Họa sĩ Vũ Thanh Nghị

Cái tên Vũ Thanh Nghị không xa lạ với những người học tại trường Đại học Mỹ thuật Hà nội cuối những năm 90. Năm 1998, anh tốt nghiệp xuất sắc thủ khoa Khoa Hội họa. Ra trường, anh “lặn” một hơi dài, đúng 10 năm, dạy vẽ kiếm sống và chiêm nghiệm đời sống hội họa của cá nhân. Để “xuất đầu lộ diện”, trong một năm mà bày liền hai triển lãm cá nhân, là điều vốn họa sĩ chuyên nghiệp cũng rất khó làm…

Họa sĩ Vũ Thanh Nghị

Vũ Thanh Nghị sinh ngày 8/8 năm 1972 tại Hải Phòng, là một họa sĩ trẻ, mà theo lời anh, sau nhiều năm tiêu tốn thời gian để sống nay đã muốn sống chỉ để làm nghệ thuật đích thực. Vũ Thanh Nghị đặc biệt tự tin về kỹ thuật tạo hình và nghệ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu. Anh bày tỏ: “Tranh của tôi là sự điêu khắc bằng sơn dầu, đục đi những phần thừa và để lại những khoảng trống. Trong tranh, tôi inox hóa những hình thể, nó như cấu tạo của đồ đạc trong cuộc sống hiện nay với kết cấu chặt chẽ, lạnh lùng và khiến cho con người cảm thấy ồn ào, căng thẳng, bứt rứt, méo mó”.

Tranh của Vũ Thanh Nghị thoạt đầu khiến người xem cảm thấy nghịch mắt, thấy ngỡ ngàng vì anh inox hóa mọi chi tiết của sự sống, từ đồ vật đến con người. Nhân vật trong tranh của anh như một đống linh kiện được họa sĩ tháo rời rồi lắp ghép một cách ngẫu hứng với nhau. Trong đó, module chủ đạo là cấu trúc hình “cái bầu”. Dường như họa sĩ tư duy hình ảnh dựa trên những biến thể của cái bầu. Anh “bầu hóa” từ tấm lưng, bắp chân người phụ nữ, khuôn mặt, thân hình cho đến đôi quang gánh, thế nên người xem được thoải mái phiêu lưu tới những nơi mà trí tưởng tượng đưa họ đến. Đó cũng chính là Cuộc dạo chơi của tâm hồn họa sĩ. “Cái bầu” là từ mà họa sĩ dùng để (tạm) gọi một motiv tạo hình trở đi trở lại trong tranh của anh. Nó gây ấn tượng đặc biệt bởi một kỹ thuật tạo hình điêu luyện và một sự tự tin về kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu của họa sĩ.

Thoạt tiên, cái motiv này khiến cho nhân vật trong tranh của anh thô cứng và rất “robot”, trông giống như là những cái bình bằng inox cắt làm đôi. Nhân vật trong tranh như hiện ra từ một thế giới hoàn toàn xa lạ, một thế giới chỉ có trong tưởng tượng trẻ thơ hoặc trong một nỗ lực đặc biệt kiến tạo nên một thế giới khác loài người của những nhà khoa học. Các nhân vật đều đang trong tư thế hoạt động song sự “cứng nhắc người máy” đó lại đem đến cảm giác như thể họ đứng lặng im, hệt những mẫu tạo hình đồ chơi…

Nhưng chính cái cảm giác đầu tiên kỳ khôi ấy lại là một thử thách người xem, dẫn họ đi sâu hơn vào một thế giới huyền hoặc bên trong cái bầu. Dù trên bề mặt tạo hình, cái bầu đó là gì đi nữa, thì nó đều có rất nhiều màu đen ở phía miệng, để gợi những mảng màu tạo hình và đồng thời gợi ra một thế giới sâu hút, mê hoặc của trí tưởng tượng. Nó như một cái hố đen mà một đứa trẻ có thể dán mắt vào đó rất lâu để tưởng tượng ra tất cả những gì bên trong đó, một niềm vui, một nỗi sợ hãi, một thế giới ma quỷ hoặc thần tiên, có thể là cả vô vàn hình ảnh giấc mơ hàng đêm…

Họa sĩ vẽ con người trong cuộc sống hiện nay với kết cấu chặt chẽ, lạnh lùng như những sản phẩm công nghiệp. Nó khiến cho con người cảm thấy ồn ào, căng thẳng, bứt rứt, méo mó. Người xem phải kiếm tìm sự bình lặng nội tâm như một phản xạ ngược lại những gì nhìn thấy trong tranh… Sự cân bằng nội tâm đơn giản là vậy; một trạng thái đi ra khỏi chính mình để nhìn lại mình.

Vũ Thanh Nghị đã vượt qua được kỹ thuật tuyệt đỉnh của hình họa

 Họa sĩ nhuần nhuyễn trong việc xử lý ngôn ngữ tạo hình hòa quyện giữa hai trường phái lập thể và siêu thực. Những nhân vật trong tranh của anh vì thế vừa có vẻ gần gụi vì dáng vẻ quen thuộc của họ vừa rất xa cách, như từ một thế giới mộng tưởng nào đó hoá thân. Để nắm được kỹ thuật tạo hình của hai trường phái kia, chắc hẳn họa sĩ không hề nhàn hạ chút nào trong công việc. Song cái thế giới tưởng tượng quá ư phong phú và rất trẻ thơ kia của anh đã kéo anh đi thật xa, để anh được hoàn toàn thoải mái, tự do trong thế giới ấy khi cùng lúc phải làm việc cật lực với kỹ thuật vẽ tranh của mình.  Vũ Thanh Nghị còn làm được một điều đặc biệt: Anh đã vượt ra khỏi giới hạn vẽ tranh nệ thực và mô tả hiện thực. Vượt ra khỏi giới hạn ấy, anh đã có thể ung dung trình bày một cách nhìn thế giới khác của bản thân mình; đó là một hiện thực khác của đời sống thường nhật được hình thành nên từ một trí tưởng tượng phong phú song không hề duy mỹ mà trái lại, có phần đượm những âu lo về đời sống.
-------------
Xem Tranh của họa sĩ Vũ Nghị

Chân dung nghệ sĩ: