Họa sĩ Trịnh Thái lớn lên trên đất cảng Hải Phòng. Ông từng nghe cha mình kể lại rằng, ông biết xé giấy dán tranh trước khi biết đọc chữ A,B,C. Có lẽ, bởi sớm phát hiện được năng khiếu của con nên cha ông đã cho ông đi học vẽ từ rất sớm. Chính cha ông là người đã đưa ông lên Hà Nội để thi vào Trường đại học Mỹ thuật. Ngày ông đỗ vào trường, cha ông mừng khôn xiết vì dường như những ước mong của cha con ông sắp đến ngày gặt hái.
Có một họa sĩ, người mà tên tuổi của ông đã được những người
trong giới ghi nhận bởi sự cẩn trọng, chi chút và yêu nghề. Ông là Nguyễn Trịnh Thái, họa
sĩ thiết kế của những bộ phim đã đi vào lịch sử điện ảnh nước nhà như: "Vĩ
tuyến 17 ngày và đêm", "Biệt động Sài Gòn", "Mẹ vắng
nhà", "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn", "Vụ án đêm cuối năm",
"Câu chuyện làng dừa", "Ngày lễ thánh", "Săn bắt
cướp", "Khách ở quê ra"...
Quán cà phê ngõ Hàng Hành ở phố cổ Hà Nội là địa chỉ mà bất
kể sáng nào, dù nắng dù mưa, họa sĩ Nguyễn Trịnh Thái cũng phóng xe máy từ khu tập
thể Thành Công tới ngồi nhâm nhi ly cà phê đen đá. Ở đó, có khi ông gặp những
người bạn quen hồi làm việc ở Hãng Phim truyện Việt Nam cùng ngồi tán chuyện,
có khi ông chỉ ngồi một mình nhìn phố xá đông đúc người xe qua lại, để cái cảm
giác cô đơn vợi đi chút ít trong tâm hồn người đàn ông ngót 70 tuổi sống một
mình quá lâu trong căn nhà toàn tranh là tranh.
Họa sĩ Trịnh Thái sinh ra và lớn lên trên đất cảng Hải
Phòng. Ông từng nghe cha mình kể lại rằng, ông biết xé giấy dán tranh trước khi
biết đọc chữ A,B,C. Có lẽ, bởi sớm phát hiện được năng khiếu của con nên cha
ông đã cho ông đi học vẽ từ rất sớm. Chính cha ông là người đã đưa ông lên Hà
Nội để thi vào Trường đại học Mỹ thuật. Ngày ông đỗ vào trường,
cha ông mừng khôn xiết vì dường như những ước mong của cha con ông sắp đến ngày
gặt hái. Con đường làm nghệ thuật đang trải rộng trước mắt thì đùng đùng,
Nguyễn Trịnh Thái rẽ ngang vào điện ảnh. Ông tiếp tục thi vào Trường Sân khấu -
Điện ảnh, chọn làm một công việc mang tính tập thể là... lang thang cùng các
đoàn làm phim nay đây mai đó để tìm bối cảnh cho những bộ phim.
Ông bảo rằng, vẽ là công việc tự thân, khi đã có năng khiếu,
có niềm say mê, có nghề thì bất kể tuổi nào cũng làm được, còn đi làm phim là
cơ hội không phải lúc nào cũng đến với mình. Kể từ ngày ấy, Nguyễn Trịnh Thái say
mê đọc các tập kịch bản văn học, kịch bản phân cảnh, cùng trao đổi ý tưởng hình
thành bộ phim với đạo diễn.
Ông tâm sự: "Đạo diễn sẽ phải trình bày cách thể hiện,
cùng trao đổi, xây dựng cá tính nhân vật cùng họa sĩ thiết kế. Ví dụ một nhân
vật nam nóng tính thì sẽ sử dụng những màu có vẻ thô kệch một chút, sử dụng những
màu nóng, kiểu dáng trang phục hơi thô ráp... Để làm nổi bật tính cách nhân vật
này, kinh nghiệm của họa sĩ thiết kế là vô cùng quan trọng. Họ sẽ cùng đạo diễn
"phát hiện" ra nét chính nhất của nhân vật, gắn họ với số phận và
thực tế cuộc sống để các cảnh quay thuyết phục hơn.
