm "ứng dụng" đi liền một mạch...
Ví dụ 2: Takashi Murakami. Cũng vậy, từ các tác phẩm mang tính "đặc tuyển" đến các sản phẩm "ứng dụng" đi liền một mạch...
6/
Ý thức về tính hư cấu của văn hóa cũng chính là ý thức về tính hư cấu
của thực tại. Từ đây, quá trình sống nơi mỗi cá nhân, được ý thức như
một quá trình sáng tạo bản thân… Đó là nền tảng của ý thức về tự do và
dân chủ. Và điều này, đồng nghĩa với sự giải phóng các nguồn năng lực
sáng tạo, là điều kiện của hạnh phúc…
III
Đã có vô số bài học, nhưng tại sao cho đến nay, ở Việt Nam, mọi sự cứ mù mờ, lộm thộm đến vậy?
Dễ thấy:
1/ Nghệ thuật công cộng không được quan tâm, hay quan tâm một cách thiên lệch…
2/ Các sự kiện du lịch được tổ chức chụp giựt hay với tầm nhìn hạn hẹp…
3/ Thời trang chỉ có tính cách trình diễn, dẫm chân ở mức độ tiêu thụ hay gia công may mặc…
4/ Các nghệ sĩ, vẫn tiếp tục loay hoay trong các salon nghệ thuật èo uột, cũ kỹ…
5/ Các triển lãm, liên hoan nghệ thuật vẫn tiếp tục bằng kiểu cách lạc hậu…
6/ Cấu trúc chỉnh thể của cả nền văn hóa nghệ thuật bị phá vỡ. Nghệ sĩ trở nên cô đơn, lạc điệu và lạc hậu…
Trong
các nguyên nhân nói trên, nguyên do chính dẫn đến sự “thất bại”, thậm
chí “lụn bại” của các hình thức nghệ thuật thị giác Việt Nam, là tự
chúng ta, đã phá vỡ cái cấu trúc chỉnh thể văn hóa nghệ thuật này.
Cần nhớ:
Mọi nền nghệ thuật có sức sống đều tồn tại trong một chỉnh thể văn hóa nghệ thuật.
Chỉnh
thể tự nhiên có mô hình kim tự tháp, mà đỉnh là những tìm tòi sáng tạo
mang tính tiên phong, độc sáng của các thành phần ưu tú.
Và đáy, là đại chúng với khả năng tiêu thụ và sản xuất.
Ðỉnh
và đáy có quan hệ hữu cơ. Ðỉnh chỉ lên cao khi đáy không ngừng được mở
rộng. Và đáy chỉ mở rộng khi những giá trị mang tính bác học tìm thấy ở
đỉnh được chuyển hóa thành những giá trị mang tính phổ cập làm nguồn
dinh dưỡng bồi bổ cho đáy.
Chính nhờ những mối quan hệ này
mà những giá trị nghệ thuật được chuyển hóa thành những giá trị văn
hóa. Và cũng chính nhờ những mối quan hệ này mà những giá trị văn hóa
mang tính truyền thống (và ngoại lai) được tích hợp, biến đổi trong
những giá trị mỹ thuật làm nên những truyền thống (văn hóa) mới thích
nghi với thời đại.
Một nghịch lý mà mọi người có thể dễ dàng nhận thấy là nền Nghệ thuật
Thị giác Việt Nam hiện đại mặc dầu có nhiều họa sĩ có tài, có nhiều
tranh đẹp nhưng cái thế giới hình ảnh mang bản sắc hay dấu ấn của một
khoảnh khắc Việt Nam ở ngay trong tâm tưởng người Việt Nam lại hết sức
nghèo nàn. Ai đã từng đi ra nước ngoài, từng sống một thời gian ở nước
ngoài, có lẽ, đều nhận thấy điều này rõ ràng hơn nữa. Những tìm kiếm,
những giá trị trong Nghệ thuật Thị giác dường như nằm bên ngoài, không
tác động được đến cuộc sống hàng ngày, đến tâm tư tình cảm và thế giới
sự vật.
Bài học Nhật Bản: Câu chuyện về trung tâm Nghệ thuật Thị giác Osaka.
