Tình yêu làng

Ngô Bình Nhi

Những vạt nắng chiều dường như in hằn lên nhiều nét ký họa phóng khoáng mà vẫn đủ đầy của họa sỹ làng Quốc Thắng. Anh thích bạn bè gọi anh như vậy ! Về làng sống dc gần 10 năm, không phải do cuộc đời xô đẩy mà là do anh chọn "sống làng".

Họa sỹ làng Quốc Thắng
Những ngày tháng thanh bình, cuộc sống trôi đi chậm hơn những gì người ta thường sống. Nếp Làng thì luôn vậy chỉ là anh đã có cái nhìn mới, cái cảm mới về những bức tường vôi loang lổ, những cột điện chằng chịt hay những hồi nhà xưa cũ. Những con ngõ bé hun hút vào mỗi chiều sấp bóng, bóng dáng người làng đi liêu xiêu đội miến, hay những cụ già bước thật chậm nắm tay nhau đong đầy hạnh phúc. Đôi lúc hạnh phúc theo anh cảm nó thật mộc mạc giản dị.


Lối sống làng và con người thế hệ trẻ tuổi luôn là một sự đối lập khó có thể thấu hiểu sâu sắc ! Ở đây dường như "Thắng làng" không xa lạ, anh sống quá lâu ở làng, anh yêu làng. Tính "làng" đã ngấm sâu trong anh.

Dọc dãy đường sông Nhuệ là một quần thể các đền, chùa, miếu trải qua vài trăm năm thâm trầm. Anh một người nghệ sỹ với những sở thích đặc biệt của giới trẻ lại dấn thân ở làng cổ với tên Cự Đà. Mùi miến tương, mùi rượu nếp làng, những cổng ngõ thay đổi tạo hình đặc biệt, những tên ngõ càng lạ như ngõ Thí, ngõ Điếm Tuần, ngõ Lễ Nghĩa, ngõ Đình, ngõ Huyện, ngõ Ba Gang...sâu hun hút mà ánh nắng chan hòa như bức tranh làng quý giá được thời gian ban tặng.



Anh lao vào vẽ, không kể chất liệu gì. Anh vẽ than trên giấy; chì, mực nho, bột màu... anh tạm thời gạt bỏ chất liệu sơn dầu vốn dĩ theo anh nhiều năm sáng tác để nghiền ngẫm mảng bột màu báo cũ. Anh mê những mảng tường rêu phong, những khoảng trời sương sớm trên cánh đồng phơi miến đầy màu sắc, những buổi chiều chạng vạng đong đầy cảm xúc bảng lảng trong tranh anh. Ngõ làng, cổng làng, đình làng, con người... có một màu trầm mặc bởi sự cổ kính nhưng anh đã khoác lên cho làng một bảng màu rực rỡ của bột màu, những mảng trắng xốp mịn, những khoảng tối trong vắt và những mảng chữ hay hình của báo cũ anh cố tình giữ lại trên tranh. Hai chất liệu bột màu và báo cũ như một nhân duyên đẹp để anh tô lên vẻ đẹp ngôi làng cổ quý giá, mà mọi chất liệu khác không hấp dẫn được anh. Sự tan chảy của màu, với màu báo in ghi đậm tạo nên lớp trung gian trong trẻo đầy tính hội họa. Tranh Quốc Thắng như cái gì đó đầy dữ dội về màu sắc, sự gồng mình trong đấu tranh giữ gìn nét đẹp làng đang dần mất đi.


Vẽ về làng cổ, về cái cũ bao thế hệ họa sỹ đã nhào lộn nhưng tranh Thắng đẹp lạ, mới mẻ bởi mảng màu mạnh mẽ nhưng không mất đi nét đẹp cổ kính của kiến trúc làng quê Bắc Bộ ẩn chứa dưới nhiều lớp không gian hình hài kỹ lưỡng đan xen đầy tính đồ họa trong mảng trống dầy đặc hình.
Anh nói: " tôi dùng bảng màu tương phản, màu sắc rực rỡ kết hợp đường nét hội họa để thể hiện tình yêu với làng quê Việt, chứ tôi không tả hiện thực về làng".
____________________
Xem thêm:

2 nhận xét:

Xin mời đóng góp những ý kiến quý báu của bạn!