Chuyện về nhà điêu khắc Phạm Ngọc Lâm

Nguyễn Thị Vân

Ngồi trước mặt tôi là "cây đa, cây đề" trong làng nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Người đàn ông đó đã ngoài 70 tuổi, khuôn mặt như được tạc bằng đá thô nhám, nặng nề, mang đậm chất phong trần với mái tóc đã nhuộm muối tiêu. Nhưng khi tiếp xúc, thoắt chốc, tôi bị Anh chinh phục bởi sức sáng tạo, sự nhiệt tình, một vẻ hồn nhiên thơ trẻ, nhân hậu và tình yêu say đắm cái đẹp. Anh là Hoạ sỹ, nhà điêu khắc Phạm Ngọc Lâm- Người con của Thành phố Hoa phượng. Anh kể về dự định ấp ủ bấy lâu, đó là ước nguyện truyền nghề điêu khắc cho các học trò "cưng" là những trẻ tật nguyền, nạn nhân chất độc Da cam, trẻ lang thang... với ý tưởng kêu gọi các nhà doanh nghiệp hảo tâm mở một trường dạy vẽ, dạy nghề thủ công mỹ thuật cho các em tại Hải Phòng.

 Nhà điêu khắc Phạm Ngọc Lâm (Ảnh: Võ Long)

Yêu đến... tham lam
Nói Phạm Ngọc Lâm tham lam bởi lẽ: con người ấy không bao giờ biết ngừng nghỉ trước nghệ thuật. Anh sinh ra là con nhà nòi, nên điêu khắc dường như là máu thịt và là phần không thể thiếu trong cuộc đời Anh. Thời học phổ thông, Anh nổi tiếng là kẻ lập kỉ lục "lưu ban trong trường" vì cứ học chữ một năm, Anh lại lóc cóc lên Hà Nội học nghề điêu khắc một năm, năm sau quay lại học tiếp. Học vẽ và tập toạng gò những tấm đồng từ thuở nhỏ. Anh đến với nghệ thuật như một thứ "duyên ngầm" mà cho đến bây giờ Anh vẫn không khỏi tự hào về điều đó.
Lỡ ước mơ đại học để vào quân đội, chàng trai mang trong mình ngọn lửa của niềm đam mê hội hoạ và điêu khắc đã biến Tổng cục hậu cần ngày ấy thành lớp học nghệ thuật. Và Ngọc Lâm nghiễm nhiên đã trở thành  thầy dạy lính. Thế là từ đó, ngoài nhiệm vụ hậu cần bộ đội lại có những khoảng thời gian ngồi mày mò nặn, đúc, gò... dưới sự hướng dẫn của thầy Lâm. Những sản phẩm của những nghệ sĩ không chuyên là những bức tranh, bức tượng chân thực về cuộc sống, sinh hoạt của chính các anh. " Nó không lên tới đỉnh cao về kỹ xảo điêu khắc nhưng nó có hồn, đẹp và trong sáng"- Hoạ sĩ Bùi Quang Ánh đã ghi nhận xét như vậy sau khi xem "Triển lãm bộ đội hậu cần" năm 1979.
Mấy tiếng đồng hồ ngồi trong căn nhà 3 tầng, nằm khiêm tốn trong con ngõ nhỏ của Hải Phòng để nghe nhà điêu khắc Phạm Ngọc Lâm nhớ về kỉ niệm. Cảm giác cứ muốn nghe mãi, nghe mãi...Kì lạ! Cái thời chiến tranh loạn lạc và gian khổ ấy không đủ sức dập tắt tình yêu của Anh với nghệ thuật mà dường như còn làm cho nó sôi nổi hơn, mạnh mẽ hơn. Ngày ấy đã là quá khứ rất đẹp trong Anh nên đến hôm nay, mấy chục năm rồi Anh vẫn kể tôi nghe trong niềm hạnh phúc tưởng như vừa mới đến.
Năm 1969, người "thầy giáo" của lính ấy bắt đầu bước vào Trường đại học Mỹ thuật để thực hiện ước mơ trở thành nhà điêu khắc chuyên nghiệp. Làm công việc của một chiến sĩ, Phạm Ngọc Lâm vẫn sống với tâm hồn của một nghệ sỹ, vẫn say mê, vẫn lặn lội tìm kiếm ý tưởng, nguyên liệu và sáng tác.
Thế nên, con đường học tập của anh cũng kéo dài đến năm 1974 vì ngoài một Ngọc Lâm trên giảng đường, vẫn có một Ngọc Lâm lang thang các ngóc ngách của cuộc sống. Năm 1980, Anh mới xin gia nhập vào Hội Mỹ thuật Việt Nam và năm 1984 Anh xuất ngũ để bắt đầu chuyên tâm thực sự vào nghề. Anh cứ nói đùa rằng : "Nhiều khi đôi mắt tham lam quá, khiến đôi tay không kịp đuổi. Nhìn cái gì mình cũng rung cảm, mủi lòng và thấy đẹp". Cái đẹp hình như có "duyên" với kẻ đa tình ấy. Cho nên, suốt gần nửa thế kỉ Anh sống cho nghệ thuật, sống vì nghệ thuật, mà Anh vẫn cảm giác phải sống nhanh, sống vội để kịp làm cho xong những điều ấp ủ.
Khi mái tóc đã ngả màu, nghệ sỹ Phạm Ngọc Lâm vẫn lang thang khắp nơi. Cứ bảo với ai đó là đi chơi cho thanh thản nhưng kì thực, mục đích của Anh vẫn là đi tìm nguồn cảm hứng, tìm đề tài sáng tạo. Đoạn đường đi dài không biết mỏi. Có những lần Anh bảo, chỉ khi nào đồng tiền cuối cùng  trong túi ra đi thì Anh mới trở về nhà. Vậy là dù sao mái ấm gia đình cũng chính là nơi bình yên đối với một kẻ chỉ biết công việc ấy. Bởi nơi đó, có một người vợ rất xinh đẹp lại biết thông cảm với nghề nghiệp của chồng. Chị Phùng Thị Hường (vợ anh) tâm sự: " Nói thật với em, điêu khắc giống như người tình của anh ấy rồi, biết làm sao được. Là vợ, thấy anh vất vả, chị cũng chỉ biết động viên, ủng hộ anh mà dần dần cũng thấy yêu luôn cái nghề của chồng mới lạ chứ".