Tôi
hai lần đến Nhật Bản. Cũng như mọi du khách, du lịch ngắn ngày, tôi
cũng rất ngạc nhiên về chuyện làm thế nào mà tất cả mọi vật trong thế
giới sự nhìn của người Nhật có một sự thống nhất nội tại lạ lùng đến
vậy. Xem tranh Nhật, nhìn ngôi nhà Nhật, thậm chí, cầm chiếc chén, đôi
đũa Nhật, mọi người đều dễ dàng nhận thấy có một sự xuyên suốt về quan
niệm thẩm mỹ, về ngôn ngữ tạo hình bất chấp các khoảng cách thời gian và
thế hệ. Mang thắc mắc này, tôi đã hỏi riêng nữ họa sĩ Mizuki Kiyomi
Totsune, người đã từng triển lãm tranh tại gallery Lotus - 43 Đồng Khởi,
Quận 1, TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3 năm 1997, và bà phát biểu:
"Tôi không chắc nhận xét của tôi là đúng, nhưng một phần có lẽ do sự bảo
thủ với truyền thống văn hóa là một đặc điểm quan trọng trong tâm lý
người Nhật, một phần khác là do đam mê làm tất cả mọi chuyện theo khiếu
thẩm mỹ ở các nghệ sĩ Nhật khiến cho các hành vi nghệ thuật của họ tự
nhiên là một đóng góp nhằm cải tạo thế giới sự vật ". Tất cả các ý kiến
của nữ họa sĩ Mikuzi Kiyomi Totsune, với tôi cấp thời vẫn hếtt sức mơ
hồ, cho đến khi tôi đến Osaka. ở Osaka có một trung tâm - tạm dich -
Trung tâm thực nghiệm phát triển ngành thủ công mỹ nghệ Nhật Bản (từ
2002, đổi thành Trung tâm Nghệ thuật Thị giác Osaka). Ông Asaba - phó
Giám đốc trung tâm - trong chuyện "trà dư tửu hậu" đã nói: "Ví dụ như nữ
họa sĩ Mikuzi Kiyomi Totsune mà các bạn vừa nhắc, bà ấy là một tài năng
sáng tạo đầy nhiệt tình. Ngoài công việc vẽ tranh, bà ấy đã làm nên
những mẫu khăn trải bàn, những lọ gốm…, nói chung là những tác phẩm thủ
công mỹ nghệ mới mẻ - hoặc về tạo hình, về chất liệu hoặc về kỹ thuật.
Và chúng tôi đón nhận tất cả các sáng tạo đó một cách trân trọng. Theo
quan điểm của chúng tôi, văn hóa có mô hình kim tự tháp. Trên đỉnh là sự
tìm tòi của các cá nhân xuất chúng, và đáy là đại chúng với khả năng
tiêu thụ và sản xuất. Đỉnh và đáy có quan hệ hữu cơ - đỉnh chỉ lên cao
khi đáy không ngừng được mở rộng, và, đáy chỉ mở rộng, khi các thành tựu
trí tuệ và tinh thần của đỉnh được biến thành thức ăn bồi bổ cho đáy. Ý
thức quy luật đó, trung tâm đã hoạt động theo nguyên tắc: Khuyến khích
sự sáng tạo đóng góp của giới nghệ sĩ và chuyển hóa các giá trị Nghệ
thuật Thị giác mang tính bác học sang các giá trị Nghệ thuật Thị giác
mang tính phổ cập. Khi có sự ủng hộ và có sự lưu thông thì cả đáy và
chóp đều phát triển"
Nghe tôi kể chuyện, nhiều
người đồng tình. Một anh bạn cho rằng: "Một nền Nghệ thuật Thị giác lành
mạnh thực sự là nền Nghệ thuật Thị giác có tác động đến cảm quan thẩm
mỹ của mọi người. Cụ thể là có tác động ảnh hưởng biến mỗi người trở
thành một nghệ sĩ trong sự đánh giá thẩm mỹ sự vật chung quanh và góp
phần sáng tạo cái đẹp. Cần xã hội hóa Nghệ thuật Thị giác theo hướng gợi
mở các năng lực sáng tạo để cải tạo cuộc sống chung quanh. (Anh trầm
giọng): Ai đã từng bôn ba nước ngoài mới biết yêu thực sự hình ảnh của
chiếc nón lá, của cái áo dài, của mái tóc thề, mới biết thế nào là sự
thiêng liêng của đôi đũa tre, của chiếc gáo dừa những hình ảnh giản dị
và có phần đạm bạc đó như ôm ấp, ẩn chứa cái gì đó gọi là một mối đồng
cảm chung của người Việt Nam, và chính sự hiện hình của tình cảm đó, đã
thức dậy những tình cảm sâu xa hơn".
Có lẽ tôi không cần
nói gì thêm nữa. Lấy "chóp" nuôi "đáy", lấy "đáy" mà đưa "chóp" lên cao
hơn để cùng phát triển. Và, phát triển là để gần nhau hơn trong một mối
cộng công cộng cảm mang tính nhân loại cụ thể. Quan tâm đến phát triển
bền vững, sẽ rất đáng tiếc nếu các nhà lập chiến lược quên đi điều này.
Trung tâm Nghệ thuật Thị giác Osaka.
Vài hình ảnh Nhật Bản.
Ghi chú 1:
Ở đây, tôi nhắc đến bài học Nhật Bản, bởi vì, nền văn hóa thị giác Nhật
Bản bước vào kỷ nguyên hiện đại chỉ từ 1960. Tốc độ phát triển như
vậy-tất cả chúng ta đều biết-là rất nhanh. Sự thực, tiếp cận Nghệ thuật
Thị giác trong một chỉnh thể Văn hóa Thị giác, ở phương Tây, người ta áp
dụng đã lâu, với vô số chính sách và mô hình hoạt động trong thực tế.
Tuy nhiên, nói về họ, chẳng khác nào khen "Hoàng tử tốt áo!". Cũng nên
biết thêm, ở châu Á, sau Nhật Bản, Hàn Quốc rồi Singapore, cũng đã tiếp
cận Nghệ thuật Thị giác theo hướng như vậy.
Ghi chú 2:
Ở Việt Nam, với "truyền thống văn hóa: quá giàu thì ghét, đói rét thì
khinh, thông minh không sử dụng", tầng lớp ưu tú đã bị vô hiệu hóa. Và
điều đó, đã tạo nên cái "đầm lầy" hiện tại. Ai cũng đã biết, trong đầm
lầy đừng mong dựng nên đền đài, ngay cả ai muốn dứng cho thẳng lưng cũng
không thể...!
IV.
Để có sự thay đổi thực sự, rất cần một phản tỉnh triệt để trên qui mô chiến lược.
Cần phải thấy, sự kéo dài cái nhìn “chính trị hóa” theo lối “tư duy thời chiến” và “bao cấp”, cho đến hiện nay, là nguy hại như thế nào…
Thêm:
Tầm nhìn ngắn, hẹp của ngay cả các thành phần chuyên gia, giới trí thức đã không tạo nên được sự phản tỉnh…
Giới phê bình quá mụ mẩm, hèn hạ…
Các nghệ sĩ quá thụ động, lạc hậu…
Cần ghi nhớ:
Mỗi
người, mỗi ngày mở mắt ra là chung đụng với cơ man sản phẩm Nghệ thuật
Thị giác. Và, trong đời sống mỗi ngày, ai cũng phải thường xuyên phán
đoán, đánh giá, lựa chọn đủ thứ theo các tiêu chuẩn Nghệ thuật Thị giác:
từ việc chọn một bộ đồ để mặc, đến chọn mua những thứ vụn vặt như một
cái hộp quẹt, một cái mũ v.v… Các tiêu chuẩn này, ý thức hay không ý
thức, đều có 2 khía cạnh: một, là khía cạnh thẩm mỹ (đẹp/xấu), và hai,
là khía cạnh đẳng cấp tượng trưng (sành điệu/không sành điệu, cao
cấp/bình dân, tân tiến/lạc hậu…). Tóm lại, sự tiếp nhận, đánh giá và lựa
chọn các sản phẩm Nghệ thuật Thị giác là một trong các yếu tố quan
trọng làm nên DIỆN MẠO VĂN HÓA một con người. Làm nên hình ảnh người đó
trong mắt nhìn người khác. Và đó, là một trong những yếu tố quan trọng
(bên cạnh vấn đề năng lực) quyết định sự thành/bại, được tôn trọng/không
được tôn trọng của người đó trong xã hội… Do đó, ý thức về Nghệ thuật
Thị giác, tích lũy kinh nghiệm xúc cảm thị giác, nâng cao và mở rộng
năng lực đánh giá thế giới sự vật chung quanh và biết sáng tạo hình ảnh
bản thân mình theo các tiêu chuẩn Nghệ thuật Thị giác là điều kiện cần
để mỗi cá nhân hòa nhập vào thế giới đương đại.
