Sơn mài Hoàng Đình Tài

Phạm Tiến Duật

   Năm vừa qua, Hoàng Đình Tài có tặng tôi một bức ký họa trong chiến tranh, cảnh tôi đang ngồi viết trên một tảng đá và phía dưới là dòng sông Talê chảy xiết trên triền phía tây của dải Trường Sơn. Ấy là khoảng tháng ba năm 1969. Hoàng Đình Tài là người đầu tiên chứng kiến sự ra đời của bài thơ sau đó trở thành bài hát Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây. Chuyến đi ấy chỉ có hai đứa chúng tôi thôi. Suốt chục năm trời trên Trường Sơn Hoàng Đình Tài đã ghi chép được hàng mấy trăm ký họa (các tranh gửi ra Bắc khi ấy anh lấy tên là Hoàng Tài Vị). Cho đến hôm nay, khi triển lãm SƠN MÀI HOÀNG ĐÌNH TÀI được bầy ở cái Cổng trời nối kết hai thế kỷ, tôi giật mình và cảm động thấy bao nhiêu gian khó hiện về ở đằng sau những bức tranh kia. Từ màu xám của khói bom ngày nào đã mơ về màu vàng sáng cung đình này. Từ màu xanh sốt rét và thiếu đói đã ước có cái huyền ảo không nói ra lời này. Vẻ đẹp không chỉ là mục đích của nghệ thuật mà trước hết, đã từng, là mục đích, khát khao của những người chiến sĩ.
   Đã qua lâu rồi cái ngày Trường Mỹ thuật Đông Dương còn tranh luận rằng Sơn mài có phải là tác phẩm nghệ thuật hay chỉ là đồ mỹ nghệ (Bây giờ vẫn còn bài viết của Tô Ngọc Vân cãi nhau với mấy ông Tây, bênh vực cho nghệ thuật đích thực của sơn mài). Nhưng cuộc kiếm tìm con đường đi tới của sơn mài vẫn đang tiếp tục. Chính bởi vậy, các triển lãm chuyên một chất liệu như triển lãm lần này của Hoàng Đình Tài quan trọng biết bao nhiêu.

 Chiều Trường Sơn - Sơn mài của Hoàng Đình Tài

   Hoành tráng và lộng lẫy, kỹ lưỡng và trăn trở. Đó là tám chữ đập vào tôi khi xem triển lãm. Nếu bỏ tên tác giả đi tôi vẫn nhận ra tác phẩm của Hoàng Đình Tài. Phong cách của anh thật rõ. Cái khỏe khoắn này không thấy có trong sơn mài truyền thống. Có lẽ Hoàng Đình Tài được truyền chất khỏe này từ đất Cảng quê anh. (Đã là dân hải cảng, dù là Hải Phòng hay bất cứ nơi nào có cảng thì văn, thơ, nhạc, họa đều có sóng, có gió). Hãy xem lại bức Nắng mà coi. Áo dài là mềm mại, ánh nắng là mềm mại, cánh chim là mềm mại. Thế mà ấn tượng chung vẫn là cái sức sống trỗi dậy, cái ước mơ trỗi dậy không sao kìm hãm được. Kinh Phật Thủ Lăng Nghiêm viết : “Dù mắt ngươi có như chén lưu ly, như cánh hoa sen xanh đặt trên mặt Phật, thì khi ngươi mở mắt ra là ngươi nhìn vào thiên hạ; khi ngươi nhắm mắt lại là ngươi đang nhìn vào chính thân thể ngươi”. Suy rộng ra, người sáng tác cũng vẽ bằng hai trạng huống ấy. Viết bằng mở mắt và viết bằng nhắm mắt. Có nhắm thì mới có chất suy tư. Suy tư là một nét không thể thiếu trong sáng tác của Hoàng Đình Tài. Lấy bức Kiếp người trong triển lãm này làm ví dụ. Chữ kiếp trong kiếp người là chữ nhà Phật, trong tiếng thông tục thì nó hơi đau đớn quá. Hình như câu dịch ra tiếng Anh ở dưới tranh trung tính hơn (Human life). Khoảng sáng nhất là dành cho người làm nghệ thuật, khoảng chìm sâu là đủ loại công việc mà đời người phải làm. Trên đầu có nhân vật có ba hình tượng như ý niệm vốn có của người Việt ta từ nghìn xưa: một vầng sáng của lý tứ, một hình Phật của tâm linh và đường tới sao Thần nông của sự lam làm. Đến bức tranh Dòng sông thì khả năng trừu tượng còn được nâng lên một bước nữa. Cái chuyển động của màu vàng sáng trong tranh này làm tôi như bị ám ảnh. Cái dân tộc và hiện đại ở đây đã hòa quyện một cách nhuần nhuyễn.
Nhưng thôi, tôi không đi vào bình các bức tranh cụ thể nữa. Điều đó để dành cho các nhà chuyên môn. Rằng cái truyền thống đình chùa trong chất liệu, trong màu sắc, Hoàng Đình Tài giữ cái gì, tôn cái gì. Rằng về màu, về mảng, về nét, về bố cục, về kỹ thuật Hoàng Đình Tài thêm được nhưng gì. Nhân đây, tôi cũng mong Hội Mỹ thuật Việt Nam, sau mỗi triển lãm như triển lãm này rất nên có những cuộc hội thảo đi kèm thì tính nghiệp vụ của Hội càng được tăng cường và đẫy cũng là dịp quảng bá cho công việc nghệ thuật.
   Xem xong triển lãm này tôi thấy vừa vui cho Tài, vừa lo cho Tài. Đầu tư cho chừng ấy tranh, ngoài tâm linh, trí tuệ và tài năng còn phải đầu tư tài chính nữa. Lạy giời cho Hoàng Đình Tài bán được tranh để có thể tái đầu tư vẽ tiếp. Chúc anh và các họa sĩ đồng nghiệp của anh thành công.
-------------