Một trong những khâu vất vả nhất trong công đoạn thiết kế
bối cảnh cho một bộ phim là đi chọn cảnh. Một ngày, đạo diễn và họa sĩ thiết kế
có thể đi đến vài chục hoặc hàng trăm cây số để tìm ra những cảnh phù hợp để
đặt máy. Có những bối cảnh họ không sử dụng được cho phim của mình nhưng việc
đi thực tế sẽ cho họa sĩ thiết kế, đạo diễn rất nhiều tư liệu quan trọng về
cuộc sống thường nhật. Trong quá trình này, những cảnh đã được hoạch định trên
giấy có thể được sửa đổi. Không thể đưa chiếc xe ôtô của những năm 40 vào một
bộ phim miêu tả cuộc sống cách đây 10 năm hay ngược lại. Khó nhất là dựng bối
cảnh cho phim lịch sử, họa sĩ thiết kế buộc phải làm công việc tìm hiểu cực kỳ
khó nhọc và cẩn trọng. Chẳng hạn như hồi làm phim về Lực lượng Công an:
"Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn", đích thân tôi cùng đạo diễn
Nguyễn Khắc Lợi phải đến gặp Thượng tướng Trần Văn Trà, nhà văn Lê Tri Kỷ để
xin gặp gỡ nhân chứng rồi tìm hiểu cụ thể các chi tiết về trang phục, cách đi
lại, nói năng của từng đối tượng, từ lính ta, lính ngụy, cho đến lính Tây hay diễn
biến của từng trận chiến đấu để dàn dựng làm sao cho bối cảnh phù hợp.
Tôi nhớ nhất là hồi làm phim "Biệt động Sài Gòn".
Hôm ấy quay cảnh người của ta đánh bom địch ở khách sạn Caraven. Thực ra, khi
hòa bình lập lại, khách sạn này vẫn còn nhưng đã đổi tên thành "Độc
lập". Để phản ánh chân thực lịch sử, chúng tôi phải tạo được bối cảnh như
những năm thuộc địa. Tôi thuê một nhóm bạn của mình thiết kế chữ
"Caraven" kiểu cổ với kích thước khổ lớn 2x3m. Chúng tôi đã mời đến
trường quay (chính là tầng 1 khách sạn Độc Lập) các kỹ sư dầu khí của Nga, quần
áo chỉnh tề để vào vai lính Mỹ và hơn 500 vai quần chúng chờ sẵn để đến khoảng
5h chiều thì bắt đầu bấm máy. Lúc đó, tôi vẫn chưa thấy các ông bạn
"vàng" của mình mang chữ đến. Gọi điện thì nhận được câu trả lời rất
phũ phàng: "Bọn tao tiêu hết tiền rồi, nên không đủ tiền làm chữ cho mày
nữa!". Tôi nghe như sét bên tai, nhưng không biết làm cách nào, mình
tin bạn thì phải chịu thôi. Lúc đó, chỉ còn cách tôi phải bỏ tiền túi và chạy
ra mấy cửa hàng cắt chữ xốp và xì sơn lên để kịp gắn biển quay đại cảnh. Lần
đó, tôi được phen hú vía mà giờ nghĩ lại, vẫn thấy chưa hết…sợ!".
Đối với họa sĩ Trịnh Thái, tuy làm nhiều phim nhưng với
những thành công của phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" (Đạo diễn Hải
Ninh), một trong những bộ phim đã trở thành mốc son của điện ảnh nước Việt Nam,
đã mang lại cho ông nhiều niềm hạnh phúc ngoài sức tưởng tưởng. Với ông, đây là
bộ phim khó nhất vì phải tái hiện cả một khung cảnh chiến tranh giữa bờ Nam, bờ
Bắc ngay trên mảnh đất hòa bình. Tạo được bối cảnh cho hiện thực là vô cùng vất
vả và đòi hỏi người họa sĩ phải suy nghĩ rất nhiều để tìm ra một cách xử lý phù
hợp.
Ông kể: "Tôi nhớ nhất vào một sáng sớm mùa đông quay ở
Hải Hậu (Nam Định), trời rét cắt da cắt thịt, đạo diễn Phạm Văn Khoa mời những
người bạn văn của mình là nhà văn Nguyễn Tuân và nhà văn Kim Lân từ Hà Nội xuống
xem diễn. Vì lạnh quá, các nhà văn phải vừa quấn chăn bông lên người vừa xem,
còn nghệ sĩ Trà Giang vẫn phải lội xuống nước để quay cảnh gặp chồng. Rất may
là cảnh đó chỉ diễn một đúp đã hoàn thành, nếu không, chắc nghệ sĩ Trà Giang
không chịu nổi... Buổi sáng đó, khi đã quay xong, chúng tôi ngồi cạnh nghe lỏm
các cụ nói chuyện với nhau, các cụ khen diễn viên diễn tốt, đạo cụ và bối cảnh
phù hợp, rất thật. Các anh chị em trong đoàn cứ âm ỉ sướng. Bởi vì hồi đó, được
các cụ nhà văn như Nguyễn Tuân, Kim Lân mà khen thì còn gì bằng!".
Thống kê các phim mà NSƯT Nguyễn Trịnh Thái đã làm họa sĩ
thiết kế có lẽ khó mà nhớ hết. Bản thân ông, ông tự nhận mình chỉ đơn giản là
một người yêu nghề và luôn cố gắng không để bất cứ một sai sót nào thuộc về chuyên
môn của mình mà lại ảnh hưởng tới cả một tập thể. Trên thực tế, cuộc đời làm
phim nay đây mai đó đã mang lại cho cuộc sống của ông nhiều điều thú vị. Đó là
những hôm đạp xe đi thực tế dưới đạn bom cùng những người bạn như đạo diễn Bạch
Diệp, đạo diễn Vũ Phạm Tuân, vui, hăng say và không hề ngại ngần tới những hiểm
nguy đang rình rập. Có những hôm, đang đi thì có tiếng máy bay trên đầu, cả ba
người vứt xe sang một bên, nằm im không nhúc nhích. Lần khác thì cả ba lại lao
xe xuống ao, chờ máy bay bay qua mới nhờ bà con vớt xe, đỡ người lên mặt đất.
Ấy vậy mà đã mấy chục năm trôi qua.
Giờ đây, những người ở thế hệ ông đã mỗi người một số phận.
Với Nguyễn Trịnh Thái, nghề nghiệp đã mang lại cho ông những danh hiệu, những
giải thưởng và những niềm vui, nhưng cũng lấy đi của ông không ít những nghĩ
suy, trăn trở. Ông bảo, ông có hàng trăm người bạn tốt, nhưng giờ đây, ở tuổi
70 lại không có một người đàn bà bên cạnh để đỡ đần sớm tối. Ngày hai bữa ông
tự nấu ăn cho riêng mình rồi lại tìm niềm vui trong cậy cọ vẽ. Ông còn hát một
câu nhạc Trịnh Công Sơn rất quen thuộc như đã là câu cửa miệng để an ủi chính
mình: "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ"...
Thực ra, tìm hiểu lâu tôi mới biết, một trong những lý do
khiến ông hay ngồi ở quán cà phê ngõ Hàng Hành bởi vì đây là nơi chôn sâu bao
kỷ niệm của mối tình đầu, cũng là mối tình đã làm ông mất thăng bằng trong nhiều
ngày tháng khi người tình của ông đã vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng vì một
căn bệnh hiểm nghèo. Đó là mối tình đẹp giữa ông và cô gái đóng O Thắm trong
phim "Rừng o Thắm" (Đạo diễn Hải Ninh). Ông là một họa sĩ đa tình
nhưng cũng rất đa đoan. Ông luôn hướng tới cái đẹp nhưng cũng có lòng yêu thủy
chung son sắt. Ông là người biết cẩn trọng tính toán cho từng chi tiết, đạo cụ,
bối cảnh để phù hợp với từng bộ phim khác nhau, nhưng lại không biết tính toán
cho cuộc đời mình, dù ông như cái đồng hồ báo thức vẫn luôn dậy vẽ từ 5 giờ
sáng rồi lại bắt đầu lúc 3 giờ chiều để chuẩn bị cho triển lãm tranh lần thứ
14. Ông bảo, trong tình duyên, ông không phải là kẻ cầu toàn nhưng bị... giời
đày nên mới đa tình, đa đoan, cứ mải miết đi tìm và càng tìm càng thấy... vô
tận. Ở tuổi 70, ông khẳng định rằng, dù không còn trẻ nữa, nhưng nếu tìm được một
cô gái ông yêu và yêu ông thật lòng, ngay lập tức, ông sẽ cưới làm vợ!
Theo "Văn nghệ công an"
Các bài viết khác: