Tìm lại tên cho gốm

Đặng Giang

Đó là câu chuyện của những người trẻ đang miệt mài gây dựng lại nghề gốm ở làng gốm Dưỡng Động, xã Minh Tân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Trải qua bao biến cố, vùng đất từng một thời vang danh với nghề gốm truyền thống này đã có lúc đứng bên bờ vực bị thất truyền và xóa sổ hoàn toàn. Nhưng với mong ước làm hồi sinh lại một làng nghề, họ đã làm nên một bức tranh gốm và câu chuyện mang tên Vũ Mạnh Huy và Nguyễn Viết Thắng.

Từ xa xưa, vùng đất bãi nằm ven con sông Giá - một chi lưu đổ ra cửa Bạch Đằng đã được thiên nhiên ban tặng chất đất dẻo quánh có cái tên rất gợi là “trúc thôn hoa đào” - loại đất chỉ có thể lấy được ở các “đượng”, tức các cồn nổi giữa dòng sông Giá, có thể tạo màu tự nhiên mà không cần pha trộn.
Lớp trước truyền lớp sau, tên tuổi gốm sứ Dưỡng Động ngày càng được khẳng định. Khu vực làng gốm còn được đặt cho một cái tên khác cũng rất “gốm”: Xóm Lò! Người làng gốm tự hào với nghề, tự hào với chất lượng của từng sản phẩm mang xuất xứ quê mình. Trong chiến tranh, các nghệ nhân gốm đã cùng nhau chia sẻ nghề riêng, cùng thành lập Hợp tác xã (HTX) gốm sứ Minh Khai, tạo ra các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao như đồ gốm, sứ gia dụng, gốm sứ trang trí và cả ống thoát nước phục vụ cho các công trình xây dựng.
Nghề gì rồi cũng có lúc hưng lúc mạt, gốm Dưỡng Động kém may nên không thoát khỏi quy luật ấy. Đầu những năm 1980, cũng giống như các làng nghề khác, gốm Dưỡng Động không địch nổi sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại đến từ thị trường Trung Quốc, sản phẩm ống nước cũng được thay thế bằng các nguyên liệu tiện dụng hơn, hoạt động của HTX Minh Khai cũng vì thế mà tan rã. Dân xóm Lò chẳng còn cách nào khác là bám vào mấy sào ruộng khoán ít ỏi, hoặc bỏ lên thành phố làm thuê hoặc sang xã bạn làm nghề thổ mộc.
Là một người được sinh ra và lớn lên cùng gốm, khi đôi bàn tay biết nhào đất, tạo hình thì cũng là lúc những lò gốm cuối cùng dần bị phá bỏ, Vũ Mạnh Huy luôn đau đáu một quyết tâm từng bước hồi sinh nghề gốm truyền thống. Sinh năm 1972, nhưng người nghệ nhân trẻ này đã có 17 năm lăn lộn tại nhiều làng nghề gốm sứ nổi tiếng như Bát Tràng, Phù Lãng để cùng trao đổi kinh nghiệm với bè bạn và học hỏi thêm những phương pháp mới. Năm 2003, anh trở về quê hương, bắt đầu gây dựng cơ sở sản xuất gốm, sứ tại địa phương theo mô hình gia đình. Thời gian đầu, anh mượn lại cơ sở vật chất của HTX Minh Khai, mua sắm đồ nghề, xây dựng lò nung gốm sứ theo phương pháp thủ công, mời những người có tay nghề, còn tâm huyết với nghề hợp tác cùng phát triển sản xuất, rồi dần dần xây dựng một hệ thống nhà xưởng của riêng mình.
 “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, ước mơ tìm lại tên cho gốm cổ Dưỡng Động của Vũ Mạnh Huy được nhiều bạn bè ủng hộ. Một trong số đó có họa sỹ điêu khắc Nguyễn Viết Thắng, người đã “chung lưng đấu cật” cùng anh Huy nhiều năm trên con đường khôi phục lại nghề cũ. Là một nghệ sỹ có nhiều năm làm việc cho các công ty gốm sứ mỹ nghệ có tiếng, chuyên sáng chế mẫu mã, sản phẩm mới phục vụ nhu cầu của bạn hàng nước ngoài. Có thể nói, thế mạnh của Nguyễn Viết Thắng là mỗi sản phẩm anh tạo ra đều có đường nét riêng, hình thái điêu khắc cũng tạo được nhiều dấu ấn khác biệt. Hiện, người họa sỹ trẻ này cũng đang ấp ủ dự định cùng với nghệ nhân Vũ Mạnh Huy tạo được một bộ sản phẩm độc đáo mang thương hiệu gốm Dưỡng Động, Minh Tân, tạo nên niềm tự hào về gốm truyền thống của Hải Phòng.
Trò chuyện với họ, tôi đã quan sát rất kỹ để hiểu được nguyên nhân nào đã gắn kết hai tính cách, hai con người này lại với nhau. Nếu Vũ Mạnh Huy nhẹ nhàng, rủ rỉ và mười phần lành lẽ, mộc mạc như đất làng thì Nguyễn Viết Thắng hào sảng tư chất nghệ sỹ, tài hoa với nhiều ý tưởng làm tranh gốm và đồ gốm tinh xảo. Có lẽ niềm đam mê gốm cổ, mong muốn chấn hưng phong trào trang trí gốm đúng chất Việt, không bị ảnh hưởng, lai căng nước ngoài đã là thứ keo bền chặt nhất gắn kết họ.
Vũ Mạnh Huy say sưa chia sẻ với tôi về những điều mà anh đã vỡ ra được trong quá trình làm nghề. Dẫu đã nhiều lần đến thăm các làng gốm nổi tiếng từ Nam tới Bắc, nhưng hôm nay, tôi mới thực sự có dịp được nghe tường tận quy trình làm gốm, mới thấy được để có một chiếc bát, một chén trà hay một lọ hoa, người thợ gốm đã vắt sức mình ra với đất. Từ các “đượng” nổi trên sông Giá, người ta phải đào sâu 1,5m để bỏ đi lớp đất mặt mới có thể lấy được tầng đất phù sa lốm đốm trắng đỏ, gọi là “trúc thôn hoa đào”. Đất này được cho qua máy đùn để loại sỏi nhỏ rồi phơi khô. Khi đất đã tơi thì phải đập nhỏ cho vào ngâm ủ đủ thời gian để đất tan, rồi trang đều cho đất đủ loãng để có thể cho vào lọc. Sau khi lọc kỹ, một lần nữa đất được để lắng rồi lên quả đất, vò kỹ để đẩy không khí ra. Sau từng ấy công đoạn, đất lúc này mới sẵn sàng lên bàn xoay.
 Thời gian đầu lò gốm của anh Huy chủ yếu là làm thủ công, sử dụng lò nung gốm, sứ bằng than, củi..., dần dần, một số công đoạn được thay thế, hỗ trợ bằng máy móc như máy nghiền đất, nghiền men, nghiền màu hay bàn tiện máy... và xây dựng lò nung bằng ga để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Song, họa sỹ Nguyễn Viết Thắng cũng cho chúng tôi biết thêm rằng, các anh luôn tự nhắc nhở bản thân không được quá lạm dụng vào công nghệ mới mà chủ yếu là phát huy tính thủ công cuả nghề truyền thống. Có như vậy, các sản phẩm sẽ không hoàn toàn giống nhau mà lại giữ được hồn gốm Việt, mộc mạc, tinh tế, có chiều sâu và càng nhìn ngắm lại càng thấy ấm áp, gần gũi.
Trước khi chúng tôi ra về, anh Vũ Lê Huy, một nghệ sĩ gốm và sơn mài vội bước ra từ khu chế tác. Khuôn mặt còn lấm màu vẽ, đôi tay còn vương bùn đất nhưng ánh mắt thật sáng và nụ cười đầy tự tin: “Nhờ nhà báo viết giúp rằng, chúng tôi quyết tâm gây dựng lại thương hiệu gốm Minh Tân, để bất cứ ai cầm sản phẩm của chúng tôi lên sẽ phải bật thốt rằng: Ồ, Hải Phòng cũng có những đồ gốm tinh xảo và đẹp thế này sao!”.
Từ câu nói của người thợ gốm ấy, tôi biết các anh đã gắn bó với nhau thành một đại gia đình. Dẫu ở nơi này, thu nhập của họ còn khiêm tốn nhưng họ có chung một chí hướng, một tình yêu, một niềm tự hào về nghề truyền thống quê hương. Chỉ cần có vậy thôi, cũng đã đủ để đặt niềm tin rằng, họ sẽ thành công.
-------------