Nghệ thuật
thị giác, như đã nói ở trên, thực chất là toàn bộ các yếu tố làm nên
THẾ GIỚI SỰ NHÌN của một cộng đồng văn hóa. Các yếu tố: Một, tạo nên sự
đồng cảm của các thành viên trong cộng đồng đó (ví dụ; người Hà Nội tự
hào về hồ Hoàn Kiếm, về Phố Cổ-đi đâu cũng nhớ về…). Hai, góp phần làm
nên cái gọi là bản sắc (tượng trưng)-một mặt, tác động lên tâm tư, tình
cảm người dân địa phương, khiến họ tự hào và phải sống sao cho xứng đáng
(như người Huế tự hào là dân đất Thần Kinh và phải sống sao cho ra
“Mệ”; như người Hà Nội tự hào là dân Thủ đô và phải sống sao cho lịch
duyệt…); mặt khác, tác động đến người khác, từ nơi khác đến, như những
giá trị độc đáo, hấp dẫn… cần được khám phá…Xin lưu ý thêm một chút về
chuyện hình ảnh. Hình ảnh không phải là sản phẩm của một cú bấm máy
(ảnh) hay cái gì giới hạn trong không gian hai, ba chiều. Hình ảnh là
sản phẩm tổng hợp được mã hóa trong nhận thức mỗi người về một đối tượng
được nhìn thấy. Hình ảnh một con người trong xã hội không phải là một
tấm chân dung, mà là tổng hợp của tất cả, từ áo, quần, tóc tai, từ cử
chỉ, ngôn ngữ đến hành vi v.v... Kể cả vai trò và vị trí xã hội của
người đó. Tóm lại, hình ảnh luôn là một tượng trưng. Ba, sự đa dạng về
loại hình, sự phong phú và độc đáo về hình thức…, thể hiện một năng lực
sáng tạo năng động thích ứng với điều kiện tự nhiên và có một ý thức
xuyên suốt về bản sắc của Nghệ thuật Thị giác, là yếu tố phản ánh TRÌNH
ĐỘ VĂN MINH và TÍNH CÁCH VĂN HÓA của một cộng động. Đó là các yếu tố làm
nên SỨC HẤP DẪN và THẾ GIÁ của một cộng đồng giữa bao cộng đồng khác…
Nó quyết định sự thành bại của một THỊ TRƯỜNG DU LỊCH , và làm nên HÌNH
ẢNH ĐỊA PHƯƠNG…
TẠM KẾT: KHÔNG Ý THỨC VỀ LỢI ÍCH KINH TẾ CỦA CÁC HÌNH THỨC NGHỆ THUẬT THỊ GIÁC CÓ NGHĨA LÀ:
- Bỏ qua một nguồn năng lực phát triển kinh tế xã hội…
- Không ý thức về một nền móng văn hóa của cả nghệ thuật lẫn kinh tế…
- Và, quan trọng hơn, bỏ qua một nguồn năng lượng phát triển con người…
V.
Câu chuyện có vẻ vĩ mô! Ở vị trí cá nhân “nhỏ bé”, mỗi người có thể làm gì?
1/ Mỗi cá nhân là một tiếng nói đề nghị phản tỉnh. Lúc này, nói là hành động!
2/ Toàn cầu hóa là một cơ may. Cần phóng tầm mắt và hướng đến các đối tượng vượt ra ngoài cái “ao làng” của mình…
3/ Thấy ra, hiểu ra, tự nó là một sự giải phóng. Có vậy, mới có cơ may
khôi phục cái bản thể hồn nhiên nơi tư duy, khôi phục cái tự do-nhân
tính nơi mình…
Cần phải thấy một số điều:
a/ Chúng ta đã từng bị…
Chưa
bàn ở góc độ lý thuyết, bài học đầu tiên, cần phải nói ngay, đó là sự
càn quét của các làn sóng "văn hóa nghe-nhìn" của các nước phát triển
dùng để chinh phục các thị trường mới.
Hãy nhìn lại Liên
Xô, Trung Quốc, các nước Đông Âu và Việt Nam thời kỳ "đổi mới", "mở cửa"
những năm 1990: tràn ngập phim ảnh Mỹ, các cuộc thi hoa hậu, các chương
trình biểu diễn thời trang, và... sex...
Những làn sóng này, ban đầu, được xem như là những tín hiệu của sự đổi mới, tạo sự lạc quan...
Nhưng
cho đến nay, như đã thấy, chúng chính là tác nhân thúc đẩy cho sự phát
triển nhanh của một thứ "chủ nghĩa tư bản hoang dã" và các chứng hoang
tưởng phổ biến...
Dễ
thấy, những người nằm trong vùng ảnh hưởng của các làn sóng "văn hóa
nghe-nhìn" mới mẻ đó và những người nằm trong vùng ảnh hưởng của hệ
thống "chính thống"đã luôn nghi ngờ, khinh bỉ và... lợi dụng lẫn
nhau...
Bây giờ, không chỉ có quan chức, công chức mới
dám nghi ngờ, khinh bỉ "bọn đầu trộm đuôi cướp", "đĩ điếm", mà còn, có
cả chiều ngược lại.
Đáng
lẽ phải thúc đẩy khả năng PHẢN TỈNH, nuôi dưỡng tinh thần biết tự cười,
biết hổ thẹn... và ủng hộ sự tìm tòi sáng tạo với ý thức công dân của
các thành phần nghệ sĩ ưu tú, thì đàng này, chính quyền lại ra sức ngăn
cản và tiếp tục duy trì tình trạng đang có...
Đến nay, thì tất cả đều trở nên rệu rã. Thậm chí là mục ruỗng...
Ngay
giới "làm nghệ thuật" bây giờ, chẳng còn mấy người sáng tác mà không
phải vì tiền. Tất cả, đều trở nên nhỏ bé, phù phiếm và phù du...
Trước áp lực của "làn sóng" đó, ở Trung Quốc, người ta còn biết nuôi dưỡng những cái nhìn phản tỉnh, chấp nhận sự phê phán…
b/ Cũng
cần phải thấy, có vô số việc nằm trong khả năng, nhưng đã không được
thực hiện, đơn giản vì sự cản trở của cách nhìn và thái độ vô trách
nhiệm…
Ví dụ: Ở Việt Nam, người
ta đang chật vật cứu Tuồng. Thậm chí cho là vô vọng. Trong khi đó, gần
giống, nhưng Kinh Kịch (Kịch của người Kinh?) Trung Quốc thì lại “sống khỏe”!
Vì họ nhiều tiền?
Không. Họ cứu Kinh Kịch bằng phim ảnh, bằng các hình thức nghệ thuật thị giác...
c/ Không có cách nhìn cởi mở, thì những việc dễ dàng nhất cũng không có người thực hiện.
Hai chương trình Nghệ thuật Công cộng dưới đây, tôi đã thực hiện ở Hội
An trong năm 2007 và 2008. Nhưng sau khi tôi đi, tuy để lại tất cả các
hướng dẫn cần thiết, vẫn không có người làm tiếp...
Hội dù tháng Giêng Hội An-2008:
Liên hoan Graffiti sông Hoài-2007:
d/ Và, thêm, như một khích lệ, cũng nên biết, có những sự nghiệp to lớn, đã được mở đầu một cách khiêm tốn…
Ví dụ: Câu chuyện tiền thân nhà xuất bản Shogakukan-"Câu lạc bộ bạn học sinh mầm non".
Bắt
đầu từ một nhóm họa sĩ "ốm đói" ở Fukuoka, nhờ sáng kiến đi vẽ, làm
tượng cho các nhà trẻ trong những năm 1960, họ đã phát triển lên thành
một tập đoàn lớn bây giờ...
---------------------
Nguyên văn Đại cương bài thuyết trình: "Nghệ thuật thị giác Việt Nam, tại sao không mang lại nhiều lợi ích kinh tế?" đăng trên facebook của học giả Nguyên Hưng.
Cùng tác giả:
Cùng tác giả:
Thị giác cực kỳ quan trọng trong mỹ thuật
Trả lờiXóaVẻ đẹp chỉ được cảm nhận khi ta nhìn thấy nó; vậy nên thị giác cực kỳ quan trọng
Trả lờiXóa