Người thổi hồn cho hình khối
Ngọc Lâm kể về quá trình sáng tạo một tác phẩm điêu khắc hay gò đồng của Anh không đơn giản. Đầu tiên Anh phác thảo trên trang giấy những ý tưởng. Sau đó, Anh là một "thượng đế" đi chợ mua hàng, chọn những tấm đồng, những thanh gỗ hay những tảng đá... phù hợp. Và cuối cùng Anh trở về với vai trò là một người thợ, đục, đẽo, tạc, gò...Vậy là, những tác phẩm của Phạm Ngọc Lâm không chỉ được vẽ bằng bút, bằng giấy mà còn bằng búa, bằng đục và bằng... lửa.

Voi trường Sơn- phù điêu gò đồng- 200cm x 140cm- năm sáng tác 1999

Chất liệu cho mỹ thuật điêu khắc rất phong phú, nhưng Ngọc Lâm hợp với đồng. Từ những tấm đồng phẳng "lạnh lùng" Anh "thổi hồn" mình vào đó.  Nói ra tưởng chừng như dễ mà lại gian nan vô cùng. Nghĩ ra ý tưởng sáng tạo đã là khó, việc tìm những nguyên liệu cho nó càng khó hơn. Có những tác phẩm, Anh phải " nhặt nhạnh" từ những đồ phế thải, có lúc Anh phải "lọ mọ", phải lăn lộn khắp nơi, tốn nhiều công sức và tiền của. Anh kể một kỉ niệm vui khi Anh lên Hà Nội tìm mua kèn đồng cổ để làm tác phẩm "ban nhạc đồng nát". Đi rất nhiều nơi, ngắm rất nhiều sản phẩm nhưng chưa vừa mắt. Thế rồi tình cờ, Anh lại được đôi vợ chồng không quen, biếu một đôi kèn rất giá trị, chỉ vì thấy thích ý tưởng sáng tạo của Anh. Không phải lúc nào cũng may mắn, có những khi Anh ngồi thẫn thờ tiếc "hùi hụi" vì là kẻ đến sau, có khi phải về tay trắng...
Nhưng nghề của Anh là vậy, nếu chỉ làm để chơi thì nhàn, còn làm để đời, để có một Ngọc Lâm hôm nay thì quả thực phải yêu, phải say và quyết tâm đến cùng. Người bạn đồng nghiệp với Anh- hoạ sỹ Lê Bá Hạnh ngưỡng mộ: "Lâm có sức sáng tạo đáng nể, một nghệ sỹ có tài năng và hắn là một kẻ yêu cuồng tín điêu khắc" .

  Lời của biển- tổng hợp- 175cm x 230cm- sáng tác năm 2003

Trong cuộc đời làm nghệ thuật, tác phẩm của Ngọc Lâm chỉ tính đến hàng trăm nhưng Anh có khá nhiều những tác phẩm ấn tượng và độc đáo. Đó là: "Lời của biển" đạt giải đặc biệt trong triển lãm điêu khắc Toàn Quốc 10 năm (2003). Bức phù điêu gò đồng "Về với cội nguồn" đạt giải Cúp vàng Quốc gia năm 2004. Gần đây nhất là tác phẩm "Dinh dưỡng của trần gian" đạt giải đồng hạng và giải khuyến khích trong Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 2005. Đây là tác phẩm mà Ngọc Lâm cảm thấy tâm đắc và tốn nhiều "chất xám" nhất. Đó là một bức tranh thu nhỏ về một xã hội với tất cả sự" trần tục" của con người trong cuộc hành trình tìm "miếng cơm". Là tác phẩm mà một người Mỹ đã trả tới 30.000 USD nhưng Anh không bán bởi Anh muốn giữ lại làm một kỉ vật gia truyền trao cho cô con gái cưng: Lâm Phương (ca sĩ giọng hát hay toàn quốc năm 1998 được nhiều người biết đến với bài Chảy đi sông ơi  nhạc của Phó Đức Phương).

Điều đặc biệt khi xem tác phẩm của Ngọc Lâm đó chính là chất nhân văn toát ra đằng sau vẻ "lạnh lùng" của những tấm đồng đã được "luộc" qua lửa. Có những khi Anh xót xa trước cuộc đời với "Nỗi đau nhân thế", lại có lúc chạnh lòng trước kiếp hồng nhan "Hạt phù sa". Và rồi có khi là niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống trong "Ban nhạc đồng nát", "Bước tới tương lai", hay sắp tới là "Cung đàn muôn thuở"... Xem tác phẩm của Ngọc Lâm, khán giả như được chiêm nghiệm về triết lý cuộc đời: bức tranh sinh động của một xã hội rất thực từ những chất liệu vô tri, vô giác tạo nên. Đặc biệt, trong dịp đầu hè năm nay, họa sĩ Phạm Ngọc Lâm qua mối quan hệ quen biết đã mời được các nhà điêu khắc quốc tế đến Đồ Sơn tham gia Làng sáng tác điêu khắc tại Công ty cổ phần du lịch quốc tế Hòn Dấu. Tại đây anh đã cùng các đồng nghiệp các nước sáng tác khá nhiều tác phẩm kỷ niệm lại cho Hải Phòng. Riêng với anh đó là một tác phẩm để đời: Giọt nước mắt của biển. Thể hiện trên chất liệu đá mặt người đàn bà ngước lên trời, chiếc cằm vươn cao hứng những giọt nước mặn mòi của biển cả. Tác phẩm của Anh được đánh giá cao và giành được giải thưởng lớn, được đặt ở vị trí trang trọng trong công viên nhìn ra biển Đồ Sơn.

Nước mắt của biển - Đá (Khu du lịch quốc tế Hòn Dáu, Đồ Sơn)

Chia tay với nghệ sĩ Phạm Ngọc Lâm - con người vẫn còn đầy chất lính, trong một chiều hạ chìm trong màu hoa đỏ nhức nhối. Anh lại tiếp tục lang thang với lũ trẻ phố, đa tình với nàng tiên bí ẩn - nghệ thuật điêu khắc ở đâu đó. Thành phố Cảng oi bức đang khát những cơn gió biển. Cầu chúc cho dự định mở trường dạy nghề cho trẻ khuyết tật của anh sớm thành hiện thực
-------------
Theo "Tạp chí Hướng nghiệp" 

Chân dung nghệ sĩ: